Tuesday, 25 March 2014

Cách mạng 2.0

ENGLISH

Tại sao, Việt Nam?

Vào đầu tháng 1/2011, vài ngày trước cuộc cách mạng mùa xuân Ả-rập chấn động Ai Cập (25/1/2011), một nhà văn người Thụy Điển từng có thời gian sinh sống ở Việt Nam và quan tâm đến tình hình Việt Nam hỏi tôi: ''Vì sao các blogger Việt Nam ''ít nói'' vậy? Tôi theo dõi và thấy rằng ở Việt Nam chính quyền hà khắc, đàn áp nghiêm trọng ngang với Iraq, Iran, Myanmar… mà dường như thế giới không hề biết điều đó. Họ chỉ biết có Myanmar là nước độc tài quân sự và Việt Nam thì luôn là một mẫu mực về phát triển kinh tế năng động ở Đông Nam Á. Họ chỉ biết đến các blogger Iran, Iraq, và tờ báo đối lập Irrawaddy nổi tiếng của Myanmar. Họ không hề biết Nhà nước Việt Nam độc tài đến mức nào và người dân Việt Nam khổ ra sao. Tại sao vậy? Phải chăng vì các blogger Việt Nam chỉ viết cho nhau đọc?''.

Khi ấy tôi hơi lúng túng. Chưa bao giờ tôi nghĩ tới thực tế đó. Tôi cũng không biết đến tờ báo Irrawaddy nào của Myanmar (phương Tây hay gọi là Burma) cả; nhưng đúng là tôi cũng có cảm tưởng Myanmar là một nhà nước độc tài hà khắc. Chắc hẳn rất nhiều công dân trên thế giới đều nghĩ như thế về Myanmar, nhưng không mấy ai biết và càng chẳng ai quan tâm đến một nước Việt Nam khác, không gắn với những luận điệu sáo mòn kiểu như ''anh hùng'', ''phát triển năng động'', ''gái đẹp'', ''phở ngon'', ''con người thân thiện'', v.v.

Tôi nói với nhà văn Thụy Điển đó rằng ở Việt Nam cũng có một số blogger chính trị nổi tiếng, nhưng chỉ là nổi tiếng trong cộng đồng của họ mà thôi, tức là cộng đồng những người quan tâm đến chính trị; và giới ấy quá nhỏ bé, có xu hướng co cụm lại với nhau, dân trong nước còn chẳng biết đến họ nữa là bên ngoài.

Nhà văn cho rằng không hẳn như thế: Ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới thì số người quan tâm đến chính trị cũng chiếm tỷ lệ thấp, và càng ở xứ toàn trị thì người ta càng được khuyến khích là nên sống yên phận, mình biết việc mình hơn là quan tâm đến xã hội.

Tôi chuyển sang cách giải thích khác, rằng có thể do đa số các blogger Việt Nam không viết bằng tiếng Anh, mà quan trọng hơn nữa, là không có một tờ báo nào phản ánh tiếng nói của họ ra thế giới cả. Trong khuôn khổ một buổi cafe sáng hôm ấy, không còn cách giải thích nào hợp lý hơn như thế nên chúng tôi tạm chấp nhận lý do đó.

Những nỗ lực của blogger nhằm quốc tế hóa vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.
Nguồn ảnh: FB Anh Chí, 10/1/2014

''Viết cho đồng bào tôi đọc''

10 ngày sau, vào ngày 25/1/2011, cách mạng mùa xuân bùng nổ ở Ai Cập trong một cuộc biểu tình hơn 50.000 người trên quảng trường Tahrir. Biểu tình kéo dài liên tục. Tới ngày 31/1, phóng viên đài Al Jazeera ước tính số người tham gia đã lên đến ít nhất 250.000. Và phong trào biểu tình hàng chục nghìn người này xuất phát từ những lời kêu gọi trên Facebook.

Dường như được tạo cảm hứng mãnh liệt bởi cuộc cách mạng 2.0 ở xứ Bắc Phi, các blogger Việt Nam bắt đầu tăng cường sử dụng mạng để chia sẻ thông tin, viết bài và kết nối hơn. Ngày 5/6/2011, cuộc biểu tình chống bá quyền Trung Quốc đầu tiên kể từ sau năm 2007, diễn ra tại cả Hà Nội và Sài Gòn, đánh dấu khuynh hướng tập hợp của các blogger chính trị, bắt đầu từ mạng Facebook.

