Trong vài ngày qua, trên cộng đồng Facebook có lan truyền
một bài viết với nội dung chỉ trích việc phát động biểu tình là “lợi dụng lòng
yêu nước”. Xét thấy bài viết phạm quá nhiều lỗi lập luận, tôi xin được dành
entry sau đây để phân tích về sự ngụy biện, phi logic của nó.
Điều đầu tiên và thông điệp cuối cùng tôi muốn nói trong
khuôn khổ entry này, là sự cần thiết phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự
do biểu đạt của công dân. Do vậy, mặc dù entry nhằm chỉ ra các lỗi ngụy biện
của tác giả, nhưng tôi hết sức tôn trọng quyền của tác giả được bày tỏ ý kiến
về các cuộc biểu tình ở Việt Nam.
Cũng cần nói thêm, không phải không có những điều tôi đồng ý và chia sẻ quan
điểm với tác giả, nhưng đó là chuyện nằm ngoài bài viết dưới đây.
“Thứ nhất, động thái khiêu khích vừa rồi của Trung Quốc nằm
trong chuỗi các động thái với mưu đồ độc chiếm biển Đông và “nắn gân” các nước
có tranh chấp rất tinh vi. Tuy nhiên, cách thể hiện sự khiêu khích của Trung
Quốc chỉ là những lời tuyên bố. Theo thông lệ Quốc tế, hành xử của Việt Nam trước sự
khiêu khích này không thể nào khác hơn ngoài những tuyên bố phản đối của các Tổ
chức, cá nhân có thẩm quyền và Nhà nước ta đã thực hiện đúng với những gì cần
làm”.
Tất nhiên là trong những sự biến vừa qua, (thật may mắn mà)
sự khiêu khích của Trung Quốc (mới) chỉ là những lời tuyên bố. Và chúng ta
cũng cần hiểu là, từ trước đến nay, ngay cả khi Trung Quốc có những hành động
khác xâm hại đến lợi ích Việt Nam, mà vì một lý do nào đó mà truyền thông Việt
Nam không đưa tin, thì chúng ta cũng đâu có biết. Sự thực rất có thể là nghiêm
trọng hơn dư luận tưởng nhiều, và ngược lại, cũng có thể là nhẹ nhàng hơn nhiều
– đến nỗi chúng ta rất khó có thể khẳng định “sự khiêu khích của Trung Quốc chỉ
là những lời tuyên bố”. Khi không được cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch,
mọi khẳng định về động thái của Nhà nước (dù là Việt Nam hay Trung Quốc) đều có thể là
võ đoán.
Trên thực tế, Trung Quốc đã từng có những hành động thật sự
xâm hại đến lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông, chứ không dừng lại chỉ ở tuyên
bố. Cắt cáp tàu Bình Minh 2, gây rối cáp tàu Viking 2, bắt giữ ngư dân Việt Nam… là các ví
dụ rõ ràng.
Biểu tình là do người dân muốn thể hiện ý nguyện yêu nước
của mình trước hiểm họa lãnh thổ bị xâm phạm. Ở đây chưa cần bàn là Nhà nước đã
làm kịp thời tất cả những gì cần thiết về phía Nhà nước hay chưa, mà đơn thuần
là một số người dân muốn thể hiện quan điểm phía mình. Hai chuyện này độc lập
với nhau, và có thể thực hiện song song, không ai ngáng chân ai cả.
“Trung Quốc tuyên bố lập "thành phố Tam Sa" ở cấp
vùng (Trung Quốc từng có ý định lập thành phố Tam Sa ở cấp huyện, nhưng sau đó
hủy bỏ quyết định trắn trợn này) nhằm quản lý các quần đảo trên Biển Đông, ngay
lập tức, lãnh đạo Khánh Hòa và Đà Nẵng lên tiếng phản đối Trung Quốc, khẳng định
Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không tách rời của Việt Nam. Bộ Ngoại giao
Việt Nam
cũng kịch liệt lên án việc Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam
Sa"”.
