Chiều 7/4 (giờ Washington D.C.), TS. luật, tù nhân lương
tâm Cù Huy Hà Vũ cùng vợ là luật sư Dương Hà đã đến Mỹ, sau khi ông Vũ được trả
tự do và đưa thẳng từ nhà tù ra sân bay (giống trường hợp của bà Trần Khải
Thanh Thủy năm 2011). Sự ra đi của cả ông Vũ lẫn bà Thủy đều được phía Việt Nam
giải thích là do “nhà nước tạo điều kiện cho đi Mỹ chữa bệnh”; tuy nhiên, có lẽ
chúng ta đều hiểu rằng đây chỉ là một cách nói giảm, nói tránh cụm từ “tị nạn
chính trị”, để cả hai bên đều thấy hài lòng – Việt Nam đỡ mất mặt, mà Mỹ cũng
chẳng thiệt gì.
Nhân sự kiện này, xin đăng lại loạt bài phỏng vấn ông Cù
Huy Hà Vũ vào mùa hè 2009, sau khi ông Vũ đệ đơn kiện Thủ tướng, góp phần tạo
nên giai đoạn “cao trào chống bauxite” ở Việt Nam.
Loạt bài được đăng tải trên tờ Nhịp Cầu Thế Giới (tạp chí
tin tức-văn hóa của cộng đồng người Việt ở Hungary), khi tôi đang là phóng viên
của VietNamNet. Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh của Nhịp Cầu Thế Giới cho rằng: “Trong
"sự nghiệp" biên tập của mình, đây là loại bài trước khi đăng mình phải
suy nghĩ và cân nhắc nhiều nhất từng câu chữ và hình thức thể hiện, sao cho nó
vừa phản ánh tối đa sự thực, vừa tránh được sự chụp mũ rất thường thấy...”.
Còn với cá nhân tôi, đây là một trong những bài đánh dấu chấm
dứt sự ngây thơ về chính trị của tôi: Khi ấy, tôi ngây thơ đến mức nghĩ rằng một
phóng viên “lề phải” có thể đi phỏng vấn và viết về sự kiện “Cù Huy Hà Vũ kiện
thủ tướng”, rằng những bài viết như thế có thể được đăng tải, và cũng là điều
bình thường nếu, khi bài không được đăng, phóng viên có thể gửi nó cho một tờ
báo tiếng Việt ở nước ngoài.
* * *
Ảnh không rõ nguồn.
Kỳ 2:
“TÔI ĐÃ TÍNH HẾT CẢ RỒI”
- Gần
đây có một số ý kiến phân tích cho rằng đơn kiện Thủ tướng của ông còn nhiều sơ
hở về mặt luật học nên bị bác. Khi đệ
đơn kiện, ông có nghĩ đơn sẽ bị bác không?
- Không phải là đơn bị bác, mà là bị Tòa án Nhân dân
Thành phố Hà Nội trả lại như chính tiêu đề “Thông báo trả lại đơn khởi kiện” của
Tòa án đã chỉ rõ. Cũng có thể nói đơn đã không được Tòa thụ lý. Nhân đây cần
nói rằng “bác đơn” chỉ có thể áp dụng trong trường hợp Hội đồng Xét xử không chấp
nhận yêu cầu của nguyên đơn, tức đơn khởi kiện đã được Tòa án thụ lý và vụ án
đã được đưa ra xét xử.
Ngày 11-6, tôi gửi đơn đến Tòa, thì đến 15-6, Tòa có
thông báo trả lời tôi rằng “theo quy định tại Điều 12, Pháp lệnh thủ tục giải
quyết các vụ án hành chính, thì Tòa án chỉ có thẩm quyền giải quyết đối với những
khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ, cơ quan ngang Bộ,
và cấp tương đương trở xuống và quyết định hành chính, hành vi hành chính của
thủ trưởng các cơ quan đó. Do đó, việc ông khởi kiện Quyết định của Thủ tướng
Chính phủ không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án bằng vụ án hành chính”.
