Dưới đây là bài viết thứ ba trong loạt
bài “Nói với mình và các bạn: Vẻ đẹp của chính trị”. Mục đích mà loạt bài hướng
tới là góp phần giúp độc giả, nhất là các bạn trẻ, hiểu hơn về chính trị, về sự
tham gia, về tự do ngôn luận và sự phân biệt giữa tự do ngôn luận với xúc phạm
người khác, về hiến pháp, quyền lập hiến và quyền tẩy chay hiến pháp, bất tuân dân sự. Còn mục đích của bài thứ ba và thứ tư là làm rõ về khái niệm “làm
chính trị”, “hoạt động chính trị”, nói ngắn gọn là “sự tham gia”.
Phạm Đoan Trang
* * *
Kỳ 3
“THAM GIA CHÍNH TRỊ” LÀ LÀM GÌ?
Chúng ta thường
hay nghe, trong xã hội, có những người hay nói: “Tôi không làm chính trị”, “Tôi
biết thế thôi chứ tôi không tham gia”… Nếu ta hỏi lại: “Làm chính trị là làm gì
cơ?”, câu trả lời của họ sẽ là: “Thì tức là tham gia chính trường, đấu đá, leo
cao, tranh giành quyền lực…”.
Đó có lẽ cũng
là cách hiểu của đại đa số người dân Việt Nam về hành động “làm chính trị”.
Cách hiểu ấy cho thấy rằng, chúng ta gần như không biết gì về chính trị, và
quan niệm của chúng ta về lĩnh vực bao trùm xã hội này đã bị bóp méo quá nhiều
bởi một chính quyền, một nền giáo dục, một nền văn hóa chính trị hoàn toàn
không khuyến khích người dân tư duy để “nâng cao nhận thức chính trị”.
Trên thực tế,
nếu chúng ta hiểu chính trị là “quá trình ra quyết định và thực thi quyết định
đó trong một nhóm, một cộng đồng, một xã hội, một quốc gia”, thì hoạt động
chính trị hẳn phải rộng hơn rất nhiều so với việc “đấu đá, leo cao”, và nó càng
không phải chỉ giới hạn trong một giới gọi là “lãnh đạo”. Hoạt động chính trị,
theo nghĩa rộng, là tất cả những gì bạn làm để tạo áp lực lên một cá nhân, một
cơ quan, một tổ chức, nhằm thuyết phục họ hành động như ý bạn muốn.
Phong trào “trên 25 độ C”
Ta hãy lấy một
ví dụ vui vui và đơn giản (dĩ nhiên là bịa) để cùng hiểu thế nào là “hoạt động
chính trị” theo nghĩa rộng. Giả sử bạn làm việc ở TP.HCM, và bạn nhận thấy là
các cơ quan, công sở nơi bạn đến đều để điều hòa nhiệt độ ở mức rất lạnh, có
khi chỉ 17-18 độ C, vừa tốn năng lượng (điện), vừa hại môi trường, vừa hại sức khỏe - lần nào vào phòng họp, bạn cũng rét run cầm cập.
Bạn nghĩ là sẽ
phải làm thế nào đó để tổ chức của bạn, hoặc các cơ quan, công sở mà bạn biết,
hoặc nhiều hơn nữa, mọi cơ quan, công sở trên địa bàn thành phố đều đặt máy điều
hoà nhiệt độ ở mức cao hơn, chẳng hạn trên 25 độ C. (Như vậy là bạn đã có ý thức
chính trị).
Sau đấy thì bạn
sẽ hành động. Đầu tiên là ngay trong tổ chức của bạn. Có nhiều cách để bạn thuyết
phục cơ quan làm điều bạn đang muốn: Bạn có thể gặp riêng sếp, “bỏ nhỏ”, rỉ tai,
nhờ sếp ra quy định yêu cầu toàn thể nhân viên “chỉ để điều hòa nhiệt độ từ 25
độ C trở lên”. Bạn có thể gửi thư chung cho cả cơ quan, kêu gọi, vận động “anh
chị em tăng điều hòa nhiệt độ lên đê!”, rồi thủ thỉ “trên 25 độ C, vừa tiết kiệm
điện, vừa đảm bảo chênh lệnh nhiệt độ hợp lý so với bên ngoài, đỡ hại sức khỏe”.
Để thuyết phục hơn, bạn thậm chí còn nghĩ ra một phong trào, mang cái tên
chung, chẳng hạn, là “Trên 25 độ C”.
Nếu bạn muốn
đi xa hơn, làm sao để tất cả các cơ quan, công sở, đều thực hiện “trên 25 độ
C”, thì bạn sẽ phải tính toán thêm một chút, để người ta không bảo bạn là điên,
dở hơi, rỗi việc. Trong những trường hợp như vậy, thường thì bạn nên “có tổ chức”.
