"Một trong những lý do khiến
tôi duy trì được sức sáng tác là nhờ có vốn âm nhạc cổ truyền " - nhạc sĩ
Phạm Duy cho biết. "Tôi xuất thân là thằng đi hát rong, hát nhạc cổ truyền
để kiếm sống. Âm nhạc dân tộc đã nhập vào tôi từ hồi nhỏ... Tôi muốn khẳng định
là chẳng thể nào trở thành nhạc sĩ của dân tộc nếu thiếu cái vốn về âm nhạc dân
tộc".
Vì lý do thời cuộc, đại đa số người
yêu nhạc trong nước cho dù có biết đến cái tên Phạm Duy, có nghe một số nhạc
phẩm của ông, nhưng không nhiều người có dịp theo dõi một cách hệ thống toàn bộ
cả sự nghiệp âm nhạc đồ sộ và phong phú của ông, từ thời khởi đầu tân nhạc cho
đến khi người nghệ sĩ tóc đã bạc như cước muốn đi đến tận cùng chặng cuối của
đời mình bằng Minh họa Kiều.
Chương trình giới thiệu Kiều ca do
tạp chí Xưa và Nay (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) và Hiệp hội UNESCO Hà
Nội tổ chức vào ngày 2/1/2009 là lần đầu tiên Phạm Duy xuất hiện chính thức
trước khán thính giả Hà thành, sau 46 năm xa cách.
Sinh năm 1921, Phạm Duy đã ở cái
ngưỡng tuổi mà mỗi lần biểu diễn đều có thể không hứa hẹn lần tiếp sau. Và Minh
họa Kiều cũng được người nghệ sĩ một đời “rong ca” này xem như nỗ lực cuối cùng
trong sự nghiệp của mình. Sau vài ngày ở Hà Nội, Phạm Duy lại
vội vã lên máy bay trở về Sài Gòn nắng ấm - sức khỏe không cho phép ông lưu lại
thủ đô lâu trong cái lạnh u ám cuối đông. Về Sài Gòn, ông ở trong căn hộ riêng
tại Quận 11 với con trai Duy Cường và con dâu, hàng ngày ông vẫn đọc báo, xem
tivi (các kênh nước ngoài), vào mạng, và đêm đêm thức rất khuya sáng tác.
Những sáng tác chưa biết đến bao giờ mới có dịp đến với công chúng.
Ông bảo: “Phương Nam (tức Công ty
Văn hóa Phương Nam) vẫn xin phép đấy, nhưng mỗi năm chỉ có thêm vài bài hát của
tôi được phép lưu hành thôi”. Con số quá nhỏ bé so với sự nghiệp hơn 1.200
ca khúc của Phạm Duy - một trong những nhạc sĩ có mặt từ thuở tân nhạc Việt Nam
còn phôi thai.
Để hiểu ý nghĩa của sự ra đời tân
nhạc (hay còn gọi là “nhạc cải cách”), chúng ta hãy biết rằng trước khi tân
nhạc hình thành, Việt Nam mới chỉ có nhạc cổ truyền dân tộc và nhạc
“Tây”. Từ những ca khúc lời Việt, nhạc “Tây”, nhờ sự tìm tòi mở đường của
các nhạc sĩ trụ cột thời ấy như Đặng Thế Phong, Thẩm Oánh, Lê Thương, Dương
Thiệu Tước, Dzoãn Mẫn, Văn Cao, Phạm Duy…, tân nhạc đã tiến triển để chúng ta
có nền âm nhạc Việt Nam như ngày nay.
“Ngày đó âm nhạc Việt Nam…”
* Người Việt Nam bây giờ bất kỳ ai
và vào bất kỳ lúc nào đều có thể hát, hoặc nghe hát một ca khúc tiếng Việt nào
đó - nhạc trẻ, nhạc đỏ, nhạc trữ tình, thậm chí nhạc thiếu nhi. Vậy, khi tân
nhạc Việt Nam còn chưa hình thành, thì không khí âm nhạc của đất nước ra sao,
ông có thể chia sẻ một vài hồi ức?
