Friday, 21 June 2013

Tự do báo chí kiểu Việt Nam (kỳ 2)

Như đã nói trong bài trước, “hơn ai hết, Đảng – mà đại diện ở đây là bộ máy tuyên giáo và an ninh – ý thức được sức mạnh của sự bí mật. Công khai, minh bạch là tự làm mất mặt mình, tự giết mình”. Chính vì vậy, để bảo vệ chế độ, điều tối quan trọng là phải bảo đảm… bí mật, từ bí mật công tác đến an ninh quốc gia. Để làm được điều đó, nguyên tắc căn bản chỉ là “làm tốt công tác tư tưởng” và quản lý báo chí thật chặt chẽ, sát sao.  

Nhưng đến khi Internet và nhất là mạng xã hội xuất hiện, thì nhiệm vụ trở nên khó khăn hơn. Từ đây, bộ máy tuyên giáo và an ninh vừa phải quản lý báo chí chính thống, vừa phải kiểm soát truyền thông “phi chính thống”, tức thế giới mạng. 

Duy trì chế độ thẻ nhà báo

Một phương thức tinh vi để kiểm soát báo chí dưới mỹ từ “quản lý” là sử dụng chế độ thẻ nhà báo. Sáng kiến này được áp dụng đã từ lâu, tới năm 2007 thì được luật hoá trong một thông tin gọi là Thông tư số 07/2007/TT-BVHTT hướng dẫn cấp, đổi và thu hồi thẻ nhà báo, Bộ Văn hóa - Thông tin, ngày 20/3/2007. Theo đó, người được xét cấp thẻ nhà báo phải bảo đảm các điều kiện và tiêu chuẩn sau đây:

a) Tốt nghiệp đại học; trường hợp là người dân tộc thiểu số đang công tác tại cơ quan báo chí miền núi hoặc chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc thiểu số phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên;

b) Có thời gian công tác liên tục theo chế độ biên chế hoặc hợp đồng dài hạn tại cơ quan báo chí đề nghị cấp Thẻ từ ba năm trở lên, tính đến thời điểm xét cấp thẻ;

c) Hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan báo chí phân công;

d) Không vi phạm quy định về phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp báo chí; không bị xử lý kỷ luật từ khiển trách trở lên trong thời hạn 12 tháng tính đến thời điểm xét cấp thẻ;

e) Ðược cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, Sở Văn hóa - Thông tin (đối với báo chí các tỉnh, thành phố) và Hội Nhà báo cùng cấp thống nhất đề nghị cấp thẻ nhà báo.

Các điều kiện trên (trừ khoản a) đều khó thực hiện trong thực tế. Xét bản chất, nghề báo là nghề có tính lưu động cao, các phóng viên “nhảy việc” gần như liên tục, khó mà có người “công tác liên tục theo chế độ biên chế hoặc hợp đồng dài hạn (…) từ ba năm trở lên”. Cho nên khoản b là khó đáp ứng. Các khoản còn lại thì đương nhiên chỉ nhằm khuyến khích các phóng viên biết chấp hành, chịu khó tuân theo chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước; không có chỗ cho những phóng viên sáng tạo, nhiệt huyết, có tinh thần phản biện và luôn luôn sẵn sàng “xé rào”, chống lại định hướng của Đảng. (Xin lưu ý, đạo đức nghề nghiệp báo chí, theo quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, đưa ra tại Đại hội VIII Hội Nhà báo là: “Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”.)

Riêng khoản e, “Được cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, Sở Văn hóa - Thông tin (đối với báo chí các tỉnh, thành phố) và Hội Nhà báo cùng cấp thống nhất đề nghị cấp thẻ nhà báo còn cho thấy sự nhập nhằng giữa khu vực nhà nước và khu vực xã hội dân sự. Báo chí về bản chất là một khái niệm thuộc về xã hội, và cơ quan báo chí không phải là cơ quan thực thi công vụ. Nhà nước không thể đứng ra cấp thẻ nhà báo để định danh cho người tiến hành hoạt động nghề nghiệp này; nói cách khác, Nhà nước không được lấn sân, chiếm lấy một lĩnh vực không phải của mình. Nhưng Nhà nước lại cứ giành lấy quyền ấy, thậm chí còn cẩn thận quy định rõ trong luật, rằng báo chí có nhiệm vụ “tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tựu văn hoá, khoa học, kỹ thuật trong nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí…”.