Xin tác giả lưu ý: Trung Quốc là một quốc gia, tuyên bố
thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” là tuyên bố của một chính quyền trung
ương. Còn Khánh Hòa và Đà Nẵng là hai tỉnh của Việt Nam. Tuyên bố của hai địa phương
này, xét về mặt quốc tế, là không đủ sức đại diện, không “ngang tầm” chính
quyền Trung Quốc. Chỉ có Bộ Ngoại giao (trở lên) mới có tiếng nói tương đương
đối phương, ở trường hợp này. Ngoài ra, còn một cách khác là nhân dân Việt Nam cùng thể hiện ý chí phản đối, chẳng hạn thông qua việc biểu tình.
“Như vậy là đã rõ, hành động của Trung Quốc cũng chỉ là hành
động khiêu khích bằng tuyên bố của 1 đơn vị kinh tế của Trung Quốc”.
Nhưng đơn vị kinh tế đó là một doanh nghiệp nhà nước, chứ
không phải là một công ty tư nhân. Trong mô hình kinh tế của Trung Quốc và Việt
Nam
thì doanh nghiệp nhà nước bao giờ cũng gánh vác nhiệm vụ chính trị và chịu sự
quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Tuyên bố của “một đơn vị kinh tế” trong trường
hợp này không đơn giản chỉ là của một công ty. Bản thân ông Đỗ Văn Hậu, Tổng
Giám đốc của PetroVietnam, cũng đã khẳng định: “Việc làm này chắc chắn là có sự
tham gia, đồng ý của Chính phủ Trung Quốc”.
“Phản ứng của Chính phủ Việt Nam là hoàn toàn kịp thời, đúng quy
định và hiện nay cũng chẳng có và sẽ chẳng có bất cứ công ty nước ngoài nào
nhận lời mời thầu phi pháp trên của Trung Quốc”.
Có thể tác giả đúng mà cũng có thể sai hoàn toàn – lập luận
như thế này đơn giản là không đủ thuyết phục. Nếu trình bày như tác giả, rằng
“sẽ chẳng có bất cứ công ty nước ngoài nào nhận lời mời thầu phi pháp trên của
Trung Quốc”, thì chỉ là một khẳng định chủ quan. Thêm nữa, cứ giả sử là sẽ
không có công ty nào nhận lời mời thầu của Trung Quốc, thì cũng lấy đâu ra căn
cứ để nhận định họ không nhận lời vì họ cho như thế là phi pháp hoặc vì họ thấy
“Chính phủ Việt Nam phản ứng hoàn toàn kịp thời, đúng quy định”?
Nếu muốn chứng minh, có lẽ tác giả nên sử dụng những lập
luận vững chắc hơn, ví dụ chỉ ra rằng trong lịch sử dầu khí quốc tế, các công
ty không có tiền lệ khai thác ở những vùng còn trong trạng thái tranh chấp. Và
cũng cần phải xác định rõ rằng, ngay cả việc Trung Quốc biến một địa điểm hoàn
toàn nằm trong thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam thành “vùng tranh chấp”,
nếu chuyện này xảy ra, cũng là một thành công của Trung Quốc, và rất nguy hiểm
cho Việt Nam. Giả sử hậu quả xảy ra sau hành động mời thầu 9 lô dầu của Trung
Quốc, là nhiều công ty dầu khí quốc tế tưởng rằng khu vực này là vùng biển
tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc, thì lúc đó, ta có thể nói rằng tác giả
đã “mất cảnh giác” không?
Không có gì đảm bảo rằng “sẽ chẳng có bất cứ công ty nước ngoài
nào nhận lời mời thầu phi pháp trên của Trung Quốc”. Đó là chuyện của tương
lai, không thể khẳng định vô căn cứ như vậy. Muốn đảm bảo được điều đó, ít nhất
cũng cần phản ứng đồng bộ của Nhà nước và nhân dân, mà biểu tình như một hình
thức “ngoại giao nhân dân” là rất quan trọng (đánh động dư luận trong nước,
quốc tế - xem thêm những phản ứng của Trung Quốc về vụ này).
Mặt khác, như đã nhiều lần được chứng tỏ, phản ứng của Nhà
nước tỏ ra chậm hơn nhiều so với phản ứng của công luận (nhân dân), và phản ứng
của nhân dân khiến Nhà nước có tư thế hơn trên bàn đàm phán. Đó là sự cần thiết
của “ngoại giao nhân dân”.