Gần một năm sau, vào tháng 4/2012, các blogger cũng là lực lượng đi tiên phong trong việc đưa tin, đăng ảnh, viết bài – mà họ gọi là ''làm truyền thông'' - về vụ cưỡng chế đất đai ở Văn Giang. Từ mùa hè biểu tình 2011 đến chiến dịch làm truyền thông Văn Giang 2012 này, lạc quan mà nói, giới blogger chính trị hay là ''báo lề trái'' ở Việt Nam đã tiến một bước dài. Họ không còn chỉ ngồi chờ ''lề phải'' đăng tin, rồi họ dẫn lại và đay thêm vài câu chua chát. Họ đi xa hơn thế:

- Họ viết bài bình luận, thậm chí tìm kiếm thông tin bổ sung. Dù rằng cách viết còn cảm tính (nói cách khác là ''bản năng'') và để lộ sự thiếu chuyên nghiệp, nhưng họ đã mở rộng bình luận, tức là làm cái mà báo chí lề phải không dám làm và/hoặc không được làm.

- Họ chủ động gặp gỡ và phỏng vấn sâu phía nạn nhân, là những người mà báo chí lề phải không tiếp xúc nhiều – phần vì lý do ''ngại nhạy cảm'', phần vì sợ bài mất tính khách quan.

(Có một phóng viên tự do người Nauy, cô Jessica Ryan, từng nói với tôi rằng cô không hiểu tại sao các nhà báo Việt Nam lại có tư duy như vậy nếu họ làm việc cho báo chí quốc doanh: ''Các nhà báo làm cho những tờ báo của chính quyền rồi, thì họ càng phải đưa tin về phía đối lập với chính quyền, phản biện chính quyền, nói rộng ra là về nhân dân, cho cân bằng. Thế mới là khách quan chứ?'').

Dù đã tiến một bước dài, nhưng công cuộc làm truyền thông của giới blogger Việt Nam vẫn hướng đến độc giả người Việt là chủ yếu; nói cách khác, họ vẫn ''viết cho nhau đọc'', ''tôi viết cho đồng bào tôi đọc''. Mọi bài viết trên báo chí tiếng Anh, nếu có, chỉ là thảng hoặc, nhờ vào sự chú ý tình cờ của một phóng viên nước ngoài nào đó về tình hình Việt Nam, thông qua mối quen biết dây mơ rễ má của phóng viên nọ với cá nhân A, cá nhân B trong cộng đồng blogger chính trị Việt Nam.

Cưỡng chế đất ở Văn Giang sáng 24/4/2012. 
Ảnh do một blogger chụp.

Cộng đồng quốc tế quan tâm – có cần thiết không?

Có ý kiến cho rằng không cần thế giới phải biết đến tình hình Việt Nam, nhất là chuyện chính quyền xâm phạm nhân quyền của người dân. Bởi vì, dù có biết, cộng đồng quốc tế cũng chẳng làm gì. Suy cho cùng, mọi việc ở Việt Nam phải do chính người dân trong nước làm, kể cả công cuộc đấu tranh vì nhân quyền, dân chủ.

Đi đến tận cùng của vấn đề, thì đúng vậy: Mọi việc ở Việt Nam phải do chính người dân trong nước giải quyết.

Nhưng, giữa những cái xấu phải chọn cái ít xấu hơn, giữa những cái tốt phải chọn cái tốt hơn. Sống trong thế giới thời toàn cầu hóa, hội nhập tốt hơn là không hội nhập. Cuộc đấu tranh của những blogger Việt Nam vì quyền tự do sẽ đạt hiệu quả cao hơn nếu thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, khía cạnh quan trọng của chuyện này là, nhiều khi chính quyền Việt Nam, với truyền thống ''khôn nhà dại chợ'', ''bạo dạn xó bếp'', lại có xu hướng e ngại sức ép từ bên ngoài hơn trong nước. Ông Ismail Wolf, Giám đốc Điều hành tổ chức Đại biểu Quốc hội ASEAN vì Nhân quyền (ASEAN Parliamentarians for Human Rights, APHR), nhận xét: ''Cùng một vấn đề nhân quyền, nhưng nếu chính phủ một nước láng giềng trong ASEAN đưa ra thì sẽ dễ được Chính phủ Việt Nam chấp nhận hơn là để người dân trong nước nói''.

