Monday, 19 November 2012

Bông hồng ngày 20/11 cho Internet


Dân chủ trong giáo dục

Cách đây 30 năm, vào ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT, ấn định ngày 20/11 hằng năm là "Ngày nhà giáo Việt Nam". Cũng có người vẫn gọi nó theo cái tên có xuất xứ từ trước đó, là “Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo”, được xác lập từ năm 1958 tại một cuộc họp của Liên hiệp Quốc tế Các Công đoàn giáo dục.

Cho dù gọi bằng tên nào, thì 20/11 vẫn được xem như một ngày lễ dành riêng cho các giáo viên Việt Nam, một ngày để học sinh-sinh viên, các bậc cha mẹ, tất cả những người đi học nói chung, bày tỏ lòng biết ơn và tinh thần tôn sư trọng đạo đến những thầy cô giáo mến thương của mình.

Như vậy, có lẽ sẽ là một điều hơi lạ khi nhân ngày 20/11, chúng ta lại đặt ra vấn đề “dân chủ trong giáo dục”. Khái niệm dân chủ trong giáo dục không bao gồm “bầu cử tự do”, “đa nguyên”, “tam quyền phân lập”… như trong chính trị, nhưng chắc chắn nó cũng có những hàm ý liên quan đến “quyền”, đến sự tự do, bình đẳng của người học trong quan hệ với người dạy. Liệu dân chủ trong giáo dục có đi ngược với truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam không?

Để có câu trả lời, trước hết phải xác định dân chủ trong giáo dục nghĩa là gì. Nó nghĩa là “tự trị”, “tự quyết”: Bất kỳ khi nào có thể, người học phải được hướng dẫn để học hoặc tự học vì mục đích của mình, vì những mục tiêu do chính mình đặt ra. Nó nghĩa là “đa nguyên”, “đa dạng tinh thần”: Chương trình, nội dung đào tạo không nhằm tạo ra hàng trăm, hàng nghìn con người cùng một phương pháp suy nghĩ và làm việc, mà trái lại, phải kích thích sự sáng tạo và năng lực đặc thù của mỗi người. Nó nghĩa là “công khai, minh bạch”: Mọi người đều có thể tự do tham gia hoặc ra khỏi hệ thống giáo dục – như thể đó là một thị trường cạnh tranh hoàn hảo vậy – và mọi thông tin trong cái thị trường này đều phải được công khai, hay nói cách khác: không nhạy cảm.

Dân chủ trong giáo dục còn có nghĩa là “tương tác”, tức tương tác giữa trường học với chính quyền, doanh nghiệp, xã hội dân sự, tóm lại là với cả cộng đồng. Điều đó khiến cho kiến thức của người học luôn luôn được cập nhật và mở rộng, theo kịp với thực tiễn cuộc sống.

Với những đặc điểm ấy, một nền giáo dục dân chủ không hề triệt tiêu tinh thần tôn sư trọng đạo. Trên bình diện cá nhân, một người thầy có khuynh hướng yêu chuộng dân chủ sẽ tạo điều kiện cho các học trò mình thực hiện được bốn nguyên tắc trên để trở thành một con người sáng tạo, năng động, gắn kết với cộng đồng.

Internet – người thầy vĩ đại

Căn cứ vào các tiêu chí “dân chủ trong giáo dục” nêu trên, thì chúng ta có thể thấy rằng đang có một “người thầy” dân chủ như thế góp mặt trong hệ thống giáo dục của Việt Nam. Đó là… mạng Internet.

Với Internet, 24 triệu người sử dụng mạng ở Việt Nam (trong đó một tỷ lệ rất cao là thanh niên) có thể tự do tiếp cận bất kỳ nội dung nào mình quan tâm. Họ được toàn quyền quyết định vào mạng để chơi game, xem phim online, hay để tự học, tự nghiên cứu, bổ sung kiến thức cho mình và chia sẻ với bạn bè. Họ cũng có thể truy cập cả những nội dung mà vì những lý do khác nhau, chưa hoặc không xuất hiện công khai trong chương trình học ở nhà trường. Với ý nghĩa đó, Internet kích thích sự tìm tòi và phản biện trong bản thân mỗi học sinh-sinh viên, và thậm chí quay trở lại tạo sức ép với chính người đi dạy: Người viết bài này từng nghe kể chuyện một giáo viên trẻ, dạy sử ở cấp phổ thông trung học, nói rằng lâu nay cô phải duy trì cập nhật giáo án thường xuyên và chuẩn bị kỹ bài giảng trước khi lên lớp, vì đã có những học sinh vào mạng tìm hiểu thêm thông tin ngoài phần cô dạy, chưa kể các em còn có xu hướng “kiểm tra” xem cô dạy có gì… khác Internet không.

