Một trong những cách để hóa
giải Công hàm Phạm Văn Đồng là lập luận rằng khi ông Đồng gửi Công hàm đó (ngày
14/9/1958), thì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nằm dưới vĩ tuyến 17, thuộc chủ quyền Việt Nam Cộng hòa chứ không phải thuộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và do đó “người
ta không thể từ bỏ cái mà người ta không có thẩm quyền đối với nó” (GS. Monique Chemillier-Gendreau). Sau năm 1975, theo nguyên tắc kế
thừa, nước Việt Nam thống nhất được hưởng những gì Việt Nam Cộng hòa để lại,
trong đó có cả chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Với cách hóa giải này, điểm
mấu chốt là chính quyền Việt Nam bây giờ phải thừa nhận rằng trước năm 1975, đã
tồn tại hai quốc gia: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc, và Việt Nam Cộng hòa ở
miền Nam. Nói cách khác, chính quyền phải công nhận rằng đã có một quốc gia Việt
Nam Cộng hòa, với một chính quyền có tính chính danh, chứ đó không phải là một
triều đại “ngụy”, “bù nhìn” do “Mỹ và tay sai” dựng nên.
Vào năm 2005, một học giả
người Úc, giáo sư về công pháp quốc tế ở ĐH Cambridge – ông James Crawford – đã
viết một cuốn sách nổi tiếng, nhan đề The
Creation of States in International Law (Sự
hình thành các quốc gia theo luật quốc tế). Trong đó, ở phần liên quan đến Việt
Nam, ông đã chứng minh rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa là
hai quốc gia riêng biệt và độc lập từ năm 1954 cho đến năm 1975.
Sách được Oxford University
Press xuất bản lần đầu năm 2006. Phần Vietnam
after 1945 (Việt Nam sau năm 1945) này nằm trong Chương 10, Divided States and Reunification (Các quốc
gia bị chia cắt và quá trình thống nhất), trong Phần II, Modes of the Creation of States in International Law (Các hình thức
tạo lập quốc gia trong luật quốc tế).
Xin trích dịch để bạn đọc tham khảo. Xin bạn đọc lưu ý rằng thừa nhận “hai quốc gia Việt Nam” độc lập và bình đẳng chỉ là một trong những cách hóa giải Công hàm Phạm Văn Đồng, và không có gì khẳng định cách nào sẽ hiệu quả.
Phạm Đoan Trang
Xin trích dịch để bạn đọc tham khảo. Xin bạn đọc lưu ý rằng thừa nhận “hai quốc gia Việt Nam” độc lập và bình đẳng chỉ là một trong những cách hóa giải Công hàm Phạm Văn Đồng, và không có gì khẳng định cách nào sẽ hiệu quả.
Phạm Đoan Trang
* * *
VIỆT
NAM SAU NĂM 1945
Lãnh thổ bảo hộ của Pháp ở
Bắc Kỳ, Trung Kỳ và thuộc địa ở Nam Kỳ – vốn là một phần của xứ Đông
Dương thuộc Pháp – đã bị quân đội Nhật Bản xâm lược vào năm 1940. Chính quyền
Vichy của Pháp tiếp tục cai quản nơi đây dưới sự bảo hộ của Nhật Bản cho đến
tháng 3/1945, khi nó bị thay thế bởi một chính thể khác dưới quyền Hoàng đế Bảo
Đại. Vào ngày 2/9/1945, sau khi Nhật rút quân, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
(VNDCCH) dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập: Điều này không được
cả Pháp lẫn các nước đồng minh khác công nhận. Vào ngày 6/3/1946, Hiệp định Sơ
bộ Pháp-Việt và Phụ lục được ký kết, Điều 1 của Hiệp định nêu rõ: “Chính phủ Pháp công nhận nền cộng hòa Việt
Nam là một quốc gia tự do có chính phủ riêng, quốc hội riêng, quân đội và tài
chính riêng, và hình thành nên một phần của Liên minh Đông Dương và Liên hiệp
Pháp”.
