Saturday, 23 February 2013

Sinh viên luật Việt Nam kiến nghị huỷ thời hạn góp ý hiến pháp


Ngày 23/2/2013, một nhóm gồm 9 sinh viên và cựu sinh viên luật ở Hà Nội (*) đã công bố một bản kiến nghị độc lập về việc sửa đổi Hiến pháp, trong đó yêu cầu bãi bỏ thời hạn góp ý và kêu gọi tổ chức để nhân dân thực hiện quyền phúc quyết.

Cùng với bản kiến nghị, nhóm sinh viên và cựu sinh viên này cũng gửi một lá thư ngỏ, đề ngày 21/2, tới “toàn thể nhân dân Việt Nam với tư cách là những người nắm giữ quyền lập hiến”, đăng tải trên trang web kiennghi.hienphap.net.

Bản kiến nghị hiến pháp của các sinh viên và cựu sinh viên luật có hai điểm chính sau đây:

1. Kiến nghị bãi bỏ thời hạn góp ý sửa đổi Hiến pháp.
2. Kiến nghị ghi nhận và tổ chức để nhân dân thực hiện quyền phúc quyết Hiến pháp.

* * *

Thiết nghĩ, để nhân dân thực hiện quyền phúc quyết và bãi bỏ thời hạn góp ý sửa đổi Hiến pháp, như bản kiến nghị đã nêu, thực sự là việc đúng nên làm, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, khi chỉ còn một tháng nữa là công cuộc lấy ý kiến nhân dân sẽ bị khép lại. 

Hiến pháp là đạo luật nguồn của các đạo luật, là nền tảng pháp lý-chính trị-tổ chức nhà nước của một quốc gia, là thứ cho thấy tầm nhìn, tầm nhận thức, tư duy của cả một dân tộc. Nó không phải thứ nghị quyết của Đảng, để Đảng thích thì đem ra sửa, thích thì áp đặt thời hạn sửa vẻn vẹn ba tháng (trong đó đã có một tháng dành cho việc đón Tết và nghỉ Tết), thích thì áp đặt một bản hiến pháp thứ năm nào đấy, nói rằng đấy là hiến pháp “của dân, do dân, vì dân”.

Và một hoạt động quan trọng trong những cái “thích thì làm” này của Đảng và Nhà nước, sẽ là việc chỉ đạo các báo đồng loạt đưa tin, đại ý: “Toàn dân phấn khởi tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi hiến pháp”, “Tại nhiều địa phương, tỷ lệ người dân hưởng ứng hiến pháp 2013 lên tới 95%, có nơi 98%”.

Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam làm như vậy thật, tức là họ lố bịch hoá hiến pháp – đạo luật thiêng liêng của dân tộc. Đừng quên một khả năng mà bản kiến nghị của giới sinh viên luật này đặt ra, đó là hiến pháp hoàn toàn có thể mất đi ý nghĩa vốn có “và sẽ không được nhân dân cũng như cộng đồng quốc tế ghi nhận”. (Ý kiến cá nhân: Ở đây, dùng từ “thừa nhận” thì đúng hơn là từ “ghi nhận”).


Cuối cùng, với tư cách cựu sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội, mình rất mong sinh viên các trường khối kinh tế cũng có những hành động “nhập cuộc” tương tự như ngành luật, trong các vấn đề chính trị-xã hội của đất nước, từ nay về sau.

Luôn ủng hộ các bạn!


* * *


(*) Nhóm khởi xướng gồm: Trần Ngọc Cảnh, Trịnh Hữu Long, Trần Duy Bình, Hoàng Duy Tiến, Nguyễn Hùng Cường, Trần Long, Phạm Công Trình, Trương Thị Thu Hà, Nguyễn Như Chính.

Sunday, 17 February 2013

Hoa Sim ngày 17-2 - In Remembrance of the Border War


Bản tiếng Anh ở phía dưới. Scroll down for the English translation.

Trịnh Hữu Long - Phạm Đoan Trang
Nếu em lên biên giới
Em sẽ gặp bạt ngàn hoa...
Hoa sim, giữa đồi nắng gió, tím như ai chờ mong
Sắc hoa sim yêu thương trong lòng nguời lính trẻ
Chờ ai nên tím ngát bồi hồi
giữa biên cương...