Như vậy, Tòa án Hà Nội trả lại đơn là do không đủ thẩm
quyền xét xử Thủ tướng. Điều này tôi hoàn toàn biết ngay từ lúc nộp đơn. Nhưng
tôi cũng đã tính hết cả rồi. Không tòa án này thì tòa án khác giải quyết đơn kiện
của tôi.
- Vậy
thì Tòa án nào ở Việt Nam có thẩm quyền xét xử Thủ tướng? Có văn bản nào quy định
điều này không, thưa ông?
- Theo logic của chính Thông báo của Tòa án Hà Nội thì đó
sẽ là Tòa án Nhân dân Tối cao, vì trên Tòa án Hà Nội nói riêng, tòa án cấp tỉnh
nói chung, không còn tòa án nào khác.
Theo logic ấy, nếu Tòa Hà Nội chỉ đủ thẩm quyền xét xử từ
cấp Bộ trở xuống, thì Tòa Tối cao “chắc” là Tòa đủ quyền thụ lý đơn khởi kiện
Thủ tướng Chính phủ.
- Vậy
tại sao ông không gửi đơn lên thẳng Tòa án Nhân dân Tối cao ngay, mà vẫn gửi đến
Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội trước để khỏi bị trả lại đơn?
- Tôi và Thủ tướng Chính phủ, tức nguyên đơn và bị đơn, đều
ở Hà Nội, nên việc tôi gửi đơn khởi kiện đến Tòa án Hà Nội là theo nguyên tắc
đơn khởi kiện phải được gửi ra Tòa án nơi nguyên đơn và/hoặc nơi bị đơn cư trú.
Ngoài ra, đây cũng là suy tính của tôi. Tôi muốn làm mọi
chuyện “bung ra” một cách có hệ thống, từ dưới lên trên.
-
Bây giờ nói về khía cạnh kỹ thuật của đơn kiện. Như ông nêu trong đơn, nó dựa
trên nguyên tắc pháp luật “chủ thể của mọi hành vi – ban hành văn bản hành
chính, lời nói, hành động… - trái pháp luật” đều là đối tượng khởi kiện, nếu
chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nhưng,
có ý kiến cho rằng, Quyết định 167 mà Thủ tướng ban hành lại không phải là một
quyết định hành chính (tức văn bản áp dụng pháp luật) mà là một văn bản quy phạm
pháp luật. Do vậy, đơn kiện không đủ căn cứ pháp lý. Ông nghĩ sao về ý kiến
này?
- Tôi thấy ý kiến này hoàn toàn vớ vẩn, nhầm lẫn giữa phạm
trù (quy phạm pháp luật) và tính chất (hành chính). (Giở sách, đọc nhấn từng chữ)
Điều 109 Hiến pháp năm 1992 của nước CHXHCN Việt Nam định nghĩa “Chính phủ là
cơ quan chấp hành của Quốc hội, là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước
CHXHCN Việt Nam”. Điều 4 Luật tổ chức Chính phủ quy định “Thủ tướng là người đứng
đầu Chính phủ”, tức người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất. Thủ tướng
có thẩm quyền ban hành quyết định, chỉ thị, theo Điều 15 Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật.
Vậy quyết định của Thủ tướng không phải là quyết định
hành chính thì là cái gì? Điều đáng lưu ý là quyết định hành chính của Thủ tướng
có thể là văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản áp dụng pháp luật.
-
Xin phép hỏi vượt ra ngoài vụ kiện Thủ tướng này một chút. Giả sử rằng đây là một
văn bản quy phạm pháp luật, thì liệu có kiện được chủ thể ban hành nó không?
Nói cách khác, công dân Việt Nam có quyền khởi kiện một đạo luật đã được ban
hành không?