Internet là như thế: rộng mở, công khai, thúc đẩy dân chủ và đương nhiên, tạo ra cả những sức ép khiến người ta phải cảm thấy ức chế, phải nỗ lực mà vươn lên không ngừng. Ngày 20/11, giữ truyền thống tôn sư trọng đạo và biết ơn các thế hệ thầy cô, nhưng có lẽ chúng ta cũng nên đặt thêm một bông hoa hồng bên bàn phím chiếc máy tính của ta, và nghĩ đến những gì chúng ta đã và đang được hưởng từ Internet – người thầy cổ súy dân chủ.

(Bài đã đăng trên tạp chí Tia Sáng nhân dịp 20/11/2011)

Friday, 9 November 2012

Dân Văn Giang: "9 năm mới có một ngày này..."

Ngoài lý do tuyên truyền, lý do đối ngoại và những lý do khác tương tự, có một việc mà không chính quyền nào, kể cả chính quyền cộng sản, có thể bỏ qua, đấy là mọi sự đều phải được hợp pháp hóa”. 

Trong tương lai, giai cấp cầm quyền không thể biện hộ, dù trong nội bộ, việc sử dụng bừa bãi các biện pháp nhân danh mục đích “lý tưởng”. Nó vẫn sẽ còn ba hoa về chủ nghĩa cộng sản như là mục đích cuối cùng; nếu không làm thế thì sự độc quyền cũng sẽ tiêu ma. Nhưng đấy có lẽ chỉ là thói quen sử dụng bừa bãi các phương tiện còn sót lại từ quá khứ mà thôi. Không phải lúc nào nó cũng dám liều như trước nữa. Một sức mạnh lớn hơn, đấy là nỗi sợ trước dư luận quốc tế – sợ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của mình, quyền lực tuyệt đối của mình – đã làm cho nó dao động, chùn tay”.

Milovan Djilas (1911-1995) – phó tổng thống, cán bộ phụ trách công tác tư tưởng ở Nam Tư giai đoạn cuối những năm 40, đầu những năm 50 thế kỷ trước – đã viết như thế trong “Giai cấp mới” (1957), tác phẩm kinh điển phân tích, mổ xẻ chủ nghĩa cộng sản.

Liên hệ từ những điều ông viết, mới hiểu, trong các vụ việc như Tiên Lãng, Văn Giang, cái mà chính quyền ngại nhất thực ra lại chính là luật pháp. Lâu nay họ đâu có bao giờ làm theo luật, mà chỉ dùng khủng bố, đàn áp, huy động cả hệ thống công an-dân phòng-an ninh lẫn cỗ máy truyền thông “nhà trồng được” vào việc bịt miệng người dân. Họ làm vậy bởi vì, và để che đậy một điều, rằng điểm yếu của họ, cái khiến họ khó đấu lại được với xã hội, là luật pháp.

Vì vậy cho nên, chiến thắng bằng lý luận, bằng tranh biện, bằng luật pháp, dù sao đi nữa, cũng là chiến thắng bước đầu.

Cuộc đối thoại giữa nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ và nông dân Văn Giang đã kết thúc với việc ông Đặng Hùng Võ thừa nhận có sự trái pháp luật, và ông nhận lỗi. Nhưng ông Đặng Hùng Võ không phải là “phe thua”.

Phe thua là các đồng chí núp sau những lợi ích mà các dự án ở Văn Giang sẽ đem lại.

Phe thua là những vị bấy lâu nay vẫn đả kích tất cả: Dân Văn Giang thì Chí Phèo, ăn vạ; đám blogger lề trái thì “phản động, xúi giục, giật dây, kích động”; phóng viên lề phải thì “cảm tính, cực đoan”.

Và phe thua cũng là cái cơ chế đã đẻ ra tất cả những chuyện ấy.

Nhưng tất cả chỉ mới là bước đầu.

* * *


VỤ ĐẤT ĐAI VĂN GIANG:
GS-TS. ĐẶNG HÙNG VÕ THỪA NHẬN CÓ LỖI

  • Nguyên thứ trưởng lý giải các sơ sót trong việc ký tờ trình cho Thủ tướng và nguyên nhân của việc ban hành gấp rút quyết định giao đất.
Cuộc đối thoại của nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Hùng Võ với người dân Văn Giang, đại diện là luật sư Trần Vũ Hải, bắt đầu từ 2 giờ chiều 8-11 tại trụ sở Bộ thu hút nhiều người. Ngoài những người dân ở trong phòng họp, cả trăm người khác cũng tụ tập ở ngoài cổng để chờ tin.