Những ca từ đẹp đẽ và lãng mạn này của tác phẩm “Hoa sim biên giới” đã được nhạc sĩ Minh Quang sáng tác dựa trên cảm hứng từ chuyến công tác ở biên giới phía Bắc năm 1979 và hoàn chỉnh năm 1984, giữa thời kỳ căng thẳng trong quan hệ Việt Nam - Trung Hoa. Không lâu trước chuyến công tác của ông, ngày 17-2-1979, những tiếng súng đầu tiên đã vang lên trên bầu trời biên giới phía Bắc Việt Nam, báo hiệu sự trở lại của những đoàn quân xâm lược Trung Hoa, 190 năm sau thất bại của họ trước quân đội Tây Sơn ở Đống Đa - Ngọc Hồi.

 Hoa Sim Biên Giới. Sáng tác: Minh Quang. Trình bày: Việt Hương

Nửa triệu binh sĩ, dân công thuộc 9 quân đoàn chủ lực của quân đội Trung Quốc và nhiều lực lượng quân sự khác đã được Trung Quốc huy động.

5 giờ sáng ngày 17-2-1979, họ đồng loạt tấn công chúng ta trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Trong cuộc chiến tranh kéo dài một tháng này, họ đã tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam, có lúc chiếm được các thị xã Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, giết hại 10.000 dân thường và phá hoại gần như hoàn toàn mùa màng cùng nhà cửa, gia súc của người dân biên giới.

Cũng trong một tháng khốc liệt đó, có ít nhất 10.000 người lính Việt Nam đã nằm xuống trên những ngọn đồi, mạch suối, chiến hào, cùng hàng vạn người khác bị thương. Họ đã ngoan cường chiến đấu để giữ vững bờ cõi Tổ quốc, đẩy lùi những đoàn quân xâm lược vào ngày 18-3. Ngày nay, bạn có thể tìm thấy bia mộ của họ ở khắp các nghĩa trang các tỉnh biên giới phía Bắc, hài cốt của nhiều người còn chưa được quy tập, thậm chí còn chưa bao giờ được tìm thấy. Họ vĩnh viễn hóa thân mình vào đất quê hương, vì hình hài xứ sở.

Vì nhiều lý do, họ đã không được tưởng nhớ một cách xứng đáng trong suốt hơn 30 năm qua. Giới trẻ ngày nay thậm chí hầu như không còn khái niệm về năm 1979 và những người lính, có khi cũng trẻ như họ, đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta không được phép để họ bị lãng quên cùng với những ký ức rời rạc của người già.


Ngày 16-2-2013, một nhóm nhân sĩ, trí thức đã phát đi lời kêu gọi tưởng nhớ sự hy sinh của những người lính biên giới, với những hành động thiết thực.

Trong mỗi nhà, trên mỗi sạp hàng ở chợ, ở cửa hàng, ở lớp học, ở các nghĩa trang liệt sĩ, các tượng đài anh hùng cứu nước hay ở bất cứ nơi trang nghiêm nào có thể trên toàn quốc, hãy thắp lên một nén nhang, cắm một bông hoa hay một bình hoa, vòng hoa với dòng chữ: “Tưởng nhớ những người con yêu của Tổ quốc đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc tại Biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, tại Hoàng Sa và Trường Sa“.

Hãy viết hay dán dòng chữ đó trước cửa mỗi ngôi nhà, căn hộ của mỗi gia đình chúng ta.

Nguồn: http://anhbasam.wordpress.com/2013/02/16/1614-loi-keu-goi-nhan-ngay-17-2/

Để hưởng ứng lời kêu gọi đó, chúng tôi kêu gọi sử dụng biểu tượng Hoa Sim để tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới 1979. Xuất phát từ ca khúc nổi tiếng về những người lính trẻ mang tên “Hoa sim biên giới” của nhạc sĩ Minh Quang, chúng tôi cho rằng đó là biểu tượng gắn liền với những người lính biên cương và đã đi vào lòng người dân Việt Nam từ hàng chục năm qua.

