Bình luận của một Facebooker: "Xưa các cụ tranh thủ cả lòng dân lẫn lòng địch. Ngày nay, các cụ có xu hướng biến dân thành địch, biến địch thành bạn vàng. Vẫn biết ngày nay quan hệ quốc nội cũng như quốc tế thay đổi dần theo hướng đối thoại, hợp tác thay vì phân định địch-ta, nhưng các cụ lại đi ngược mẹ nó mất. Các cụ thích tạo ra kẻ thù, dựng lên đủ các loại thế lực thù địch. Chỉ cần ai đó khác các cụ là thành thù địch hết".
Còn câu chuyện dân vận và địch vận ngày xưa, thưa các bạn, nó như thế này...
* * *
Dân vận…
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, để thực hiện đại
đoàn kết dân tộc, Đảng Cộng sản nhận thức rất sớm vai trò của dân vận. Chủ tịch
Hồ Chí Minh từng nói: “Lực lượng của dân
rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận
khéo thì việc gì cũng thành công”. Với tinh thần đó, công tác vận động
tuyên truyền của Đảng Cộng sản ngay từ thời Mặt trận Việt Minh đã rất tốt. Trước và
sau ngày khởi nghĩa cướp chính quyền tại Hà Nội (19-8-1945), người dân nô nức
tham gia Việt Minh và mong muốn được trở thành đảng viên cộng sản. Bà Lê Thi tức
Dương Thị Thoa, con gái cố Giáo sư Dương Quảng Hàm, còn kể lại rằng: “Hồi đó hầu như ai ai cũng ghi danh xin đăng
ký vào một tổ chức nào đó của Việt Minh, như là Thanh niên Cứu Quốc, Phụ nữ Cứu
Quốc. Tới lúc nghe tin Đảng Cộng sản phải tự giải tán, chúng tôi còn khóc nức
nở”.
Ảnh tư liệu
Tháng 12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Người dân ở đô
thị thực hiện sơ tán về nông thôn để tránh thiệt hại, bảo toàn lực lượng chiến
đấu lâu dài. Khi đi sơ tán, một số gia đình khá giả ở nội thành đã đem theo
ô-tô riêng. Vì không nắm vững chủ trương chính sách nên một số đơn vị và địa
phương đã tự ý trưng thu, trưng dụng xe cộ của dân. Trước tình hình đó, ngày
17-2-1946, Cục Chính trị ra Thông tri gửi toàn quân, trong đó nhấn mạnh phải
làm theo đúng khẩu hiệu “vì dân và cùng
dân kháng chiến”. Thông tri nêu rõ: “Chỉ
cần thiết lắm mới dùng đến quyền hạn trưng thu, trưng dụng, trưng tập, nhưng
cách dùng quyền hạn đó sao cho khéo léo, được việc chung mà dân chúng không bất
bình”, “Nghiêm trị những kẻ lợi dụng
làm bậy phá hoại công tác bảo vệ dân chúng của chúng ta”.
Ngày 8-1-1947, Cục Chính trị tiếp tục ra chỉ thị về công tác
dân vận, trong đó nhấn mạnh: “Cho bộ đội
hành quân tuyên truyền cổ động kháng chiến; úy lạo dân về sự tàn phá do Pháp
gây ra ở nơi đã xảy ra và nơi chưa xảy ra; công tác giúp dân phòng máy bay;
giải thích cho dân cần giữ bí mật và đề phòng Việt gian; dạy dân học chữ quốc
ngữ, tập quân sự…”.
