Ngày
4/8/2014, tại thủ đô Washington DC., Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức họp báo trước
chuyến công du của Ngoại trưởng John Kerry tới Đông Nam Á và Australia (9-13/8). Thay mặt ông John
Kerry, Trợ lý Ngoại trưởng là Daniel R. Russel đã thông tin cho báo chí về nội
dung chuyến công du, đồng thời trả lời câu hỏi của các phóng viên.
Dưới
đây là lược dịch một số phần có liên quan đến Việt Nam. Các bạn có thể thấy
thông tin không có gì mới, nhưng đó là quan điểm chính thức của Chính phủ Mỹ về
tranh chấp Biển Đông và các bên liên quan (Việt Nam, Trung Quốc). Có thể thấy
rõ nhất là Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền, chỉ khẳng định
nhiều lần rằng các bên phải hành xử ôn hòa, riêng Trung Quốc phải kiềm
chế còn vì họ là nước lớn. Người dịch gạch dưới các ý quan trọng để giúp bạn đọc dễ thu nhận thông tin hơn.
* * *
Daniel
R. Russel: … Mục đích của tôi ở đây hôm nay là để giúp các bạn hiểu
sơ lược về chương trình của Ngoại trưởng Kerry trong chuyến đi sắp tới, trong
đó ông sẽ tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN, được gọi thân mật là ARF, cũng như
các cuộc họp bổ sung sau đó của ông tại Australia và quần đảo Solomon.
Vâng, xin bắt đầu với một số thông tin chung: Ngoại trưởng
Kerry sẽ có mặt ở thủ đô Naypyidaw của Miến Điện vào ngày 9/8, và sẽ tham dự các
cuộc họp thường niên của ARF, cũng như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) của
các bộ trưởng ngoại giao. (…)
Trong chương trình nghị sự đó, như thường lệ, bên cạnh
các vấn đề mà tôi đã đề cập – trọng tâm sẽ rơi vào các lĩnh vực cứu trợ nhân đạo,
cứu trợ trong thảm họa, biến đổi khí hậu, trao đổi giáo dục, kinh tế, vân vân –
thì tại ARF, cũng sẽ có cơ hội để thảo luận trực tiếp về các xung đột, đặc biệt
là căng thẳng trên Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ sẽ có dịp trình bày các mối quan
ngại của chúng tôi và tham vấn các nước tham dự hội nghị, bao gồm tất cả các nước
có yêu sách chủ quyền. Và tất nhiên, ông sẽ chia sẻ những suy nghĩ của chúng
tôi, về các nguyên tắc chủ đạo mà chúng tôi cho là đang xử lý các rắc rối –
nguyên tắc tự do hàng hải, nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa
bình, nguyên tắc mậu dịch hợp pháp không bị ngăn trở, nguyên tắc tôn trọng luật
pháp quốc tế. Nhưng ông cũng sẽ chia sẻ một số suy nghĩ của chúng tôi về các ưu
tiên, trong trung hạn, về sự cần thiết phải đẩy nhanh tiến độ và đạt được thỏa
thuận giữa các nước liên quan về một Bộ Quy tắc Ứng xử có tính ràng buộc giữa
Trung Quốc và ASEAN; và cả một số việc cần làm trong ngắn hạn, trên cơ sở tự
nguyện, để có thể nhanh chóng giảm xung đột. (…) Có ai có câu hỏi gì không?
(…)
Hỏi: Tôi
là phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam. Tôi muốn hỏi về khả năng các vấn đề
liên quan đến Biển Đông sẽ được phía Mỹ đưa ra tại ARF, và liệu phía Mỹ có dự định
sẽ hợp tác nhiều hơn với các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, nhằm tăng cường
an ninh và ổn định cho khu vực hay không? Xin cảm ơn.