Chính quyền cộng sản nào cũng không thích sự minh bạch, nhưng lại thích được ''đánh giá cao'', thích giữ hình ảnh đẹp trong mắt dư luận thế giới. Khi được hỏi, Nhà nước Việt Nam có sợ áp lực quốc tế không, một quan chức cao cấp của Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền tại Geneva từng nói riêng với một số blogger Việt Nam: ''Tôi không muốn dùng từ ''sợ'', tôi muốn dùng từ ''quan tâm''. Họ có thể không sợ, nhưng họ quan tâm đấy. Nói cho chính xác, Nhà nước Việt Nam quan tâm tới những quốc gia mà ở đó, báo chí có ảnh hưởng. Họ hiểu rằng công luận của các quốc gia đó có thể tác động tới chính sách của chính phủ. Đó là lý do khiến tôi nói với các bạn rằng báo chí quốc tế có vai trò rất quan trọng... Tôi tin là nếu những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam bị đưa lên báo chí quốc tế, chính quyền Việt Nam sẽ rất bối rối''.

Trung Quốc, mặc dù là nước lớn và mang tư tưởng đại Hán, kiêu ngạo hơn Việt Nam nhiều, nhưng cũng có một câu chuyện có thể chứng minh cho việc chính quyền Bắc Kinh e ngại sức ép từ bên ngoài hơn trong nước. Vào tháng 10/1999, một phóng viên tờ Khoa học Công nghệ Hà Nam (cơ quan ngôn luận của Hội Khoa học Công nghệ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), tên là Zhang Jicheng, sau khi ngồi cùng chuyến tàu với hai người dân làng Wenlou ở tỉnh Hà Nam, nghe thông tin từ họ và tìm hiểu thêm, đã phát hiện ra một sự thật khủng khiếp: Dân làng này bị nhiễm HIV/AIDS qua việc truyền máu tại các trung tâm hiến máu nhân đạo. Có gia đình tứ đại đồng đường với khoảng 50-60 thành viên, gần như tất cả đều nhiễm HIV dương tính.

Sun, 34 tuổi, người Hà Nam, bán máu năm 1999, chết ngày 28/1/2002 vì AIDS. 
Trong ảnh là người cha đang khóc con. Ảnh: AFP.
Nguồn: Karin Haley (anth444kmh.blogspot.com)

Zhang viết bài, nhưng tòa soạn không đăng. Anh gửi bài sang báo khác, tờ Hoa Tây Đô Thị của tỉnh Tứ Xuyên, và đến ngày 18/1/2000 thì bài báo về ''căn bệnh lạ'' ở Hà Nam được đăng tải trên Hoa Tây Đô Thị. Zhang bị đuổi việc (nhưng tòa soạn bí mật giữ lại để anh viết bài, lấy tên khác). Bốn tháng sau, tờ Đại Hà Nhật Báo tiếp bước với một chuyên đề về ''Dịch AIDS ở Hà Nam'', số đầu tiên ra ngày 11/5/2000. Tờ này bị xử lý ngay, tổng biên tập bị cách chức.

Trong vòng mấy năm trời (thực chất phải tính từ năm 1995 khi một vài bác sĩ phát hiện ra mẫu máu nhiễm HIV dương tính, nghĩa là trước cả Zhang Jicheng), mọi nỗ lực lẻ tẻ nhằm đưa sự việc ra ánh sáng đều bị đàn áp. Quả bom tấn đã chỉ thực sự bùng nổ sau khi tờ báo mang tầm quốc tế New York Times vào cuộc ngày 28/10/2000 với bài báo 1.600 từ của Elizabeth Rosenthal: ''Nông thôn Trung Quốc với cái giá quá đắt của nghèo đói: Chết vì AIDS''. Truyền thông quốc tế và báo chí Trung Quốc gần như đổ xô về Hà Nam. Câu chuyện dân nghèo bán máu kiếm sống và nhiễm AIDS bị phơi bày ra thế giới theo một cách mà chính quyền không thể kiểm soát được. Chỉ từ lúc ấy, chính phủ Trung Quốc mới thực sự có những chính sách bảo vệ sức khỏe và tính mạng dân chúng trước nạn lây nhiễm AIDS qua truyền máu.

Còn tiếp