Dưới đây là bài thứ 10 trong loạt bài
“Nói với mình và các bạn: Vẻ đẹp của chính trị”, và là một bài viết có thể gây
tranh cãi.
Bài này sẽ nói với các bạn về một hình
thức hoạt động chính trị mà trên nguyên tắc, ai cũng tham gia được, nhưng trong
bối cảnh văn hoá chính trị Việt Nam, nên hay không nên ủng hộ, theo đuổi nó, là
một quyết định cực kỳ khó khăn.
* * *
Kỳ 10
BẤT TUÂN DÂN SỰ HAY LÀ “PHẢN ĐỘNG”
Bối cảnh của
bài viết này: Ở Long An vừa diễn ra một phiên toà thu hút sự chú ý của công luận,
tại đó, hai em Uyên và Kha bị kết án tù vì tội tuyên truyền chống phá Nhà nước.
Trong cáo trạng, hành vi cấu thành tội của các em bao gồm việc dán một lá cờ
vàng ba sọc đỏ kèm khẩu hiệu kêu gọi chống cộng.
Dưới góc độ
luật pháp, hành vi dán cờ vàng của Uyên và Kha không vi phạm bất cứ điều khoản
nào của Bộ luật Hình sự. Dưới góc độ nhân quyền, việc hai em làm hoàn toàn thuộc
phạm vi của quyền tự do biểu đạt. Dưới góc độ công lý, việc áp đặt một án tù rất
dài lên hai thanh niên còn rất trẻ, lại chỉ vì những hành vi hoàn toàn không
gây hại cho cộng đồng – so với việc kết án nhẹ hoặc bao che cho nhiều kẻ lạm
quyền, tham nhũng, giết người v.v. – thể hiện sự tăm tối, tệ hại của công lý ở
Việt Nam.
Nhưng, đặt luật
pháp, nhân quyền và công lý sang một bên, xét trong bối cảnh văn hoá chính trị
Việt Nam, hành động dán cờ vàng của Uyên và Kha có thể gây phản cảm cho “một bộ
phận dư luận”, bất chấp động cơ yêu nước của hai em.
Ở bài trước,
các bạn đã biết rằng văn hoá chính trị hiểu đơn giản là môi trường tâm lý-xã hội
mà trên đó nền chính trị vận hành. Khó mà mô tả văn hoá chính trị ở Việt Nam chỉ
trong vài dòng viết, nhưng có thể thấy một trong các đặc điểm của nó là tâm lý
nể sợ chính quyền, quan niệm rằng chính quyền luôn đúng, và mọi hành vi phản
kháng, chống đối thì đều là “phản động”, “phản cảm”, “gây rối”, “có dụng ý xấu”,
“phá hoại”. Mặc dù pháp luật không quy định cấm sử dụng cờ của chế độ cũ, nhưng
dường như ai cũng nghĩ rằng dán cờ vàng ba sọc đỏ là hành động chống Đảng Cộng
sản Việt Nam, chống Đảng thì tức là chống chính quyền, chống chính quyền thì…
đi tù!
Nếu Mahatma Gandhi ở Việt Nam…
Vào những năm
đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ, nhà hoạt động nổi tiếng, người mà toàn dân Ấn
Độ tôn xưng là “Thánh” – Mahatma Gandhi (1869-1948) – đã phát triển một phương
pháp đấu tranh mà ông gọi là “bất tuân dân sự phi bạo lực”, “bất bạo động” (tiếng
Anh: nonviolent civil disobedience, tiếng Ấn: satyagraha). Đây là một hình thức
hoạt động chính trị theo đó, người dân từ chối tuân thủ luật pháp của nhà cầm
quyền để tỏ thái độ phản kháng và buộc chính quyền phải thay đổi chính sách hay
một đạo luật cụ thể nào đó; sự bất tuân này hoàn toàn ôn hoà, không sử dụng vũ
lực.
Các biểu hiện
của bất tuân dân sự khá đa dạng, tuỳ sự sáng tạo của người tiến hành. Như các bạn
có thể đã thấy, nó bao gồm cả đình công, tẩy chay, biểu tình. Còn có việc bất hợp
tác với cơ quan chính quyền, chẳng hạn, bằng cách nhất định không tuân theo đạo
luật hoặc chính sách mà mình phản đối. Rosa Parks (1913-2005), người phụ nữ nổi
tiếng của phong trào đòi quyền cho người da đen ở Mỹ, đã thể hiện sự bất tuân của
mình đối với chính sách phân biệt chủng tộc bằng cách từ chối đứng dậy nhường
ghế cho một người da trắng trên xe buýt – dù theo luật pháp Mỹ lúc đó thì xe
buýt có quy định chỗ ngồi riêng cho dân da đen và dân da trắng.
