Saturday, 5 October 2013

Võ Nguyên Giáp - ông giáo, danh tướng và nhà chiến lược

Nhiều người thắc mắc về thời kỳ Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Dân số và Sinh đẻ Có Kế hoạch. Người ta tự hỏi, vì sao một vị tướng lẫy lừng của Quân đội Nhân dân Việt Nam lại chấp nhận một cương vị công tác có vẻ “thấp” đến thế so với tài năng và danh tiếng của ông? Có lẽ đây sẽ là một vấn đề để mai sau này lịch sử xem xét lại, nhưng nếu nhìn ở một khía cạnh khác, cũng đã có những ý kiến cho rằng một người trí thức cộng sản là phải như thế: Luôn luôn vì cái chung, vì đại cục. Bởi, sẽ ra sao nếu vào những ngày tháng khó khăn sau chiến tranh đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sử dụng ảnh hưởng của mình trong quân đội để đối đầu với những đồng chí của ông, nhằm giữ cho ông một cương vị, chức vụ cao hơn?

“Ông đã chọn cách im lặng, không phải vì ông hèn, mà vì ông là trí thức, và vì ông thấy cần phải giữ gìn sự đoàn kết cho đại cuộc” – một người thân của ông có lần nói với tôi như thế.

Tôi không có ý kiến. Vì tôi không ủng hộ lối tư duy “nhẫn nhịn, im lặng trước cái xấu, vì đại cuộc”. Nhưng tôi lại cũng nghĩ, nếu Võ Nguyên Giáp lên tiếng mạnh mẽ từ những năm ấy, ông chắc sẽ không tránh khỏi số phận của Trung tướng Trần Độ sau này.

Dưới đây là một bài viết cũ của tôi nhân sinh nhật 25/8/2010 của Tướng Giáp.

* * *

When Vo Nguyen Giap was appointed as Chairman of the Committee for Population and Family Planning (an euphemism for “birth control”), many would raise questions about him. They wondered how the august general of the Vietnamese People’s Army ever accepted such a humble position given his talent and reputation? This question is left open for the future historians, but, seen from a communist perspective, it can be said that Vo Nguyen Giap must have done what a communist is expected to do: to sacrifice personal interests for general interests. What would have happened, they argued, if General Vo Nguyen Giap, with his dominance over the armed forces, had confronted his comrades in the ruling Communist Party to earn himself a higher position with greater privileges?

“He chose to be silent. It’s not because he was a coward, but because he was an intellectual (who cannot be so aggressively confrontational – note mine) and he thought he must keep silent to preserve unity for general interests (of the Party),” a relative of Vo Nguyen Giap once told me.

I have no comment. I do not support the idea that people should keep silent and be blind to evils and wrongful acts for the sake of “general interests.” But I also think that had Vo Nguyen Giap been vocal and straightforward in raising his voice in the last decades of his life, he would not have escaped the fate that his colleague, General Tran Do, had met.

Below is my article about Vo Nguyen Giap as a strategist, published on his birthday of August 25, 2010.

+++++++

Ảnh tư liệu, không rõ nguồn.

VÕ NGUYÊN GIÁP - TỪ ÔNG GIÁO ĐẾN DANH TƯỚNG VÀ NHÀ CHIẾN LƯỢC

Hơn 20 năm trước, ông từng đề nghị “mở rộng quyền tự chủ của các tổ chức kinh tế cũng như các cơ quan khoa học-kỹ thuật và đào tạo”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất giỏi toán, tức là có tư duy của “dân tự nhiên”. Nhưng ông cũng từng dạy lịch sử và địa lý ở trường tư Thăng Long (Hà Nội), nghĩa là có cả năng lực về khoa học xã hội. Người anh em đồng hao với ông, Trung tướng Phạm Hồng Cư, từng có lần hỏi: “Sao anh giỏi toán thế mà anh lại theo ngành luật?”.

