Monday, 16 December 2013

Bộ Công an ngang nhiên vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh

  • Nguyễn Anh Tuấn

Tác giả Nguyễn Anh Tuấn
Tự do đi lại là một trong những quyền tự nhiên căn bản của con người. Quyền này chắc chắn xuất hiện trước mọi loại hình nhà nước, gắn liền với đặc tính di chuyển của loài người.


Điều 12 Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị nêu rõ: “Bất cứ ai cư trú hợp pháp trên lãnh thổ của một quốc gia đều có quyền tự do đi lại và tự do lựa chọn nơi cư trú trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó; Mọi người đều có quyền tự do rời khỏi bất kỳ nước nào, kể cả nước mình; Những quyền trên đây sẽ không phải chịu bất kỳ hạn chế nào, trừ những hạn chế do luật định và là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền tự do của người khác, và phải phù hợp với những quyền khác được Công ước này công nhận”.



Như vậy, chỉ "quyền lợi công" mới là cơ sở khả dĩ duy nhất hợp lý để các nhà nước hạn chế quyền tự do đi lại của công dân. Trên lý thuyết, "quyền lợi công" này phải được định nghĩa rõ ràng "theo luật định", tức được quy định chi tiết trong một luật do Quốc hội ban hành, với một tinh thần tôn trọng quyền con người hết sức nghiêm cẩn.



Thực tế Việt Nam



Trái với thông lệ quốc tế, quyền đặt ra các giới hạn về tự do đi lại ở Việt Nam được giao cho hành pháp, mà cụ thể là được quy định trong Nghị định 136/2007/NĐ-CP của Chính phủ.



Thiếu nhận thức về quyền con người, Chính phủ Việt Nam vẫn coi quyền tự do đi lại của công dân là do mình ban phát. Điều này thể hiện rõ trong cách diễn đạt đầy tính chất "xin-cho":



Điều 22.

1. Thẩm quyền quyết định chưa cho công dân Việt Nam xuất cảnh.


Không gian cho quyền tự do đi lại của công dân Việt Nam theo khuôn khổ của Nghị định này vốn đã tương đối chật hẹp, với thẩm quyền "chưa cho xuất cảnh" được ban phát cho nhiều cơ quan từ trung ương đến địa phương. Đã vậy, cách hành xử của nhân viên công quyền trên thực tế còn khiến không gian này trở nên chật hẹp hơn.



Bằng chứng là trong vài ngày gần đây, việc Công an Sài Gòn và Cục Quản lý Xuất Nhập Cảnh liên tục chặn giữ các blogger Châu Văn Thi, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức Mẹ Nấm), Nguyễn Hoàng Vi (An Đổ Nguyễn), Đào Trang Loan (Hư Vô), Nguyễn Thảo Chi của Mạng Lưới Blogger Việt Nam đã sai ở hai điểm sau:



Một là, theo Nghị định 136, Công an Sài Gòn (có các cơ quan điều tra cấp tỉnh) chỉ được phép chưa cho xuất cảnh các công dân thuộc diện sau:



Điều 21. Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:



1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.

2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.
3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.


Những blogger kể trên đều không nằm trong các diện được quy định ở Điều 21, bởi vậy Công an Sài Gòn không có quyền cấm họ xuất cảnh.



Hai là, người ra quyết định chưa cho xuất cảnh phải có văn bản thông báo cho công dân bị cấm (phân biệt với văn bản do Cục Quản lý Xuất Nhập Cảnh lập ở sân bay). Đây là cơ sở để xử lý trách nhiệm người đưa ra quyết định trong trường hợp quyết định trái pháp luật. Tuy vậy trong sự việc kể trên, các blogger đều không nhận được văn bản cấm xuất cảnh của mình để làm căn cứ khởi kiện hoặc khiếu nại sau này. Không khó để nhận ra ý đồ trốn tránh trách nhiệm của những người ra quyết định này.



Vẫn biết luật pháp Việt Nam còn nhiều hạn chế so với chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quyền con người. Tuy nhiên, việc một chính quyền không tuân thủ luật pháp do chính nó đặt định là minh chứng rõ nhất phủ nhận tính chính danh của nó. Thực tế này tiềm ẩn khả năng đưa xã hội vào một trạng thái vô luật, vô chính phủ.



Vì sao nên nỗi?



Đây không phải là lần đâu tiên chính quyền Việt Nam không tuân thủ luật pháp do chính nó đặt ra, đặc biệt trong lĩnh vực quyền con người. Hiện tượng này đã phổ biến đến mức có thể coi là nguyên tắc cầm quyền của chế độ toàn trị. Có hai khả năng:



Một là chính quyền đang chơi trò hai mặt về nhân quyền. Nó tham gia ký kết các công ước quốc tế và ban hành luật pháp liên quan để thuyết phục cộng đồng quốc tế về cam kết tôn trọng nhân quyền của nó, trong khi đó ở trong nước, vì nhu cầu đàn áp, nó công nhiên phá vỡ luật chơi do nó đặt ra.



Hai là năng lực chính quyền quá yếu kém. Bộ máy công an trị, nhân danh sứ mệnh "còn Đảng còn mình", phớt lờ mọi quy định pháp luật của quốc gia và quốc tế, miễn sao trấn áp thành công những đối tượng mà nó coi là nguy hiểm với chế độ. Kết quả là, chính bộ máy công an này là tác nhân lớn nhất hủy hoại tính chính danh của chính quyền thông qua việc coi thường pháp luật do chính quyền đó đặt định.



Dù là trường hợp nào đi chăng nữa thì người bị thiệt ở đây cũng vẫn là công dân khi họ bị tước đoạt đi những quyền mà họ xứng đáng được hưởng.



Trước các hành vi tùy tiện của Công an Cửa khẩu thuộc Bộ Công an, các blogger nên chủ động tiến hành việc khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa hành chính với Công an Sài Gòn.