Có lẽ rất ít người Việt Nam biết đến chi
tiết sau đây, liên quan đến Công hàm Phạm Văn Đồng, mà học giả người Trung Quốc
Li Jianwei (Lý Kiến Vĩ) công bố trong bài viết mới đây cho RSIS (Trường Nghiên
cứu Quốc tế S. Rajaratnam, trực thuộc ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore). Đó là,
vào năm 1977, trong một cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc (khi đó là phó thủ tướng)
Lý Tiên Niệm, ông Phạm Văn Đồng đã nói: “Trong cuộc kháng chiến, tất nhiên
chúng tôi phải đặt việc chiến đấu chống đế quốc Mỹ lên trên tất cả mọi thứ
khác”.
Chi tiết đó giờ đây đã được Li Jianwei mang ra sử dụng
trong bài viết của bà, khẳng định Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc (!). Đây là một
lập luận rất nguy hiểm cho việc bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam.
* * *
TRUNG QUỐC, VIỆT NAM VÀ HOÀNG SA: ĐÃ ĐẾN LÚC CÓ LỐI
THOÁT?
- Li Jianwei
Tóm tắt
Vụ đôi co kéo dài giữa Trung Quốc và Việt Nam xoay quanh
giàn khoan dầu HYSY 981 gây thiệt hại cho mối quan hệ giữa hai nước. Cần có sự
khôn khéo về ngoại giao, sao cho cả hai nước đều có thể điều chỉnh cách làm của
họ để đưa tình hình về trạng thái kiểm soát được.
Bình luận
Bất đồng giữa Trung Quốc và Việt Nam về giàn khoan dầu
HYSY 981 kéo dài tới nay đã được hơn 40 ngày (bài viết này đăng ngày 24/6 tại mục Publications của RSIS – ND). Đã đến lúc cả hai bên – vốn kiểm
soát thành công những xung đột, mâu thuẫn nhạy cảm trong quá khứ – phải nghiêm
túc xem lại những thủ đoạn mà họ sử dụng sau sự cố 981.
Suy cho cùng, tranh chấp hiện nay là có hại cho quan hệ
song phương, và đó là điều mà chính phủ cả hai nước đều không muốn. Những căng
thẳng phát sinh từ tranh chấp cũng đang gây bất ổn cho khu vực Đông Nam Á.
Lập trường của Trung Quốc
Ngày 8/6/2014, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra một tuyên bố,
cùng với 5 tài liệu đi kèm, để làm rõ lập trường của họ với cộng đồng quốc tế về
một số vấn đề liên quan đến hoạt động của giàn khoan dầu HYSY 981.
Vào tháng 5/2014, giàn khoan dầu HYSY 981 của một công ty
Trung Quốc đã tiến hành khoan thăm dò trong vùng biển tiếp giáp với quần đảo
Tây Sa (Hoàng Sa). Giai đoạn 1 bắt đầu vào ngày 2/5 và giai đoạn 2 vào ngày
27/5. Hai địa điểm hoạt động nằm ở vị trí 17 hải lý tính từ đảo Trung Kiến
(Zhongjian, tên quốc tế là Triton, tức đảo Tri Tôn – ND) thuộc quần đảo Tây Sa
(tức Hoàng Sa – ND) và tính từ đường cơ sở của lãnh hải của quần đảo Tây Sa, trong khi đó, cách bờ biển đất liền Việt Nam tới xấp xỉ
133-156 hải lý (tức là 239-280 km – ND).
Hoạt động của giàn khoan là sự tiếp tục quá trình thăm dò
khai thác thường lệ của công ty Trung Quốc và diễn ra hoàn toàn trong vùng biển
thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc.