Hãy cắm Hoa Sim trên bàn thờ vào ngày 17-2, hãy cắt hình Hoa Sim treo trước cửa mỗi nhà, hãy mang Hoa Sim tới nghĩa trang của các anh, hãy in Hoa Sim lên áo, hãy cài Hoa Sim ở ngực trái, hãy đặt Hoa Sim vào avatar, hãy hát về Hoa Sim, và về các anh, các chị...

Hơn bao giờ hết, hãy để cả dân tộc luôn nhớ về các anh, các chị như một cách chúng ta trân trọng lịch sử, như một cách để chúng ta trưởng thành. 


* * *

IN REMEMBRANCE OF THE FEBRUARY 17 WAR


Dear, if you ever go to the border
you’ll find plenty of rose myrtles
shining their color of purple
in that windy and sandy land.

They are as purple as the color of faith
in the heart of the young soldiers
in the land of the border…

These beautiful lyrics of the song “Border Rose Myrtles” by songwriter Minh Quang arose from the inspiration he found in a 1979 trip to the northern border of Vietnam. The song would later be completed in 1984 amid tensions between Vietnam and China. Not long before his trip, on February 17, 1979, first sounds of gunfire echoed in the border area between the two countries, marking the return of Chinese invaders 190 years after their defeat in Dong Da, Ngoc Hoi (now part of Hanoi).

500,000 Chinese soldiers and civil defend servants from nine combat corps of the PLA, together with many other military units, were deployed. At 5am, February 17, 1979, they opened fire, launching a large offensive across the entire northern border of Vietnam. In the brief war which lasted for only one month, the Chinese made an incursion deep into Vietnam, capturing some bordering cities including Lang Son, Lao Cai, Cao Bang, slaughtering approximately 10,000 civilians, destroying all crops and properties of the local people.

Within that savage war, at least 10,000 Vietnamese soldiers were killed, and they lay down over the hills, along the streams, in the trenches of the border area. Thousands of soldiers were injured. They were unyielding in fighting to defend national land and pushing back forces of invaders at last on March 18. Today, their graves can be found in every cemetery in northern provinces. Many remains have not been repatriated or even found, and the dead soldiers remain sand and dust permanently.

Those heroes, for many reasons, have not been commemorated during the past three decades. Young generations today have almost no idea about the 1979 border war and about the soldiers, possibly of the same age as they are now, who sacrificed the life for the sake of the country.

We must never let those dead heroes fall into oblivion. 

We people will never forget

On February 16, 2013, a group of Vietnamese intellectuals called on people to take activities in commemoration of the soldiers in the border war. “Would you please, in every house, every market stall, every shop, every class and school, every cemetery, in any sacred place across the nation, burn an incense, place a flower or a garland with dedication reading, ‘In commemoration of the beloved sons and daughters of the motherland, who passed away in the defensive war against Chinese invaders in the northern border, the southeastern border, the Spratly and the Paracel islands. Would you please carve these words on the door of every house of us?’”

In support of this call, we urge people to use rose myrtles as a symbol to commemorate our soldiers who slipped away in the border war of 1979. Given the famous song by Minh Quang about young soldiers, “Border Rose Myrtles”, we believe these flowers should be regarded as the symbol of border soldiers, which has been engraved on Vietnamese hearts for dozens of years.

Kindly place rose myrtles on the altar of your home on February 17, decorate your home with rose myrtles, bring rose myrtles to the soldiers’ cemeteries, print rose myrtles on your T-shirts, pin rose myrtles on your clothes, use rose myrtles as your Facebook avatar, sing about rose myrtles, and about those deceased soldiers.

And, more than ever before, please let the whole nation keep thinking about them as a way to demonstrate our deference to history and become a mature people.

Saturday, 16 February 2013

Tình biên cương


Bốn năm về trước, vào những ngày giữa tháng 2/2009, tròn ba mươi năm chiến tranh biên giới Việt-Trung. 

Đó là thời điểm mà những thông tin ban đầu về “đại dự án” khai thác bauxite ở Tây Nguyên bắt đầu rò rỉ và lan truyền cả trên báo chí chính thống và cộng đồng blog. Trước đó không lâu, ngày 14/1/2009, VietNamNet đăng tải lá thư của Tướng Giáp gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đề ngày 5/1, đề nghị dừng triển khai dự án.