Daniel
R. Russel: Câu hỏi của bạn là, “Ngoại trưởng Mỹ sẽ đưa vấn đề Biển
Đông ra ARF như thế nào và liệu chúng tôi có kế hoạch hay ý định nào là sẽ tăng
cường hợp tác an ninh với các nước trong khu vực Đông Nam Á hay không?”. Như
tôi đã nói, trong lập trường của phía Mỹ, có 2-3 yếu tố căn bản mà Ngoại trưởng
Kerry chắc chắn sẽ trình bày tại ARF. Đầu tiên là làm rõ những gì chúng tôi coi
là nguyên tắc hướng dẫn chủ đạo, phổ quát, áp dụng cho tất cả các nước. Tất
nhiên trong trường hợp này, đó là các nguyên tắc thượng tôn pháp luật, bảo vệ tự
do hàng hải và hàng không, và chúng tôi kêu gọi các bên tôn trọng nguyên tắc mậu
dịch hợp pháp không bị ngăn trở. Chúng tôi cũng khẳng định việc phải sử dụng
các biện pháp hòa bình – không phải biện pháp cưỡng bách – để giải quyết tranh
chấp chủ quyền. Như vậy, mặc dù tất nhiên là chúng tôi ủng hộ mọi nỗ lực đạt được
các thỏa thuận ngoại giao song phương như Philippines và Indonesia đã có, nhưng
chúng tôi cũng cho rằng tất cả các nước đều có quyền sử dụng, tận dụng các cơ chế
của công pháp quốc tế, bao gồm cả các cơ chế của Tòa án UNCLOS. Đó là quyền, chứ
không phải là hành động tấn công. Đó là một hành động chính đáng và ôn hòa.
Điều thứ hai chúng tôi muốn nhấn mạnh là, trước mắt, các
bên cần phải hành xử có trách nhiệm. Điều đó xuất phát từ một thực tế là, do Mỹ
không phải một nước có yêu sách chủ quyền trong trường hợp này, và do Mỹ cũng
không có lợi gì từ việc “nước X” hay “nước Y” cuối cùng sẽ được xác định là có
chủ quyền ở “cấu trúc địa lý 1” hay “cấu trúc địa lý 2”, cho nên, chúng tôi có
thể và cũng đang xem xét tình hình một cách khách quan. Chúng tôi không thiên vị
các yêu sách của Việt Nam hơn các yêu sách của Trung Quốc. Chúng tôi cũng không
thiên vị Philippines hơn các nước khác, như Brunei hay Malaysia. Chúng tôi trung
lập trong vấn đề chủ quyền.
Tuy nhiên, chúng tôi không trung lập trong vấn đề cung
cách hành xử. Điều này có hai ý nghĩa căn bản. Thứ nhất, tất cả các nước liên
quan đều có nghĩa vụ phải làm rõ yêu sách của họ - khẳng định yêu sách của họ -
theo một cách ôn hòa, phù hợp với luật pháp quốc tế, kể cả Công ước LHQ về Luật
Biển. Như thế phần nào có nghĩa là các yêu sách chủ quyền phải căn cứ vào các đặc
điểm của cấu trúc địa lý. Theo UNCLOS, không thể chỉ khẳng định chủ quyền trên
biển. Như người ta vẫn thường nói, “đất thống trị biển”. Các yêu sách chủ quyền
đối với lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, đều tùy thuộc vào chủ quyền đối với
một cấu trúc địa lý được công nhận. Đây là một điểm rất quan trọng, và chúng
tôi tin rằng tất cả các nước có yêu sách chủ quyền, kể cả Việt Nam, đều có thể
làm rõ hơn yêu sách của họ.
Khía cạnh thứ hai trong vấn đề cung cách hành xử là, theo
nghĩa đen, hành xử là cách các nước ứng xử, tương tác với nhau trong và xung
quanh khu vực tranh chấp. Chúng tôi đã phát biểu một cách nhất quán cũng như đã
bày tỏ quan ngại trong nhiều trường hợp, khi mà các nước liên quan có những
hành động đơn phương mà rõ ràng là làm căng thẳng gia tăng, đe dọa ổn định
trong khu vực, hoặc những hành động có vẻ giống như những mưu đồ đơn phương nhằm
làm thay đổi hiện trạng, thông qua các biện pháp phi ngoại giao. Nền kinh tế
khu vực quá quan trọng và quá mong manh, nên không thể để quốc gia nào sử dụng
sức mạnh quân sự hoặc lực lượng bán quân sự, để trả đũa, để đe dọa, hay để cưỡng
ép nước khác. (…)
Về phần thứ hai trong câu hỏi của bạn, tôi muốn nói rất
ngắn gọn, rằng như tôi đã đề cập trước đây, Mỹ đã bắt đầu một nỗ lực giúp phát
triển năng lực của các nước đồng minh và đối tác ở khu vực Đông Nam Á, kể cả Việt
Nam. Mục tiêu của chúng tôi khi phát triển năng lực là để giúp cho các nước ở
trong khu vực này tự quản lý được vùng biển của mình và có biện pháp phòng chống
hữu hiệu thiên tai cũng như các khủng hoảng khác.
