Vào
ngày 15/5/2014, Sam Bateman, nghiên cứu viên cấp cao của Trường Nghiên cứu Quốc
tế S. Rajaratnam (RSIS, thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore), đã có bài
phân tích đăng trên Eurasia Review, nhan đề “Công hàm Phạm Văn Đồng làm lung lay yêu sách chủ quyền của Việt Nam”.
Đại
ý Sam Bateman cho rằng: Do Công hàm Phạm Văn Đồng 1958 thừa nhận Hoàng Sa là của
Trung Quốc và từ đó đến năm 1975, Việt Nam cũng không phản đối gì; cho nên nếu
bây giờ Việt Nam đòi chủ quyền đối với Hoàng Sa thì sẽ yếu thế. Do quần đảo Hoàng
Sa không phải của Việt Nam, cho nên giàn khoan Haiyang 981 đặt gần đảo Phú Lâm
thuộc Hoàng Sa thì cũng không vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Ngoài ra, Sam
Bateman cho rằng các nước ASEAN tham gia tranh chấp không nên “thiển cận”, mà
nên nhìn xa hơn để chấp nhận hợp tác với Trung Quốc, ví dụ Việt Nam nên đồng ý
khai thác chung nguồn lợi hải sản trong khu vực biển tranh chấp.
Ngày
26/5, hai học giả Việt Nam là TS. Dương Danh Huy và TS. Phạm Quang Tuấn đã có
bài viết phản bác tác giả Sam Bateman. Hai ông chỉ ra rằng Bateman quá thiên vị
Trung Quốc, đồng thời, ở vị trí hiện tại, giàn khoan phải bị coi là nằm trong
vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (tính từ bờ biển đất liền
Việt Nam), chứ không phải của Hoàng Sa, bất luận Hoàng Sa thuộc về Việt Nam hay
Trung Quốc.
Ngay
sau đó, Sam Bateman viết bài đáp trả (bản dịch dưới đây). Bạn đọc có thể thấy trong bài này, tác giả Sam Bateman vẫn tiếp tục lập luận theo hướng bênh vực Trung Quốc và quan điểm “gác tranh chấp cùng khai thác” của Bắc Kinh, với lý do (rất không thuyết phục) rằng như thế “có lợi chung”.
* * *
AI
CÓ CHỦ QUYỀN ĐỐI VỚI HOÀNG SA? XIN ĐÁP LỜI
- Sam Bateman
Tóm
tắt
Thay vì sa vào một cuộc tranh luận vô bổ về các vấn đề
chi tiết, bài viết này nhằm đáp lại một bài phê bình, và sẽ nhìn sâu vào tác động
nguy hiểm của các lập luận liên quan đến chủ quyền và vấn đề quản lý Biển Đông cũng
như các nguồn lực của nó.
Bình
luận
Trong bài báo viết chung, đăng trên RSIS, số 099/2014,
mang tựa đề “Chủ quyền đối với Hoàng Sa: Về một bài báo thiên vị Trung Quốc”,
TS. Huy Duong và TS. Tuan Pham (tức TS. Dương Danh Huy và TS. Phạm Quang Tuấn –
ND) đã phê phán quan điểm của tôi trong bài “Về những căng thẳng mới đây trên
biển Hoa Đông: Ai có chủ quyền đối với Hoàng Sa” (RSIS, số 088/2014).
Bài phản biện của họ chỉ càng làm nổi bật hơn hai vấn đề căn bản
trong cuộc tranh luận về Biển Đông. Thứ nhất, những tranh chấp và tác động của
chúng đến các biên giới trên biển là chuyện rất phức tạp và hầu như không có khả
năng được giải quyết trong tương lai gần. Yếu tố này đã trở thành vật cản chính
trong việc quản lý Biển Đông một cách hiệu quả.
Thứ hai, các yêu sách chủ quyền gay gắt đều không ích lợi
gì và chẳng làm sao tạo ra được những cơ chế cần thiết cho việc quản lý Biển
Đông và nguồn lực của nó. Trong khi đó thì nguồn cá đang bị khai thác quá mức,
môi trường biển bị phá hoại, thiếu vắng trật tự an ninh trên biển, và không có
đủ tri thức khoa học phù hợp để phát triển nguồn lực biển.