Nói về chủ quyền đối với quần đảo Tây Sa, Trung Quốc là
nước đầu tiên phát hiện, mở mang, khai thác và thực thi quyền tài phán trên
nhóm đảo này. Cho đến thời Bắc Tống (năm 960-1126 Công nguyên), nhà nước Trung
Quốc đã xác lập quyền tài phán đối với quần đảo Tây Sa từ trước, và đã đưa hải
quân đến tuần tra ở vùng biển này. Năm 1909, đô đốc Li Zhun (Lý Chuẩn), Tư lệnh
hải quân Quảng Đông thời nhà Thanh, còn dẫn đầu một đội thanh tra đến quần đảo
Tây Sa và tái khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở đây bằng việc treo cờ và bắn
súng chào trên đảo Vĩnh Hưng (Yongxing, tên quốc tế Woody Island, tức là đảo
Phú Lâm – ND).
Năm 1911, chính quyền nước Cộng hòa Trung Hoa (Trung Hoa
Dân Quốc) ra quyết định đặt quần đảo Tây Sa và vùng biển lân cận vào dưới quyền
tài phán của huyện Ya thuộc đảo Hải Nam.
Trong suốt thời gian Thế chiến II, Nhật Bản chiếm hữu quần
đảo Tây Sa. Sau Thế chiến, theo một loạt văn kiện quốc tế, chính quyền Trung Quốc
đã cử các quan chức cao cấp đến quần đảo Tây Sa này trên tàu quân sự, vào tháng
11/1946, để cử hành nghi thức tiếp nhận đảo, và một bia đá đã được dựng ở đây để
kỷ niệm ngày Nhật trao trả đảo cho Trung Quốc.
Sau ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào
năm 1949, quyền tài phán của Trung Quốc vẫn tiếp tục. Năm 1959, chính quyền
Trung Quốc thành lập Cơ quan Quản lý các quần đảo Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa (tức
là Hoàng Sa, bãi Macclesfield, và Trường Sa – ND).
Quần đảo Hoàng Sa (Paracel, Trung Quốc gọi là Xisha [Tây Sa]), bãi Macclesfield (Trung Quốc gọi là Zhongsa [Trung Sa]),
quần đảo Trường Sa (Spratly, Trung Quốc gọi là Nansha [Nam Sa]) trên Biển Đông.
Công
hàm Phạm Văn Đồng
Trong các quan điểm về sự cố giàn khoan mới đây, một lần
nữa, công hàm năm 1958 của cựu thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng gửi cựu thủ tướng
Trung Quốc Chu Ân Lai lại được đưa ra. Trong công hàm, Thủ tướng Đồng tuyên bố
rằng “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ra ngày 4 tháng 9 năm 1958, của
Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về lãnh hải của Trung Quốc”
và “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy”.
“Quyết định ấy” là nói đến tuyên bố của Trung Quốc, ra
ngày 4/9/1958. Trong tuyên bố này, Trung Quốc thông báo “bề rộng của lãnh hải của
nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ là 12 hải lý” và “điều này áp dụng cho toàn
lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm… quần đảo Tây Sa”.
Có thể hiểu được là, các đại diện của phía Việt Nam đã cố
gắng làm giảm tầm quan trọng của công hàm Phạm Văn Đông và muốn đưa ra một lời
giải thích khác về việc tại sao công hàm này không làm lung lay yêu sách chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Tây Sa. Tuy nhiên, có một sự thực là trong
một cuộc gặp vào năm 1977, chính ông Phạm Văn Đồng đã giải thích cho một người
khi đó là Phó Thủ tướng Trung Quốc, ông Lý Tiên Niệm (Li Xiannian); và cái sự
thực này quả thật đã làm suy yếu những lập luận hiện nay của Việt Nam nhằm đánh
lạc hướng nội dung của công hàm Phạm Văn Đồng. Ấy là bởi vì trong cuộc gặp, ông
Đồng có nói: “Nên hiểu các tuyên bố của chúng ta, kể cả tuyên bố trong công hàm
của tôi gửi Thủ tướng Chu Ân Lai, như thế nào? Nên hiểu nó trong bối cảnh lịch
sử của thời đại”, và “trong cuộc kháng chiến, tất nhiên chúng tôi phải đặt việc
chiến đấu chống đế quốc Mỹ lên trên tất cả mọi thứ khác”.