Đó cũng là thời điểm mà cuốn “Ma chiến hữu” (Chiến hữu trùng phùng) của Mạc Ngôn, bản dịch của NXB Văn học, đang gây phẫn nộ trên “một bộ phận” cộng đồng blog Yahoo! 360° vì có nội dung tôn vinh “người lính anh hùng đã hy sinh vì tổ quốc Trung Hoa vĩ đại trong chiến tranh phía Nam Trung Hoa tháng hai năm 1979”. Cùng với đó là việc báo Hà Nội Mới đăng bài dịch ca ngợi tướng Hứa Thế Hữu (tổng chỉ huy quân đội Trung Quốc đánh Việt Nam hồi 1979).

Không khí chống Tàu dường như đang dâng lên trên không gian mạng, và báo chí chính thống thì lặng ngắt như tờ. Không một lời về bauxite, Biển Đông, quan hệ Việt-Trung 30 năm. Không một lời giải thích. Không một thông tin lọt ra ngoài. Sự tù mù càng làm cái dư luận “bán nước”, “đầu hàng Trung Quốc” trở nên có cơ sở.

Tôi nhớ, rất nhớ mùa xuân 2009 đó, cũng như rất nhớ những ngày viết bài báo này, “Những bài ca biên giới không thể nào quên” (đăng tải trên Tuần Việt Nam vào 0h sáng 16/2/2009). Trong số comment của độc giả, có một comment “không thể nào quên”: “Nghĩ cũng thương cho báo chí Việt Nam, muốn nói mà không nói được, phải lách”.

* * *

NHỮNG BÀI CA BIÊN GIỚI KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

Do hoàn cảnh lịch sử, tình yêu quê hương đất nước đã luôn là một chủ đề lớn trong âm nhạc Việt Nam suốt hơn 60 năm qua. Và trong muôn sắc màu của các vùng miền khắp đất nước, từ ngôi làng sau lũy tre mờ xa tới thành phố trẻ, từ Hà Nội trái tim hồng tới Cà Mau cỏ cây xanh tươi đước rừng bát ngát… thì biên giới chiếm một vị trí đặc biệt, đã khắc ghi vẻ đẹp của nó trong hàng chục bài hát của một thời.

Không biết trên thế giới, có nền âm nhạc của quốc gia nào có nhiều tác phẩm viết về biên giới như chúng ta chăng? Trong tâm thức người Việt, biên giới dường như là một khái niệm vừa đẹp đẽ vừa thiêng liêng. Nó đã là nguồn cảm hứng cho hàng chục sáng tác của các nhạc sĩ thuộc nhiều thế hệ, đến mức sẽ là không quá nếu nói rằng chúng ta có cả một dòng "nhạc biên giới".

“Có nơi nào đẹp hơn?”

Hẳn nhiên là không phải nhạc sĩ nào cũng từng đặt chân tới miền địa đầu của Tổ quốc, thậm chí có người chưa một lần đến nơi đó để lấy "thực tế". Nhưng tất cả các sáng tác về chủ đề này đều làm toát lên hình ảnh biên cương với một nét chung: đẹp.

Đẹp nên thơ:

Em ơi, có nơi nào đẹp hơn
chiều biên giới
khi mùa đào hoa nở
khi mùa sở ra cây
lúa lượn bậc thang mây
mùi tỏa ngát hương bay...
(Chiều biên giới - nhạc: Trần Chung, thơ: Lò Ngân Sủn, 1980)

Anh ở biên cương,
nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Ở nơi ấy mùa này con nước lắng phù sa in bóng đôi bờ...
(Gửi em ở cuối sông Hồng - nhạc: Thuận Yến, thơ: Dương Soái, 1979-1980)

Đẹp hùng vĩ và dữ dội:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
(Tây Tiến - nhạc: Phạm Duy, thơ: Quang Dũng)

