Viết
blog đã thế chỗ viết báo để trở thành nghề nguy hiểm
nhất ở Việt Nam trong thời đại Internet.
- Người dịch: Phạm Đức Khiêm
“Quả
thực là nguy hiểm. Nhưng nó không phải là một nghề,
bởi vì blogger chúng tôi chưa bao giờ được trả tiền
cho những gì chúng tôi viết cả”, J., một blogger trẻ
tuổi ở Hà Nội, nói. Là quản trị viên của một diễn
đàn trực tuyến lớn chuyên về các vấn đề chính trị
và xã hội, J. thừa hiểu những rủi ro mà những blogger
như anh phải đối mặt hàng ngày: tin tặc, bài viết hăm
dọa của các dư luận viên được trả tiền bởi chính
phủ, và, tệ hơn cả, là khi công an phát hiện ra họ là
các blogger “chống chính quyền”.
“Blogger
không được trả lương như nhà báo”, J, nói, “nhưng
chúng tôi làm những việc như truyền thông chính thống
làm, hay chính xác hơn, những gì truyền thông chính thống
không làm được, đó là: vạch trần những sự thật mà
chính quyền không muốn công chúng biết. Làm việc này,
chúng tôi đối mặt với sự sách nhiễu của công an, bị
bắt và bị tù”.
J.
không nói quá. Theo đánh giá vào tháng 9-2013 của tổ chức
International Society for Human Rights (ISHR), ít nhất 263 công
dân Việt Nam, bao gồm cả blogger, đã bị tống giam từ
năm 2005 bởi các cáo cuộc “xâm phạm an ninh quốc gia”
và “vi phạm trật tự quản lý hành chính”.
Trong
số những người bị bắt, 68 người bị truy tố
theo Điều 88 Bộ luật Hình sự với hành vi “tuyên
truyền chống nhà nước” và 40 người bị truy tố theo
Điều 258 với cáo buộc “lạm dụng các quyền tự do
dân chủ, xâm hại lợi ích nhà nước”.
Đằng
sau những con số này là những người dám nói lên tiếng
nói của mình. Trên thực tế, blogger chính trị ở Việt
Nam đã trở thành những nhân vật quen thuộc trên truyền
thông chính thống vì họ đưa tin về việc bắt bớ hoặc
xét xử những người mà trước đó chẳng ai biết nhưng bây giờ thì bị xử theo Điều 88
hoặc 258. Những điều luật này tỏ ra là công cụ đe
dọa hữu hiệu để chính quyền bịt miệng những tiếng
nói bất đồng từ công chúng.
“Cái
còng”
Các
blogger ví von một cách giễu cợt rằng Điều 88 như một
chiếc còng, vì số 8 trông giống như thứ công cụ hỗ
trợ mà công an sử dụng. Cụ thể, điều luật này
quy định những ai làm ra, lưu trữ hoặc phổ biến thông
tin, kể cả “tài liệu và/hoặc văn hóa phẩm”, chống
nhà nước, sẽ bị kết án từ 3 đến 12 năm tù.
Tuy
nhiên, điều luật này không đưa ra định nghĩa rõ ràng
về những nội dung có thể bị cho là “chống nhà nước”. Hơn nữa, thẩm quyền giải thích pháp luật ở
Việt Nam nằm ở nhiều cơ quan khác nhau, từ lực lượng công an, cơ quan điều tra, đến viện kiểm sát, tòa án, hay
thậm chí là các bộ ngành, mặc dù theo pháp luật Việt
Nam, chỉ có Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền
đó.
Trước
khi có Điều 88, đã từng tồn tại Điều 82 của Bộ
luật Hình sự năm 1985 vốn có tính trấn áp như bất kỳ
bộ luật hình sự kiểu Xô Viết nào. Điều 82 nhắm đến
việc trừng phạt hành vi “tuyên truyền chống chủ nghĩa
xã hội”, với khung hình phạt nặng nề tương tự, từ
3 đến 12 năm tù. Không có thống kê công khai nào về số
người bị giam giữ và cáo buộc theo Điều 82.