“Hành động xuống đường phản đối có cần thiết hay không?
Những người yêu nước xuống đường chung với những gương mặt “thích biểu tình”,
thích quấy rối và nhiều gương mặt “có vấn đề” với Chính quyền có đạt được đúng
mục đích ban đầu của lời kêu gọi hay là mục đích khác? Đó chính là sự lợi dụng
lòng yêu nước”.
Đây không gọi là một lập luận, vì nó chủ quan, chụp mũ, và
tất nhiên, hoàn toàn vô căn cứ. Tác giả sử dụng bằng chứng nào để cho rằng tồn
tại những gương mặt thích biểu tình, thích quấy rối? Cứ giả sử rằng có những
nhân vật như thế, thì tác giả cũng phải làm một nhiệm vụ rất nặng nề: Chứng
minh. Bằng chứng, bằng chứng và bằng chứng.
Gương mặt nào “có vấn đề” hay quấy rối, vi phạm pháp luật
thì chính quyền cứ việc xử lý họ (nếu họ có hành vi như vậy). Không thể đưa ra
một tình huống giả định để đánh giá xấu một hành động được tiến hành với mục
đích tốt.
Ở đây tác giả cũng cần thận trọng để tránh lỗi ngụy biện
“Spot Light” (Ánh đèn sân khấu) khi mặc định rằng tất cả các thành viên của một
nhóm nào đó đều giống như những thành viên thu hút sự chú ý của truyền thông
nhất. Tránh lỗi “Slippery Slope” (Cái dốc trơn) khi suy bừa từ một hiện tượng
này sang một hiện tượng khác, không kèm theo căn cứ nào.
Cũng cần phải thừa nhận rằng, mọi cuộc biểu tình đều khó mà
có cái gọi là “mục đích thuần nhất, trăm người như một”. Bản chất của xã hội
loài người là đa nguyên, hay diễn đạt một cách nhẹ nhàng hơn, đa dạng về tinh
thần. Không ai giống ai cả, và trong 100 người cùng tham gia một cuộc biểu
tình với mục đích xác định trước là A, vẫn có thể có 10-20 người ngoài A còn có
thêm mục đích B, hoặc chỉ có mục đích B. Phần đông đi biểu tình vì tinh thần
dân tộc, vì yêu nước, vì ghét bá quyền Trung Quốc. Nhưng vẫn có thiểu số đi vì
những lý do khác: đi để chụp ảnh, đi để quan sát, trải nghiệm, thậm chí không
loại trừ việc đi… cho vui, mấy khi ở Việt Nam có dịp tụ tập đông người.
Và chúng ta đừng quên rằng cũng có những người muốn thu hút
sự chú ý của dư luận đến vấn đề riêng của mình hoặc của tầng lớp nào đó trong
xã hội, mà họ không có điều kiện lên tiếng ở những nơi khác. Do đó, họ buộc
lòng phải tìm đến một sự kiện gây chú ý, để làm cho tiếng nói của mình được
lắng nghe. Chúng ta có thể không thích cách họ “tận dụng”, “lợi dụng” biểu tình
cho mục đích riêng, lợi ích riêng. Nhưng không thể chỉ trích, lên án họ, nhất
là không thể coi họ như một loại người đáng ghét, phải cách ly khỏi các hoạt
động xã hội, nơi tụ tập đông người. Có chăng, phải nhận thấy xã hội Việt Nam rất cần một
cơ chế để mọi thành phần trong xã hội đều được cất lên tiếng nói. Đó là: tự do
báo chí, tự do lập hội, tự do biểu tình, tự do tổ chức họp báo/ hội thảo/ sự
kiện/ viết blog (có thể gọi chung là quyền tự do biểu đạt/thể hiện chính kiến).
“Thứ hai, kết thúc cái gọi là biểu tình, tuần hành ôn hòa,
tôi lướt qua hàng chục trang web: nổi bật lên không phải là sự thỏa mãn của
lòng yêu nước chính đáng mà là sự hả hê của những tổ chức, cá nhân khi đã tập
hợp được một lượng người cần thiết xuống đường để cho thấy “Chính quyền, công
an phải vất vả”, để cho thấy những tổ chức, cá nhân đó có thể hiệu triệu được
mọi người, để có thể “tập dần thói quen phản kháng của người dân với chính quyền”.