Chính điều này dẫn đến việc nhiều nhà báo buộc phải “chấp nhận sự định hướng của một lực lượng mà năng lực truyền thông hẳn nhiên là thua xa họ” (trích “Giọt nước mắt của lề phải”).

“Nhà báo tự do” = phản động

Nhiều người thường nói rằng thẻ nhà báo chỉ là một cái thẻ, không quan trọng. Nhưng trên thực tế, nó rất quan trọng, vì trong luật pháp cũng như trong nhận thức của xã hội, nhà báo phải là người “đang hoạt động hoặc công tác thường xuyên với một cơ quan báo chí Việt Nam và được cấp thẻ nhà báo” (Điều 14 Luật Báo chí). 

Người chưa/không được cấp thẻ thì không được công nhận là nhà báo. Từ đây dẫn đến việc họ đương nhiên bị gạt ra khỏi bất kỳ sự kiện nào mà ban tổ chức, cơ quan an ninh, chính quyền… không muốn bị báo chí biết. Ở rất nhiều hội thảo, hội nghị, sự kiện chính trị - xã hội, ban tổ chức luôn đặt điều kiện “phải có thẻ nhà báo” mới gửi giấy mời. Bằng cách này, ban tổ chức đã loại ra ngoài đông đảo phóng viên, là những người hoạt động báo chí y hệt như nhà báo nhưng không được cấp thẻ.

Công an, an ninh, hơn ai hết, là những người được quán triệt chặt chẽ rằng phải có thẻ do Nhà nước cấp mới được gọi là nhà báo, điều này đồng nghĩa với việc tất cả những người đang hoạt động báo chí mà không có thẻ thì đều là “phóng viên tự do”, “tự xưng/ mạo nhận”, và đều có thể bị ngăn chặn triệt để, không được phép tiếp cận thông tin. Ngày 30/10/2012, khi phóng viên Truyền thông Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, Huyền Trang, bị công an đưa về đồn thẩm vấn, cô nói cô là phóng viên. Nhân viên công an liền quát: “Ai công nhận chúng mày là nhà báo hả? Thẻ tác nghiệp của chúng mày đâu? Một lũ ăn không ngồi rồi, rồi rủ nhau phản động hả?”.

Riêng trong hai năm 2011 và 2012, trên cả nước đã xảy ra hàng chục vụ phóng viên bị đánh. Thủ phạm là lưu manh côn đồ, bảo vệ, vệ sĩ, công an, và cả dân thường. Nhưng trong tư duy của chính quyền, nạn nhân nếu chưa có thẻ thì không phải là nhà báo, do vậy sự việc không nghiêm trọng tương đương với “hành hung nhà báo.”

Với blogger, tình hình còn tệ hại hơn: Họ không những không được pháp luật bảo vệ mà ngược lại, còn bị xử lý. Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và tất cả các thành viên của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do đều “không phải là nhà báo”, nên bị cơ quan công an, an ninh xua đuổi, đàn áp thẳng tay khi họ có mặt tại các điểm nóng để đưa tin, dù chỉ là lên blog của họ. 

Một mặt, Đảng và Nhà nước xiết chặt việc “nắm tư tưởng”, “định hướng” báo chí chính thống. Mặt khác, Đảng và Nhà nước nhất định không công nhận blogger là nhà báo. 

Làng báo chính thống và blog chính trị ở Việt Nam đều biết đến Trương Duy Nhất, người từng bỏ nghề báo để trở thành blogger, chủ trang mạng “Một góc nhìn khác”. Sau khi ông Nhất bị bắt ngày 26/5/2013, nhà báo Đức Hiển (Facebooker Bố Cu Hưng) bình luận trên Facebook cá nhân rằng “vấn đề của một nhà báo là phải có thông tin. Khi thiếu khả năng hoặc cơ hội tiếp cận thông tin thì góc nhìn nếu khác là chửi đổng mà nếu giống là a dua…”.