(...)
Hỏi:
Nike Ching, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ. Thay mặt ban tiếng Trung, Indonesia,
Campuchia, và Việt Nam, xin hỏi: Ông có nói đến các biện pháp thực tế mà chúng
ta cần để làm giảm căng thẳng trong ngắn hạn, trước khi đạt được một bộ quy tắc
ứng xử có tính ràng buộc trong dài hạn; ông có nói tới các biện pháp xây dựng
lòng tin. Ông có thể nói rõ hơn xem có còn cơ chế quản lý khủng hoảng nào lý tưởng
hơn mà Mỹ đang tìm kiếm không? Có đường dây nóng mà ông có thể gọi trong trường
hợp căng thẳng nổ ra không?
Xin
hỏi thêm, cách đây vài ngày khi đến San Francisco, ông có nói: “Không quốc gia
nào phải một mình chịu trách nhiệm về tình hình căng thẳng hiện nay”. Nhưng
chúng tôi có vài lần được nghe, tại các cuộc họp thường kỳ, rằng Trung Quốc mới
là nước có hành động khiêu khích. Ông có thể làm rõ việc này được không? Xin cảm
ơn.
Daniel
R. Russel: Quá trình trao đổi về các biện pháp thực tiễn nhằm chống
khủng hoảng hoặc xử lý khủng hoảng vẫn đã và đang diễn ra. Tôi muốn nói rõ rằng
Mỹ không có ý định ra lệnh cho các nước khác phải làm gì. Nhưng chúng tôi cũng
muốn góp phần chia sẻ kinh nghiệm và cách ứng xử tốt nhất mà chúng tôi biết. Một
thông lệ ứng xử rất tốt, được tán thành rộng rãi, là CUES, Bộ Quy tắc về Đụng độ
Bất ngờ trên Biển. Đã đạt được một thỏa thuận giữa một số lớn quốc gia, tại một
diễn đàn hàng hải gần đây, tôi nghĩ là ở Thanh Đảo, Trung Quốc. Và nó cho thấy
rõ là các quốc gia có thể tự nguyện tham gia vào một bộ công cụ, do Mỹ và các
nước khác xây dựng từ trong quá khứ, để từ đó đưa ra các biện pháp có tính thực
tiễn và làm giảm, nếu không nói là xóa bỏ, những bất trắc vốn có thể đẩy mọi
chuyện đến thành bi kịch trong tình huống căng thẳng.
Về câu hỏi thứ hai của bạn, tôi giữ nguyên phát biểu rằng
không một quốc gia nào phải một mình chịu mọi trách nhiệm về căng thẳng trong
khu vực. Chúng tôi đã phát biểu rất trực tiếp qua các kênh ngoại giao, đã nói rất
công khai, về những hành vi ứng xử mà chúng tôi cho là có thể gây phức tạp thêm
tình hình. Chúng tôi làm như vậy để cố gắng khuyến khích các bên kiềm chế.
(…)
Trong dài hạn, vấn đề chủ quyền cần phải được giải quyết,
thực vậy. Nhưng nó cần được giải quyết theo một cách phù hợp với các mục tiêu đảm
bảo hòa bình và ổn định trong khu vực. Đó là những thách thức dài hạn.