Ở đây có một thực tế, là có những người biểu tình (không
biết thuộc “phái” nào, nếu như có tồn tại cái gọi là “phái”) có lồng ghép nội
dung bày tỏ sự bất mãn, hay nói cách khác, sự không đồng tình với chính sách
ngoại giao của Nhà nước. Họ có thể cho rằng Nhà nước cư xử hèn nhát/ kém cỏi
trước bá quyền Trung Quốc. Họ có thể đúng, hoặc sai, nhưng việc làm của họ -
nếu diễn ra ôn hòa như cách họ đã làm - là không có gì sai cả, và không đáng bị
đem ra bêu riếu. Họ có “hả hê”, khoái trá, thì cũng vẫn… chỉ là trên mạng, chứ
họ chưa để xảy ra một vụ bạo loạn, xô xát, hay gây ra thiệt hại vật chất và
tinh thần cho ai (chỉ trừ cho cơ quan công quyền, nếu có).
Cơ quan công quyền – cụ thể là công an – có thể ức chế, tức
giận, điên tiết đấy, nhưng… vẫn phải chấp nhận. Nghe ra thì có vẻ như cơ quan
công quyền phải chịu cái nhìn đầy khắt khe và định kiến từ dư luận xã hội,
nhưng biết làm sao được, bởi vì đó là nguyên tắc; nguyên tắc ấy nói rằng công
an - cảnh sát - an ninh điều tra bao giờ cũng phải là lực lượng gương mẫu, lực
lượng đi đầu tuân thủ luật pháp trong xã hội, và luôn phải nhận phần khó, phần
thiệt về mình trong quan hệ với nhân dân. Vì lẽ họ là lực lượng có đầy đủ sức
mạnh và công cụ để trấn áp, vốn dĩ họ mạnh hơn hẳn nhân dân – nên họ… phải
nhường dân. Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chủ tịch từng dạy công an: “Đối với
nhân dân, phải kính trọng, lễ phép”.
Một ví dụ để so sánh: Có một tầng lớp trong xã hội hiện nay
cũng bị cộng đồng mạng chỉ trích, lên án gay gắt, là giới báo chí, nhất là “đám
phóng viên lá cải”. Các bạn nghĩ sao nếu các nhà báo cũng phản ứng với dân mạng tương tự như công an, tức là đánh, đạp mặt, bẻ tay, bắt bớ, gây khó dễ, gây sức
ép buộc thôi việc, mất nhà trọ v.v.? (Hoạt động báo chí hiện nay ở Việt Nam cũng được
xem như hoạt động công vụ, bằng chứng là có những nhà báo đã bị bắt vì tội “lạm
dụng quyền hạn, chức vụ trong khi thi hành công vụ”). Nói rộng ra, các bạn nghĩ
sao nếu trong xã hội, tồn tại những nhóm công dân được cho, và/hoặc tự cho mình
quyền xâm phạm thân thể người khác, nhân danh “công vụ”?
“Những bài viết ở các trang web, blog, facebook miêu tả việc
bắt bớ, đánh đập, đàn áp, tôn vinh những “ngọn cờ” với những thông tin “thêm
mắm, dặm muối”, mô tả những chi tiết (qua lời kể, thậm chí là trí tưởng tượng
phong phú của một ai đó) đầy rẫy trên mạng, từ đó những dòng phản hồi
(conments) của một số phần tử mang tính bắc cầu (lấy chuyện biểu tình chống
Trung Quốc nói sang chuyện chế độ hiện nay, lấy chuyện yêu nước để đả kích
Chính quyền, Công an…) tiếp tục xuất hiện, càng nhiều, và cuối cùng kết luận
chung của những bài viết này cho buổi sáng hôm nay là “…một chiến thắng của
những công dân Việt Nam trên đường phố Sài Gòn, Hà Nội ngày hôm nay”. Bây giờ
các bạn đã nhận thấy mục đích chính của những kẻ phát động biểu tình lúc này
chưa? Đó chính là sự lợi dụng lòng yêu nước”.
