Trong xã hội và trong thế giới mạng
lâu nay, có những ý kiến phê phán, trong đó nhiều quan điểm mang lời lẽ gay gắt,
nhằm vào những người thờ ơ với chính trị, gọi họ là “vô cảm”, “ích kỷ”, “não nhẵn”.
Một số ý kiến như vậy đi xa hơn để đạt đến một thái độ yếm thế, bất đắc chí, bất
mãn và có phần cay nghiệt, khi coi toàn thể cộng đồng người Việt Nam là “vứt
đi”, “không khá được”, “dân trí thấp kém”, “cái giống A-na-mít”, “xứ lừa”, v.v.
Dưới đây là bài viết thứ hai trong loạt
bài “Nói với mình và các bạn: Vẻ đẹp của chính trị”. Mục đích mà loạt bài hướng
tới là góp phần giúp độc giả, nhất là các bạn trẻ, hiểu hơn về chính trị, về sự
tham gia, về tự do ngôn luận và sự phân biệt giữa tự do ngôn luận với xúc phạm
người khác, về hiến pháp, quyền lập hiến và quyền tẩy chay hiến pháp, bất tuân dân sự. Còn mục đích của bài thứ hai này là cùng bạn tìm hiểu về sự vô cảm,
nguyên nhân của nó, và vì sao ta không nên công kích những người vô cảm.
Phạm Đoan Trang
* * *
Kỳ 2
ĐỪNG LÊN ÁN NGƯỜI VÔ CẢM!
Trong hệ thống
đánh giá và biểu dương, khen thưởng thành tích của Đảng và Nhà nước, các bạn
thường thấy có một tiêu chí là “ý thức chính trị cao”, “bản lĩnh chính trị vững
vàng”, theo nghĩa là “hiểu rõ và hướng tới bảo vệ lợi ích của Đảng, trung thành
với Đảng – lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Trên thực tế,
khái niệm “ý thức/ bản lĩnh chính trị” có lẽ đơn giản hơn. Người có ý thức
chính trị là người hiểu rằng “chính trị là quá trình ra quyết định và thực thi
quyết định đó trong một nhóm, một cộng đồng, một xã hội, một quốc gia”, nó có ảnh
hưởng tới tất cả mọi người và đấy là lý do để tất cả nên có sự quan tâm, tìm hiểu
ở mức cần thiết đến chính trị, đến các vấn đề chung của nhóm, cộng đồng, xã hội
hay quốc gia đó.
Bất cứ khi
nào bạn đặt ra và/hoặc tìm cách trả lời chỉ một trong các câu hỏi sau đây, là
khi đó bạn đã có ý thức chính trị:
- Tại sao một số người bạn yêu quý, bạn nể phục, lại không ở vị trí lãnh đạo “cho thiên hạ nhờ”? (trong công ty, trong tổ chức của bạn, cũng như trong một ngành nghề nào đấy – ví dụ bạn có ông chú là một vị bác sĩ rất có tâm, có tài, chẳng nhẽ không thể để chú làm Bộ trưởng Y tế thay Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến?)
- Nếu bạn muốn đưa những người đó lên vị trí lãnh đạo thì bạn cần làm gì?
- Bạn không muốn học môn kinh tế chính trị Marx-Lenin, hoặc ngược lại, muốn học kỹ hơn, đầy đủ hơn, thì phải làm thế nào?
- Các ý kiến, đề xuất của bạn ở lớp, ở trường, cơ quan, công ty, NGO của bạn… có kết quả gì không?
- v.v.
Chỉ cần đặt
ra một trong số câu hỏi như thế, là bạn đã có ý thức chính trị rồi. Ý thức
chính trị sẽ là cao nhất khi bạn tự hỏi: Mình muốn sống trong một tập thể/ cộng
đồng/ xã hội/ đất nước như thế nào, và mình sẽ làm gì để đạt được điều đó?
Sự vô cảm đến từ đâu?
Paulo Freire
(1921-1997) – nhà giáo dục nổi tiếng người Brasil, tác giả của cuốn sách sư phạm
rất có ảnh hưởng ở thế giới thứ ba “Pedagogy of the Oppressed” (tạm dịch: Giáo
dục dành cho người bị áp bức, xuất bản lần đầu năm 1970) – cho rằng con người
có những nhu cầu căn bản về vật chất và tâm lý-xã hội: Phàm là người thì ai
cũng có nhu cầu ăn ngủ, có chỗ ở, được chăm sóc sức khoẻ và chữa bệnh, được an
toàn, được bảo vệ bởi pháp luật và lực lượng công quyền đáng tin cậy, được sống
với người mình yêu, được thuộc về một cộng đồng, được mang bản sắc của một dân
tộc, được làm việc và chăm lo cho gia đình, được tôn trọng, được giáo dục và được
có các cơ hội để phát triển năng lực của mình. Paulo Freire tin rằng, nếu các
nhu cầu căn bản đó không được đáp ứng, thì kết cục tất yếu là những căn bệnh tập
thể, bệnh của cộng đồng sẽ xuất hiện, mà phổ biến nhất là bạo lực, sự vô cảm,
ma tuý và rượu.
Ông viết:
“Không ai có thể đáp ứng tất cả nhu cầu của mình. Chỉ khi nào ở trong một cộng
đồng, được sự hỗ trợ của những người khác, chúng ta mới có thể thoả mãn các nhu
cầu của chúng ta. Những tôn giáo tốt đẹp, những chính quyền tốt đẹp, thì đều
chú tâm đến việc xây dựng một xã hội như thế”.