Ở đây, điều cần nói là phương tiện kỹ thuật của chúng ta
thời đó cực kỳ kém; các hình thức tuyên truyền chỉ là mít tinh, diễn thuyết, ca
kịch, bích báo, được thực hiện bởi bộ đội hành quân hoặc các tổ nhóm văn nghệ
văn công. Nhưng hiệu quả thì lại không hề nhỏ. Công tác vận động tuyên truyền
ngày ấy, cộng với tinh thần hăng hái của một dân tộc vừa mới giành được độc
lập, thậm chí đã tạo ra một phong trào “cả nước lên đường”. Một trong những văn
nghệ sĩ tham gia vào hoạt động tuyên truyền bằng lời ca tiếng hát thời kỳ ấy,
nhạc sĩ Phạm Duy, hồi tưởng rằng: “Từ
tháng 8-1945, tôi đã thấy không khí bừng bừng của Cách Mạng kéo nhân dân cả
nước ra đường. Từ đêm 19 tháng Chạp 1946 trở đi, tôi thấy không khí rừng rực
của kháng chiến đẩy toàn thể nhân dân ra đi”. “Ra đi” nghĩa là cả nước lên
đường tranh đấu, tham gia “cuộc phiêu lưu
của một dân tộc đang thay thịt đổi da, đang xuống đường, lên đường trong tất cả
ý nghĩa tuyệt vời của những danh từ đó”.
Việc dân vận tuân theo chủ trương phải kết hợp chặt chẽ với
giúp đỡ dân (dạy chữ quốc ngữ, phòng máy bay). Bộ đội được yêu cầu thực hiện
tốt khẩu hiệu “Kính trọng dân, bảo vệ dân, giúp đỡ dân”.
… và địch vận
Bên cạnh dân vận, địch vận cũng được Đảng và Chính phủ xem
là phần quan trọng trên mặt trận chính trị, theo tinh thần lời dạy của Chủ tịch
Hồ Chí Minh: “Đánh mà thắng địch là giỏi,
không đánh mà thắng địch càng giỏi hơn. Không đánh mà thắng địch là nhờ địch
vận”.
Ngay từ Đại hội Đảng lần thứ nhất (tháng 3-1935), nghị quyết
về công tác địch vận đã cho thấy sự quan tâm và thấu hiểu của những nhà lãnh
đạo cộng sản đối với tình cảnh của binh lính người Việt ở Đông Dương: “Binh
lính là tôi tớ của quan binh; chúng nó có quyền đánh đập, giam phạt lúc nào cũng
được… Họ không có quyền tổ chức vào các đoàn thể cách mạng, không có tự do ngôn
luận, hội họp, tham gia sinh hoạt chính trị”. Từ thời điểm đó, Đảng đã có một
nhận định nhân văn và sáng suốt: Binh lính không phải là nghịch thù của giai
cấp công nông, mà là con em của công nông và là một lực lượng cách mạng rất
lớn, nếu Đảng không tổ chức được họ, không kéo được họ về phía mình, thì cách
mạng sẽ không thể thành công.
Tinh thần này đã là kim chỉ nam cho các hoạt động địch vận
về sau trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Chẳng hạn, đối với
binh lính người Việt chiến đấu trong hàng ngũ đối phương, Đảng chủ trương huy
động ở mức cao nhất tất cả những hoạt động tuyên truyền: hô khẩu hiệu khi chiến
đấu, ném truyền đơn, viết và dán biểu ngữ, dùng lính địch gọi hàng đồng đội
v.v. Đặc biệt, phải biệt đãi tù binh, coi đó là một nhiệm vụ của công tác chính
trị, thậm chí ra nghiêm lệnh cho bộ đội không được giết tù binh.
Đối với hàng binh người Âu, Đảng cũng chủ trương phải chăm
sóc chu đáo, giao cho họ những việc thích hợp với năng lực để tận dụng khả năng
của họ, giác ngộ chính trị cho họ để tạo ra một lực lượng “bộ đội ngoại quốc”
chiến đấu cho nền độc lập của Việt Nam… Với chính sách này, trong những năm
kháng chiến chống Pháp, đã có những người châu Âu đảo ngũ sang phía Việt Minh
và rồi thật sự trở thành người bạn của Việt Nam.
* * *
Nhìn lại, công tác dân vận, địch vận thực sự đã góp phần
quan trọng vào thắng lợi của Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp.
Mục tiêu “ba đoàn một tan” (đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc
tế, làm tan rã kẻ thù) đã chứng tỏ là một chính sách sáng suốt, đồng thời cũng
khẳng định một bài học có tính chất chân lý: Những nhà lãnh đạo hết lòng vì đại
đoàn kết dân tộc, lấy thu phục nhân tâm làm trọng, sẽ có được sự ủng hộ của
nhân dân trong cuộc đấu tranh với bất kỳ kẻ thù nào.