Nếu chính quyền có cách ứng xử thỏa đáng với biểu tình
(không đàn áp, không gây khó dễ trong và sau biểu tình, không có những biểu
hiện phản cảm như khênh người, xô đẩy, đạp mặt, thóa mạ…) thì không ai có thể
xuyên tạc, vẽ rắn thêm chân được. Ở một đất nước bình thường, biểu tình là
chuyện hết sức bình thường. Không ai bảo đi biểu tình là “chiến thắng” cả -
điều đó chỉ có thể xảy ra ở một quốc gia mà quyền thể hiện ý nguyện công dân đã
bị vi phạm tới mức trầm trọng.
Trong lần biểu tình này, những người biểu tình cũng không đề
cập đến việc Trung Quốc tuyên bố mời thầu dầu khí như là nguyên nhân chính yếu
để họ xuống đường phản đối. Với những người yêu nước, có tinh thần dân tộc chủ
nghĩa, thì mục đích của họ là bảo vệ lợi ích quốc gia và phản đối việc một bá
quyền láng giềng đe dọa làm thiệt hại lợi ích đó. Họ có thể bị lợi dụng (cứ giả
sử như vậy), thì nhiệm vụ của chính quyền (nếu có) là ngăn chặn những hành vi
lợi dụng (nếu các hành vi đó có màu sắc bạo lực, đe dọa sức khỏe, tính mạng
công dân), chứ không phải… gộp tất cả vào một rọ, ngăn chặn tuốt, theo cái tư
duy “cùng một công chặn”.
“Thứ ba, những “ngọn cờ” như Bùi Thị Minh Hằng, Kim Tiến,
Huỳnh Thục Vy, Huỳnh Trọng Hiếu, Huỳnh Công Thuận, Juse Lê Duy… nếu đủ tỉnh táo
các bạn có thể nhận ra họ là ai và vì sao họ lại luôn hăng hái xuống đường biểu
tình bất cứ lúc nào miễn có lý do nào đó. Những “ngọn cờ” ấy, nếu chịu khó tìm
đọc trên các trang web (thậm chí là những trang web của các tổ chức phản động
khác nhau ở hải ngoại) cũng có thể vạch trần bộ mặt thật của họ”.
Những người trên có thể đã nhiều lần xuống đường vì những lý
do riêng (và rất có thể những lý do riêng ấy là đúng đắn), nhưng họ cũng có
quyền xuống đường với mọi người vì những mối lo chung của đất nước, dân tộc.
Hai việc này không mâu thuẫn, không loại trừ lẫn nhau. Nếu trong biểu tình, họ
làm gì trái luật (kích động hằn thù dân tộc, kêu gọi bạo loạn…) thì chính quyền
có thể đơn giản là cứ đối chiếu đúng theo luật pháp mà xử lý họ, như đã nói ở
trên.
“Những khẩu hiệu, phát ngôn của họ sặc mùi đả kích chính
quyền, đả kích chế độ nhưng lại mặc màu áo “bảo vệ biển đảo quê hương”. Chính
vì thế, tôi không ngạc nhiên khi thấy những băng rôn kiểu “Hãy hành động xứng
đáng tiền thuế của nhân dân”, “đoàn kết dân tộc, tôn giáo…” xuất hiện, thậm
chí, tôi còn kinh bỉ kẻ đã viết băng rôn “với hình ảnh Ngọc Trinh mang dòng chữ
“đầu hàng Trung Quốc thì cạp đất mà ăn à?”. Đó chính là sự lợi dụng lòng yêu
nước”.
Các khẩu hiệu trên cũng không có gì sai trái. Tùy quan niệm,
mỗi người có thể thích hay không, nhưng ở đây không có sự vi phạm thuần phong
mỹ tục hay là đi ngược lại bất cứ luật định nào.
Biểu ngữ “Hãy hành động xứng đáng với tiền thuế của dân”
không hề sai, nó nêu lên một đòi hỏi hoàn toàn đúng và luôn luôn đúng: Chính
quyền nào mà chẳng phải hành động xứng đáng với tiền thuế của dân? Riêng biểu
ngữ có hình ảnh Ngọc Trinh, người duy nhất có quyền và có đủ tư cách lên tiếng
phản đối là Ngọc Trinh, vì cô ấy không phát ngôn như thế. Mặc dù vậy, biểu tình
– với mục đích cao nhất là đánh động dư luận, gây sự chú ý của Nhà nước và công
luận tới một vấn đề cụ thể nào đó – là lúc để những người biểu tình có thể sử
dụng mọi “chiêu trò” giống như marketing để thông điệp của họ được nổi bật.
