Saturday, 21 June 2014

Tự do báo chí - món quà quý nhất cho các nhà báo Việt Nam ngày 21/6

Ngày Báo chí cách mạng 21/6 năm nay, báo giới Việt Nam được nhận một món quà “đắng ngắt cả lòng”, đó là Thông tư của Tòa án Tối cao quy định kể từ ngày 16/6/2014, phóng viên tác nghiệp tại tòa phải vừa có thẻ nhà báo, vừa có giấy giới thiệu. Thông tư này được ban hành theo gợi ý của một đồng nghiệp của họ - đồng chí Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Hội nhà báo kiêm Đại biểu Quốc hội khóa XIII (2011-2016).

Ai làm báo thực sự (nghĩa là không có màn chạy vạy, đút tiền, bỏ nhỏ “xin anh cái thẻ”, chỉ thực tâm theo nghề và làm đúng luật) đều hiểu có được cái thẻ nhà báo ở Việt Nam khó tới mức nào. Nếu không có thẻ, người làm báo cho dù tài năng, chuyên nghiệp đến đâu cũng chỉ được gọi là phóng viên, cộng tác viên, với hàm ý thấp kém hơn.

Theo Thông tư số 07/2007/TT-BVHTT hướng dẫn cấp, đổi và thu hồi thẻ nhà báo, muốn được cấp thẻ, người làm báo phải đáp ứng một loạt điều kiện, như “Có thời gian công tác liên tục theo chế độ biên chế hoặc hợp đồng dài hạn tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ ba năm trở lên, tính đến thời điểm xét cấp thẻ”, “Không vi phạm quy định về phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp báo chí; không bị xử lý kỷ luật từ khiển trách trở lên trong thời hạn 12 tháng tính đến thời điểm xét cấp thẻ”, “Được cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, Sở Văn hóa - Thông tin (đối với báo chí các tỉnh, thành phố) và Hội Nhà báo cùng cấp thống nhất đề nghị cấp thẻ nhà báo”... Điều kiện phức tạp và lằng nhằng, nhưng có thể tóm tắt lại là phải ngoan, chấp hành đúng đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, ít phản biện thôi, mà nhất là phải tuyệt đối không chống đối.

Trong một nhà nước công an trị như Việt Nam, phóng viên tác nghiệp tại tòa là một công việc nhạy cảm, đặc biệt với các phiên tòa chính trị. Vì thế cho nên không có gì lạ khi Tòa án Tối cao cho ra Thông tư 01/2014, buộc phóng viên phải có thẻ nhà báo VÀ giấy giới thiệu. Thông tư này đã giúp ngành công an và tư pháp “sàng lọc đối tượng” thêm một lần nữa, đảmbảo là báo chí dự phiên tòa sẽ ngoan hết mức có thể.

Vi phạm tự do báo chí ngay từ trong luật pháp

Cũng phải nói thêm rằng các quy định về điều kiện để có thẻ nhà báo chỉ là “theo luật”. Trên thực tế, người viết bài này từng gặp một vài anh doanh nhân hoặc nhân viên PR không làm báo một ngày nào nhưng vẫn có thể cười nói hể hả: “Đây chả làm báo bao giờ vẫn có thẻ, thậm chí còn là thành viên Hội Nhà báo Việt Nam, quen thân với bao nhiêu thằng phóng viên, mà bây giờ mình bảo nó viết gì nó cũng viết”.

Đặt sang một bên chuyện mập mờ, khuất tất và bất công trong việc cấp thẻ nhà báo, một câu hỏi lớn hơn đặt ra là: Ai cho phép cơ quan nhà nước Việt Nam (Cục Báo chí, Bộ Thông tin-Truyền thông) được đứng ra xét duyệt và cấp thẻ nhà báo, nhập nhằng giữa khu vực nhà nước và khu vực xã hội dân sự? Báo chí về bản chất là một khái niệm thuộc về xã hội, và cơ quan báo chí không phải là cơ quan thực thi công vụ. Nhà nước không có quyền đứng ra cấp thẻ nhà báo để định danh cho người tiến hành hoạt động nghề nghiệp này; nói cách khác, nhà nước không được lấn sân, chiếm lấy một lĩnh vực không phải của mình.