Hiệp định được coi là sơ bộ,
trước khi khai cuộc đàm phán đầy đủ về “quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các quốc gia khác (…) địa vị tương lai của Đông Dương, và (…) các lợi ích kinh tế và văn
hóa Pháp ở Việt Nam”. Trong một hành động rõ ràng là vi phạm Hiệp định này, chính
quyền Pháp dấn tiếp bằng Hiệp ước Pháp-Nam Kỳ ngày 3/6/1946, thiết lập một
chính phủ lâm thời của nước Cộng hòa Pháp ở Nam Kỳ. VNDCCH phản đối, và vào
ngày 14/9/1946, một bản tạm ước (modus
vivendi) với mục đích điều tiết các vấn đề giữa VNDCCH và Pháp trên cơ sở
bình đẳng [1]. Tuy nhiên, chiến sự đã không được kiểm soát và sẽ còn tiếp tục đến
tháng 12/1946. Vào tháng 6/1948, thêm một bên thứ ba tham gia vào xung đột:
Pháp thiết lập “Chính phủ Lâm thời Việt Nam” theo Thỏa thuận Vịnh Hạ Long. Điều
1 của Thỏa thuận quy định:
“Pháp trân trọng công nhận nền độc lập của Việt Nam, mà sau đây nhiệm vụ
tùy ý thực hiện việc thống nhất đất nước sẽ thuộc về nước Việt Nam đó. Về phần
mình, Việt Nam tuyên bố trung thành với Liên hiệp Pháp, với tư cách một quốc
gia thuộc Liên hiệp. Nền độc lập của Việt Nam không bị hạn chế gì ngoài những
giới hạn mà họ phải chịu vì sự gia nhập Liên hiệp Pháp”.
Người đứng đầu chính phủ được
xác lập đó là Hoàng đế Bảo Đại. Chính phủ của ông được trao toàn quyền kiểm
soát quốc nội, ít nhất là trên nguyên tắc, nhưng riêng các vấn đề ngoại giao và
quân sự thì phải để cho Liên hiệp Pháp quyết định. [Nhưng] Chính quyền này đã
không làm được việc thống nhất Việt Nam như dự định. Thay vì thế, VNDCCH được Cộng
hòa Nhân dân Trung Hoa công nhận vào ngày 18/1/1950, và được Liên Xô công nhận
vào ngày 30/1/1950. Ngày 7/2/1950, Liên hiệp Vương quốc Anh quyết định công nhận
“địa vị của Việt Nam, Lào và Campuchia,
là các quốc gia trực thuộc Liên hiệp Pháp”; và Hoa Kỳ, vào cùng ngày, ban
hành bản “công nhận ngoại giao đối với
chính quyền của quốc gia Việt Nam, vương quốc Lào và vương quốc Campuchia” [2]. Do
đó, năm 1950, có tới hai chính quyền Việt Nam cùng tuyên bố và cùng thực thi một
mức độ kiểm soát ít nhiều đối với toàn bộ lãnh thổ; mỗi bên đều được công nhận
bởi một số nhà nước khác nhau. Vào giao đoạn này, dường như chẳng bên nào có đủ
tư cách để làm chính quyền của một nước Việt Nam độc lập. VNDCCH chưa củng cố
được quyền kiểm soát thực tế trên toàn lãnh thổ. Việt Nam Cộng hòa (VNCH) không
có được sự độc lập về danh nghĩa vì họ trực thuộc Liên hiệp Pháp, và họ cũng
không có cả sự độc lập trên thực tế hay độc lập thật sự.