Nghĩa là:
- Họ có
thể đi biểu tình nhiều lần, lặp đi lặp lại.
- Họ có
thể giơ cao những biểu ngữ kỳ cục nhất mà họ nghĩ ra được, thậm chí kể cả
biểu ngữ nêu những điều có tính chất chân lý, luôn luôn đúng, như: “Mặt
trời mọc đằng đông, lặn đằng tây”, “Chính quyền phải hành động xứng đáng
với lá phiếu của người dân/ với tiền thuế của nhân dân”, v.v.
- Họ có
thể đến những địa điểm đông người chứng kiến nhất, vào những thời điểm có
đông người tham dự/ quan sát nhất.
- v.v.
Cũng cần hiểu thêm rằng, trong một xã hội, kể cả khi tất cả
mọi người đều thấy hạnh phúc, yêu đời, hài lòng với cuộc sống, mà lại có một
hoặc một số cá nhân cứ biểu tình hoặc viết báo, viết blog bày tỏ sự bất mãn, cứ
chỉ trích chính quyền hèn kém khốn nạn nọ kia… thì những người xung quanh cũng
cứ phải tôn trọng, không được phép khinh bỉ, bôi nhọ họ. Đó chính là biểu hiện
của sự tôn trọng quyền tự do ngôn luận, vốn dĩ bao gồm cả quyền đồng ý lẫn
quyền bất đồng, của đa số cũng như của thiểu số
“Thứ tư, tôi từ Trường Sa về. Suốt 16 ngày ở nơi đầu sóng,
ngọn gió của Tổ quốc, tôi đủ kiến thức và sự tự tin để khẳng định với các bạn
rằng: Việt Nam
chúng ta đang làm rất tốt việc giữ gìn biển đảo quê hương. Chúng ta vẫn tiếp
tục khai thác tài nguyên, khoáng sản, vẫn tiếp tục phát triển kinh tế biển để
làm giàu cho Tổ quốc mà không có bất cứ kẻ ngang ngược nào có thể cản trở”.
Đây là lỗi ngụy biện “lạm dụng quyền lực” (Appeal to
Authority). Nó là kết quả của tư duy sai lầm: Tôi (được) đi Trường Sa, vì vậy
tôi có quyền phát ngôn về mọi chuyện liên quan tới Trường Sa, còn các vị không
(được) đi Trường Sa thì… trật tự!
Câu nói ấy có thể đúng hoặc sai, vì tác giả không đưa ra
bằng chứng nào ngoài tuyên bố chủ quan “tôi đủ kiến thức và sự tự tin để khẳng
định”. Nhưng cứ giả sử câu ấy là đúng với thực tế khách quan (factually
correct), thì nó lại chẳng ăn nhập gì với câu sau, hay nói đúng hơn, câu tiếp
theo đây chẳng ăn nhập gì với nó:
“Vậy thì, thay vì xuống đường, đứng chung hàng ngũ với nhiều
thành phần cơ hội, cải lương, phản động… các bạn trẻ nên dành sức lực ấy làm
việc có ích cho tổ quốc”.
Việc Việt Nam
làm rất tốt nhiệm vụ giữ gìn biển đảo quê hương thì liên quan gì đến việc một
bộ phận người dân vẫn cứ xuống đường để biểu tình, nói lên tiếng nói của họ,
phản đối Trung Quốc?
“Xét về mặt logic, chuyện Nhà nước lo về chủ quyền quốc gia
và chuyện công dân đi biểu tình là hai chuyện khác nhau, không mâu thuẫn với
nhau và không triệt tiêu lẫn nhau. Vì vậy chuyện Nhà nước lo không có nghĩa là
công dân không được lo, càng không có nghĩa là công dân không được biểu tình.
Và chuyện công dân đi biểu tình không có nghĩa là họ không tin tưởng vào sự
lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước như nhiều người ngụy biện” (trích
bài “Về chuyện đã có Đảng và Nhà nước lo” của luật gia - nhà báo Trịnh Hữu Long).