Vào
năm 1999, Bộ luật Hình sự mới được ban hành đã
chuyển đổi Điều 82 thành Điều 88, thay thế từ “chủ
nghĩa xã hội” bằng từ “chính quyền”. Giờ đây
điều luật này sử dụng ngôn ngữ ít trừu tượng hơn
nhưng không có nghĩa là ít mơ hồ và ít chung chung hơn.
Không
chỉ giới hạn trong những hoạt động có tính lật đổ
một cách rõ ràng, Điều 88 đã và đang được sử dụng
để bịt miệng những tiếng nói đòi hỏi chính quyền
trong sạch hơn, trách nhiệm hơn – những điều mà nếu
chính quyền lưu ý thì thực ra có thể giúp chính quyền
mạnh hơn.
Giải
thích khái niệm “chính quyền”
Một
trong những người tù nổi tiếng bị tống giam theo Điều
88 là Cù Huy Hà Vũ, tiến sĩ luật và là con trai của một
đồng chí thân cận của nhà lập quốc Hồ Chí Minh. Vào
năm 2009, Cù Huy Hà Vũ đệ đơn kiện Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng vì đã khởi động một dự án khai mỏ lớn có
thể gây hại cho môi trường. Ở các nước khác, một
đơn kiện như thế có lẽ là bình thường, nhưng nó lại
được coi là một sự kiện gây sốc trong lịch sử Việt
Nam.
Vũ
còn gửi nhiều bài viết và trả lời phỏng vấn các
hãng truyền thông nước ngoài, trong đó ông thẳng thắn
chỉ trích Đảng Cộng sản cầm quyền và kêu gọi xây
dựng một nền dân chủ đa đảng cho Việt Nam. Trong một
cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do, Vũ nói: “Hiện
nay ở Việt Nam người ta sử dụng ngân sách vô tội vạ
và rất nhiều tiền từ ngân sách nhà nước chi vào những
việc thậm chí có thể gọi là mafia.... Để có được
chế tài đối với những kẻ cướp ngày... thì cách duy
nhất là phải có chế độ đa đảng tại Việt Nam”.
Tại
một trong những bài viết đăng trên mạng Bauxite Việt Nam, Vũ vận
động cho thể chế tam quyền phân lập, chỉ trích cái mà
ông gọi là chính phủ, tòa án và quốc hội “đồng
lòng hại dân”.
Năm
2010, Cù Huy Hà Vũ bị bắt và bị truy tố theo Điều 88.
Ông sau đó bị mang ra xét xử tại một phiên tòa gồm
toàn các thẩm phán là đảng viên cộng sản, điều đó
càng củng cố lập luận của ông là dưới một hệ
thống như thế thì ngành tư pháp không thể vô tư. Năm
2011, Vũ bị kết án 7 năm tù giam.
Phiên
tòa Cù Huy Hà Vũ gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng,
dưới hệ thống pháp luật Việt Nam, Đảng Cộng sản và
các đảng viên cao cấp của nó như Thủ tướng là bất
khả xâm phạm, và được miễn trừ trách nhiệm pháp lý.
Quan trọng hơn có lẽ là, bản án này đã làm rõ rằng
những hành vi như vậy sẽ được giải thích một cách
hợp pháp là “tuyên truyền chống nhà nước”.
Kết
quả này là có thể dự đoán được trong một chính
quyền độc đảng, và các blogger có lẽ cũng biết rủi
ro đó. Tuy nhiên, Nguyễn Phương Uyên, một sinh viên ở
thành phố miền Nam Long An, nhận ra rằng, ngay cả khi phát
ngôn vì Việt Nam và phản đối các hành vi hung hăng của
một nước khác, cụ thể là Trung Quốc, trong tranh chấp
ở vùng biển Đông Nam Á, cũng có thể khiến cô vào tù.
Cô bị bắt vào ngày 14-10-2012, chỉ hai ngày sau sinh nhật
lần thứ 20 của cô, và bị cáo buộc theo Điều 88. Theo
cáo trạng của Uyên và bạn cô là Đinh Nguyên Kha, “tội”
của họ là làm tờ rơi, biểu ngữ và cờ giấy mang các
thông điệp sau:
-
“Tuổi trẻ yêu nước Long An đấu tranh cho tự do và
nhân quyền”,
-
“Tuổi trẻ yêu nước quyết tâm diệt cộng sản, giải
phóng dân tộc”, và
-
“Long An trung dũng kiên cường toàn dân chống cộng suốt
đời tự do”.
