Tuesday, 11 February 2014

Hậu UPR: Làm thế nào vận dụng cơ chế LHQ để bảo vệ nhân quyền?

Cơ chế bảo vệ nhân quyền của LHQ không phải là một hệ thống pháp luật và không có tính ràng buộc với quốc gia nào. Tuy nhiên, vẫn có những cách để những nạn nhân bị vi phạm nhân quyền ở Việt Nam dựa vào quốc tế để bảo vệ quyền của mình và những người khác.

Một ngày trước phiên điều trần UPR của Chính phủ Việt Nam, phái đoàn dân sự độc lập vận động cho nhân quyền Việt Nam đã gặp một quan chức cao cấp của Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền. Ông vốn là một luật sư, một chuyên gia về nhân quyền, và rất hiểu về các cơ chế của Liên Hợp Quốc, chẳng hạn UPR (Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát) hay SR (Báo cáo viên Đặc biệt).

Ông đã cung cấp cho các nhà bảo vệ nhân quyền Việt Nam nhiều kiến thức quý giá về hoạt động đấu tranh bảo vệ nhân quyền. Vì lý do ''ngoại giao'' với Liên Hợp Quốc (LHQ), ông đề nghị giấu tên để cuộc trò chuyện được thoải mái với những thông tin trung thực nhất có thể.

- Thưa ông, trong chuyến đi này, chúng tôi xác định mục đích chính của mình là nói cho người dân trong nước biết rằng có những cơ chế quốc tế để có thể bảo vệ nhân quyền của mọi người. Việt Nam hiện đã là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Chúng tôi được biết ông là một chuyên gia về thủ tục Báo cáo viên Đặc biệt. Ông có thể giải thích – một cách đơn giản nhất – cho những người dân Việt Nam có quan tâm hiểu về thủ tục này và các cơ chế nhân quyền khác của LHQ nói chung và Hội đồng Nhân quyền nói riêng không?

- Một cách cực kỳ vắn tắt thì LHQ có hai cơ chế bảo vệ nhân quyền:

1. Các cơ quan dựa trên Hiến chương LHQ (charter bodies), trong đó có Hội đồng Nhân quyền LHQ với cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) và cơ chế Các Thủ tục Đặc biệt (Special Procedures).

2. Các cơ quan được thành lập và hoạt động dựa trên các công ước quốc tế về nhân quyền (treaty bodies). Có 10 cơ quan như vậy, thực hiện chức năng giám sát việc thi hành 10 công ước quốc tế về nhân quyền.

Bây giờ tôi sẽ nói với các bạn về cơ chế Các Thủ tục Đặc biệt, là lĩnh vực của tôi. Tôi sẽ nói về những gì chúng tôi có thể làm được và những gì chúng tôi không làm được. Các bạn biết những điều này để có thể tận dụng cơ chế này bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.

Những gì LHQ có thể làm

* Cơ chế Các Thủ tục Đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền LHQ gồm những hoạt động như: chính thức đến một quốc gia để tìm hiểu về tình hình nhân quyền (country visit); làm nghiên cứu, tham vấn chuyên gia, nâng cao nhận thức về nhân quyền...; và một hoạt động có thể dịch sang tiếng Việt là giao thiệp (communications).

Giao thiệp là việc LHQ gửi thư khiếu nại khẩn cấp (urgent appeal) hoặc thư đề nghị làm rõ (letter of allegation) cho chính phủ của quốc gia vi phạm nhân quyền. Cho nên có một cách dịch communications sang tiếng Việt là ''thủ tục khiếu nại''. Nhưng về bản chất, hoạt động này đúng là giao thiệp ở cấp nhà nước và LHQ, và mang tính ngoại giao rất cao. LHQ cũng chỉ có thể gửi thư trên cơ sở thông tin tố cáo mà họ nhận được từ bên trong quốc gia vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, điểm tốt là mọi cá nhân hay tổ chức đều có thể gửi thông tin tố cáo trực tiếp.