Nhưng nhà nước cứ giành lấy quyền xét duyệt và cấp thẻ nhà báo đấy, làm gì được nào? Đòi hỏi “phải là hội nghề nghiệp mới được có cái quyền đó” hả, nhà nước sẽ lập ra Hội Nhà báo – cơ quan mà chủ tịch luôn là một đồng chí ủy viên Trung ương Đảng. Hội này mà đứng ra xét duyệt cấp thẻ thì đám phóng viên chỉ có khóc. Tiện đây nói thêm, cái tổ chức “xã hội dân sự” trá hình mang tên Hội Nhà báo Việt Nam ấy chưa bao giờ lên tiếng bảo vệ một nhà báo nào trong quan hệ với chính quyền, đặc biệt nếu liên quan đến các vụ án chính trị. Ông Phó Chủ tịch hiện nay của nó, Hà Minh Huệ, chính là người đã gợi ý Tòa án Tối cao cho ra Thông tư 01/2014 cản trở nhà báo tác nghiệp tại tòa.

Tự do báo chí là những điều hết sức cụ thể

Chắc chắn giới lãnh đạo và lực lượng bảo vệ chế độ, khi được hỏi về tự do báo chí (cũng như tự do xuất bản), sẽ viện dẫn chuyện trình độ dân trí, nghiệp vụ chuyên môn của nhà báo, rồi ôn tồn mà rằng “làm cái gì thì cũng cần phải có lộ trình”.

Cái lộ trình tự do hóa báo chí-xuất bản đó cụ thể thế nào, mãi chưa thấy họ đưa ra.

Có giấy giới thiệu, nhưng không có thẻ, cho nên cuối cùng phóng viên đã không được vào trong Tòa.

Trong khi đó, tự do báo chí-xuất bản, nói rộng ra là tự do truyền thông và tư tưởng, được thực hiện thông qua những nguyên tắc rất căn bản:

1. Không kiểm duyệt: “Mọi người đều có quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến” (Điều 19, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị). Nhà nước không được ngăn chặn, hạn chế truy cập vào bất kỳ nguồn thông tin nào. Không được soạn thảo luật theo hướng gieo rắc sợ hãi và sự tự kiểm duyệt.

2.  Tự do làm truyền thông: Mọi công dân đều có quyền mở tòa báo, lập kênh truyền thông, hoặc mở công ty truyền thông, tóm lại là được quyền thiết lập và vận hành bất kỳ hình thức truyền thông nào. Nhà nước không được sử dụng luật pháp, thuế má hay các biện pháp kỹ thuật để ngăn cản việc cung cấp và truyền đạt thông tin.

3. Không phân biệt đối xử: Người làm báo/ làm truyền thông và cơ quan báo chí/ truyền thông phải được đối xử bình đẳng, như nhau, bất kể báo chí trung ương hay địa phương, trong nước hay nước ngoài, quốc doanh hay tư nhân, bất kể loại hình báo chí (truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử, đa phương tiện). Ngay cả những rào cản xã hội – như giữa nam giới và phụ nữ làm báo – cũng phải bị xóa bỏ. Tất cả các công dân đều phải được bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, bình đẳng trong việc thu thập và truyền đạt thông tin.

4. Tự do đi lại, tự do tiếp cận và truyền đạt thông tin: Người làm báo/ làm truyền thông phải được tự do đi lại trong nước và giữa các nước với nhau (nghĩa là cả nhà báo nước ngoài cũng phải được tôn trọng khi họ tác nghiệp).

5. Tự do quyết định nội dung: Các cơ quan báo chí/ truyền thông phải có quyền quyết định nội dung tin bài/ sản phẩm truyền thông của mình và có quyền phổ biến các quan điểm độc lập và/hoặc khác biệt với chính quyền. Quyền tự do quyết định này đặc biệt phải được áp dụng với báo chí quốc doanh. Nhà nước phải tôn trọng sự khác biệt quan điểm của cơ quan báo chí và giữa cơ quan báo chí với nhau.

6. Không được hạn chế báo chí tác nghiệp: Nhà nước không được sử dụng chế độ cấp giấy phép/ thẻ hành nghề cho nhà báo. Nhà báo cần được khuyến khích tác nghiệp, làm việc theo đúng đạo đức báo chí. Cách tốt nhất để thực hiện điều này là thông qua cơ chế cạnh tranh, giám sát và điều chỉnh lẫn nhau giữa chính các cơ quan báo chí.

7. An toàn thân thể và tính mạng cho người làm báo: Tất cả những người làm báo/ làm truyền thông phải được bảo đảm an toàn thân thể và tình mạng. (Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nhà báo cần được hưởng chế độ bảo vệ đặc biệt hơn so với các công dân khác).

(Các nguyên tắc tự do báo chí – Liên minh Báo chí Đông Nam Á, SEAPA)

Ngày 21/6 năm nào, nhà báo Việt Nam cũng được tặng hoa, quà, khuyến mãi khi mua hàng, v.v. Nhưng có lẽ món quà lớn nhất, tuyệt vời nhất, có giá trị bền vững nhất đối với họ, chính là tự do báo chí, với việc thực hiện những nguyên tắc cụ thể nêu trên.