Ông khẳng định:
“Vô cảm không phải là trạng thái tự nhiên của con người. Trạng thái tự nhiên
luôn là hướng tới đáp ứng các nhu cầu của mọi người khác. Chỉ khi các nỗ lực đó
liên tục bị ngăn trở, người ta mới rơi vào trạng thái vô cảm”.
Sự vô cảm được
hình thành như vậy. Và Paulo Freire bảo rằng, nếu chính quyền thất bại trong việc
tạo điều kiện cho người dân - ở bất kỳ bộ phận nào trong xã hội - thoả mãn được
nhu cầu căn bản, thì điều đó sẽ tác động ngược trở lại cả xã hội, và gây thiệt
hại về dài hạn. “Một xu chi ngày hôm nay vào nhu cầu của người dân, sẽ tiết kiệm
được 10 USD phải chi ngày mai vào công an, cảnh sát, nhà tù, các chương trình phục hồi nhân phẩm”.
Vô cảm là hệ
quả tất yếu của một nền chính trị xấu, một nền chính trị đã bị mất đi vẻ đẹp của
nó.
Và cùng với sự vô cảm là…
Khi người dân
của một quốc gia phải sống nhiều năm trong tình trạng bị một thiểu số kiểm
soát, chi phối lâu dài về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, v.v., suy nghĩ của
họ dần dần bị định hình, khiến họ tin tưởng vào sự ưu việt của thiểu số đó. Họ
có xu hướng nghĩ rằng thiểu số ấy luôn đúng đắn, sáng suốt, ngoài ra thì không
còn gương mặt nào sáng giá để lãnh đạo xã hội cả; các lực lượng khác đều dở tệ,
không có khả năng thay thế đội ngũ lãnh đạo hiện nay. Nói chung, họ không được
khuyến khích tư duy, trong khi lại luôn được khuyến khích (và bản thân họ cũng
khuyên lẫn nhau) là nên sống đơn giản, vui vẻ, còn những vấn đề “vĩ mô” thì đã
có một thiểu số lo – nhóm thiểu số này thay mặt toàn dân điều hành đất nước, ra
các chính sách có ảnh hưởng đến cả nước, trong đó có cả phần lợi ích của chính
những người đang sống đơn giản, vui vẻ.
Cùng trong
quá trình ấy, bản thân nhóm thiểu số lãnh đạo cũng được định hình tư duy để tin
rằng họ là giới tinh hoa, họ cao hơn các nhóm khác, họ cao hơn “dân” một bậc,
và tóm lại, họ là lãnh đạo. Những việc mỗi cá nhân gọi là “dân” ấy làm chỉ ảnh
hưởng tới cá nhân đó, nhiều hơn thì đến nồi cơm gia đình của ông/bà ta, cùng lắm
là đến cơ quan, công sở của ông/bà thôi. Chứ còn những việc lớn, trọng đại, có ảnh
hưởng tới toàn xã hội, đòi hỏi tầm vóc chiến lược, trí tuệ sáng suốt, phải là
việc lãnh đạo đang làm đây này. Mà vì làm việc lớn, quan trọng, cho nên họ nghiễm
nhiên cho rằng họ phải được “tạo điều kiện” hơn “dân”: Cái này trong tiếng Việt
gọi là “có tiêu chuẩn”, ví dụ có tiêu chuẩn nhà riêng, xe riêng, thậm chí
chuyên cơ.
Và như vậy,
cùng với trạng thái vô cảm của dân, là sự tự kiêu ngày càng lớn của chính quyền.
Ảnh
chụp tại Hội trường Bộ Quốc phòng. Đây cũng là nơi tổ chức một số kỳ
họp Quốc hội và nhiều cuộc họp quan trọng khác của Đảng, Nhà nước.
Hãy xem bức ảnh và tự hỏi, vì lý do gì mà bạn nghĩ "lãnh đạo" là phải ở "một tầm khác", cao hơn hẳn bạn và những người dân thường? (Ảnh: Trịnh Hữu Long)
Hãy xem bức ảnh và tự hỏi, vì lý do gì mà bạn nghĩ "lãnh đạo" là phải ở "một tầm khác", cao hơn hẳn bạn và những người dân thường? (Ảnh: Trịnh Hữu Long)
Chữa bệnh vô cảm
Như Paulo
Freire đã nói, thực chất vô cảm là một dạng bệnh của cộng đồng (cùng với bạo lực,
ma tuý và rượu chè). Nhưng ông cũng nhấn mạnh với chúng ta rằng bệnh ấy có ở
nhiều xã hội, và chúng ta không nên tiếp tục công kích những cá nhân vô cảm – vốn
cũng chỉ là “nạn nhân của áp chế và bóc lột” – vì những biểu hiện đó của họ.
Ông khuyên những
người có tinh thần cộng đồng, muốn đấu tranh với bệnh vô cảm thì phải tạo đủ sức
mạnh và niềm tin để đi xuyên qua sự vô cảm và khuyến khích các động lực trong cộng
đồng. “Hãy giúp mọi người tìm ra những niềm hy vọng mới, hãy tạo ra nguồn năng
lượng mới, để cùng nhau vượt qua bệnh vô cảm”.
Còn bạn, nếu
bạn vẫn quyết tâm “không quan tâm đến chính trị”, thì chỉ xin bạn nhớ: Bạn có
quyền như thế, nhưng điều đó không tốt cho cả bạn lẫn cộng đồng.