Dưới đây là bài viết mới nhất của TS. Dương Danh Huy và
TS. Phạm Quang Tuấn nhằm phản bác tác giả Sam Bateman – vị chuyên gia, nghiên cứu
viên cao cấp của RSIS, người đã liên tục nêu quan điểm cho rằng Việt Nam nên đồng ý “gác tranh chấp cùng khai thác” với Trung Quốc, cũng như nên chấp nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc, vì cơ sở bảo vệ chủ quyền của Việt Nam yếu hơn.
Mặc dù các lập luận của TS. Dương Danh Huy và TS. Phạm
Quang Tuấn (đăng trên Eurasia Review ngày 5/6/2014) đã phản bác đầy đủ Sam Bateman, song độc giả cũng cần lưu ý rằng các
quan điểm của Sam Bateman đã được một cơ quan truyền thông quốc tế lớn là CNN
trích dẫn lại trong một bài xã luận của họ về vụ giàn khoan 981, đăng ngày
19/5. Ngày 11/6, CNN tiếp tục đăng bài xã luận thứ hai sử dụng các ý kiến của
Sam Bateman, trong đó, ông này khẳng định Việt Nam đuối lý hơn hẳn Trung Quốc trong
tranh chấp quần đảo Hoàng Sa.
* * *
ĐỐI ĐẦU TRONG VỤ GIÀN KHOAN 981:
MỐI NGUY HIỂM CỦA VIỆC ĐÁNH ĐỒNG MỌI THỨ VÀO TRANH CHẤP
CHỦ QUYỀN
- Huy Duong - Tuan Pham
Mở rộng những tranh chấp trên Biển Đông – đẩy chúng vượt ra
ngoài bất kỳ một vùng đặc quyền kinh tế nào mà những hòn đảo nhỏ xíu đang bị
tranh chấp có thể có được – là hành động cản trở an ninh và hợp tác trong khu vực.
Nhìn chung tất cả mâu thuẫn đều có thể được xử lý bằng cách áp dụng quy trình giải
quyết tranh chấp của UNCLOS cho các vấn đề liên quan đến phân định ranh giới
trên biển và hợp tác trong các khu vực tranh chấp.
Trong bài đáp trả bài bình luận của chúng tôi, Tiến sĩ Bateman
viết: “Những yêu sách chủ quyền gay gắt, thậm chí còn thể hiện rõ ràng hơn
trong cách viết của hai tác giả, đang trở nên ngày càng phản tác dụng và chẳng
đi tới đâu”. Lối đánh giá vội vàng như vậy không nên có chỗ trong thảo luận
khoa học, trong khi những dữ kiện thực tế và những số liệu vững chắc sẽ có ích
hơn nhiều cho việc tìm ra một giải pháp hòa bình để xử lý xung đột. Trong bài
bình luận trước đó của chúng tôi, chẳng có chi tiết nào có thể bị coi là “yêu
sách chủ quyền gay gắt”. Ngược lại, chính ông Batman mới là người khẳng định
ngay từ đầu rằng “vấn đề ai có chủ quyền đối với Hoàng Sa là trọng tâm của tình
hình hiện nay”, và ông đứng về phía Trung Quốc trong câu chuyện chủ quyền này,
dựa trên những bằng chứng và lập luận rất đáng ngờ; ông còn đề nghị Việt Nam “chấp
nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa”, trong khi đó, bài viết hồi đáp
của chúng tôi đã hạn chế đến mức thấp nhất mức độ gay gắt của những yêu sách chủ
quyền mâu thuẫn nhau.