Bên
cạnh đó, Uyên viết một khẩu hiệu bằng máu: “Tàu
khựa cút khỏi Biển Đông”. Bản cáo trạng cho rằng
khẩu hiệu này là “nội dung không tốt về Trung Quốc”.
Có
thể lập luận rằng những khẩu hiệu như thế không hề
đối lập với “chính quyền nhân dân”, mà là nhắm
đến một chủ nghĩa (ý thức hệ). Tuy nhiên, thật khó
để xác định được làm thế nào một sự chỉ trích
nhằm vào Trung Quốc lại có thể được diễn giải thành
chống chính quyền Việt Nam.
Vào
tháng 5-2013, phiên tòa sơ thẩm áp đặt án tù 6 năm dành
cho Nguyễn Phương Uyên và 8 năm dành cho Đinh Nguyên Kha.
Mức án đã giảm xuống tại phiên phúc thẩm với 3 năm
án treo dành cho Uyên và 4 năm tù giam dành cho Kha. Cả
phiên sơ thẩm và phúc thẩm đều không cho bạn bè và
gia đình vào dự, kể cả bố mẹ của Uyên và Kha.
Tự
do có điều kiện
So
với “cái còng”, Điều 258 của Bộ luật Hình sự năm
1999 có vẻ ít nghiêm khắc hơn với các hình phạt bao gồm
cảnh cáo và cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Trong
những trường hợp nghiêm trọng, người phạm tội có
thể bị phạt tù từ 2 đến 7 năm.
Mặt
trái của Điều 258 này là nó mơ hồ hơn, chung chung hơn,
và Nhà nước công an trị có thể dùng Điều 258 để bắt
bao nhiêu người cũng được nếu muốn. Người vi phạm
Điều 258 bao gồm những “Người nào lợi dụng các
quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng,
tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do
dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền,
lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Điều
258 bắt đầu với một danh sách rất cụ thể các quyền
không được phép “lạm dụng”. Nhưng mặt khác, nó
cũng để ngỏ việc diễn giải “những quyền tự do dân
chủ khác” vốn không được liệt kê ban đầu. Nghiêm
trọng hơn, nó không định nghĩa thế nào là “lạm dụng”
hay “lợi ích của nhà nước” là gì để mà không xâm
phạm. Trên thực tế, Điều 258 bao trùm một phạm vi các
hành vi rộng hơn cả Điều 88, vốn chỉ giới hạn chỉ
trong các hành vi có thể bị coi là “tuyên truyền”.
Sau
sự bùng nổ của blog và truyền thông xã hội ở Việt
Nam, đã có sự gia tăng việc bắt bớ và các cáo buộc
theo Điều 258.
Một
số vụ việc xảy ra trong năm 2013 thể hiện sự leo thang
sử dụng Điều 258 ở Việt Nam khi nước này chạy đua
vào ghế thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
nhiệm kỳ 2014-2016:
-
Ngày 5-5: hai blogger bị giam giữ ngay sau khi phân phát các
bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Công an cáo buộc họ
đã lợi dụng quyền tự do dân chủ nhằm xâm phạm lợi
ích của nhà nước.
-
Từ 26-5 đến 15-6: ba blogger bị bắt, hai trong số họ là
các blogger và nhà báo nổi tiếng Trương Duy Nhất và Phạm
Viết Đào. Blogger thứ ba, Đinh Nhật Uy, là anh trai của
Đinh Nguyên Kha – người đang bị tạm giam theo Điều 88.
Gia đình Uy và Kha, do đó, đâm ra nổi tiếng một cách
đáng buồn vì có hai con trai đi tù, người vì vi phạm an
ninh quốc gia, người vì xâm hại trật tự công cộng.