Chủ
quyền trên quần đảo Hoàng Sa
Giàn khoan dầu của Trung Quốc có nằm trong vùng đặc quyền
kinh tế (EEZ) của Việt Nam hay không, điều đó chủ yếu phụ thuộc vào việc nước
nào có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Hai tác giả đã phê phán bình luận của
tôi về lập luận rất yếu của phía Việt Nam. Khi làm như vậy, họ quên mất một sự
thật rằng đảo Phú Lâm (Woody Island, thuộc Hoàng Sa – ND) đã bị chiếm đóng liên
tục bởi Trung Quốc kể từ ngay sau Thế Chiến II; có thể họ sẽ viết dòng này bởi
vì như thế là “nhầm lẫn giữa chiếm đóng và có chủ quyền” – nhưng hơn 60 năm đã
qua, không có phản đối nào hiệu quả trong phần lớn khoảng thời gian ấy, thì là
quá lâu.
Hai tác giả đã hiểu sai bình luận của tôi, là “gần gũi về
địa lý không thôi thì không phải là một cơ sở rõ ràng cho việc ra yêu sách chủ
quyền hay quyền chủ quyền”. Khi tôi viết như vậy, không có nghĩa là tôi lẫn lộn
hai khái niệm chủ quyền và quyền chủ quyền. Thay vì thế, bình luận của tôi nhằm
vào cái tuyên bố đơn giản, được lặp đi lặp lại nhiều lần, rằng giàn khoan dầu của
Trung Quốc “nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trên cơ sở
gần gũi về mặt địa lý với đất liền Việt Nam”. “Các quyền chủ quyền” trong bối cảnh
này tất nhiên đã tham chiếu đến một thực tế là, trong vùng đặc quyền kinh tế, một
quốc gia chỉ có thể thực thi các quyền của họ đối với tài nguyên của khu vực
đó, chứ không có chủ quyền tuyệt đối.
Việt Nam có thể có những lập luận vững để biện hộ cho yêu
sách chủ quyền của họ đối với quần đảo Hoàng Sa, nhưng cũng chỉ là các lý lẽ mà
thôi. Trung Quốc cũng có. Lý lẽ của mỗi bên dứt khoát phải được kiểm nghiệm, hoặc
là thông qua quá trình đàm phán song phương, hoặc là trước một tòa án quốc tế.
Trong khi đó thì tại vùng biển này lại vốn chẳng có đường biên giới nào được
các bên cùng thỏa thuận cả, và những tranh chấp như cuộc tranh chấp mà chúng ta
đang chứng kiến đây hiện đang trở nên phổ biến hơn.
Khẳng
định chủ quyền
Trong mấy năm qua, những tuyên bố khẳng định chủ quyền
đang ngày càng gay gắt hơn. Các nước có chung đường biên đều tránh hợp tác, vì
sợ là nếu hợp tác thì, cách này cách khác, họ có thể sẽ phải nhân nhượng về yêu
sách chủ quyền của mình.
Được dẫn dắt chủ yếu nhờ các hội thảo do Indonesia tổ chức
xoay quanh việc giải quyết xung đột trên Biển Đông, các quốc gia trong khu vực
có vẻ như đã từng tiến tới một quá trình hợp tác hiệu quả vào những năm 1990 và
đầu thập niên 2000. Có thể thấy rõ điều này trong Tuyên bố năm 2002 về Cách ứng
xử của các bên (DOC), một văn bản liệt kê đầy đủ các lĩnh vực hợp tác. Tuy
nhiên, gần đây, quá trình này đã bế tắc vì những yêu sách chủ quyền dân tộc chủ
nghĩa.
Những yêu sách đó càng được đà nhờ sự nhiệt tình của công
chúng và nhờ quan niệm cho rằng mỗi hòn đảo đều là một phần không thể chia cắt
của đất nước mình. Hậu quả của những điều này đã bộc lộ rất rõ ràng trong các
cuộc biểu tình bạo lực, đầy tính dân tộc chủ nghĩa, của Việt Nam chống Trung Quốc.