Thách thức trong ngắn hạn là làm giảm căng thẳng và hạn
chế những rủi ro có thể dẫn đến khủng hoảng do tính toán nhầm. (…)
Hỏi:
Ông đánh giá như thế nào về tình hình hiện nay trên Biển Đông? Việc Trung Quốc
di chuyển giàn khoan dầu có thể giúp giảm căng thẳng chút nào không? Quan hệ Mỹ-Trung
từ lâu đã là trọng tâm chú ý trong rất nhiều cuộc họp. Lần này, Mỹ sẽ đối diện
với Trung Quốc như thế nào trong vấn đề Biển Đông? Những vấn đề mấu chốt mà Mỹ
cần phải đương đầu với Trung Quốc là gì?
Daniel
R. Russel: Việc Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển đang
tranh chấp ngoài khơi Việt Nam, trong vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, đã
giúp xóa bỏ một thành tố rất, rất nghiêm trọng. Nhưng chắc chắn, nó để lại di
chứng là những căng thẳng, phẫn nộ, và mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Việt Nam.
(…)
Mỹ có lợi từ quan hệ hữu hảo với Trung Quốc – chúng tôi cho
rằng quan hệ Mỹ-Trung cũng như quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng
là rất quan trọng. Chúng tôi muốn Trung Quốc và tất cả các nước ở Đông Nam Á,
Đông Bắc Á, đều có quan hệ tốt đẹp, bởi vì điều đó sẽ giúp cả khu vực tăng cường
hợp tác, phát triển kinh tế trên cơ sở luật pháp, và tất cả chúng ta đều muốn sống
ở một khu vực như vậy.
Bạn hỏi liệu Mỹ có “đối đầu” với Trung Quốc về vấn đề Biển
Đông hay không. “Đối đầu” là từ sai. Chúng tôi tham vấn, chúng tôi phối hợp,
chúng tôi hợp tác bất cứ khi nào có thể, và chúng tôi thẳng thắn giải quyết các
điểm còn khác biệt hoặc bất đồng. Chúng tôi không vội vã giải quyết ngay tình
hình. Chúng tôi không ngại phê phán. Chúng tôi không tránh né những vấn đề khó
khăn nhưng quan trọng. Tuy nhiên, chính sách của chúng tôi là không đối đầu và
cũng không kiềm chế Trung Quốc.
Như thế, bạn có thể thấy khối lượng công việc đáng kể mà
Ngoại trưởng Kerry và các quan chức cấp cao và thành viên nội các của Hoa Kỳ đã
tiến hành hồi đầu tháng 7 ở Bắc Kinh, tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế.
Chúng tôi đã có những cuộc thảo luận rất trực tiếp, ở cấp rất cao, với Trung Quốc
để nói về các quan ngại của mình. (…) Ngoại trưởng Kerr đã nói chuyện nhiều với
ông Dương Khiết Trì và các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc về lợi ích của
Mỹ nếu các bất đồng có thể được giải quyết một cách ôn hòa trên cơ sở luật
pháp. Ngoại trưởng Kerry cũng làm rõ các hiểu nhầm của Trung Quốc, về việc quan
điểm của Mỹ là gì khi chúng tôi nói chúng tôi không đứng về bên nào trong vấn đề
chủ quyền đối với các cấu trúc địa lý đang bị tranh chấp.
Như tôi đã trình bày ở trên, ông Kerry đã nói rất rõ rằng,
không phải là chúng tôi giả mù trước những hành vi ứng xử có thể gây rắc rối –
cho dù hành vi đó là của nước nhỏ hay của một nước lớn, hùng mạnh. Chúng tôi
tin – mà đây là một điểm các quan chức cấp cao của Mỹ đã làm rõ – rằng
Trung Quốc, với tư cách nước lớn và hùng mạnh, có một trách nhiệm đặc biệt là
phải tỏ ra kiềm chế. Đó là điều nhất thiết phải đi đôi với sức mạnh quân sự. (…)
Lời khuyên thật lòng và tốt nhất của chúng tôi cho Trung Quốc luôn luôn là: phải kiềm chế và cố gắng làm sao để các nước láng giềng cảm thấy thoải mái với
cách mà Trung Quốc theo đuổi yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh. Tất nhiên chúng
tôi hoàn toàn công nhận quyền của Trung Quốc và các nước khác, là quyền được vận động
thực thi yêu sách chủ quyền của họ. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ đề nghị họ làm điều
đó một cách ôn hòa và xây dựng, phù hợp với luật pháp quốc tế.