UPR được đánh giá là một cơ chế bảo vệ nhân quyền hiệu quả
của Liên Hợp Quốc, bởi các phiên UPR là diễn đàn duy nhất mà các tổ chức dân sự
của một quốc gia có thể đến tham dự và phản ánh, báo cáo về tình hình nhân quyền
nước mình. Tuy thế, qua 18 kỳ UPR từ trước tới nay, người ta cũng đã nhận thấy
nhiều cái dở của cơ chế này, mà nổi bật lên là khả năng các nước độc tài hợp
tác thành phe cánh để biểu dương lẫn nhau về “thành tựu nhân quyền đạt được”, bất
chấp thực tế.
Các nhà hoạt động nhân quyền của Việt Nam, thành viên của
phái đoàn dân sự độc lập tham dự kỳ UPR lần thứ 18 vừa rồi (27/1-7/2/2014), hẳn
đã chứng kiến tận mắt cách thể hiện của mỗi quốc gia có mặt điều trần, và sự cấu
kết, bênh vực nhau đến thô thiển giữa nhóm nước “bét bảng” của thế giới về nhân
quyền: Việt Nam, Trung Quốc, Cuba, Venezuela, Bắc Triều Tiên… Nhưng dù sao,
cũng phải nói rằng nếu không có UPR, khối dân sự độc lập của chúng ta đã không
bao giờ có cơ hội được đến một diễn đàn quốc tế như vậy.
Những kỳ vọng về UPR
UPR, tức Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát, là một cơ chế được
thiết lập theo Nghị quyết 60/251 của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc. UPR bảo vệ
nhân quyền bằng cách thực hiện chức năng đánh giá (kiểm điểm) các nước “dựa
trên những thông tin khách quan và đáng tin cậy về việc mỗi nước thực hiện các
nghĩa vụ và cam kết nhân quyền của họ như thế nào” (Nghị quyết 60/251).
UPR được kỳ vọng là sẽ “đảm bảo tính phổ quát của nhân
quyền và đối xử bình đẳng giữa tất cả các quốc gia”. Nghị quyết 60/251 còn
tuyên bố rằng UPR sẽ là “một cơ chế hợp tác, dựa trên đối thoại tương tác, với
sự tham gia đầy đủ của nước liên quan và có xét đến các nhu cầu nâng cao năng lực
của nước đó”.
Nói vậy là bởi vì, UPR là cơ chế áp dụng đối với tất cả
các nước thành viên của Liên Hợp Quốc, nghĩa là gần như với cả thế giới. Từ các
quốc gia phát triển như Mỹ, Tây Âu, đến các nước nghèo như Zimbabwe, Mozambique
ở châu Phi, đến nước có thu nhập trung bình như Việt Nam, ai cũng đều phải lần
lượt ra báo cáo, điều trần về tình hình nhân quyền nước mình. Liên Hợp Quốc kỳ
vọng, ngay cả những quốc gia chưa bao giờ thấy hồ sơ nhân quyền của họ bị đem
ra thảo luận, thì trong quá trình kiểm điểm cũng sẽ phải đối diện với những câu
hỏi hóc búa từ các quốc gia ngang hàng (bình đẳng) với mình.
Phiên UPR đầu tiên của chu kỳ UPR đầu tiên diễn ra từ
ngày 7 đến ngày 18/4/2008, với việc kiểm điểm tình hình nhân quyền của 16 nước:
Bahrain (Ba-ranh), Ecuador, Tunisia, Morocco (Ma-rốc), Indonesia, Phần Lan,
Vương quốc Anh, Ấn Độ, Brazil, Philippines, Algeria, Ba Lan, Hà Lan, Nam Phi,
CH Séc, và Argentina.
Từ năm 2008 đến nay, quá trình “luân phiên làm kiểm điểm”
hiện đã bước sang vòng thứ hai.
Bên cạnh đó, một ưu điểm nữa của UPR là nó cho phép khối
xã hội dân sự (tức là các tổ chức phi chính phủ) cũng có thể tham dự và gửi báo
cáo về tình hình nhân quyền nước mình cho Liên Hợp Quốc, gọi là “báo cáo của
các bên liên quan”. Thông tin từ khối xã hội dân sự được coi như một nguồn đầu
vào có giá trị để Liên Hợp Quốc tham khảo.
Thực tế không như kỳ vọng
Tuy nhiên, sau khi chứng kiến những phiên UPR vừa qua, giới
bảo vệ nhân quyền đã bắt đầu phải đặt câu hỏi về khả năng UPR bị nhiều chính phủ
thao túng, và liệu UPR có phải là một cơ chế hiệu quả để đánh giá thực trạng
nhân quyền của mỗi nước hay không.
Trên thực tế, thay vì đặt ra các câu hỏi hóc búa để chất
vấn nhau, các nước cùng “băng đảng độc tài” lại tỏ ra đoàn kết. Ngay tại phiên
UPR thứ 18, các nhà hoạt động Việt Nam cũng đã chứng kiến: Những câu hỏi thành
thực, thể hiện sự quan tâm và hiểu biết về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, lại
chỉ đến từ các nước phương Tây, như Mỹ, Anh, Thụy Điển, Phần Lan… Trong khi đó,
Lào, Cuba, Trung Quốc lại tỏ ra rất hào phóng trong việc khen ngợi Việt Nam.
Từ phiên UPR đầu tiên năm 2008, các nước tham gia đối thoại
tương tác đã xây dựng một thông lệ, theo đó, bố cục chung của mỗi phát biểu là:
Đầu tiên, ghi nhận những thay đổi tích cực ở quốc gia bị kiểm điểm; sau đó, nêu
các vấn đề gây quan ngại; tiếp theo là phần câu hỏi chất vấn; và cuối cùng là
các kiến nghị nếu có.