Cũng như một số nhạc sĩ lấy biên giới làm nguồn cảm hứng sáng tác mà chưa hề thực sự tới "nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt", người nghe có thể chưa một lần đến biên giới. Nhưng đâu có sao, âm nhạc sẽ đưa chúng ta tới vùng đất ấy, để ta đứng trên đỉnh núi cao thăm thẳm, nhìn khoảng không bao la, mây chiều và khói lam nhà ai bảng lảng dưới bản làng…

Hay những đồi đầy nắng gió, bạt ngàn hoa sim tím. Hay nơi rừng âm u, mây núi mênh mông, ngày nắng cháy và đêm giá lạnh… Nghệ thuật là thế, là sức tưởng tượng và khái quát của các nghệ sĩ, là sự cảm nhận đồng điệu của người thưởng thức.

Không rõ bài hát Việt Nam đầu tiên viết về biên giới là bài nào, nhưng ngay từ năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang vào giai đoạn căng thẳng, khốc liệt nhất, nhạc sĩ Phạm Duy - một trong những gương mặt đầu tiên của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại (tân nhạc) - đã có một sáng tác rất nổi tiếng, Bên cầu biên giới, viết tại thị xã Lào Cai, đúng ở nơi có chiếc cầu phân chia biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Nổi tiếng vì lẽ, ngoài chuyện hay, đó còn là một trong những bản nhạc tình hiếm hoi của thời ấy. Tuy nhiên, biên giới trong bài hát này hiện lên đẹp thì vẫn đẹp, mà mang nỗi buồn của một người trẻ tuổi nhìn quê hương bị giặc tàn phá, nhìn những mộng ước tuổi xuân xưa đổ vỡ.

Ngừng đây soi bóng bên dòng nước lũ
Cầu cao nghiêng dốc trên dòng sông sâu
Sầu vương theo sóng xuôi về cuối trời
Một vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa…

Sau này khi về lại Việt Nam định cư (năm 2005), nhạc sĩ Phạm Duy có công bố thêm một ca khúc khác nhắc tới biên giới. “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”… Đó là bài Tây Tiến, ông phổ nhạc thi phẩm nổi tiếng của nhà thơ Quang Dũng.

Hành khúc viễn chinh

Tuy nhiên, thời kỳ mà các bài ca biên giới ra đời nhiều hơn cả, có lẽ là giai đoạn cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước.

Ngay trong đêm 17/2/1979, khi nghe tin chiến sự bùng nổ ở biên giới Việt - Trung, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết ca khúc mở màn cho dòng nhạc “biên giới phía Bắc” thời kỳ này. Đó là bài Chiến đấu vì độc lập tự do, được dàn hợp xướng Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam biểu diễn lần đầu tiên chỉ vài ngày sau đó. Ca từ rất hào hùng:

Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới,
gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới...

Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết thời gian đó, bài hát được phổ biến rất nhanh chóng. Ông còn nhớ như in: "Ngày 20/2/1979, thu thanh ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngày 9/3, được đăng trên báo Nhân Dân… Sau đó được nghệ sĩ Tuyết Thanh đơn ca. Tháng 4, được đoàn Quân nhạc biểu diễn. Tháng 5, được dạy trên sóng đài phát thanh". 

Ông kể thêm, về sau này, khi không khí chính trị và tình hình quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đổi khác, một cách không chính thức, bài hát không còn được phổ biến nữa. Cách đây mấy năm, có nhà xuất bản muốn in nó trong một tuyển tập ca khúc của thời kỳ ấy, với điều kiện nhạc sĩ sửa lại một số từ. Ông gạt đi: “Bài hát nào ra đời cũng có giá trị lịch sử của nó. Lúc đó tôi sáng tác hoàn toàn từ cảm xúc của mình. Tình cảm chân thật thì làm sao chối bỏ được?”. Thế là biên tập viên đành bỏ bài hát ra khỏi tuyển tập.

Cùng thể loại hùng ca với Chiến đấu vì độc lập tự do là bài Lời tạm biệt lúc lên đường của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối, thật sự là một bản hành khúc viễn chinh đầy bi tráng:

Ngày ra đi, hướng biên cương, gió bấc tràn về lòng anh lạnh buốt.
Nòng súng thép dán câu thơ,
Ý thơ tuyệt hay là thơ Lý Thường Kiệt.