Nguồn ảnh: Shutterstock

- Trước hết, nói về những gì chúng tôi có thể làm được, thì đó là giao thiệp, tức là LHQ gửi thư cho chính phủ một nước để yêu cầu làm rõ về một vụ việc vi phạm nhân quyền nào đấy. Như tôi, lĩnh vực của tôi là bảo vệ hệ thống pháp luật độc lập, cho nên khi thấy có một vụ án nào đó mà Việt Nam không đảm bảo hệ thống pháp luật độc lập, tôi sẽ gửi thư cho Chính phủ Việt Nam.

Các bạn biết đấy, để hệ thống pháp luật được độc lập, thì công an-cảnh sát, tòa án, và luật sư phải độc lập. Chỉ cần một trong ba lực lượng bị chính quyền, chính phủ (cơ quan hành pháp) kiểm soát, thì hệ thống pháp luật mất tính độc lập. Khi đó, công dân có thể bị bỏ tù không án, hoặc bị áp đặt những bản án bất công.

Nói chung là như vậy, còn trên thực tế, phải có những vụ việc có dấu hiệu vi phạm cụ thể, LHQ mới có thể thực hiện thủ tục giao thiệp.

Những gì LHQ không làm được

- Ông có thể cho biết những giới hạn của cơ chế bảo vệ nhân quyền của Hội đồng Nhân quyền LHQ, cụ thể là UPR và Các Thủ tục Đặc biệt?

- Với hoạt động country visit, thì người của LHQ chỉ có thể đến một nước khi được chính phủ của nước ấy mời.

Với hoạt động communications, thì các bạn có thể thấy là nó rất lâu. Thêm nữa, LHQ gửi thư trên cơ sở thông tin tố cáo mà chúng tôi nhận được từ bên trong quốc gia vi phạm nhân quyền. Ở văn phòng của tôi, trung bình, mỗi ngày chúng tôi nhận 15 thư tố cáo từ các nơi khác nhau trên thế giới. May là mới 15 chứ chưa phải 50 (cười), nhưng các bạn thấy đấy, rất mất thời gian để có thể xử lý tất cả các vụ việc.

Đơn cử một ví dụ là Qatar. Chúng tôi biết ở Qatar có hàng trăm vụ vi phạm nhân quyền, nhưng chúng tôi cũng đành chịu, không giải quyết được. Đó là chưa kể, nếu tập trung vào xử lý các vấn đề của một nước thôi, chẳng hạn Syria, thì chúng tôi sẽ không thể quan tâm đến phần còn lại của thế giới được nữa.

Và cuối cùng là tính hiệu quả. Nhiều lắm thì cuối cùng, trong mỗi vụ việc, LHQ cũng chỉ ra thông cáo bày tỏ quan ngại. Quốc gia bị cáo buộc vi phạm nhân quyền không có nghĩa vụ phải trả lời. Cơ chế bảo vệ nhân quyền của LHQ không phải là một hệ thống pháp luật và nó không có tính ràng buộc với quốc gia nào cả.

UPR cũng vậy. Nó có vẻ là một cơ chế tốt, có tính khả thi cao đấy, nhưng rất chậm chạp.

- Hội đồng Nhân quyền LHQ thuộc hệ thống các cơ quan dựa trên Hiến chương LHQ (charter bodies). Vậy còn các cơ quan thuộc hệ thống còn lại, dựa trên các công ước quốc tế (treaty bodies) thì sao, có hiệu quả gì hơn không, thưa ông?

- Cũng còn nhiều vấn đề lắm. Trên lý thuyết, ưu điểm là các cơ quan này cũng cho phép cá nhân công dân có thể gửi khiếu nại, tố cáo về vi phạm nhân quyền ở nước mình. Nói cách khác, bất kỳ ai cũng có quyền gửi thư tố cáo Nhà nước mình vi phạm một quyền quy định trong một công ước quốc tế nào đó mà Nhà nước đã ký. Nhưng trên thực tế, hầu như chẳng có khiếu nại cá nhân nào ra LHQ được.

Các quốc gia khiếu nại nhau thì được. Cho nên khi một công dân Việt Nam bị chà đạp nhân quyền và muốn tố cáo ra LHQ, các bạn phải xem có thể nhờ quốc gia nào khiếu nại, phải tìm xem quốc gia nào sẽ sẵn sàng làm việc đó? Các nước châu Á vốn không có truyền thống khiếu nại, tố cáo nước láng giềng của mình vi phạm nhân quyền. Thế nên theo tôi, các bạn có thể tìm kiếm các đối tác phương Tây.

