Monday 27 January 2014

Ngắn gọn về UPR (tiếp theo)

Buổi điều trần kéo dài bao lâu?

Trước kia (trong vòng UPR thứ nhất, từ năm 2008 đến hết năm 2011), theo quy định, mỗi buổi điều trần/ kiểm điểm (review) của mỗi quốc gia kéo dài ba tiếng.

Từ vòng thứ hai (2012-2016), thời gian điều trần/ kiểm điểm của mỗi quốc gia tăng thêm nửa giờ, thành ba tiếng rưỡi.

Các nước làm gì trong buổi điều trần?

Mỗi cuộc điều trần/ kiểm điểm được điều phối bởi một nhóm ba quốc gia, nhóm này được gọi là “troika”.

Mỗi buổi điều trần, hay kiểm điểm, như thế diễn ra dưới hình thức một cuộc thảo luận trực tiếp giữa chính phủ của quốc gia được/ bị kiểm điểm với các nước thành viên khác của Liên Hợp Quốc, tại cuộc họp của Nhóm Làm Việc về UPR.

Trong cuộc thảo luận đó, bất kỳ thành viên nào của Liên Hợp Quốc cũng có thể đặt câu hỏi chất vấn, bình luận, hoặc đưa ra kiến nghị đối với chính phủ của quốc gia được/ bị kiểm điểm. Nhóm troika giữ quyền điều phối.

Năm nay, troika trong phiên điều trần của Việt Nam gồm Kazakhstan, Kenya và Costa Rica. Như vậy, tình hình khá thuận lợi cho Đảng và Nhà nước, bởi hai trong ba quốc gia này là hai nơi không sáng sủa gì trong bức tranh nhân quyền thế giới. Kazakhstan là nước cộng hòa cuối cùng thuộc Liên Xô cũ tuyên bố độc lập, Kenya là một nước nghèo ở châu Phi, nền kinh tế còn nhập siêu trong quan hệ với Việt Nam. Cả hai nước đều không thân thiện với xã hội dân sự. (*)

Thảo luận xong thì sao?

Trong vòng ít nhất 48 giờ sau buổi thảo luận trực tiếp giữa quốc gia được/ bị kiểm điểm với các nước thành viên khác của Liên Hợp Quốc, nhóm troika sẽ soạn một báo cáo, gọi là “báo cáo đầu ra”. Báo cáo đầu ra này vừa đánh giá tình hình nhân quyền của quốc gia đó, vừa tập hợp lại tất cả các bình luận và kiến nghị của các nước khác.

Quốc gia được/ bị kiểm điểm có quyền chấp nhận hoặc bác bỏ bất kỳ kiến nghị nào. Việc chấp nhận hoặc bác bỏ này cũng sẽ được ghi rõ trong báo cáo đầu ra.

Cuối cùng, báo cáo đầu ra sẽ được thông qua tại một phiên họp toàn thể sau đó của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Tại phiên họp này, khối xã hội dân sự cũng có thể tham dự và phát biểu ý kiến.

Trước tòa nhà trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, chiều 24/1/2014

Sau UPR là gì?

Sau khi thực hiện thủ tục Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát, quốc gia được/ bị kiểm điểm có trách nhiệm thực hiện những kiến nghị được đưa vào bản báo cáo cuối cùng; để rồi tới vòng UPR sau đó, họ sẽ tiếp tục “lên thớt” để giải trình, điều trần về những gì đã hoặc chưa làm được.

Các tổ chức thuộc xã hội dân sự được tham gia như thế nào?

Xã hội dân sự, chẳng hạn, các tổ chức phi chính phủ, có thể viết báo cáo riêng của họ, độc lập với nhà nước, để đánh giá tình hình nhân quyền trong nước mình (gọi là báo cáo của các bên liên quan).

Họ cũng có thể tham dự phiên điều trần của quốc gia được/ bị kiểm điểm. Cuối cùng, họ có quyền tham dự phiên họp toàn thể của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc và có các bình luận tổng quan về bản báo cáo đầu ra.

Chú ý là khối xã hội dân sự hoàn toàn có thể đánh giá và báo cáo về tình hình nhân quyền ở nước mình cho Liên Hợp Quốc. Điều này đã được đảm bảo bởi chính cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Theo đó, các tổ chức phi chính phủ có quyền tố cáo những vi phạm nhân quyền tại nước mình ra thế giới mà không bị coi là “thế lực thù địch chống phá chính quyền, bôi nhọ đất nước”.

Mọi hành vi của nhà nước nhằm trả thù, trả đũa xã hội dân sự nói chung và những người tố cáo nói riêng, đều là đi ngược lại với các cơ chế nhân quyền của Liên Hợp Quốc.

Trong cuộc gặp chiều 24/1/2014 tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York với phái đoàn vận động cho nhân quyền Việt Nam, bà Aida Martirous-Nejad, quan chức nhân quyền của Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền, cũng đã nhấn mạnh điều này và yêu cầu những thành viên trong đoàn theo sát các hoạt động của chính quyền “hậu UPR”, báo cáo ngay cho Liên Hợp Quốc về những hành động mang tính chất trả đũa, đàn áp nếu có.

(*) Nếu không có gì thay đổi, phái đoàn vận động về nhân quyền cho Việt Nam, gồm đại diện các nhóm dân sự Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Dân Làm Báo, No-U Việt Nam, Con Đường Việt Nam, Hội Phật Giáo Hòa Hảo, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo, sẽ có cuộc gặp với Costa Rica – một trong ba nước thành viên nhóm troika kỳ UPR này – vào trước ngày diễn ra phiên điều trần của Việt Nam, tức là trước 5/2/2014.

Bài viết sử dụng tư liệu của Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền. Bài đã được đăng tại: http://danlambaovn.blogspot.com/2014/01/ngan-gon-ve-upr-tiep-theo.html#.UuZfYxD-LIU