Bạn thấy đấy:
Bản chất của bất tuân dân sự là chống lại những đạo luật, chính sách mà ta cho là
bất hợp lý, bất công. Nói cách khác, đã thực hiện bất tuân dân sự, nghĩa là phải
có hành vi vi phạm pháp luật. Như ở Việt Nam, gần như chắc chắn nó sẽ đi ngược với đường lối-chủ trương của Đảng, Nhà nước, và sẽ được gọi là “phản động”.
Tại Ấn Độ
trong những năm tháng giành độc lập, phong trào đấu tranh bất bạo động do
Gandhi khởi xướng được hưởng ứng nhiệt liệt: Hàng nghìn người tuần hành, biểu
tình ngồi, từ chối đóng thuế (để phản đối luật muối của chính quyền thực dân)...
Khi bị cảnh sát đàn áp, họ vẫn nhất quyết giữ tinh thần phi bạo lực: Không chống
cự, chấp nhận vào tù càng đông càng tốt. Mục đích của họ là thu hút chú ý và giành
sự ủng hộ của cộng đồng. Cảnh sát càng hành xử tàn bạo thì sự ủng hộ dành cho
phong trào bất bạo động càng có khả năng cao hơn.
Tương tự, sự đàn áp của cảnh
sát đối với những người phụ nữ đòi quyền bỏ phiếu đầu thế kỷ 20, với những người
da đen chống phân biệt chủng tộc thập niên 1960, đã khiến cho ngày càng có thêm
dư luận cảm thông và ủng hộ sự nghiệp của những nhà đấu tranh nhân quyền. Tác
giả bài viết này cũng tin rằng, làn sóng phản đối chiến tranh Việt Nam hẳn là
đã dâng cao ở Mỹ, khi các kênh truyền hình phát đi hình ảnh cảnh sát Mỹ cầm roi
vụt toé máu một người biểu tình.
Thế nhưng, nếu
so với Việt Nam, thì ở đây có hai vấn đề: Thứ nhất là vai trò của hệ thống truyền
thông (báo chí – truyền hình có được tuỳ ý lựa chọn thông tin, hình ảnh mà họ
muốn sử dụng không?); thứ hai là… văn hoá chính trị (tâm lý xã hội có ủng hộ hoặc
ít nhất là tôn trọng những người quan tâm đến chính trị không?).
Bạn hãy thử
nghĩ về một ví dụ giả tưởng: Nếu Mahatma Gandhi ở Việt Nam thời nay và tham gia
biểu tình ngồi trước cổng Quốc hội hay Toà án Nhân dân Tối cao, liệu hình ảnh
ông có được phản ánh một cách đẹp đẽ trên truyền hình? Và liệu ông có được đông
đảo người dân ủng hộ?
"Xin lỗi vì đã gây ra sự bất tiện này. Chúng tôi đang cố gắng thay đổi thế giới".
(Ảnh không rõ nguồn trên Internet)
Bất tuân dân sự ở Việt Nam
Những năm gần
đây, ở Việt Nam, có nhiều chính sách và đạo luật bất hợp lý hoặc gây tranh cãi,
mà nếu ở trong một không gian văn hoá chính trị khác, rất có thể bất tuân dân sự
đã xảy ra. Ví dụ như chính sách “toàn dân đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao
thông bằng xe máy”, được cụ thể hoá bằng Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 19/6/2007 của Chính
phủ.
Không bàn đến
tính đúng đắn hay bất hợp lý của Nghị quyết này, ta có thể thấy đây là một
chính sách gây tranh cãi. Ở trong một nền văn hoá chính trị khác, bất tuân dân
sự hoàn toàn có thể xảy ra khi một nhóm người (ví dụ: những người kinh doanh mũ
lưỡi trai, nón lá…) nhất định không đội mũ bảo hiểm khi ra đường, nếu bị công
an bắt thì nhất định không nộp phạt, và viết bài, xuất hiện trên báo chí-truyền
hình để tỏ thái độ phản đối.