Hướng dẫn cách làm cho người dân Việt Nam

- Hệ thống LHQ phức tạp và vận hành chậm chạp như vậy, thì theo ông, có cách làm nào hiệu quả để bảo vệ quyền con người ở Việt Nam?

- Tôi sẽ nói ngắn gọn thế này: HÃY ĐƯA CÂU CHUYỆN LÊN BÁO CHÍ QUỐC TẾ.

UPR tốt đấy, nhưng lâu lắm. Các Thủ tục Đặc biệt cũng chậm lắm. Hãy đưa những vụ việc vi phạm nhân quyền ra báo chí, truyền thông quốc tế. Hãy viết bài bằng tiếng Anh, hoặc tìm những người viết hộ cho bạn. Những câu chuyện, mất mát và khổ đau, của các cá nhân cụ thể luôn là điểm thu hút người đọc và báo chí.

Sẽ là tuyệt vời nếu các bạn có thể phản ánh tình hình vi phạm nhân quyền ở nước mình lên các cơ quan truyền thông quốc tế lớn, như CNN, New York Times, Washington Post, v.v.

Các bạn hãy hợp tác với các tờ báo lớn, và ĐỪNG QUÊN HỢP TÁC VỚI CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI DÂN SỰ trong nước và quốc tế.

- Các tổ chức xã hội dân sự đóng vai trò như thế nào, thưa ông?

- Trở lại với cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Tôi có nói đó có vẻ là một cơ chế tốt, bởi vì với UPR, bạn có thể đến tận diễn đàn của LHQ để phản ánh, khiếu nại, tố cáo tình hình vi phạm nhân quyền ở nước mình, và ra các tuyên bố, các thông cáo, với tư cách tổ chức xã hội dân sự.

Có những tổ chức xã hội dân sự lớn mạnh hơn các tổ chức khác, vì thế họ có ảnh hưởng hơn đối với các chính quyền và với LHQ. Ví dụ, khi Ân xá Quốc tế, HRW (Theo dõi Nhân quyền), hay ICJ (Ủy ban Luật gia Quốc tế) ra thông cáo về một vấn đề nào đó, thì có nhiều khả năng LHQ sẽ hành động hơn và báo chí quốc tế cũng bị thu hút hơn.

Do đó, để tiếng nói của mình được lắng nghe trên trường quốc tế, cách làm khôn ngoan là bạn kết hợp với các tổ chức nhân quyền quốc tế lớn, chẳng hạn để ra tuyên bố chung.

Báo cáo chính trong tuyển tập này do VOICE, Dân Làm Báo, 
Truyền thông Chúa Cứu thế, Con Đường Việt Nam, 
phối hợp với Freedom House thực hiện. 

Tạo áp lực quốc tế

- Như vậy, vắn tắt là chúng ta có thể dựa vào truyền thông quốc tế và xã hội dân sự?

- Đúng vậy. Quan hệ – đó là cái tôi muốn nhấn mạnh. Những người đấu tranh cho nhân quyền phải xây dựng và phát triển quan hệ. Nói một cách đơn giản là, bạn có câu chuyện để kể và muốn kể, bạn cần phải có người sẽ giúp bạn khuếch tán câu chuyện đó.

Vậy hãy thiết lập quan hệ với báo chí quốc tế và các tổ chức dân sự quốc tế. Hãy có những người bạn, những đồng minh ở các quốc gia khác. Hãy tiến hành các nghiên cứu chung, làm báo cáo chung, ra tuyên bố chung. Luôn luôn hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự trong nước và quốc tế.

Các bạn cũng đừng quên vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Họ có thể phản ánh sự lo ngại về tình hình nhân quyền ở quê hương Việt Nam của mình lên chính phủ của nước họ đang cư ngụ, và góp phần tác động, hình thành hoặc thay đổi chính sách liên quan.

- Ta lấy một ví dụ cụ thể: Ông Trần Huỳnh Duy Thức, một doanh nhân có tài và yêu nước, đã bị kết án 16 năm tù mặc dù tất cả những gì ông làm chỉ là thể hiện chính kiến một cách ôn hòa. Trong quan hệ với cộng đồng quốc tế, chúng tôi có thể làm gì để thay đổi bản án đó?