Và không thể không nhắc tới bản hùng ca Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận (1979) của nhạc sĩ Hồng Đăng. Không trong sáng, thiết tha như “tiếng ve trên đường vắng, hát theo bước hành quân, mãi xa vẫn còn ngân, tiễn tôi ra mặt trận” (Kỷ niệm thành phố tuổi thơ) năm nào, Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận hừng hực khí thế cả nước lên đường chiến đấu, một lần nữa.

Lịch sử gọi ta xông lên phía trước
Sẽ viết trọn bài ca anh hùng cứu nước.

Nhạc sĩ Trần Tiến góp vào không khí của thời kỳ đó với bài Những đôi mắt mang hình viên đạn. Ca từ gợi hình ảnh siêu thực: đôi mắt của những người già và trẻ em đang khóc than nơi biên giới.

Nhạc sĩ Thế Hiển thì có bài Hát về anh, đề cập trực tiếp tới những hy sinh thầm lặng của người lính biên phòng.

Cho tôi ca bài ca về người chiến sĩ nơi tuyến đầu.
Nơi biên cương rừng sâu, anh âm thầm chịu đựng gió sương.
Dẫu có những gian lao,
dẫu có những nhọc nhằn
mang trong trái tim anh trọn niềm tin...

Tình ca biên giới

Tuy vậy, có sức sống mãnh liệt nhất trong dòng nhạc biên giới vẫn là các bản tình ca. Đậm chất trữ tình, chan chứa tình cảm đôi lứa, đó là điều làm nên sự khác biệt giữa dòng nhạc biên giới với dòng ca khúc trong hai cuộc chiến chống Pháp và nhất là chống Mỹ.

Nếu như nhạc thời chiến tranh chống Mỹ (kể cả tình ca) có phần hào hùng, mang tính cổ vũ chiến đấu cao hơn, thì những khúc tình ca biên giới giờ đây nhiều tình cảm với nỗi nhớ nhung được tô đậm hơn. Ở đây, tình yêu đôi lứa hòa quyện một cách nhuần nhuyễn với tình yêu quê hương đất nước, không hề có sự “lên gân”, “hô khẩu hiệu”. Nói cách khác, nếu nhạc chống Mỹ còn nhiều bài “cứng” thì các ca khúc thời kỳ này mềm mại hơn hẳn, trữ tình hơn hẳn.

Chính vì thế, những bản ballad cách mạng này dễ đi vào lòng người và có sức sống bền lâu. Không ai quên được những nét nhạc và lời ca tha thiết tình cảm của Hoa sim biên giới (Minh Quang), Thư gửi cho nhau (Phan Huấn)…

Nếu em lên biên giới,
Em sẽ gặp bạt ngàn hoa -
- hoa sim, giữa đồi nắng gió, tím như ai chờ mong…


Như một lời thủ thỉ với người thương. Hoa sim biên giới rất được những người lính biên cương yêu thích. Cũng giống như Nơi đảo xa, Chút thư tình của người lính biển là hai ca khúc mà bất cứ chàng lính hải quân nào cũng biết tới và có thể nghêu ngao.

Một điều thú vị là có tới ba bài hát cùng được người yêu nhạc gọi tên là Chiều biên giới.

Chiều biên giới em ơi
Có nơi nào xanh hơn
Như chồi non cỏ biếc
Như rừng cây của lá,
như tình yêu đôi ta…
(Chiều biên giới - nhạc: Trần Chung, thơ: Lò Ngân Sủn)

Chiều biên giới anh thầm nhớ về, nơi em đó bộn bề,
bao nỗi nhớ tha thiết
Hỡi anh có biết những lời em thương
bao ngày qua, tuy rằng xa em để trong lòng…
(Lời thương ta ngỏ cùng nhau - Đức Miêng)

Do thói quen của nhiều khán thính giả Việt Nam là lấy luôn những từ đầu tiên của ca khúc làm tên bài hát, nên bài “quan họ mới" Lời thương ta ngỏ cùng nhaucủa nhạc sĩ Đức Miêng đã bị nhiều người gọi nhầm là Chiều biên giới.