-
Vào tháng 10, công an một lần nữa sử dụng Điều 258 để
bắt giữ hai người, Thào Quán Mua và Hoàng Văn Sang ở
tỉnh miền Bắc Tuyên Quang vì họ khiếu kiện tập thể
phản đối chính quyền đã đàn áp Dương Văn Mình, một
giáo phái được thành lập vào năm 1989. Đầu tháng 6,
cảnh sát phá hủy các nhà đòn xây dựng trái phép của
giáo phái nói trên theo yêu cầu của Ủy ban Tôn giáo của
chính phủ. Theo pháp luật Việt Nam, các tổ chức tôn
giáo phải đăng ký trước khi hoạt động. Do đó, vụ
việc này bị cho là sử dụng Điều 258 để chống lại
quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng.
Suy
đoán rộng
Bản
cáo trạng của Đinh Nhật Uy bị rò rỉ trên cộng đồng
mạng vào tháng 10 và gây ra một làn sóng phẫn nộ vì
những lập luận trẻ con của nó:
“Vào
khoảng năm 2010, Đinh Nhật Uy được người bạn tạo cho
tài khoản Facebook có nickname là Đinh Nhật Uy. Thời gian
đầu, Nhật Uy chỉ sử dụng tin nhắn cho bạn bè. Nhưng
từ khoảng tháng 11/2012, sau khi em ruột là Đinh Nguyên Kha
bị khởi tố về tội tuyên truyền chống Nhà nước
CHXHCN Việt Nam, thì tài khoản Facebook này mới được
Đinh Nhật Uy sử dụng thường xuyên để đăng tin, chia
sẻ hình ảnh, liên kết, nhắn tin...”
“(Thông
qua Facebook) Đinh Nhật Uy còn đăng những thông tin xấu,
sai sự thật đối với Nhà nước, tổ chức, cá nhân...
Những hình ảnh, bài viết nêu trên có nhiều lượt người
vào xem. Nhiều lượt người chia sẻ, đánh giá “like”,
nhiều lượt người vào bình luận, trong đó có nhiều
bài bình luận với lời lẽ nói xấu, bôi bác, xúc phạm
đến Nhà nước, tổ chức và công dân... Ngày 2-1-2013,
đăng địa chỉ liên kết bài viết: “Lật tẩy bộ mặt
thật của Giải nhân quyền Hellman/Hammett” trên trang
trandaiquang.net (Trần Đại Quang là tên của Bộ trưởng
Công an Việt Nam, trang trandaiquang.net có vẻ là một
website thân chính phủ), Uy nhận xét: ‘Chuyện như vầy
cũng bịa ra được. Chỉ lừa được lũ đầu tôm chung
chạ thôi mấy chú ơi’. Phía dưới có 18 lượt người
thích và 07 lượt người bình luận, trong đó có những
bình luận có tính chất xúc phạm”.
Bằng
việc bỏ tù Uy 4 tháng và sau đó áp hình phạt 15 tháng tù
treo cho anh, trên thực tế, nhà nước không chỉ nhắm tới
một cá nhân mà còn gửi lời cảnh báo tới tất cả
những người sử dụng mạng xã hội rằng họ là những
tội phạm tiềm năng của Điều 258. Cáo buộc chống lại
Đinh Nhật Uy không nói cụ thể quyền nào đã bị anh
“lợi dụng”, nhưng có vẻ đó là quyền tự do ngôn
luận.
Khi
đối mặt với sự cấm đoán mơ hồ và rộng như thế,
ai đó có thể hỏi: Công dân Việt Nam được phép làm
hay nói những gì để không bị quy cho là “lợi dụng”
quyền của mình? Ranh giới của “lợi ích nhà nước”
là gì?
Chưa
có câu trả lời, vì Điều 258 trao cho nhà chức trách sự
tự do gần như không có giới hạn trong việc sử dụng
pháp luật chống lại việc thực thi các quyền công dân.
Chỉ khi nào nhà nước giải thích thế nào là “lợi dụng”, thế nào là xâm phạm “lợi ích” nhà nước,
thì sự lạm dụng pháp luật này mới bị giới hạn.
Các
blogger Việt Nam, trong đó có “J.”, hiểu rằng những
hạn chế sẽ ngày càng bị xiết chặt hơn nếu họ tiếp
tục im lặng. Tuân theo những hạn chế này có thể đồng
nghĩa với việc họ không bị bỏ tù, nhưng không có
nghĩa là họ được tự do.