- Để bảo vệ quyền con người cho một cá nhân cụ thể là ông Thức, các bạn có thể:

+ Viết bài gửi báo chí quốc tế, làm việc với họ. Hãy kể chuyện.
+ Hợp tác với các tổ chức dân sự.
+ Tìm đến các cơ quan lập pháp (quốc hội) ở những quốc gia mà Việt Nam quan tâm, để lên tiếng về trường hợp ông Thức.

Các bạn cũng biết là quốc hội và các dân biểu không tự nhiên mà ra chính sách. Họ đều phải dựa vào công luận, vào ý kiến của cử tri, của những người đã bầu cho họ. Vậy tốt nhất hãy tìm đến những nơi nào có nhiều cử tri quan tâm đến tình hình Việt Nam.

Hình ảnh Đỗ Thị Minh Hạnh tại một cuộc điều trần 
ở Hạ viện Mỹ, 16/1/2014. 

- Từ kinh nghiệm cá nhân thì ông thấy chính quyền Việt Nam có sợ áp lực quốc tế không?

- Tôi không muốn dùng từ ''sợ'', tôi muốn dùng từ ''quan tâm''. Họ có thể không sợ, nhưng họ quan tâm đấy (cười). Nói cho chính xác, Nhà nước Việt Nam quan tâm tới những quốc gia mà ở đó, báo chí có ảnh hưởng. Họ hiểu rằng công luận của các quốc gia đó có thể tác động tới chính sách của chính phủ.

Đó là lý do khiến tôi nói với các bạn rằng báo chí quốc tế có vai trò rất quan trọng. Công luận của Mỹ và các nước thuộc khối EU có thể tác động đến chính sách nhà nước. Các bạn cần biết điều đó để tận dụng.

Tôi nghĩ là chính quyền Việt Nam quan tâm đến công luận Mỹ, EU, kể cả hai nước thuộc khối Đông Âu cũ là Ba Lan, Séc. ASEAN cũng có ảnh hưởng đối với Việt Nam, nhưng tác động đến công luận ASEAN thì khó (cười). Riêng Trung Quốc thì Việt Nam rất quan tâm, nhưng tôi không nghĩ công luận hay nhà nước Trung Quốc sẽ bảo vệ nhân quyền của người Việt Nam (cười).

- Qua những gì ông nói, có thể thấy là giới truyền thông, báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ nhân quyền của người dân Việt Nam, đưa vấn đề ra quốc tế.

- Tôi muốn nhấn mạnh là truyền thông, báo chí thì hiệu quả hơn các thứ khác, còn ''quan trọng'' thì tất cả chúng ta đều quan trọng như nhau (cười). Ví dụ, giới luật sư là giới tạo nên khuôn khổ luật pháp – quốc gia và quốc tế.

Các bạn có thể thấy là ngay cả những vụ việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, dù được phản ánh nhiều trên báo chí, cũng không chắc được giải quyết. Như Syria đó, lên báo suốt, nhưng tình hình vẫn không thay đổi nhiều.

Tuy nhiên, với Việt Nam thì khác. Tôi tin là nếu những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam bị đưa lên báo chí quốc tế, chính quyền Việt Nam sẽ rất bối rối.

- Dù sao, cũng thật bi quan khi thấy có những chính thể miễn nhiễm với dư luận và LHQ, như Bắc Triều Tiên...

Như tôi đã nói, hệ thống LHQ không phải là một hệ thống pháp lý và nó không có tính ràng buộc. Ngay cả nếu một quốc gia vi phạm nhân quyền theo cơ chế của LHQ, thì cũng đâu có sao? LHQ không có công an-cảnh sát, nhà tù để thi hành án. Nhân quyền, vì thế, thực chất là một vấn đề chính trị chứ không phải vấn đề pháp lý. Đôi khi, một chính phủ bị buộc phải mở miệng chẳng phải vì họ sợ LHQ, mà vì họ ngán báo chí quốc tế.

Vậy các bạn phải biết ''làm chính trị'' (cười): Tìm sự giúp đỡ từ báo chí, từ những quốc gia, tổ chức hoặc cá nhân, sẵn sàng lên tiếng về Việt Nam và vì nhân quyền người dân Việt Nam.