Monday, 6 August 2012

Bản tường trình


Khi viết những dòng dưới đây (và sau đó đánh máy lại rồi đưa lên mạng), tôi chỉ có một mong muốn duy nhất: Làm thế nào để sự ôn hòa, tinh thần duy lý, thượng tôn pháp luật và tôn trọng con người được phổ biến hơn trong xã hội.

Tôi không muốn, rất không muốn nhìn thấy cảnh những người biểu tình bị công an, dân phòng giằng giật, xô đẩy, thậm chí bẻ tay, bóp cổ. Không muốn những người biểu tình giận dữ gọi công an là “chó”, “súc sinh”, “ác quỷ”, “tay sai Trung Quốc”, v.v... Không muốn những người biểu tình bị bôi nhọ, bêu riếu trên phương tiện thông tin đại chúng, hay phải bước đi trên phố trước ánh mắt… căm thù hoặc rất thiếu thiện cảm, của một số người dân thủ đô.

Bên cạnh đó, tôi cũng không muốn nhìn thấy cảnh trời nắng nóng 39 độ C, anh công an trẻ tuổi gục mặt trên bàn, mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ, than thở với tôi: “Mệt mỏi lắm chị T. ơi!”. Bởi vì công an, an ninh đều là người Việt. Và chính quyền cũng được tạo nên từ những con người. Tôi không muốn có ai bị căm ghét, coi như súc vật.

Phải làm sao? Làm sao để sự ôn hòa, tinh thần duy lý, thượng tôn pháp luật và tôn trọng con người trở thành những giá trị chung của xã hội này? Làm sao để không bao giờ còn chiến tuyến, còn sự đối đầu, chia cắt giữa người dân Việt Nam với nhau nữa?

Qua sự vụ 5-8-2012 và những cuộc biểu tình-trấn áp-biểu tình liên miên tại Hà Nội, tôi nhận thấy một số điều: 1. Chính quyền quá lúng túng trong cách cư xử với người biểu tình và cách nhìn nhận về một hoạt động bình thường của đời sống dân sự, là biểu tình; 2. Công an, dân phòng - những người trực tiếp tham gia trấn áp - chỉ là cấp dưới, và họ cũng mệt mỏi, ức chế vì tất cả những gì đang xảy ra.

Vấn đề rất lớn của chúng ta đang nằm ở khâu “chất lượng nhân sự” của chính quyền và đội ngũ tham mưu, cố vấn. Có vẻ như hoạt động tham mưu, cố vấn của lực lượng nào đó vẫn còn mang nặng tính chất “minh họa chủ trương, đường lối”, chứ không hề sát với thực tế cuộc sống. Khoảng cách, hố sâu giữa người dân và chính quyền vì thế mà cứ rộng ra mãi. Đặt những người biểu tình và hoạt động biểu tình vào thế đối kháng với chính quyền ngay từ đầu là một tư duy sai lầm, và dường như cái sự tham mưu nào đó chỉ là để minh họa, cổ vũ thêm cho tư duy sai lầm đó.

Những dòng sau của tôi, vì thế, chỉ muốn đạt tới một mục đích duy nhất. Làm sao gạt hết mọi tị hiềm, thù hận; ứng xử trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng luật pháp, đặt lợi ích chung của đất nước là tối thượng, nhất là vào thời điểm này, khi Việt Nam đứng trước những khó khăn, thậm chí gian nguy, mà có lẽ chúng ta ai cũng thấy, ai cũng cảm nhận được…

----------

Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

* * *

BẢN TƯỜNG TRÌNH


Kính gửi: Cơ quan Công an Quận Hoàn Kiếm
Tên tôi là: Phạm Đoan Trang
Sinh năm: 1978
Nơi đăng ký HKTT: … quận Đống Đa - Hà Nội
Chỗ ở hiện nay: như trên
Nghề nghiệp: phóng viên
Cơ quan công tác: báo Pháp luật TP.HCM, thường trú tại Hà Nội

Tôi viết bản tường trình này liên quan đến việc tôi đi biểu tình sáng 5-8 tại khu vực Bờ Hồ và bị bắt đưa về trại lưu trú Lộc Hà. Việc tôi đi biểu tình là hoàn toàn tự nguyện, không có bất kỳ ai rủ rê, lôi kéo, xúi giục, thúc ép.

