Chiều 31/7 tại Văn phòng Cao uỷ Liên Hợp Quốc về Nhân quyền (OHCHR), các blogger đại diện cho mạng lưới blogger chính trị Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ với quan chức của OHCHR phụ trách về nhân quyền khu vực Đông Nam Á.
Có mặt tại buổi
gặp là một số blogger đến từ cả ba miền của đất nước: Nguyễn Lân Thắng, Đoan
Trang (Hà Nội), Nguyễn Anh Tuấn (Đà Nẵng), Nguyễn Thảo Chi và Nguyễn Nữ Phương
Dung (Sài Gòn). “Chúng tôi đến đây, tuy khác nhau về độ tuổi, giới tính, tỉnh
thành, nghề nghiệp, nhưng chúng tôi có điểm chung, là đều là những blogger muốn
chống lại việc nhà nước lạm dụng pháp luật trấn áp quyền tự do của người dân” –
blogger Nguyễn Anh Tuấn, 23 tuổi, phát biểu tại cuộc gặp.
Lợi dụng pháp luật để đàn áp blogger
Các blogger
đã mô tả sơ qua về bối cảnh chính trị hiện nay tại Việt Nam: Chính phủ Việt Nam
đã ký kết, thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hợp Quốc cùng nhiều công ước
quốc tế về nhân quyền có liên quan. Việt Nam cũng đang tích cực chạy đua vào
chiếc ghế thành viên trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) nhiệm kỳ
2014-2016. Mặc dù vậy, chính quyền vẫn duy trì một hệ thống luật pháp đi ngược
lại với Tuyên ngôn Nhân quyền và các công ước quốc tế liên quan.
Trong hệ thống
luật pháp đó, hiện tại, nổi lên ba điều khoản trong Bộ luật Hình sự, gồm Điều
79, 88 và 258, đang được Nhà nước sử dụng để bắt bớ, đàn áp, truy tố và kết án
tù đối với các blogger hay có thể gọi là những người viết trên mạng
(net-writer). Thực tế là gần đây, chỉ trong vòng một tháng, đã có tới ba
blogger bị bắt giam và bị buộc tội vi phạm Điều 258 Bộ luật Hình sự, “lợi dụng
các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp
của tổ chức, công dân”. Đây là một điều khoản với ngôn ngữ pháp lý mơ hồ, chung
chung, đủ để trở thành một cái vòng kim cô rất rộng để chụp lên đầu bất kỳ
blogger nào viết những điều chính quyền không thích.
Trước tình
hình đó, hơn 100 blogger Việt Nam đã quyết định hình thành một mạng lưới
blogger chính trị và đưa ra Tuyên bố chung lên án việc Nhà nước lạm dụng pháp
luật, cụ thể là Điều 258 Bộ luật hình sự. Đặc biệt, thay vì chỉ gửi kiến nghị tới
Chính phủ, lần này, blogger Việt Nam đã, đang và sẽ gửi Tuyên bố tới các tổ chức
quốc tế, bao gồm cả Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Văn phòng Cao uỷ Liên Hợp
Quốc về Nhân quyền, để cộng đồng quốc tế có cái nhìn chân thực về tình hình
nhân quyền ở Việt Nam.
“Blogger hãy thu thập bằng chứng”
Đại diện của OCHCR cho biết OHCHR hiểu tình hình vi phạm nhân
quyền ở Việt Nam hiện nay là khá nghiêm trọng, với những vụ bắt giữ nối tiếp
nhau và những hành động trấn áp nhằm vào blogger cũng như những người bất đồng
chính kiến. “Tuy nhiên, vấn đề là OHCHR không mở văn phòng đại diện ở Việt Nam,
mà nói cho đúng là Chính phủ Việt Nam không muốn cho chúng tôi mở văn phòng ở
đó” – bà mỉm cười – “cho nên OHCHR gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin để
thu thập bằng chứng”.
“Blogger và
những người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam cần ghi lại (document) tất cả các vụ
việc: Chuyện gì đã xảy ra? Với ai? Ai gây ra? Ở đâu? Bao giờ? Các bạn không nhất
thiết phải viết một báo cáo dài tới 3 trang giấy, nhưng cần có những thông tin
căn bản đó để gửi cho chúng tôi, theo một cơ chế bảo vệ nhân quyền đặc biệt của
Liên Hợp Quốc, gọi là Special Procedures Rapporteur” *. Bà khuyên các
blogger Việt Nam, đồng thời gửi tặng một loạt tài liệu về
cơ chế SPR của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Vị quan chức
của OHCHR tỏ ra đặc biệt quan tâm đến trường hợp blogger Điếu Cày – “người chịu
án tù 12 năm và hiện đang tuyệt thực”. OHCHR đã chuẩn bị sẵn sàng để chất vấn
Chính phủ Việt Nam về việc này.
"Chúng
tôi ở đây là để giúp các bạn" - bà nhấn mạnh.
----------
* Link:
http://www.ohchr.org/EN/issues/SRHRDefenders/Pages/SRHRDefendersindex.aspx