Thursday, 18 July 2013

TUYÊN BỐ CỦA MẠNG LƯỚI BLOGGER VIỆT NAM

VIỆT NAM PHẢI SỬA ĐỔI PHÁP LUẬT ĐỂ CHỨNG MINH CAM KẾT TRANH CỬ VÀO HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LIÊN HỢP QUỐC

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (HĐNQ) có trách nhiệm tăng cường việc xúc tiến và bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới, giải quyết tình trạng vi phạm nhân quyền và đưa ra khuyến nghị.

Là một ứng cử viên vào HĐNQ nhiệm kỳ 2014-2016, Việt Nam phải chứng minh các cam kết của mình nhằm hợp tác với HĐNQ và duy trì “những chuẩn mực cao nhất trong việc xúc tiến và bảo vệ nhân quyền”.


Những nghĩa vụ và trách nhiệm này không chỉ được áp dụng trên bình diện quốc tế, mà còn trong nội bộ Việt Nam. Chính quyền Việt Nam cũng cần xem xét lại tình trạng vi phạm nhân quyền trên đất nước họ và nhân dân Việt Nam cũng phải có quyền tự do tư tưởng và biểu đạt, kể cả các vấn đề nhân quyền.

Để cải thiện việc bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam, chúng tôi sẽ thực thi các nguyên tắc của HĐNQ như những hướng dẫn cho các hành động của chúng tôi, vốn cũng đồng thời tuân thủ các nghĩa vụ của Việt Nam theo luật nhân quyền quốc tế.

Chúng tôi sẽ:

- Tiếp tục xúc tiến và truyền đạt đến người dân Việt Nam về các quyền của họ bằng cách phân phối công khai bản Tuyên ngôn nhân quyền, tổ chức các diễn đàn công khai để thảo luận về nhân quyền ở Việt Nam và vận động cho những sự cải thiện cần thiết trong việc tôn trọng và bảo vệ nhân quyền.

- Tiếp tục giám sát, báo cáo và bình luận công khai về sự cải thiện, thụt lùi hay vi phạm nhân quyền ở Việt Nam,  với sự tập trung vào vấn đề chính sách và thực thi chính sách ảnh hưởng đến nhân quyền do nhà chức trách Việt Nam tiến hành.

Để hoàn thành những hành động có trách nhiệm này, chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam và HĐNQ xem xét lại Điều 258 của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009 – “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

Trong tháng Năm năm 2013, hai blogger đã bị tạm giữ ngay sau khi họ phân phát bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và cảnh sát cáo buộc họ “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước”. Chỉ vài tuần sau đó, hai blogger khác cũng bị tam giữ sau khi tham gia một cuộc dã ngoại để thảo luận về các nội dung của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền.

Gần đây nhất, trong tháng Năm và tháng Sáu năm 2013, điều 258 đã được sử dụng để bắt blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy vì đã thực hiện quyền tự do biểu đạt bằng cách đăng tải các bài viết ôn hoà lên blog của họ.

Điều này vi phạm điều 19 của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng và biểu đạt. Quyền này bao gồm sự tự do tư tưởng mà không bị cản trở,  được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và ý kiến qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới”.

Sẽ là một trọng trách khi phụng sự như một quốc gia thành viên của HĐNQ, và là cơ hội để thúc đẩy nhân quyền ở trong cũng như ngoài quốc gia đó. Để thành công trong việc ứng cử vào HĐNQ, chúng tôi tin rằng Việt Nam phải bãi bỏ hoặc sửa đổi điều 258 để đảm bảo rằng nhân dân Việt Nam được tự do để tự học hỏi về nhân quyền cũng như thúc đẩy nhân quyền.

Chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ xem xét việc huỷ bỏ điều 258 để chứng tỏ cam kết của mình và đóng góp cho việc xúc tiến và bảo vệ nhân quyền, và chúng tôi hy vọng các thành viên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ thúc đẩy Việt Nam thực hiện điều đó trong thời gian vận động tranh cử.

Chúng tôi yêu cầu Việt Nam thể hiện các cam kết về nhân quyền của họ như một ứng cử viên tốt trước cuộc bầu cử, để tạo điều kiện cho các thành viên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đánh giá các cam kết nhân quyền của họ. Việc bãi bỏ điều 258 phải là một trong các cam kết đó.

Như Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã nói – “Tất cả các nạn nhân của việc vi phạm nhân quyền có thể trông cậy vào Hội đồng nhân quyền như một diễn đàn và một bàn đạp cho các hành động”. Là những người vận động cho tự do biểu đạt ở Việt Nam và là nạn nhân của các vi phạm nhân quyền vì các hoạt động của mình, chúng tôi xem việc ứng cử của Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền như một cơ sở cho các cuộc thảo luận có tính xây dựng về nhân quyền ở đất nước chúng tôi.