Căn nguyên
của vấn đề
Bài viết trước đó của chúng tôi đưa ra các dữ kiện thực tế,
số liệu, và hồ sơ của Tòa án Công lý Quốc tế và Hiệp định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt
Nam và Trung Quốc, nhằm chứng tỏ rằng vùng đặc quyền kinh tế mà quần đảo Hoàng
Sa (đang bị tranh chấp) có được sẽ không thể mở rộng đến được vị trí của giàn
khoan Haiyang 981. Qua đó, chúng tôi bác bỏ quan điểm của Bateman cho rằng vấn
đề ai có chủ quyền đối với Hoàng Sa là trọng tâm của tình hình hiện nay, hay là
“một đường biên giới hàng hải đã được đàm phán trong khu vực này thì chắc chắn
sẽ xác định rằng giàn khoan dầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc”.
Trên thực tế, chúng tôi chỉ đặt tình hình hiện nay vào đúng thực trạng của nó: Không
liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa.
Rõ ràng, chúng tôi không phủ nhận việc đang có tranh chấp
chủ quyền trong khu vực. Tuy nhiên, tranh chấp chủ quyền đối với những hòn đảo
quá nhỏ, những bãi (reef) và đá (rock) thì không thể gây ra căng thẳng nghiêm
trọng như chúng ta đã và đang chứng kiến trên Biển Đông. Hãy lưu ý, hoàn toàn
không có căng thẳng nghiêm trọng nào giữa Việt Nam, Philippines, Malaysia và
Brunei, dù các quốc gia này đều có tranh chấp chủ quyền với nhau.
Về Biển Đông và về nguồn gốc của những căng thẳng mà
chúng ta đang thấy, vấn đề là có một nước rất gay gắt trong những yêu sách chủ
quyền của họ, đến mức họ không chịu công nhận Hoàng Sa là quần đảo đang tranh
chấp; một nước ra yêu sách đòi sở hữu gần hết Biển Đông và thềm lục địa, chẳng
đếm xỉa gì đến cả UNCLOS lẫn các dàn xếp pháp lý hay những thỏa thuận đã được
đàm phán trước đây trong phân định ranh giới trên biển; một nước không ngại đơn
phương khẳng định các yêu sách đó, và đã tuyên bố rằng họ không công nhận thủ tục
giải quyết tranh chấp của UNCLOS cho một số lĩnh vực tranh chấp, đặc biệt là những
tranh chấp liên quan đến việc diễn giải và áp dụng các điều khoản của UNCLOS để
phân định ranh giới trên biển. Nước đó chính là Trung Quốc.
Chúng tôi đánh giá cao và ủng hộ mong muốn của Bateman là
sẽ có sự hợp tác nhiều hơn trên Biển Đông; nhưng dụng ý của Bateman nhằm biện hộ
cho việc Trung Quốc đơn phương triển khai một giàn khoan nước sâu khổng lồ
trong khu vực chồng lấn về vùng đặc quyền kinh tế, hoàn toàn không đếm xỉa gì đến
Điều 74 của UNCLOS, thì chính xác là đang đi ngược lại mong muốn đó. Ngoài ra,
chúng tôi phản đối quan điểm của ông ta cho rằng “Các nước có chung đường biên
đều tránh hợp tác, vì sợ là nếu hợp tác thì, cách này cách khác, họ có thể sẽ
phải nhân nhượng về yêu sách chủ quyền của mình”. Theo chúng tôi, trở ngại lớn
nhất cho những hợp tác như vậy, là việc Trung Quốc từ chối, không chịu công nhận
rằng đang có tranh chấp chủ quyền xoay quanh quần đảo Hoàng Sa và xoay quanh yêu
sách chủ quyền mập mờ của họ đối với vùng biển và thềm lục địa tạo thành đường
chữ U – một phần dựa vào cái lập trường rất bất công là phân bổ vùng đặc quyền
kinh tế cho các hòn đảo nhỏ xíu, đang bị tranh chấp, và một phần dựa vào việc lạm
dụng khái niệm “các quyền (có từ trong) lịch
sử”. Cần phải nhấn mạnh rằng, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Malaysia đã có
những chương trình hợp tác trong các khu vực có yêu sách chủ quyền chồng lấn,
chưa giải quyết được, và họ có thể làm được việc này vì họ đều không có những
yêu sách chủ quyền biển đảo gây phẫn nộ như Trung Quốc.