Thầy giáo địa lý đến vị tướng cầm quân

Năm 1934, Võ Nguyên Giáp thi đỗ ĐH Luật khoa Hà Nội, trong quá trình học được đánh giá là một sinh viên xuất sắc, nổi bật, chẳng hạn mới năm thứ hai ông đã viết một tiểu luận kinh tế chính trị về “cán cân thanh toán ở Đông Dương”, được giải thưởng. Sau này, khi làm một vị tướng trong quân đội, trước các chiến dịch lớn, “ông giáo địa lý” năm xưa của trường Thăng Long thường đi quan sát thực địa rất cẩn thận. Ông từng viết trong hồi ký: “Hễ có thời gian, tôi lại lên đỉnh núi, dùng ống nhòm quan sát trận địa, cảm thấy như mình đang được ở chiến hào, bên cán bộ và chiến sĩ”.

Không hiểu có phải năng lực vượt trội về toán và luật (hai môn học rèn luyện logic) và địa lý, kinh tế chính trị ấy đã khiến Võ Nguyên Giáp là một vị tướng có tầm nhìn chiến lược về địa kinh tế, địa chính trị? Trong chiến dịch biên giới năm 1950, ông đã quyết định bỏ đánh Cao Bằng mà chọn cứ điểm Đông Khê làm mục tiêu mở đầu, kết thúc đại thắng, làm thay đổi cục diện chiến tranh. Ông cũng là người nhận ra rất sớm tầm quan trọng đặc biệt, vị trí chiến lược của Tây Nguyên - “nóc nhà Đông Dương” trên bản đồ Việt Nam.

Trong thời bình, làm phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (phó thủ tướng), Võ Nguyên Giáp vẫn thể hiện tầm tư duy vượt xa, trong một lĩnh vực phi quân sự: Kinh tế. Vài năm gần đây ở Việt Nam người ta mới bắt đầu nói tới khái niệm “kinh tế biển”, đề xuất chuyện “vươn ra biển lớn”; rất ít ai biết rằng Võ Nguyên Giáp đã nêu ra vấn đề kinh tế biển từ năm 1977.

Người có “tư duy biển”

Ngày 2-8-1977, Võ Nguyên Giáp triệu tập hội nghị đầu tiên về biển, tổ chức tại Nha Trang. Bài phát biểu của ông - “Khoa học biển và kinh tế miền biển” - đã phân tích tiềm năng to lớn và vị trí quan trọng của biển trong sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước. Ông nói: “Cần phải đánh giá cho đúng vai trò của biển đối với sự phát triển (…). Dù những nguồn sinh vật, động vật ở Biển Đông của ta nhiều hay ít, giàu hay nghèo nhưng bản thân việc chúng ta có được một Biển Đông như vậy, bản thân người Việt Nam chúng ta có được một biển cả mênh mông như vậy, với bờ biển trên 3.000 km chiều dài, Biển Đông của ta vẫn có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của đất nước ta về kinh tế cũng như về quốc phòng. Do đó, muốn xây dựng nền kinh tế nước ta thì nhất định phải coi trọng biển, làm công tác khoa học kỹ thuật nhất thiết phải coi trọng khoa học kỹ thuật về biển”.

Tới năm 1981, ông lại tổ chức hội nghị khoa học lần hai về biển. Năm 1985, triệu tập hội nghị lần thứ ba. Tại đây, Đại tướng tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của biển, cần phải chấm dứt tình trạng là một đất nước có biển, diện tích vùng biển lớn gấp ba lần đất liền nhưng nhìn lại hoạt động kinh tế và khoa học về biển thì lại vẫn còn “quay lưng ra biển”. Hội nghị, dưới sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp, đã đề ra cả một chiến lược làm chủ biển. Tuy thế, phải tới năm 2007, nghĩa là hơn 20 năm sau, Chính phủ mới có nghị quyết về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”.

Nhìn trở lại, vào những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cũng chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã nghĩ đến việc tiếp quản các đảo mà quân đội Sài Gòn đang nắm giữ, không để các đảo rơi vào tình trạng vô chủ một ngày nào để nước ngoài có thể lợi dụng. Ngày 2-4-1975, Đại tướng trực tiếp chỉ thị cho tướng Lê Trọng Tấn “tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa”. Võ Nguyên Giáp đã nhìn ra vai trò kinh tế, ý nghĩa chính trị của biển đảo, đại dương từ rất sớm.

