5 năm về trước, ngày 9/4/2009, tại khách sạn Melia Hà Nội
có một sự kiện mà tôi cho là "lịch sử": Hội thảo toàn quốc về đại dự
án khai thác bauxite Tây Nguyên. Hội thảo kéo dài từ 8h30 sáng tới 6h30 tối, và
với tôi, nó là "lịch sử" ở chỗ hình như đấy là "lần đầu tiên từ
năm 1975 có phản biện, chất vấn công khai giữa các nhà khoa học và nhà đầu tư dự
án (mà đứng sau lưng là chính quyền), đại biểu ngồi nghe ai cũng cho mình là
đúng, và rất chăm chú, không ai bỏ về trước (như đa số hội thảo khác)".
Đó cũng là những ngày tháng cao trào của cuộc đấu tranh
chống dự án bauxite Tây Nguyên. Trong những sự kiện góp phần vào cao trào đó,
có việc ông Cù Huy Hà Vũ kiện Thủ tướng, có vụ bắt ông Trần Huỳnh Duy Thức
(tháng 5), bắt luật sư Lê Công Định (tháng 6), và nhiều người khác...
Tôi post lại bài này nhân sự kiện ông Cù Huy Hà Vũ được trả tự
do và đi Mỹ, và để nhớ lại mùa hè 2009.
* * *
Kỳ 3: “4 KHẢ NĂNG PHẢN ỨNG CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO”
- Ông nói rằng ông đã lường trước hết và tính toán tất cả,
ví dụ ngay khi gửi đơn cho Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội, ông đã biết trước
đơn sẽ không được thụ lý vì Tòa không đủ thẩm quyền. Vậy nếu ngay cả Tòa án
Nhân dân Tối cao cũng không đủ thẩm quyền thì sao?
- Điều 127 Hiến pháp năm 1992 của nước CHXHCN Việt Nam
quy định: “Trong tình hình đặc biệt, Quốc hội có thể thành lập Tòa án đặc biệt”.
Chuyện một công dân khởi kiện Thủ tướng là việc chưa từng có tiền lệ ở Việt
Nam, nên đây là “tình hình đặc biệt” rồi. Tòa Tối cao sẽ phải báo cáo Quốc hội,
đề nghị thành lập một tòa án đặc biệt để thụ lý vụ việc.
- Ông dự đoán Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ phản ứng ra sao
với đơn kiện Thủ tướng của ông? (Ngày 3-7, ông Cù Huy Hà Vũ đã gửi đơn kiện Thủ
tướng tới Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao).
- Tôi xác định là phản ứng của Tòa Tối cao không nằm
ngoài bốn khả năng sau:
Thứ nhất, Tòa Tối cao sẽ thụ lý đơn kiện. Trong trường hợp
này, chắc chắn tôi sẽ thắng kiện, vì Tòa không thể vin vào luật nào mà cãi cho
Thủ tướng được.
Thứ hai, Tòa Tối cao sẽ báo cáo Quốc hội, đề nghị thành lập
Tòa án đặc biệt để thụ lý đơn kiện.
Thứ ba, bản thân Tòa Tối cao cũng không xác định nổi tòa
án nào ở Việt Nam có thẩm quyền thụ lý vụ việc.
Và thứ tư là… lờ lớ lơ. Tức là Tòa sẽ chẳng nói gì cả.
Tuy nhiên, tôi tin là không có khả năng này, bởi vì Tòa bắt buộc phải có hướng
dẫn đối với một công dân đang trong quá trình tố tụng. Tôi cũng chỉ là một công
dân, chẳng có gì đáng sợ để Tòa phải tránh trả lời.
- Hai khả năng đầu có vẻ tích cực. Khả năng thứ tư ông
cho rằng sẽ không thành hiện thực. Vậy còn khả năng thứ ba, nếu ngay cả Tòa Tối
cao cũng chịu, không có cách giải quyết nào, thì ông sẽ làm gì tiếp theo?
- Đến lúc đó thì tôi sẽ làm đơn gửi Quốc hội, đề nghị Quốc
hội xác định tòa án nào có thể thụ lý vụ việc của tôi. Tất nhiên tôi sẽ gợi ý
khả năng thành lập Tòa án đặc biệt.