Kết quả, trên thực tế sau 18 kỳ UPR: “Nhìn chung, những lời
khen ngợi vượt xa các ý kiến phê bình, còn các kiến nghị đưa ra thì nhiều khi
quá chung chung và mơ hồ đến nỗi khó mà định lượng được mức độ thực hiện chúng
trong tương lai. Trong quá trình đối thoại tương tác, một số nước còn duy trì
cái lệ hỏi cùng một câu hỏi, nêu cùng một vấn đề cho tất cả các nước khác”
(đánh giá của tổ chức Sáng kiến Nhân quyền Khối Thịnh vượng chung, CHRI).
Ngoài ra, khi tham dự phiên điều trần của chính phủ Việt
Nam hồi tháng 2/2014, các nhà hoạt động Việt Nam nhận thấy: Không chỉ các nước
cùng “băng đảng độc tài” mới bênh Việt Nam, mà những quốc gia cùng khu vực hoặc
cùng tổ chức cũng có xu hướng thiên vị nhau. Thái Lan và Philippines đều bỏ qua
nhiều vấn đề nhức nhối về nhân quyền ở Việt Nam, mặc dù hai nước láng giềng này
có lẽ hiểu hơn ai hết về tình hình nhân quyền nơi đây.
LS. Trịnh Hữu Long trình bày về
tình hình nhân quyền trong Ngày Việt Nam (30/1/2014) ở Geneva.
Đánh giá lại UPR
Sự cấu kết, bênh vực lẫn nhau trong quá trình kiểm điểm
đã khiến chất lượng của đối thoại suy giảm: kém tính thẳng thắn, chất vấn, và
kém sức ép để nước bị kiểm điểm phải thay đổi.
Tuy nhiên, xét về nhiều mặt, UPR cũng vẫn là một cơ chế
có ích:
- Nó thu hút sự chú ý của công luận đến tình
hình nhân quyền ở quốc gia bị kiểm điểm, mặc dù có khi chỉ là trong thời gian
trước và trong phiên điều trần.
- Nó tạo
cho khối xã hội dân sự ở quốc gia bị kiểm điểm một cơ hội để lên tiếng. Tổ chức
CHRI đánh giá rằng “mặc dù chỉ thỉnh thoảng thông tin của các bên liên quan mới
được đề cập tới, nhưng trong một vài trường hợp nhất định, rõ ràng là đại đa số
các vấn đề được đề cập trong báo cáo của khối xã hội dân sự thì cũng đã được
các quốc gia nêu ra trong quá trình đối thoại tương tác”.
- Nó cũng
là cơ hội để cộng đồng quốc tế đòi hỏi quốc gia chịu kiểm điểm phải trả lời những
câu hỏi mà có thể chẳng bao giờ được nêu ở các diễn đàn khác, các cơ chế liên
chính phủ khác.
Điều quan trọng nhất là, UPR mở ra nhiều cơ hội chưa từng
có trong quá khứ cho khối xã hội dân sự của một nước đối thoại với cộng đồng quốc
tế. UPR cũng tạo ra một mặt trận, hay nói đúng hơn, một sân chơi, để các nhà hoạt
động, các tổ chức dân sự ở mỗi nước tham gia mạnh mẽ vào công cuộc bảo vệ nhân
quyền và hoạch định chính sách ở nước mình.
Cuối cùng, một điểm tích cực nữa có thể được nhận thấy ở
UPR là: Rất dễ xác định những quốc gia đã từng cam kết, từng hứa hẹn và sau đó
nuốt lời. Ví dụ như Việt Nam đã chấp thuận 96 trên tổng số 123 khuyến nghị của
kỳ UPR thứ 5 (tháng 5/2009), theo đó Việt Nam hứa hẹn “tiến hành những bước cần
thiết để (…) đảm bảo quyền được xét xử công bằng”, “sửa đổi Luật Báo chí”, “đảm
bảo Luật Xuất bản tuân thủ Điều 19 ICCPR”. Bước sang kỳ UPR thứ 18 vừa rồi,
danh sách các khuyến nghị tăng lên 227, và gần như không có một khuyến nghị nào
của kỳ UPR trước được thực hiện.
Cũng vậy, rất dễ nhận ra những liên minh giữa các nước
“cùng hội cùng thuyền” với nhau, những lời khen tặng lẫn nhau và cả những lời tự
khen.
Nguồn: http://vietnamupr.com/2014/06/upr-hay-va-do/
Nguồn: http://vietnamupr.com/2014/06/upr-hay-va-do/
---
Chú thích:
Vào ngày 20/6/2014 tới đây, Chính phủ Việt Nam sẽ trình
bày báo cáo kết quả hồi đáp cho những khuyến nghị tại phiên điều trần UPR ở kỳ
họp lần thứ 18 (diễn ra vào ngày 5/2/2014 vừa qua).
Tổng cộng Việt Nam nhận được 227 khuyến nghị từ các nước, về cải thiện nhân quyền trong nước. Trong phiên họp ngày 20/6 tới, Chính phủ Việt Nam sẽ công bố là họ chính thức chấp nhận hoặc bác bỏ khuyến nghị nào.
Bài liên quan:
Hậu UPR: Làm thế nào vận dụng cơ chế LHQ để bảo vệ nhân quyền?
Ngắn gọn về UPR (kỳ 1)
Ngắn gọn về UPR (kỳ 2)
Bài liên quan:
Hậu UPR: Làm thế nào vận dụng cơ chế LHQ để bảo vệ nhân quyền?
Ngắn gọn về UPR (kỳ 1)
Ngắn gọn về UPR (kỳ 2)