Là một nhà báo từng viết nhiều bài có tính nghiên cứu về xã hội dân sự, luật pháp, Nhà nước pháp quyền, quan hệ quốc tế, tranh chấp Biển Đông nhìn từ giác độ lịch sử và công pháp quốc tế, tôi biết rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố chung (của ASEAN) về Ứng xử của các bên trên Biển Đông; sử dụng biện pháp ngoại giao, hòa bình.

Chính vì vậy, như tôi đã nói với cơ quan điều tra cũng như tại blog cá nhân của mình, việc người dân biểu tình ôn hòa chống những hành vi gây hấn, có tính chất bá quyền và ngày càng leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông, là việc làm tốt, thể hiện lòng yêu nước, chính kiến của người dân, hình thành một mặt trận ngoại giao nhân dân, cùng với Nhà nước bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Một trong các lý lẽ mà cơ quan công an đưa ra để trấn áp hoạt động biểu tình là “sợ người dân bị các phần tử cơ hội chính trị, chống đối Nhà nước, lợi dụng kích động, xúi giục gây rối trật tự công cộng hoặc chống phá chính quyền”. Thiết nghĩ, nếu thực trong hàng ngũ người biểu tình có những thành phần cơ hội chính trị như thế, thì cơ quan an ninh, công an có thể xử lý họ, nếu xác định được họ có hành vi vi phạm pháp luật. Chứ không thể gộp tất cả những người biểu tình vào một “rọ” để trấn áp tuốt, theo cái lối tư duy “không quản được thì cấm”, chỉ vì một khía cạnh nào đó rất nhỏ mà chụp mũ, bôi nhọ một mục đích tốt đẹp của hoạt động biểu tình.

Tôi thực sự mong cơ quan công an, an ninh, và chính quyền nói chung nhìn nhận chính xác tình hình thực tiễn và nhận thức của người dân nói chung, để có cách hành xử và ứng xử cho phù hợp. Suy cho cùng, để giữ vững chủ quyền trước Trung Quốc, không gì tốt cho bằng một chính quyền đúng đắn, đàng hoàng, minh bạch, nhất là tôn trọng người dân. Nhân dân không phải trẻ con để bị xúi giục, lôi kéo; nhân dân chỉ chứng kiến những hành vi xô đẩy, bắt giữ, trấn áp tàn nhẫn người biểu tình, là có biểu hiện lạm quyền. Tốt nhất là hãy để xã hội dân sự phát triển, để biểu tình diễn ra một cách ôn hòa và là một hoạt động bình thường của đời sống dân sự. Các phần tử “cơ hội chính trị” (nếu có) sẽ bị nhân dân tẩy chay, loại bỏ.

Trên đây là ý kiến của tôi, chỉ có thiện ý đóng góp, ngoài ra không có mục đích gì khác.

Hà Nội, ngày 5 tháng 8 năm 2012

Phạm Đoan Trang (ký tên)


***


Bổ sung: Tôi có lập blog cá nhân tại địa chỉ http://trangridiculous.blogspot.com/ và www.facebook.com/pham.doan.trang, với nội dung là các bài viết về chính trị-kinh tế-xã hội Việt Nam, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, trong đó tôi thể hiện quan điểm ủng hộ và cổ súy biểu tình.

Nhận thức cá nhân của tôi về Nghị định 38 của Chính phủ: Đây là một nghị định mà hành vi pháp lý mà nó điều chỉnh là không rõ ràng, rất mơ hồ, và vi hiến. Do định nghĩa hành vi pháp lý không rõ ràng, cho nên nó rất dễ bị cơ quan công quyền lạm dụng.

Phạm Đoan Trang (ký lại lần hai)