Vấn đề xuyên suốt bài viết của tác giả này, cũng như rất
nhiều bài khác phản đối các cuộc biểu tình, là đặt Nhà nước và người biểu tình
trong thế đối lập nhau và thực hiện mọi suy luận trên tiền giả định đó. Đây là
một tiền giả định sai lầm. Nếu đã sai ngay từ đầu như thế, các kết luận thực sự
không còn ý nghĩa.
“Hãy học thật giỏi, hãy làm việc thật hăng say nhằm có nhiều
điều kiện đóng góp công sức phát triển biển, đảo Việt Nam, hãy suy nghĩ cách
nào đó để lính đảo bớt cực nhọc giúp họ vững tay súng, cách nào đó để ngư dân
bớt khổ giúp họ yên tâm bám biển, hãy đóng góp những gì có thể khi Tổ quốc cần,
như vậy chính là yêu nước”.
Đây là ngụy biện lớn nhất trong bài viết, và cũng rất đặc
thù ở các bài viết khác cùng loại. “Dành sức lực ấy làm việc có ích cho Tổ
quốc”, “học thật giỏi, hãy làm việc thật hăng say nhằm có nhiều điều kiện đóng
góp công sức phát triển biển, đảo Việt Nam”, v.v… không hề mâu thuẫn hay có gì
trái ngược với việc thể hiện lòng yêu nước thông qua biểu tình, vì không thiếu
người biểu tình trong đời thường và công việc vẫn cống hiến hàng ngày cho đất
nước, và bản thân hành động biểu tình của họ cũng đã là một sự cống hiến, thông
qua việc ý thức được trách nhiệm công dân.
Lỗi lập luận này có tên gọi là Red Herring (Cá Trích Đỏ), là
ngụy biện trong đó một chủ đề không liên quan được đưa ra để đánh lạc hướng chú
ý khỏi vấn đề ban đầu. Chủ ý căn bản là để “chiến thắng” trong cuộc tranh luận
bằng cách kéo sự chú ý của mọi người khỏi luận điểm đang bàn luận để chuyển
sang một chủ đề khác.
“Xuống đường chung “chiến tuyến” với những kẻ cơ hội, góp
phần giúp chúng đạt được mục đích hay là suy nghĩ chín chắn để có hành động phù
hợp, các bạn hãy tự quyết định”.
Tác giả phạm lỗi ngụy biện “Khái quát hóa vội vã” (Hasty
generalization). Không phải tất cả những người xuống đường đều là kẻ cơ hội.
Không thể vì vài phần tử xấu (không rõ là ai, và tác giả cũng không có bằng
chứng để buộc tội một cá nhân nào đó cụ thể là phần tử xấu) mà khái quát rằng
cả một tập thể đều xấu, nhất là khi cái gọi là “tập thể” này hình thành mang
tính tự phát, không có tổ chức, không có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Ngoài ra, người yêu nước xuống đường không phải là để cùng
chiến tuyến với những kẻ cơ hội (nếu có), mà chính đó là một suy nghĩ chín chắn
để thể hiện chính kiến yêu nước của mình và thông qua đó, vạch trần bộ mặt
những kẻ cơ hội (bất kể có đi biểu tình hay không).
Cái đáng lo ngại là một bài viết phạm nhiều ngụy biện (lỗi
lập luận) như vậy mà lại có vẻ được nhiều cư dân mạng hưởng ứng, căn cứ số lần
chia sẻ nó. Điều đó chứng tỏ rằng, một bộ phận – có lẽ khá đông đảo – cư dân
mạng Việt Nam,
nhất là các bạn trẻ, không có khái niệm về ngụy biện và không hiểu biết về kỹ
năng tranh luận, văn hóa tranh luận tối thiểu.
Vượt ra ngoài bài viết này, nếu các bạn ủng hộ những nhận
định mang tính thóa mạ, mạt sát người khác, thì còn đáng lo ngại hơn nữa: Bằng
sự ủng hộ đó, các bạn đã thể hiện thái độ tấn công vào quyền tự do ngôn luận,
nói rộng hơn là không tôn trọng con người – đồng bào của bạn, đồng loại của
bạn.