GS. James R. Crawford |
Năm 1952, cả VNCH và VNDCCH
đều làm đơn xin gia nhập Liên Hiệp Quốc. Đơn của VNCH bị Liên Xô phủ quyết; đơn
của VNDCCH bị bác, chỉ có mỗi Liên Xô bỏ phiếu ủng hộ. Sau đó, Đại Hội Đồng LHQ
ra nghị quyết: “Việt Nam là (…) một quốc
gia yêu chuộng hòa bình, theo nghĩa của Điều 4 trong Hiến chương LHQ, Việt Nam
có thể và sẵn sàng thực thi các nghĩa vụ của họ theo Hiến chương, và vì vậy, nên
được thừa nhận tư cách thành viên của Liên Hiệp Quốc” [3]. Vào ngày 7/5/1954,
căn cứ của Pháp ở Điện Biên Phủ, miền Bắc Việt Nam, bị quân đội VNDCCH chiếm được.
Ngày 4/6/1954, một Hiệp ước về Nền Độc lập của quốc gia Việt Nam và quan hệ giữa quốc gia mới này và Pháp, đã được ký tắt, nhưng chẳng bao giờ được ký
kết. Trong khi đó, Điều 1 Hiệp định Ngừng bắn giữa các lực lượng tham chiến
Pháp và VNDCCH đã thiết lập một “giới tuyến quân sự tạm thời (vĩ tuyến 17)… mà
ở hai phía của giới tuyến này, quân đội của cả hai bên có thể được tập hợp lại
sau khi đã rút lui, Quân đội Nhân dân Việt Nam rút về phía bắc giới tuyến và
quân lính Liên hiệp Pháp rút về phía nam”. Điều 6 trong Tuyên bố Cuối cùng của Hội
nghị Geneva “thừa nhận (…) rằng giới tuyến
quân sự đó là tạm thời và không thể được diễn giải bằng bất kỳ cách nào, là nó ‘cấu thành một biên giới chính trị hay lãnh thổ’”.
Tổng tuyển cử được dự kiến tổ
chức trước tháng 7/1956 trên toàn Việt Nam. Tuyên bố Cuối cùng được Pháp, Lào,
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Liên hiệp Vương quốc Anh, Liên Xô, Campuchia và
VNDCCH chấp nhận tuyệt đối. Chính quyền VNCH không chấp nhận Tuyên bố, tuy rằng
căn cứ vào những sắp xếp cho việc thực hiện quan hệ ngoại giao của họ, thì có
thể nói là họ bị ràng buộc bởi sự chấp thuận từ phía Pháp. Hoa Kỳ tự lãnh trách
nhiệm “kiểm soát việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để phá Hiệp định”.
Theo bản Tuyên bố Cuối cùng thì việc tham vấn (lấy ý kiến) trước tuyển cử không
được tiến hành, mặc dù VNDCCH có đề nghị. Lý do của việc này không cần phải bàn
ở đây: Những gì xảy ra trên thực tế, trong giai đoạn sau năm 1945, đã quá rõ
ràng – giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền đã trở thành một đường biên giới
giữa hai quốc gia, Bắc và Nam Việt Nam [4]. Việc đó thể hiện, chẳng hạn, trong những
điều khoản của Hiệp định Paris về Hòa bình, ngày 27/1/1973 – một hiệp định
chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam ở chừng mực mà Mỹ tham gia. Một
phần hiệp định nêu rõ:
1. Mỹ và tất cả các nước
khác tôn trọng chủ quyền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam,
như đã được công nhận trong các Hiệp định Geneva năm 1954 (…) [Hội nghị Geneva tháng 7/1954 cho ra một loạt văn kiện, được gọi chung là Hiệp định Geneva – ND].
2. Mỹ sẽ chấm dứt tất cả các
hoạt động quân sự nhằm vào lãnh thổ của VNDCCH (…).
4. Mỹ sẽ không tiếp tục dính
líu về mặt quân sự hay can thiệp vào các vấn đề nội bộ của miền Nam Việt Nam
(…).