Tôi sẽ làm tới cùng. Tôi sẽ đẩy vụ việc tới mức Tòa án buộc
phải thụ lý đơn kiện.
- Nếu Quốc hội không làm theo gợi ý của ông thì sao?
- Điều này có nghĩa là Quốc hội xóa sổ nguyên tắc “Mọi
công dân đều bình đẳng trước pháp luật” được quy định tại Điều 52 Hiến pháp. Một
khi Hiến pháp bị chính cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước vi phạm thì còn
gì để nói nữa! Thế giới người ta sẽ nghĩ sao về Nhà nước này? Như vậy, từ một
lá đơn của tôi mà đã đập tung cả cơ chế, cả hệ thống luật, từ dưới lên trên. Đó
là cách làm của tôi.
- Ông dự đoán khả năng nào sẽ xảy ra?
- Tôi nghĩ họ sẽ rút lại chủ trương khai thác bauxite Tây
Nguyên, bởi vì thà rút còn hơn đưa Thủ tướng ra tòa xử. Nếu đưa ra tòa, tôi
cũng sẽ thắng kiện với những chứng lý mà tôi đã trình bày rõ trong đơn.
Tất nhiên tôi cũng hiểu việc rút lại dự án có thể gây một
số hậu quả cho Nhà nước trong quan hệ với Trung Quốc. Có thể sẽ phải tính đến
khả năng bồi thường cho nhà thầu Trung Quốc vì đã đơn phương hủy hợp đồng, như
Australia mới đây đã làm cũng với nhà thầu Trung Quốc.
Tuy nhiên, tôi xác định là cứ từ từ đã, làm từng bước một.
Và nhất thiết là Nhà nước với nhân dân phải cùng xử lý tình hình. Lo bên ngoài
trước đã rồi trong nhà mới ngồi lại bàn chuyện sai, đúng, luận tội sau.
- Tiền bồi thường lấy từ đâu ra, nếu không phải từ tiền
thuế mà dân đóng góp, mà người dân đâu có lỗi gì?
- Tôi tin rằng toàn thể người dân Việt Nam vì lợi ích của
chính mình sẽ chung tay cùng Thủ tướng và Chính phủ để lo khoản bồi thường này.
- Từ hôm kiện Thủ tướng, ông có gặp bất kỳ một phản ứng
nào từ phía cơ quan công quyền không? Hạ nhục, làm mất uy tín ông chẳng hạn?
- Hoàn toàn không. Không một lời đe dọa hay khuyên nhủ,
không một tin nhắn. Chỉ có chuyện Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội ra thông báo
nói rằng tôi không phải luật sư, nêu đích danh “anh Cù Huy Hà Vũ”. Tôi sẽ kiện
họ tội xâm phạm danh dự, uy tín công dân.
(Ngày 1-7, ông Cù Huy Hà Vũ đã có đơn khiếu nại về thông
báo của Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội).
- Ông có nghĩ tới một khả năng nào gọi là xấu nhất, cho
chính ông không?
- Tôi chẳng sợ. Tôi nói rồi, tôi đã tính rất cẩn thận.
Khi xác định đi kiện Thủ tướng là tôi đã biết sẽ phải “đấu trí” rồi. Tôi kiện
Thủ tướng là trên cơ sở luật pháp và vì vậy luật pháp sẽ bảo vệ tôi.
Tôi có những nguyên tắc của tôi:
1. Tôi dựa vào Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam, trong
đó Điều 52 quy định “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”.
2. Tôi dựa vào Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án
hành chính, trong đó quy định “Mọi quyết định hành chính đều có thể là đối tượng
bị khởi kiện”.
3. Tôi dựa vào nguyên tắc chung của luật pháp trên toàn
thế giới: Công dân được quyền làm những gì luật pháp không cấm. Nhà nước, cơ
quan công quyền chỉ được quyền làm những gì luật pháp cho phép. Và tôi kiện Thủ
tướng với tư cách một công dân.
Nguồn: http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=1957