Mặc dù có nguy cơ là lại gây một cơn bão ý kiến phản đối
từ các học giả Việt Nam, nhưng tôi vẫn muốn cả gan nói rằng: Trong số các nước
ven biển (littoral nation, tức là những quốc gia có bờ biển – ND), Việt Nam
cũng là một nước vi phạm chẳng kém gì ai, với những tuyên bố chủ quyền gay gắt
và sự thiếu quyết tâm thực hiện những nghĩa vụ của họ theo luật biển quốc tế, đặc
biệt là Phần IX của UNCLOS (là phần “Biển kín hay biển nửa kín” – ND). (Trong
khi đó) Ít nhất thì Trung Quốc đã đề nghị Quỹ Hợp tác Hàng hải Trung Quốc-ASEAN
hỗ trợ quá trình hợp tác.
Tôi vui vẻ thừa nhận rằng, khi dựa vào các nguồn tư liệu
thứ cấp trích dẫn những số liệu khác nhau, tôi có thể đã đưa ra một số khoảng
cách không đúng. Nhưng sự thiếu sót đó chỉ gây ảnh hưởng không mấy quan trọng,
và không làm thay đổi những lo ngại mấu chốt của tôi. Các lập luận kia đi vào
tiểu tiết đến mức “thấy cây mà không thấy rừng”, trong đó cơ chế hợp tác hiệu
quả chính là “rừng”.
Ngay cả vấn đề kích thước của đảo Phú Lâm cũng không thật
có ý nghĩa. Phú Lâm đủ lớn để thỏa mãn yêu cầu “là một đảo”, theo quy chế về đảo
trong UNCLOS, và sẽ phải được cân nhắc đến khi phân định ranh giới trên biển.
Việt Nam, được hưởng đường bờ biển kéo dài trên Biển Đông, quan niệm rằng trong Biển
Đông chẳng có hòn đảo nào chỉ trừ phi đảo ấy là một yếu tố được tính tới trong
các cuộc đàm phán về biên giới trên biển.
Tác giả chế ảnh: Họa sĩ Trí Tuệ
Con
đường phía trước
Tình hình trên Biển Đông sẽ chỉ được giải quyết khi các
quốc gia có chung biên giới thay đổi nếp nghĩ của họ, chuyển từ thứ tư duy nặng
về chủ quyền, sở hữu độc quyền các nguồn lực và xây dựng “hàng rào trên biển”
(tức là, thiết lập các biên giới hàng hải giữa các nước láng giềng với nhau),
sang tư duy về hợp tác cùng có lợi và phối hợp quản lý. Điều này sẽ phù hợp cả
với các nghĩa vụ theo Phần IX UNCLOS lẫn theo tinh thần của DOC 2002.
Hai tác giả kết luận bài viết phê bình của họ dành cho
tôi bằng tuyên bố rằng tôi “có thể có đóng góp tích cực hơn cho hòa bình và hợp
tác bằng cách khuyến khích Trung Quốc chịu khó tuân theo các thủ tục giải quyết
tranh chấp đã được cụ thể hóa trong UNCLOS”.
Tôi cũng có thể nói như thế về Việt Nam chứ?
Đóng góp chân thành của tôi cho hòa bình và hợp tác trong
khu vực là viết về vụ tranh chấp này theo hướng thúc đẩy một sự thay đổi tư
duy, từ quan điểm bảo vệ chủ quyền, sở hữu độc quyền các nguồn lực và xây dựng “hàng
rào trên biển”, sang tư duy về hợp tác cùng có lợi và phối hợp quản lý Biển
Đông và nguồn lực của nó. Những yêu sách chủ quyền gay gắt, thậm chí còn thể hiện
rõ ràng hơn trong cách viết của hai tác giả, đang trở nên ngày càng phản tác dụng
và chẳng đi tới đâu.
Về lâu dài, tất cả các bên đều sẽ thiệt thòi vì sự tiếp tục
thiếu vắng những cơ chế hiệu quả về quản lý nguồn lực, nghiên cứu khoa học hàng
hải, bảo vệ môi trường biển, bảo vệ an ninh cho tàu thuyền đi qua khu vực, và
ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp trên biển. Cuối cùng thì, lợi ích quốc gia
của tất cả các bên đều đòi hỏi họ phải hợp tác như vậy.