- Bạn phải huy động thêm một số người cùng nghĩ như bạn vào việc thuyết phục;
- Hoặc bạn phải lôi kéo được một tổ chức nào đó có liên quan, ví dụ một NGO, một cơ quan báo chí, một kênh truyền hình về môi trường, cùng tham gia ủng hộ, đứng sau lưng bạn
- Hoặc bạn thành lập một tổ chức của riêng bạn. Việc này thì không đơn giản, bởi vì bạn sẽ phải tính đến các yếu tố như: thủ tục thành lập, nhân sự, vốn, mục đích (cái này các NGO thường hay gọi là “sứ mệnh”, còn ngôn ngữ hành chính nước ta hay gọi là “chức năng, nhiệm vụ”). Không lẽ lập một tổ chức chỉ để vận động các cơ quan, công sở tăng điều hoà nhiệt độ lên trên 25 độ C?
- Hoặc, trong kỷ nguyên Web 2.0 hiện nay, cách đơn giản là bạn phát động một phong trào “25 độ C” trên mạng xã hội và được đông đảo người dùng Internet hưởng ứng.
- v.v.
Nào, ta thử bảo vệ môi
trường!
Nếu mối quan
tâm của bạn vượt khỏi chuyện “để điều hòa nhiệt độ trên 25 độ C”, mà là bảo vệ
môi trường, tiết kiệm năng lượng nói chung, thì bạn có thể thực hiện nhiều hành
động chính trị hơn nữa, ví dụ:
- Bỏ phiếu cho đại biểu quốc hội nào thể hiện sự quan tâm đến vấn đề
môi trường, đưa việc cải thiện môi trường vào chương trình hành động… Đến đây,
bạn sẽ thấy thực tế chính trị ở Việt Nam không cho phép bạn chọn được người mà
bạn ủng hộ vào cương vị bạn cho là thích hợp.
- Tiếp xúc với
các đại biểu quốc hội để nhờ vả, thuyết phục họ lưu tâm đến các vấn đề môi trường
và đưa ra các đạo luật hay chính sách mà bạn cho là thích hợp. Cái này gọi là “vận động lập pháp”, “vận động chính sách”. Đến đây, bạn sẽ
thấy thực tế chính trị ở Việt Nam không cho phép bạn vận động một cách đàng
hoàng, minh bạch, mà nó chỉ có nghĩa là “đi đêm”, “hối lộ”.
- Tổ chức và tham dự các hội nghị, hội
thảo, thảo luận bàn
tròn v.v. về các chủ đề môi trường. Đến đây, bạn sẽ thấy thực tế chính trị ở Việt
Nam không cho phép bạn dễ dàng tổ chức hội nghị, hội thảo, thảo luận bàn tròn
v.v.
- Viết bài đăng báo. Đến đây, bạn sẽ thấy thực tế chính trị
ở Việt Nam là rất khó có diễn đàn nào để bạn lên tiếng. Cứ cho là bạn có khả
năng và kỹ thuật viết, bạn viết một bài báo rất chuyên nghiệp, cũng không chắc
là bài của bạn sẽ được đăng tải trên báo chí chính thống, có khi chỉ đơn giản
vì ban biên tập không quan tâm đến vấn đề môi trường. Bạn muốn tìm một tờ báo về
môi trường, thì lại không có, mà giả sử có thì cũng không được tới 1000 người đọc.
Nếu bạn tự quay phóng sự truyền hình để gửi tới đài truyền hình (trung ương hoặc
địa phương) thì lại càng khó khăn hơn nữa, gần như không có cơ may nào để tác
phẩm của bạn được phát sóng.
- Thành lập một tổ chức về môi trường. Đến đây bạn sẽ thấy thực tế chính trị
ở Việt Nam không cho phép bạn dễ dàng lập hội.
- Tham gia một tổ chức về môi trường. Đến đây bạn sẽ thấy thực tế chính trị
ở Việt Nam không cho phép các tổ chức dân sự dễ dàng hoạt động. Họ vấp phải đủ
vấn đề: thủ tục, nền tảng luật pháp, nhân sự, tài chính, v.v.
- Làm đơn khiếu nại, tố cáo, khởi kiện. Đến đây bạn sẽ thấy thực tế chính trị ở
Việt Nam không cho phép các vụ việc của một cá nhân được giải quyết nhanh
chóng, dễ dàng, thuận tiện. Đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiện tụng của bạn sẽ bị
chìm lấp trong hàng nghìn đơn thư khác, vụ việc của bạn rất có nguy cơ bị lãng
quên.
- v.v.
Có thể còn
nhiều hành động chính trị khác nữa, gồm cả những hành động mà bạn chắc hẳn chưa
từng nghĩ tới và không biết đó chính là “làm chính trị”.
Nếu bạn quan
tâm, chúng ta sẽ tìm hiểu về chúng trong bài sau, tức là phần tiếp theo của bài
này, để trả lời một cách cụ thể: Tham gia chính trị là làm gì (lý thuyết và thực
tế trên thế giới)? Chúng ta sẽ biết được rằng, những cuộc “đấu đá, tranh giành
quyền lực nội bộ” chỉ là một trong những hình thức hoạt động chính trị mà thôi;
khái niệm làm chính trị rộng hơn và có thể đẹp đẽ hơn thế rất nhiều.