Cộng đồng FB và blog chính trị rộ lên một đợt chỉ trích nhà báo Đức Hiển. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ của chính quyền thì ông Đức Hiển nói đúng. Khả năng và cơ hội tiếp cận thông tin chính là cái khác biệt giữa nhà báo và blogger, giữa nhà báo chính thống và nhà báo tự do. Blogger không thể nào có mặt ở các sự kiện chính trị-xã hội quan trọng do Nhà nước tổ chức, không thể nào tham dự hội thảo, hội nghị quốc gia, quốc tế, không thể nào tiếp cận quan chức cấp cao của Đảng và Nhà nước. Và chính quyền ý thức được rằng phải khoét sâu vào điểm yếu ấy của blogger thì mới giữ nền báo chí công dân ở thế yếu hơn báo chí cách mạng được. Song song với đó là việc tạo cuộc chiến vô hình “lề phải – lề trái” để ngăn chặn mọi sự hợp tác, bắt tay nhau giữa nhà báo quốc doanh và nhà dân báo.

Đừng để bị “phản động lợi dụng

Để tạm kết thúc hai bài viết sơ lược về tự do báo chí kiểu Việt Nam (chuyện dài kỳ), xin sử dụng một đoạn hội thoại – thẩm vấn điển hình cho tư duy của chính quyền về báo chí và hoạt động của nhà báo trong chế độ xã hội chủ nghĩa:

AN: Anh Y. ạ, hiện chúng tôi đang làm rõ động cơ, mục đích đằng sau một số bài viết trên blog của anh.

Blogger: Tôi phản đối việc bắt giữ tuỳ tiện. Như tôi đã nói, các bài viết của tôi chỉ có mục đích xây dựng, đóng góp cho Đảng một ý kiến phản biện ôn hoà.

AN: Không ai cấm anh phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng. Nhưng anh có thể chọn những cách khác, hiệu quả hơn.

Blogger: Tôi không đồng ý. Thế nào là hiệu quả hơn? Tôi là blogger, tôi nói lên ý kiến của mình qua công cụ blog của tôi thì sao? 

AN (cười độ lượng): Đấy, anh lại thế rồi. Tôi đã nói rồi, không ai cấm anh phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng cả. Nhưng mình là trí thức, là người có ăn có học, nói gì thì nói, phải có cơ sở anh ạ, phải có lý có lẽ, có thông tin, thuyết phục, chứ không phải thích gì nói nấy. Cứ thích thì nói nấy thì anh thành ra mấy cái đứa blogger phản động trên mạng à? 

 Blogger: Tôi là nhà báo. Tôi có cách tiếp cận và xử lý thông tin của tôi.

AN (nhấn mạnh): Anh không phải nhà báo. Anh làm gì có thẻ tác nghiệp, hả? Nhà báo tự do à? Điếu Cày à?

Blogger: Nhà báo thì sao mà không là nhà báo thì sao? Không lẽ chỉ nhà báo mới được viết? Mà luật nào cấm blogger được viết? Hiến pháp của chúng ta cũng đã quy định…

AN (ngắt lời): Khổ. Anh lại cực đoan rồi, anh Y. Tôi đã nói rất rõ là nói gì thì nói, viết gì thì viết, phải có thông tin xác thực, lập luận thuyết phục trên cơ sở xây dựng anh ạ. Anh xưng anh là nhà báo thì lại càng phải thế, phải có trách nhiệm với những gì mình viết chứ. Anh xem lại các bài viết của mình mà xem, toàn là những bài hết sức cực đoan, phiến diện vì thiếu thông tin.

Blogger: Thế anh nói “có những cách hiệu quả hơn để đóng góp ý kiến” là những cách gì?

AN: Nếu thực sự anh có tinh thần xây dựng, muốn đóng góp ý kiến xây dựng Đảng thì anh sẽ tìm ra cách. Thiếu gì cách. Ví dụ – đây là tôi lấy ví dụ thôi nhé – anh có thể gửi thư riêng đến các đồng chí lãnh đạo cao cấp. Chứ ai lại đi đưa lên blog công cộng như thế cho mấy đứa trên mạng nó đọc, rồi nó lợi dụng, nó bàn ra tán vào này nọ. Mình thấy nó hưởng ứng mình, mình tưởng thế là hay, chứ thực ra bọn nó chỉ lợi dụng mình thôi. Anh xem đấy, đến lúc anh bị bắt thì đứa nào giúp anh? Từ giờ phút này là chỉ có anh mới cứu được anh thôi, anh Y…


A police state: Police standing outside the trial of legal activist Cu Huy Ha Vu, April 2011. 
(source unknown)