Gần đây hơn,
vào năm 2012, Bộ Công an ra Thông tư 27/2012 quy định áp dụng mẫu chứng minh
thư nhân dân mới trong đó công dân phải khai báo cả tên cha mẹ. Đây là một
chính sách không chỉ bất hợp lý mà còn thiếu nhân văn và đe doạ xâm phạm quyền
riêng tư. Nếu ở trong một nền văn hoá chính trị lành mạnh, bất tuân dân sự hoàn
toàn có thể xảy ra khi các công dân (ví dụ những người là con nuôi, con ngoài
giá thú, con của bố/mẹ đơn thân) nhất định không làm chứng minh thư mới, hoặc nếu
làm thì dán kín phần tên cha mẹ lại. Đó cũng là một hành động thể hiện sự phản
kháng đối với một chính sách mà họ thấy không thể chấp nhận.
Thật may là
cuối cùng, Bộ Công an đã dừng “sáng kiến” này lại, nhưng đó không phải là vì kết
quả của một phong trào bất tuân dân sự nào.
Một ví dụ rõ
hơn và đã xảy ra trên thực tế, là câu chuyện của “sinh viên tự thú” Nguyễn Anh
Tuấn. Ngày 26/4/2011, ba tuần sau phiên sơ thẩm xét xử Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà
Vũ vì tội “tuyên truyền chống phá Nhà nước”, anh Tuấn, lúc đó là sinh viên năm
thứ ba Học viện Hành chính Quốc gia, đã gửi đơn cho Viện Kiểm sát Nhân dân Tối
cao khẳng định anh có “tàng trữ” tài liệu mang nội dung chống đối Nhà nước và
do đó cũng cần phải bị truy tố với cùng tội danh như ông Vũ. Trong trường hợp
này, anh Tuấn thể hiện sự phản kháng đối với một điều luật xâm phạm tự do ngôn
luận: Điều 88 Bộ luật Hình sự.
Bên cạnh những
ý kiến ủng hộ, anh Tuấn cũng nhận được một làn sóng lăng mạ trên mạng, cho rằng
anh “thần kinh”, “hoang tưởng”, “thích chơi trội, đánh bóng tên tuổi” v.v.
Văn hoá chính trị có thay đổi được
không?
Đến đây thì hẳn
các bạn đã thấy là bất tuân dân sự chỉ có thể đạt kết quả nếu những người tham
gia thu hút được sự chú ý và ủng hộ từ dư luận, mà muốn như thế thì lại cần hai
điều kiện: 1. Hệ thống truyền thông độc lập (tương đối); 2. Nền văn hoá chính
trị chấp nhận sự phản biện, phản kháng đối với chính quyền.
Và từ đó đi đến
kết luận mà bài viết này hướng tới: Những nhà hoạt động ở Việt Nam, trong mọi
lĩnh vực như tổ chức công đoàn, bảo vệ môi trường, bảo vệ nhân quyền, chống
tham nhũng v.v. đều phải cân nhắc đến yếu tố “văn hoá chính trị” trước khi tiến
hành bất cứ công việc nào có liên quan đến cộng đồng. Dù đó là biểu tình, khiếu
kiện, đình công, tẩy chay. Dù đó là đi bộ diễu hành, đạp xe phản đối tăng giá
xăng, tẩy chay công cụ tìm kiếm Cốc Cốc, hay dã ngoại nhân quyền, chặn cổng Quốc
hội và Toà án Nhân dân để gửi đơn kiện. Suy cho cùng, làm chính trị là thực
hành khả năng thuyết phục và vận động người khác, khả năng thu phục số đông.
Nhưng giả sử
văn hoá chính trị hủ lậu đến cùng cực thì sao, không lẽ vẫn phải “điều chỉnh”
theo nó? Cá nhân tác giả tin rằng văn hoá chính trị là cái có thể thay đổi, và
“cân nhắc đến yếu tố văn hoá chính trị” không hề đồng nghĩa với chấp nhận thoả
hiệp, né tránh.
Khi tiến hành
đấu tranh bất bạo động, Gandhi có bao giờ bị “một bộ phận dư luận” phản ứng miệt
thị không? Chắc là có chứ, nhưng bạn hãy nhớ câu này của ông: “Đầu tiên họ phớt
lờ bạn, sau đó họ cười nhạo bạn, sau nữa họ đánh bạn, và rồi bạn chiến thắng”.