Tàu Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu Việt Nam, ngày 28/5. Ảnh: CNN
Con
đường phía trước
Mặc dù các tranh chấp biển đảo trên Biển Đông rất phức tạp,
nhưng chúng không phải là nằm ngoài khả năng của các tòa án quốc tế hay là các
cuộc đàm phán có thiện ý nhằm giải quyết mâu thuẫn. Trên thế giới từ trước đến
nay, những tòa trọng tài và những cuộc thương thuyết về biên giới trên biển đã cung
cấp cho tòa án và các nhà đàm phán có thiện ý rất nhiều tiền lệ để họ đi tới.
Giá như Trung Quốc không tuyên bố rằng họ bác bỏ mọi thủ tục giải quyết tranh
chấp của UNCLOS, thì các tòa án quốc tế hẳn đã có thể tách phần lớn những tranh
chấp biên giới biển trên Biển Đông khỏi tranh chấp chủ quyền các hòn đảo, và
tháo gỡ chúng, để chỉ còn lại một số vùng tranh chấp. Đấy sẽ là một điểm khởi đầu
tốt cho sự hợp tác cả trong khu vực tranh chấp lẫn khu vực không tranh chấp.
Một tác hại nữa của việc Trung Quốc bác bỏ thủ tục giải
quyết tranh chấp của UNCLOS, là họ khiến cho tòa án mất thẩm quyền áp dụng quy
định của Điều 74 về thiện chí và hợp tác vào những vùng biển có yêu sách chồng
lấn về vùng đặc quyền kinh tế, vẫn còn treo đó chưa giải quyết được – mà đó là
điều mà tình hình trên Biển Đông hiện nay đang cần một cách tuyệt vọng.
Bateman viết: “Hai tác giả kết luận bài viết phê bình của
họ dành cho tôi bằng tuyên bố rằng tôi “có thể có đóng góp tích cực hơn cho hòa
bình và hợp tác bằng cách khuyến khích Trung Quốc chịu khó tuân theo các thủ tục
giải quyết tranh chấp đã được cụ thể hóa trong UNCLOS”. Tôi cũng có thể nói như
thế về Việt Nam chứ?”. Có thể ông Bateman sẽ ngạc nhiên khi biết rằng Việt Nam
đã chấp nhận thủ tục giải quyết tranh chấp của UNCLOS khi họ phê chuẩn Công ước
này vào năm 1994 mà không bảo lưu điều khoản nào, không như Trung Quốc công
khai bác bỏ triệt để phần thủ tục nói trên vào năm 2006.
UNCLOS là nền tảng cho sự hợp tác và trật tự trên các biển
và đại dương của thế giới, nhưng chắc chắn nó có những khía cạnh cần làm rõ. Thủ
tục giải quyết tranh chấp của UNCLOS đảm bảo rằng việc diễn giải và áp dụng
UNCLOS là công bằng và tuân theo những chuẩn mực khách quan; do đó, nó là điều
quan trọng sống còn để Công ước có thể vận hành trên thực tế. Không có thủ tục
này, những nước thành viên của UNCLOS có thể dễ dàng biến cái nền tảng UNCLOS
thành trò hề.
Vì lý do đó, chúng tôi đề nghị Tiến sĩ Bateman và các học
giả quốc tế có quan tâm đến công bằng, hợp tác và trật tự trên các biển và đại
dương của thế giới, hãy cùng chúng tôi kêu gọi Trung Quốc hạn chế bớt các yêu
sách chủ quyền biển đảo của họ, để các yêu sách đó phù hợp hơn với những dàn xếp
pháp lý và những thỏa thuận đã được đàm phán trước đây trên thế giới (đề nghị
này không nhất thiết đòi hỏi một sự phân định ranh giới cuối cùng), và chấp nhận
thủ tục giải quyết tranh chấp của UNCLOS cho vấn đề Biển Đông.