- Cho đến những năm 30 của thế kỷ
trước, người Việt vẫn chưa… hát được, theo nghĩa là không có ca khúc tiếng Việt
nào phổ thông và không biết đến việc nghe hay xem biểu diễn ca nhạc. Thời ấy
người ta chỉ có thể đi xem hát chèo, ả đào, cải lương v.v. Muốn hát thì phải ghép lời vào các
làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền đó, làm thành các “bài hát theo điệu cổ”. Bên
cạnh đó, để thỏa mãn nhu cầu “được hát”, một số người đã chế lời Việt vào cho
các bài hát của Pháp, Mỹ, Ý, làm thành “bài ta theo điệu Tây”. Các ca khúc của
phương Tây, đặt lời Việt, chẳng hạn C’est À Capri (Cánh bướm
vườn xuân), Guitare D’amour (Cây đàn tình yêu), Goodbye Hawaii
(Từ biệt người yêu)…, thời đó rất thịnh hành, và càng được thanh niên ưa thích
thì càng làm mạnh mẽ thêm nhu cầu có thứ ngữ nhạc của riêng mình. Nhiều người
bắt đầu mày mò học nhạc lý, tập chơi nhạc cụ, và viết ra những “đoản khúc” đầu
tiên, nhưng dĩ nhiên là họ chưa dám công bố.
Hai bài hát “nhạc Việt lời Việt” đầu
tiên được đưa ra biểu diễn trước công chúng, theo tôi, ra đời năm 1938. Đó là
bài Bông cúc vàng và Một kiếp hoa của Nguyễn Văn Tuyên, phổ
thơ Nguyễn Quý Anh và Nguyễn Văn Cổn. Hai bài còn được đăng tải trên tờ Ngày
nay - tuần báo có thế lực nhất thời gian này - của Tự lực Văn đoàn,
tháng 8/1938. Sau đó thì đã có cả một phong trào sáng tác và biểu diễn “nhạc
cải cách”. Tân nhạc Việt Nam hình thành như thế.
* Có thể coi tân nhạc Việt Nam mở
đầu bằng những ca khúc nào?
- Rất nhiều ca khúc. Những sáng tác
thành công và có sức sống tới tận bây giờ thì có thể kể tới: Tâm hồn anh tìm
em (Dương Thiệu Tước), Bản đàn xuân (Lê Thương), Bóng ai qua thềm
(Văn Chung), Biệt ly (Dzoãn Mẫn), Cô láng giềng (Hoàng Quý), Thu
cô liêu, Buồn tàn thu, Cung đàn xưa (Văn Cao), Con thuyền
không bến, Giọt mưa thu (Đặng Thế Phong), Xuân và tuổi trẻ
(La Hối), Cô lái đò (Nguyễn Đình Phúc) v.v. (*)
* Đặc điểm của âm nhạc Việt Nam, nói
chính xác hơn là tân nhạc Việt Nam, thời ấy, theo ông, như thế nào?
- Thời đó nổi lên hai xu hướng sáng
tác: nhạc hùng và nhạc tình. Nhạc hùng là những ca khúc vui vẻ, xoay quanh chủ
đề niềm vui sống và lòng ái quốc, như Sáng rừng của Đặng Thế Phong, Anh
em khá cầm tay và Gò Đống Đa của Văn Cao.
Nhạc tình là nhạc lãng mạn. Chúng
tôi sáng tác, về nhạc thì đều chịu ảnh hưởng nhạc cổ điển hoặc tân kỳ phương
Tây, về phần lời thì thường có một số mô típ chung như: mùa thu, mùa đông, lá
vàng, hoa tàn, nỗi sầu bi hay cô đơn… Ví dụ Thu cô liêu (Văn Cao), hay Biệt
ly (Dzoãn Mẫn). Hai bài ca cải cách đầu tiên - Bông cúc vàng, Một
kiếp hoa - cũng đều chứa đựng tâm trạng u sầu, “hoa tan tác, lòng ta tan
tác”…
* Ông có thể mô tả “lược sử”
của sự phát triển tân nhạc sau này?
- Tân nhạc Việt Nam đã manh nha hình
thành từ trước khi Nguyễn Văn Tuyên công bố hai bài hát Bông cúc vàng
và Một kiếp hoa (năm 1938). Nó chính thức lớn mạnh thành một phong trào
kể từ đó và đã để lại nhiều ca khúc kinh điển, có sức ám ảnh lay động con tim,
như bộ ba ca khúc thu nổi tiếng của Đặng Thế Phong, hay những bản nhạc tuyệt
đẹp của Văn Cao.