Ông Võ muốn “nói lại” về tờ trình liên quan đến việc giao đất mà ông, với tư cách thứ trưởng, ký trình Thủ tướng Chính phủ vào năm 2004.

Cụ thể, ngày 29-6-2004, ông ký Tờ trình số 99/TTr-BTNMT gửi Thủ tướng Chính phủ, có nội dung tham mưu về việc thu hồi đất ở huyện Văn Giang để xây dựng đường, mương thủy lợi và khu đô thị thương mại - du lịch Văn Giang (sau này được biết đến với tên gọi Ecopark). Một ngày sau, Phó Thủ tướng ký thay Thủ tướng Chính phủ Quyết định 742 về việc giao đất để thực hiện dự án. (Ngày 30-6-2004 là ngày cuối cùng Luật Đất đai 2003 có hiệu lực).

Về thời gian trình và quyết định trong vòng hai ngày, ông Võ lý giải: “Sở dĩ phải đẩy nhanh tiến độ vì là dự án trọng điểm. Khi cuộc sống cần thì không thể chờ luật. Tôi quan niệm như vậy khi đứng trước dự án dù bà con có thể cho rằng tôi sai. Đó là con đường chiến lược, mang lại lợi ích cho Hưng Yên, Hà Nội và ngay cho người dân Văn Giang. Khi ký trình tôi đã cân nhắc kỹ, nếu dừng lại dự án sẽ phải chậm 1,5-2 năm vì phải làm lại từ đầu. Ký thì chắc chắn có điều tiếng. Nhưng nếu phân tích lịch trình toàn bộ như trên thì thấy hợp lý thôi”.

Luật sư Trần Vũ Hải cho rằng theo quy định của pháp luật tại thời điểm ký Quyết định 742, thẩm quyền quyết định giao đất thuộc về Chính phủ chứ không phải Thủ tướng Chính phủ. Ông Võ ký tờ trình, trình Thủ tướng Chính phủ cũng sai.

Ông Võ thừa nhận các quyết định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất thì đúng là thuộc thẩm quyền Chính phủ. “Nhưng suốt 10 năm, kể từ ngày 15-10-1993 cho đến ngày 1-7-2004, tất cả dự án đều như thế chứ không phải riêng dự án này. Thông lệ nó là vậy. Đây là một cách vận hành của Chính phủ và tôi cũng đã góp ý là nên thay đổi” - ông nói.

Sau một hồi tranh luận, ông thừa nhận thẩm quyền ban hành Quyết định 742 là không phù hợp với pháp luật. “Nếu có sự ủy quyền của Chính phủ cho Thủ tướng Chính phủ ký cũng không đúng pháp luật”.

Người dân Văn Giang cho rằng đất của họ chưa bị thu hồi thì đã bị giao cho nhà đầu tư. Tại buổi đối thoại, ông Võ nói: “Đây là tờ trình về thu hồi đất chứ không phải giao đất. Vì lúc đó cơ chế là không có giao đất (chỉ trừ trường hợp có một nhà đầu tư duy nhất, không qua đấu thầu) mà là đấu thầu, nên đáng ra đây là quyết định thu hồi đất để đấu giá”.

Cuối cuộc đối thoại, ông Võ đã nhận trách nhiệm về mình: “Ở cương vị cá nhân, tôi mà không giám sát được những việc chệch choạc thì tôi chịu trách nhiệm. Còn những thất thoát của bà con, đó là lỗi của tôi”.

Cuộc đối thoại kết thúc trong tiếng vỗ tay của mọi người và sự hài lòng của người dân Văn Giang. Ông Đặng Văn Dật (xã Xuân Quan, Văn Giang) nói: “Bước đầu cởi mở như ông Võ đã cởi được những sợi dây oan ức của nhân dân Văn Giang hàng mấy năm nay… Bản thân ông Võ nhận như thế bước đầu là được. Ông nghỉ hưu lâu rồi nên có thể không nhớ rõ hồ sơ nhưng ông ấy nhận rõ được vấn đề là tốt rồi. Chúng ta sửa được một cái sai thì sẽ sửa được những cái tiếp theo”.

Dự án khu đô thị Văn Giang được Thủ tướng cho phép thực hiện, giao Công ty Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô khoảng 500 ha thuộc ba xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao thuộc huyện Văn Giang và 55 ha để làm đường giao thông liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên. Sáng 24-4-2012, UBND huyện Văn Giang đã thực hiện cưỡng chế 5,8 ha đất của 166 hộ tại xã Xuân Quan gặp phải sự phản đối của khoảng 200 người dân…