Một người thân cận của đại tướng nói: “Trong địa hạt kinh tế, ông không phải một thiên tài kinh tế như đã là thiên tài quân sự. Nhưng với tinh thần hiếu tri (ham hiểu biết), luôn luôn lắng nghe và trân trọng trí thức, luôn học hỏi và vươn lên, ông chắc chắn là người ủng hộ đổi mới. Chỉ tiếc là ở cương vị của ông hồi ấy (phó thủ tướng không giữ bộ nào, cũng không phải ủy viên Bộ Chính trị - NV), ông không có điều kiện chỉ đạo thực hiện những chiến lược, kế hoạch, chương trình mình đã đề ra”.

Ông cảnh báo sớm cả về nạn phá rừng, khai thác tài nguyên bừa bãi: “Các anh còn định chọc thủng mái nhà mình đến bao giờ nữa?” - Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp nói như thế trong một lần đi thăm địa phương và biết được hiện tượng phá rừng đầu nguồn. Lần khác, thăm một trang trại nông dân làm ăn thành đạt, ông nói với lãnh đạo tỉnh: “Các anh đừng có hợp tác hóa nốt chỗ này đấy nhé!”. Những chuyện này do những người thân cận của ông chứng kiến và kể lại, nay đều như giai thoại. Nhưng đó là biểu hiện cho tầm nhìn chiến lược của “một nhà lãnh đạo nhìn xa trông rộng, quan tâm phát hiện và chỉ đạo những vấn đề chiến lược, không chỉ trong quân sự mà cả trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học, giáo dục, đối ngoại” như lời trợ lý lâu năm của ông - Đại tá Nguyễn Huyên - nhận xét.

Võ Nguyên Giáp - nhà giáo dục

Xuất thân là một trí thức, trong suốt cuộc đời, cho dù hoạt động trong lĩnh vực quân sự hay trên cương vị phó thủ tướng không phụ trách bộ nào, Võ Nguyên Giáp cũng đề cao giáo dục và đào tạo. Là người xây dựng quân đội Việt Nam, ông luôn chú ý tới việc phát triển lực lượng, rèn quân chỉnh cán, hướng tới sự chuyên nghiệp. Giới nghiên cứu lịch sử quân sự ở phương Tây có người đã nhận định: “Rất khó tưởng tượng Giáp không nghĩ tới xe tăng” (nghĩa là nghĩ tới cách đánh hợp đồng binh chủng như là một chiến lược, thay vì đánh du kích chỉ là chiến thuật trong điều kiện Việt Nam).

Thời bình, làm phó thủ tướng, Võ Nguyên Giáp tiếp tục đưa những khuyến nghị cải cách “để khoa học thật sự trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội”. Tháng 1-1989, ông đã nhắc tới việc liên kết trường đại học - viện nghiên cứu - cơ sở kinh tế, đề nghị “mở rộng quyền tự chủ của các tổ chức kinh tế cũng như các cơ quan khoa học-kỹ thuật và đào tạo”, “các cơ quan khoa học, trường đại học có quyền chủ động trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch…”. Cũng với cái nhìn đi trước thời đại, ngay từ những năm 1980 ông đã viết những bài chỉ ra rất sớm nhiều căn bệnh của giáo dục hiện nay.

Năm 2007, Đại tướng viết: “Nền giáo dục của kỷ nguyên thông tin là một nền giáo dục cho mọi người, tạo điều kiện để mọi người được học, giúp cho mọi người biết cách học, biết cách tự học, học tập liên tục, học suốt đời; là một nền giáo dục mở và liên thông, có khả năng hội nhập với nền giáo dục chung của thế giới”, “Học trực tuyến và tương tác qua mạng Internet sẽ trở thành một hiện tượng toàn cầu”… Ông viết những điều này khi đã ở tuổi 97.

Luôn cập nhật thông tin, tích lũy kiến thức mới, nghĩ về đất nước ngay cả khi nằm trên giường bệnh… dường như bộ óc của nhà chiến lược ấy không bao giờ nghỉ ngơi.