Bài Chiều biên giới thứ ba là của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, sáng tác khi ông đang tham gia chiến đấu ở vùng biên giới phía tây nam của Tổ quốc, năm 1978.

Sinh thời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có một tác phẩm về biên giới - bài Em ở nông trường, em ra biên giới (1981), ông viết như một cách tưởng nhớ 20 cô gái thanh niên xung phong tình cờ gặp mặt, và họ đều đã hy sinh ở biên giới Tây Nam. 

Từ biên giới xa chốn em sương mù
Rừng sâu tìm những lối mòn qua...

Anh hùng, lãng mạn và bình dị

Chất trữ tình nhiều hơn - đó là nét khác biệt; còn điểm chung giữa dòng nhạc biên giới thời này và nhạc chống Mỹ, chống Pháp thời trước vẫn là lòng yêu nước, tinh thần lạc quan và can đảm của người lính. Không một chút bi lụy hay lùi bước trước hiểm nguy.

Mọi thế hệ người yêu nhạc đều sẽ luôn cảm thấy sức trẻ, tình yêu cuộc sống và ý chí của tuổi thanh xuân trong các ca khúc như: Ngày mai anh lên đường (Thanh Trúc, khoảng 1978), Gửi lại em (Vũ Hoàng, 1978, sáng tác trong thời kỳ chiến tranh biên giới Tây Nam), Nơi đảo xa (Thế Song, 1979), Tình ca mùa xuân (nhạc Trần Hoàn, thơ Nguyễn Loan, 1979), Chút thư tình người lính biển (nhạc Hoàng Hiệp, thơ Trần Đăng Khoa, 1981), Cánh hoa lưu ly (Diệp Minh Tuyền), Mùa xuân bên cửa sổ (Xuân Hồng)...

Một vài ca khúc của dòng nhạc biên giới hiện giờ đã "biến mất", nghĩa là không còn được biểu diễn trên các sân khấu lớn, trên sóng truyền hình, hay ghi âm, in ra sách… Việc không lưu hành những bài này là theo một thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc nhằm bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước.

Ngoài ra, theo tác giả của bài hát đầu tiên trong dòng "biên giới phía Bắc" - nhạc sĩ Phạm Tuyên với Chiến đấu vì độc lập tự do - thì một ca khúc có thể mang tính lịch sử, nghĩa là chỉ thích hợp với một giai đoạn nào đó.

Dĩ nhiên, với tư cách một nhạc sĩ, ông luôn trân trọng các bài hát của mình và của đồng nghiệp, và mong mọi tác phẩm âm nhạc đều được phổ biến.


Nhiều bản tình ca biên giới khác thì đã được thế hệ ca sĩ trẻ thể hiện lại. Chẳng hạn, Gửi em ở cuối sông Hồng, một thời gắn với tên tuổi Tiến Thành - Thanh Hoa, nay đã đến lớp ca sĩ mới Việt Hoàn - Anh Thơ song ca.

Tình ca mùa xuân do Bảo Yến “ngự trị” năm nào giờ đến lượt Quang Dũng cover. Trọng Tấn cũng đã thể hiện Chiều biên giới, Hoa sim biên giới, Nơi đảo xa (từng gắn với giọng ca bất hủ của ca sĩ Tiến Thành - đã mất vì tai nạn giao thông trong một chuyến lưu diễn phục vụ bộ đội biên phòng, năm 1984) v.v.

Nơi địa đầu đã là nguồn cảm hứng sáng tác như thế đối với các nghệ sĩ. Nó gắn với Tổ quốc, gắn với hình ảnh người lính cầm súng gác cho bình yên miền biên thùy, với mối tình của họ vừa lãng mạn vừa bình dị.

Đẹp và lãng mạn thay là hình ảnh:

Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
… Em ở phương xa, cách mười sông ba núi bốn đèo.

Bình dị và cảm động thay là hình ảnh:

Và chúng mình yêu nhau, bắt đầu tự độ ấy
Em đi vào xưởng máy, khi trời còn hơi sương
Và anh lại ra đi, vui như ngày hội
Mùa xuân biên giới, súng anh gác trời xa.