Khi cách mạng về, rồi kháng chiến
bùng nổ, văn nghệ sĩ đi theo cách mạng và đã có rất nhiều ca khúc phản ánh một
thời kỳ hào hùng - cả nước lên đường, cả nước đi chiến đấu vì nền độc lập tự
do. Tiếc thay, càng về sau, âm nhạc càng trở thành nạn nhân của thời cuộc:
chiến tranh, mâu thuẫn chính trị, lòng người chia rẽ… Tóm lại, đó là một thời
loạn lạc. Chúng ta đã không có một khoảng thời gian yên bình để nghe và yêu
nhạc, trong khi âm nhạc rất cần điều đó.
Ngày 28/4/1975, tôi sang Mỹ. Qua đó
định cư, tôi vẫn theo dõi tình hình âm nhạc nước nhà và biết là có một thế hệ
nhạc sĩ tài năng, một số nhạc sĩ như Trần Tiến, Nguyễn Cường đã dụng công kết
hợp chất liệu dân tộc vào âm nhạc của mình để cho ra nhiều ca khúc được ưa
thích.
Còn với nền âm nhạc Việt Nam hiện
nay, tôi không muốn lạm bàn, vì tôi mới về định cư ở Việt Nam từ năm 2005, cũng
ít nghe nhạc trẻ Việt bây giờ. Nhưng có thấy báo chí phàn nàn về nhiều bài mà
cả giai điệu và ca từ đều lẩm cẩm.
Tính dân tộc như một bí quyết để
sáng tác
* Sự hòa quyện giữa tính dân tộc và
tính hiện đại là điều dễ nhận ra trong đa số các ca khúc của ông. Điều đó hình
thành một cách tự nhiên?
- Tôi là người Hà Nội, sinh ra ở phố
Hàng Dầu gần Hồ Gươm, nhưng từ năm lên 9-10 tuổi, tôi đã hay có dịp về thôn quê
sống với gia đình một người vú nuôi. Thời gian gắn bó với nông thôn khá
nhiều, ngoài ra cũng có thể do có khiếu “hay nghe hay nhớ”, nên tôi tiếp thu
dân ca, nhạc cổ truyền Việt Nam và đặc biệt là thấm cái “hồn dân tộc” rất
nhanh. Có lẽ vì thế mà trong khi các nhạc sĩ trẻ tuổi cùng thời dễ bị hấp dẫn
bởi sự hoành tráng của âm nhạc phương Tây cổ điển và hiện đại, thì tôi dễ dàng
chọn ở lại cùng dân ca hơn.
Nếu không có tình cảm đối với đồng
quê Việt, chưa chắc tôi đã dựng nên được trong ca khúc của mình những hình ảnh
“như gió thu sau tháng hè thổi về ruộng nâu lúa tươi xanh rì” (Người về),
hay “cô nàng gánh lúa cho anh ra đi diệt thù” (Nhớ người thương binh).
Tôi gọi bài Nhớ người thương binh, sáng tác năm 1947, là Dân ca mới. Đó
là thành công đầu tiên của tôi trong việc thử nghiệm soạn nhạc, lấy tứ từ dân
ca và cảm hứng từ đời sống người dân.
Càng theo kháng chiến, chứng kiến
cuộc sống, lòng tự hào dân tộc và yêu nước của toàn dân, tôi càng quyết tâm đi
theo con đường dân ca mới thay vì nhạc cổ điển hay hiện đại của phương Tây.
* Nhạc dân tộc có ý nghĩa như thế
nào đối với ông?
- Một trong những lý do khiến tôi
duy trì được sức sáng tác là nhờ có vốn âm nhạc cổ truyền. 22 tuổi, tôi bước
vào đời, tham gia một gánh hát rong. Có thể nói tôi xuất thân là thằng đi hát
rong, hát nhạc cổ truyền để kiếm sống. Âm nhạc dân tộc đã nhập vào tôi từ hồi
nhỏ.
Theo tôi, không nhạc sĩ nào thành
công trong ý muốn tạo một cái gì đó đúng với ngôn ngữ dân tộc và thời đại mà
lại bỏ qua các giá trị của âm nhạc dân tộc. Tôi muốn khẳng định là chẳng thể
nào trở thành nhạc sĩ của dân tộc nếu thiếu cái vốn về âm nhạc dân tộc.
(Còn tiếp)
- Nguyễn Hoàng Linh - Đoan Trang thực hiện
(*) Nhạc sĩ Phạm Duy cũng góp phần
vào nền tân nhạc thời kỳ đầu với ca khúc đầu tay là Cô hái mơ, sáng tác năm
1942, phổ thơ Nguyễn Bính.