9. Chính quyền Mỹ và chính
quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có trách nhiệm tôn trọng những nguyên tắc sau
đây nhằm thực thi quyền tự quyết của người dân miền Nam Việt Nam (…).
15. Việc thống nhất Việt Nam
sẽ được thực hiện từng bước thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở thảo
luận và thỏa thuận giữa Bắc và Nam Việt Nam, không có sự cưỡng ép hay
khống chế của bất kỳ bên nào, và không có can thiệp từ nước ngoài. Thời điểm thống
nhất do Bắc và Nam Việt Nam thỏa thuận. Trong khi chờ đến thời điểm
thống nhất
(a) Giới tuyến quân sự giữa
hai miền, tại vĩ tuyến 17, chỉ là tạm thời và không phải là biên giới chính trị
hay biên giới lãnh thổ, như đã được quy định ở Đoạn 6, Tuyên bố Cuối cùng trong
Hội nghị Hòa bình 1954…
Hiệp định Paris 1973 tự nó
đã không nhất quán. Một mặt, nó gán cho VNDCCH một lãnh thổ, gán cho VNCH quyền
tự quyết và quyền tài phán, và cho cả hai bên quyền phủ quyết việc thống nhất.
Mặt khác, nó tiếp tục nhắc lại rằng biên giới giữa hai bên không chỉ là “tạm thời”
(như chúng ta thấy, điều này là phù hợp với tính quốc gia khác biệt nhau của hai
thực thể), mà còn hơn thế nữa, không phải là “biên giới chính trị hay biên giới
lãnh thổ”. Nhưng thật khó để nhìn ra người ta muốn hệ quả nào phát sinh từ sự phủ nhận đó,
ngoài việc tái khẳng định mục tiêu chính trị của việc thống nhất Việt Nam trong
hòa bình. Mỗi thực thể [miền Nam hay miền Bắc Việt Nam] đều là một đơn vị trong việc sử dụng vũ lực, sử dụng quyền tự quyết, các vấn đề đối ngoại và đối
nội; và mỗi đơn vị như thế đều có thể được gọi bằng một tên gọi khác, là quốc gia. Hiệp định Paris 1973 dứt khoát, nếu không muốn nói là rõ ràng, đã công
nhận sự tồn tại của hai nước Việt Nam. (ND nhấn mạnh)
Tình trạng của Việt Nam trước
năm 1975 khá khác với tình trạng của nước Đức, nhưng lại giống Triều Tiên ở mức
độ nào đó. Ở cả Triều Tiên và Việt Nam đều có thời gian tồn tại những chính quyền de facto [có trong thực tế, nhưng không chính thức – ND] và đối đầu nhau: Trong cả hai trường hợp, cuối cùng đều có một giới tuyến ngừng bắn được thiết lập, ràng buộc đôi
bên, sau thời kỳ xung đột công khai giữa đôi bên. Giới tuyến đó về sau trở
thành biên giới thực sự giữa hai quốc gia, trong một quá trình công khai và ngấm
ngầm tán thành. Mặc dù hai bên đã từng thống nhất trong thời kỳ tiền thực dân,
nhưng Triều Tiên cũng như Việt Nam, trước khi chia cắt, đều chưa có một quốc
gia thống nhất, độc lập.