Rõ ràng là ông Đồng đã công nhận mục đích của tuyên bố của
ông về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng lại đòi Trung Quốc
hiểu nó trong bối cảnh lịch sử. Lập luận này đi ngược với nguyên tắc quốc tế
“estoppels”, theo đó: Trong một tranh chấp cụ thể, tại một thời điểm nào đó, nếu
một bên có thỏa thuận/ nhất trí ngầm, hoặc công nhận chủ quyền của một bên khác
đối với một vùng lãnh thổ đang tranh chấp, thì sự công nhận hoặc nhất trí đó có
hiệu lực pháp lý.
Kết quả là, bên nào đã nhất trí hoặc đã công nhận chủ quyền
đang tranh cãi, thì sẽ không thể bác bỏ chủ quyền của bên kia đối với vùng lãnh
thổ đang tranh cãi, và phải tôn trọng quyền của bên kia. Ngoài ra, việc Phạm
Văn Đồng là thủ tướng của nước Việt Nam thống nhất từ ngày thống nhất cho đến tận
năm 1986 cũng là một thực tế làm suy yếu lập luận của Việt Nam trong vấn đề chủ
quyền này.
Một
lưu ý tích cực
Trong một bài bình luận gần đây trên RSIS, nhan đề “Hoàng Sa 40 năm qua”, tác giả – học giả Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Lan Anh – có đề cập
đến một trường hợp phân định thành công biên giới trên biển, đó là hiệp định giữa
Trung Quốc và Việt Nam về Vịnh Bắc Bộ, năm 2000. Bà Lan Anh cho rằng các nguyên
tắc mà hai nước đã áp dụng trong vụ Vịnh Bắc Bộ cũng có thể được vận dụng cho
vùng biển giữa bờ biển đất liền Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa, mà trong đó có đảo
Tri Tôn.
Chắc chắn là trong vụ phân định Vịnh Bắc Bộ, các nhà đàm
phán của cả hai nước đã tuân thủ các nguyên tắc của luật quốc tế, bao gồm cả
Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), là tiến tới một thỏa thuận công bằng mà cả
hai bên đều chấp nhận được, có tính đến những yếu tố khác nhau có liên quan.
Biên giới trong Vịnh Bắc Bộ là biên giới hàng hải đầu tiên của Trung Quốc, và
cũng là biên giới trên biển đầu tiên giữa Trung Quốc và Việt Nam. Điều này có ý
nghĩa quan trọng cho những cuộc đàm phán trong tương lai của họ về các phần
khác trên Biển Đông.
Trung Quốc thừa nhận rằng vùng biển nằm giữa quần đảo Tây
Sa và và bờ biển đất liền Việt Nam hiện chưa được phân định, và cả hai nước đều
có quyền đòi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, căn cứ vào UNCLOS. Tuy
nhiên, Trung Quốc giữ quan điểm cho rằng vùng biển xung quanh đảo Tri Tôn không
phải là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cho dù áp dụng
nguyên tắc nào vào việc phân định biên giới trên biển đi chăng nữa. Khoảng cách
và vị trí địa lý chẳng có ý nghĩa gì cả.
Đề xuất hai nước ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp là một đề
xuất tích cực và mang tính xây dựng. Trung Quốc sẽ đồng ý tham gia đàm phán trực
tiếp với Việt Nam, về việc phân định ranh giới hàng hải trong khu vực nằm giữa
bờ biển đất liền Việt Nam và quần đảo Tây Sa.
Nếu đạt được một giải pháp công bằng và hợp lý, thì điều
đó sẽ góp phần củng cố và thắt chặt quan hệ giữa hai nước, đồng thời cũng góp
phần quan trọng cho hòa bình và ổn định trên Biển Đông.
Bà
Li Jianwei là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Biển, Viện Quốc gia Nghiên
cứu Biển Đông của Trung Quốc. Bài này được viết riêng cho RSIS.