- Không được, vì luật pháp Việt Nam hiện hành chỉ quy định
về khởi kiện đối với quyết định hành chính. Vả lại Chánh án Tòa án Nhân dân Tối
cao do Quốc hội bầu ra nên Quốc hội có quyền bãi bỏ các văn bản của Tòa án Nhân
dân tối cao chứ không có chuyện ngược lại. Rõ ràng đây là một bất cập vì văn bản
do Quốc Hội ban hành, trong đó có luật, rất có thể trái Hiến pháp.
Ở những nước có nền luật pháp tiến bộ, họ có Tòa án Hiến
pháp, độc lập tuyệt đối và có quyền xem xét hủy bất cứ luật nào Quốc hội ban
hành nếu thấy trái với Hiến pháp. Ở ta không có Tòa án Hiến pháp. Quốc hội tuy
trên văn bản, giấy tờ là có quyền bãi bỏ các quyết định trái pháp luật của Thủ
tướng, nhưng thực tế chưa bao giờ làm thế cả.
- Đó
là về căn cứ pháp lý của đơn kiện. Còn về tư cách khởi kiện của ông thì…?
- Tôi khởi kiện Thủ tướng với tư cách cá nhân và điều này
được luật pháp cho phép.
Ngay khi có ý định dùng nhánh tư pháp để chống sự khai
thác bauxite trong vụ này, tôi đã nghiên cứu báo cáo mà Chính phủ trình Quốc hội
về dự án và tôi thấy ngay rằng những điểm yếu về môi trường là kẽ hở để tôi tận
dụng.
Theo Điều 128 Luật Bảo vệ môi trường thì “tổ chức, cá
nhân có quyền khiếu nại với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại
Tòa án về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xâm phạm quyền, lợi
ích hợp pháp của mình”. Như vậy, tôi hay bất kỳ công dân Việt Nam nào khác cũng
hoàn toàn có quyền khởi kiện Thủ tướng ban hành quyết định vi phạm pháp luật về
bảo vệ môi trường.
Việc Tòa án Hà Nội trả lại đơn khởi kiện với lý do không
đủ thẩm quyền giải quyết đơn kiện Thủ tướng cũng đã xác nhận tư cách khởi kiện
của tôi.
Còn chuyện người ta bảo tôi không phải luật sư, tôi là
công chức Bộ Ngoại giao, thì trong đơn, tôi đâu có ghi người khởi kiện là luật
sư, công chức Bộ Ngoại giao Cù Huy Hà Vũ đâu. Và xin nhấn mạnh là cho dù có làm
nghề gì, tôi cũng có quyền kiện Thủ tướng hết, miễn là tôi chưa bị mất quyền
công dân.
- Vậy
ông có tính tới khả năng đơn kiện của ông bị vô hiệu lực, khi người ta chứng
minh được ông phạm tội gì đó và vì thế, ông bị tước quyền công dân?
- Không bao giờ có khả năng này cho dù người ta có muốn đến
đâu! Tôi chưa bao giờ làm gì phạm pháp cả.
-
Nhưng ông có thể có những sai sót trong kinh doanh, ví dụ chưa đủ tư cách hành
nghề thì đã mở công ty tư vấn luật?
- Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ là do vợ tôi, Nguyễn Thị
Dương Hà, đứng tên giám đốc. Văn phòng được thành lập đúng thủ tục và hoạt động
tuân thủ pháp luật.
-
Ông có phải luật sư không, theo quy định của luật pháp Việt Nam?
- Tôi có đủ điều kiện về bằng cấp, và tôi từng cãi cho một
số vụ kiện dân sự. Theo luật thì tôi được phép bào chữa cho các vụ kiện dân sự.
Tôi chưa bao giờ xưng danh luật sư bởi tôi đang là công
chức Bộ Ngoại giao, mà theo Luật luật sư thì công chức không được làm luật sư.
Thực tế là tôi cũng chưa từng xin tham gia đoàn luật sư nào cả. Việc Đoàn Luật
sư Thành phố Hà Nội đột nhiên ra văn bản nói rằng tôi không phải thành viên của
họ, quả thật rất vô lý và vô duyên, vì tôi có xin vào đó bao giờ đâu.
Nguồn: http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=1955