Tuy nhiên, bối cảnh Việt Nam
có một số điểm đặc thù. Cụ thể, việc thành lập sớm và thực chất chính quyền
VNDCCH vào năm 1945 và sau đó chính quyền này được Pháp thừa nhận, dù chỉ một
phần, là hoàn toàn không giống như ở Triều Tiên. Trường hợp Triều Tiên, sự ra đời
của chính thể ở miền bắc rõ ràng là một sự vi phạm những điều ước liên quan,
khiến cho phán quyết cho rằng “Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc, được thành lập dưới
sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc và được chính thể có chủ quyền lãnh thổ trước đó công nhận, là chính quyền de jure [chính thức trong pháp lý] của cả nước Triều Tiên” trở nên hợp
lý, ít nhất cho đến năm 1954. Còn với Việt Nam, VNDCCH đã ra đời
trước đối thủ của họ là VNCH; trên bình diện quốc tế, sự ra đời ấy không phải
là bất hợp pháp theo bất kỳ nghĩa nào; họ cũng được công nhận ở mức độ nào đấy,
và họ đã có thể tuyên bố một cách chính đáng rằng họ là đại diện của người dân
Việt Nam. Nhưng phải coi việc xác lập hai miền riêng biệt ở Việt Nam sau đó là
việc làm đánh dấu sự ra đời của hai quốc gia riêng biệt, mà chẳng bên nào – dù
trong luật pháp hay trên thực tế – mở rộng được ra toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
Vì vậy, tính hợp pháp của mọi can thiệp nước ngoài vào Việt Nam trong giai đoạn
từ 1954 đến 1973 đều dựa vào tiền đề cho rằng tồn tại hai nước Việt Nam riêng
biệt.
Bất chấp quy định của Điều
15 Hiệp định Paris 1973, hoạt động quân sự vẫn tiếp tục nhằm vào VNCH, và đến
ngày 30/4/1975, chính quyền VNCH sụp đổ. Ngày 1/5/1975, một Chính phủ Cách mạng
Lâm thời tuyên xưng ở Sài Gòn – đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh. Một Quốc hội
bao gồm đại diện của cả miền Bắc và miền Nam được bầu cử vào tháng 4/1976. Ngày
2/7/1976, miền Nam Việt Nam hợp nhất với miền Bắc Việt Nam, đưa lại kết quả là
“Việt Nam Cộng hòa không phải chỉ suy tàn; nó đã chết”. Một nước Cộng hòa Xã hội
Chủ nghĩa Việt Nam, tuyên bố sự trung thành của toàn thể nhân dân Việt Nam, được
công nhận là quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc vào năm 1977.
Kết
luận
Việt Nam có lẽ chưa bao giờ
là một quốc gia độc lập thống nhất trong thời kỳ hậu thuộc địa. Nếu có khi nào
Việt Nam có được một sự thống nhất trên hình thức, thì đó là vào giai đoạn từ năm
1954 đến năm 1956, do kết quả của Hiệp định Geneva và do VNDCCH không có tuyên
bố nào đòi là một quốc gia khác. Hiệp định Hòa bình
Paris năm 1973, mặc dù mơ hồ, nước đôi, nhưng cũng đã công nhận sự chia cắt Việt
Nam trên thực tiễn thành hai quốc gia riêng biệt – tuy rằng điều chắc chắn là,
sự chia cắt đó đã chỉ là tạm thời.
----------
Chú thích:
[1] Cameron, Vietnam Crisis, tập I, trang 85-89. Điều 1 quy định: “Công dân Việt Nam ở Pháp và công dân Pháp ở Việt Nam hưởng các quyền cư trú bình đẳng ở cả hai nước”.
Chú thích:
[1] Cameron, Vietnam Crisis, tập I, trang 85-89. Điều 1 quy định: “Công dân Việt Nam ở Pháp và công dân Pháp ở Việt Nam hưởng các quyền cư trú bình đẳng ở cả hai nước”.
[2] Cameron, Vietnam Crisis, tập I, trang 146-147. Sự công nhận của Hoa Kỳ mang tính dè dặt và nước đôi một cách cố ý: Xem thêm O’Brien và Goebel, “U.S. Recognition Policy” [Chính sách công nhận của Hoa Kỳ], trang 147-151.
[3] Tuy nhiên, đơn của Việt Nam Cộng hòa lại tiếp tục bị phủ quyết vào năm 1955 và 1957.
[4] Cộng hòa (miền Nam) Việt Nam được thành lập ngày 28/10/1955, sau một cuộc trưng cầu dân ý và sau khi Bảo Đại bị phế truất. