Wednesday, 27 August 2014

Lại chuyện chụp ảnh công an

Đứng cùng với mình trong ảnh là một anh cảnh sát ở thành New York. Nói theo ngôn ngữ của công an ta, anh được trên phân công nhiệm vụ trực chiến ở khu vực tượng Con Trâu (Charging Bull) gần Phố Uôn (Wall Street). Địa bàn này rất phức tạp, vì nằm gần trung tâm tài chính lớn của tư bản Mỹ, trong khu Manhattan vốn là nơi hết sức mất trật tự trị an.


Tuy nhiên, có lẽ do đời sống đô thị ở đây yên bình quá cho nên công việc trên thực tế của anh cảnh sát ấy – như mình thấy – là chỉ đường cho khách bộ hành và tạo dáng, chụp ảnh với khách du lịch.

Hôm đó mình chỉ đứng ở đấy có 5 phút mà đã có tới 2-3 người hỏi đường và cả chục du khách (chủ yếu là nữ) xô vào xin chụp ảnh cùng, làm anh bận tíu tít. Nhưng anh vẫn chỉ đường tận tình, giữ nụ cười thật cine và “cảm ơn, chúc một ngày tốt lành” cho tất cả mọi người. Có du khách (trông mặt thì châu Á đấy nhưng chắc chắn không phải đến từ Việt Nam hay Trung Quốc) còn hỏi: Tôi có thể chụp một mình anh thôi được không?”. Anh cảnh sát hớn hở: “Certainly. Why not?” (Tất nhiên rồi, tại sao lại không chứ?). Rõ cái thằng thích chụp ảnh!

Nhưng mà nhìn anh, lại nghĩ chuyện quê nhà. Ở Việt Nam ta, bác nào mà đang đi đường, tự nhiên lại đi tới xin chụp ảnh cùng mấy đồng chí công an giao thông nhỉ, không biết điều gì sẽ xảy ra? Nếu lại còn táo gan hơn, xin ghi hình một mình đồng chí ấy thôi, thì không chừng tan luôn cả cái máy ấy chứ, híc híc.

* * *

Lại nhớ chuyện luật sư phản động, Việt kiều Mỹ Vi K. Tran kể: Cách đây mấy năm nàng về thăm quê hương Việt Nam, cũng thấy có anh công an giao thông trẻ đang đứng đủng đỉnh ở một ngã tư vắng. Tưởng anh rảnh rỗi và hiếu khách, lại quen thói “xì tin dâu”, nữ luật sư lon ton chạy lại gần xin chụp ảnh cùng bạn của dân.

Anh công an giương mắt lên, nhìn thẳng vào mặt Vi K. Trần. Ánh mắt gườm gườm và đầy tinh thần cảnh giác cách mạng ấy như thay lời muốn nói: “Bố con dở hơi!”.

Rồi anh quay đít đi tạt qua chỗ khác.

Vi K. Trần cụt hứng, đành tự chụp hình mình với cái gáy, lưng và mông của anh công an nọ. (ảnh dưới)


Bài học rút ra là: “Đừng có đem quan niệm của nước ngoài áp đặt vào Việt Nam”. Thấy cảnh sát Mỹ thân thiện mà tưởng công an Việt Nam cũng thế hả, đừng hòng nhá, đây rất là kiên định cách mạng nhá.

* * *

Nhân đây xin nói thêm: Nhiều bạn dư luận viên hoặc có tư duy của dư luận viên hay đưa chuyện cảnh sát Mỹ hành hung dân thường (đặc biệt là người da đen, người thuộc các sắc dân thiểu số) ra để nói, đại ý: “Đấy, rân trủ đâu rồi, không qua đấy mà đấu tranh? Ở Mỹ mà lơ tơ mơ thì cảnh sát nó cũng đánh cho hỏng người đấy các con giời ạ”.

Lập luận này của các bạn hết sức nực cười, vì vài lẽ: Thứ nhất là, chuyện cảnh sát lạm quyền thì đúng là ở đâu trên thế giới này cũng có, vì bản chất của những cái nghề có gắn hai từ “công vụ” vào là như thế. Mỹ chẳng phải hình mẫu hoàn hảo để toàn thế giới phải noi theo, nên tại sao các bạn cứ lôi Mỹ ra làm gì nhỉ? 

Chính vì bản chất của nghề là dễ lạm dụng quyền lực, nên lại càng phải có cơ chế giám sát độc lập, ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc, triệt để các trường hợp cảnh sát bạo quyền. 

Điều quan trọng là, cho dù ở bất kỳ đâu, thấy cái xấu, cái ác, thì cũng phải lên tiếng phản đối nó, đấu tranh để thay đổi nó, chứ không được lý sự cùn “Mỹ cũng thế”. Nhà có rác, các bạn không chịu quét dọn, lại quai mồm ra bảo nhà thằng hàng xóm cũng bẩn chả kém; ấy là tư duy dư luận viên, não trạng dư luận viên đó các bạn.

Thứ hai là, tất cả các vụ cảnh sát lạm quyền ở Mỹ đều được điều tra độc lập và bị đưa ra xét xử, trừng phạt thích đáng bởi tòa án (đương nhiên là độc lập). Cảnh sát Mỹ mà vớ vẩn, dân kiện cho thì vỡ mặt. Và trên thực tế là trong các vụ dân kiện cảnh sát từ trước tới nay, cảnh sát Mỹ thua rất nhiều, te tua vì thua kiện, đã thế còn bị báo chí-truyền thông cho lên thớt mà “băm” tơi tả. Nào, các bạn thích so sánh với Mỹ thì so sánh luôn đi.

Quay trở lại chuyện Việt Nam, thì ta thử xem có vụ nào công an đánh dân, giết dân, mà bị xử thích đáng không? Hay là toàn thấy dân tự tử trong đồn, tự đập mặt vào giày và dùi cui của công an, còn báo chí thì cứ phải vừa đưa tin vừa ngóng chừng xem ý Ban Tuyên giáo thế nào…

Ảnh: Ian Timberlake/ AFP (2011)