Friday, 18 July 2014

Vai trò của nước lớn trong Hội nghị Geneva

(Bài viết tháng 7/2009 nhân 55 năm Hội nghị Geneva) 

“Tôi chưa từng biết tới một hội nghị nào như thế. Các bên tham gia đều không liên hệ trực tiếp, và tất cả chúng tôi đều luôn luôn ở trong tình trạng có thể một bên nào đó sẽ sập cửa bỏ về” - cựu Ngoại trưởng Anh Anthony Eden (1), chủ tọa các phiên họp tại Hội nghị Geneva 1954, hồi tưởng về một trong những hội nghị lịch sử của thế kỷ 20.

Ông Eden không nói quá, vì hội nghị mà ông làm Chủ tịch đó thật sự là một hội nghị “ba bè bảy mối”, diễn ra trong một bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp: Chiến tranh Lạnh đang ở thời kỳ đầu, chiến tranh Triều Tiên - hay là cuộc đụng đầu trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc trên bán đảo này - vừa kết thúc. Thế giới đã thực sự chia thành hai phe, và bản thân mỗi phe cũng không đồng nhất.

Các nhà ngoại giao và chính trị Mỹ được lệnh phải giữ khoảng cách với Trung Quốc, đề phòng một nụ cười cũng có thể bị diễn giải thành một sự thừa nhận chính thức. Ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles thậm chí còn từ chối bắt tay với Thủ tướng Chu Ân Lai, và giễu cợt rằng họ có thể gặp nhau khi chẳng may đụng xe ngoài đường. Nhà báo, sử gia Mỹ Stanley Karnow (2), người từng có mặt ở miền Nam Việt Nam từ tháng 7/1959, cũng nhận xét rằng “phái đoàn của Việt Nam DCCH tránh gặp các đại diện của Bảo Đại” (tức phái đoàn Quốc gia Việt Nam – NV), và tỏ thái độ tẩy chay Pháp.

Không khí đó khiến Hội nghị được Stanley Karnow mô tả như “một căn nhà xây bằng các lá bài”, và khiến cựu Ngoại trưởng Anh Anthony Dulles phải thốt lên rằng ông “chưa từng biết tới một hội nghị nào như thế”.(3)

Để mô tả sự căng thẳng trong cuộc đàm phán lịch sử này, xin trích lời ông Trần Văn Tuyên (4) - một trong những người từng tham gia Hội nghị, thành viên phái đoàn của chính quyền Bảo Đại: “16h chiều ngày 8/5, Hội nghị chính thức khai mạc. Bầu không khí nặng nề tang tóc vì Điện Biên Phủ vừa thất thủ được 24 giờ. Những phái đoàn các nước tự do lục tục tới, hỗn độn tới. Kẻ đến trước, người đến sau, không có trật tự, không có hàng ngũ, không có thể thức.

Giờ họp đã sắp tới, dãy ghế khu cộng sản vẫn trống, không thấy một bóng người nào. Đúng 4 giờ kém 2 phút, người ta thấy Ngoại trưởng Liên Xô Molotov bước vào phòng họp, sau ông là phái đoàn Nga trịnh trọng nghiêm trang… 4 giờ đúng, Chủ tịch phiên họp là Ngoại trưởng Eden tuyên bố khai mạc”. (5)

Quang cảnh phòng họp Hội nghị Geneva. Ảnh: Freddy Bertrand. 
Đăng trong cuốn Genève Ville de Paix, 2004

Chuyện ăn ở và ý đồ chính trị

Sự căng thẳng đã bắt đầu từ trước khi Hội nghị bắt đầu. Tại Hội nghị Geneva, mỗi nước lớn đều coi trọng từng hành vi ứng xử của mình, xem đó như thông điệp ngầm gửi tới đối phương và công luận.

Điều này thể hiện ngay trong chuyện ăn ở. Trong khi tất cả các đoàn đến dự Hội nghị Geneva đều thuê biệt thự, thì phái đoàn Mỹ lại thuê khách sạn (L’Hôtel du Rhône) và đăng ký ở chỉ một tuần. Hành động của của Ngoại trưởng Foster Dulles tất nhiên không nhằm “chơi trội”, mà nó cho thấy thái độ mà họ muốn thể hiện: không cam kết gì với Hội nghị, sẵn sàng đến và đi bất cứ lúc nào.

Ngược với tâm thế đó của Mỹ, phái đoàn Trung Quốc do Chu Ân Lai làm trưởng đoàn, kéo tới Geneva với hơn 200 người, gồm cả đầu bếp riêng. Họ ngụ tại một biệt thự lớn, cực kỳ sang trọng, Grand Mont-Fleuri, và mang theo đến đây cả đèn lồng, thảm, đồ cổ Trung Hoa để trang trí.

Điều gì nằm sau sự lựa chọn xa hoa ấy? Đó là hàm ý: Trung Quốc sẵn sàng ở lại Geneva thật lâu để theo đuổi hội nghị đến cùng. Thêm nữa, dẫu sao đây cũng là lần đầu tiên những đại diện cho chính quyền Trung Hoa của Mao Trạch Đông xuất hiện tại một hội nghị quốc tế lớn, ngang hàng với tứ cường Mỹ, Nga, Anh, Pháp. (Với tâm cảm của một nước lần đầu ra mắt thế giới, thậm chí phái đoàn Trung Quốc còn mang cả… chuột bạch theo để thử thức ăn. Chuyện này được tài liệu của chính phía Trung Quốc ghi lại).

Anthony Eden cũng xa hoa không kém khi thuê Reposoir, biệt thự thế kỷ 18, nằm trong công viên. Nga thuê một biệt thự khá lớn bên hồ là Village Blange. Trưởng đoàn Pháp Georges Bidault ngụ tại biệt thự Joli-Port, kế bên nơi ở của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đoàn Việt Nam DCCH thuê một villa nhỏ xinh là Le Cèdres. (6)

Nhưng “74 ngày ở gần nhau trong cái thành phố Thụy Sĩ yên ả này không làm cho các nhà ngoại giao phá bỏ được không khí căng thẳng và nghi kỵ lẫn nhau” – Stanley Karnow viết. (7)

Ông Karnow còn chưa đề cập tới khía cạnh ngược lại, đó là sự tin cậy và phụ thuộc quá mức đối với đồng minh, trong một số trường hợp.

* * *

(1) Anthony Eden (1897-1977), Ngoại trưởng Anh ba nhiệm kỳ từ 1935 đến 1955, Thủ tướng Anh từ 1955 đến 1957.

(2) Stanley Karnow (1925-2013): nhà báo nổi tiếng, phóng viên chiến trường Việt Nam, tác giả cuốn Vietnam: A History (1983) được tái bản nhiều lần, tác giả kịch bản bộ phim tài liệu Vietnam: A Television History (Việt Nam, một thiên lịch sử truyền hình).

(3) Trích dịch từ cuốn Vietnam: A History, Stanley Karnow, 1983

(4) Trần Văn Tuyên (1913-1976), một trong các lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng, thành viên phái đoàn Việt Nam Quốc gia dự Hội nghị Geneva, từng là Phó Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa. Bị bắt gần như ngay lập tức sau ngày 30/4/1975 và chết trong trại cải tạo.

(5), (6) Người viết không nhớ nguồn, có lẽ từ cuốn Genève Ville de Paix, 2004

(7) Trích dịch từ cuốn Vietnam: A History, Stanley Karnow, 1983

Ngoài ra, tác giả có tham khảo tư liệu từ cuốn Hiệp định Geneva 50 năm nhìn lại (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2004).

* * *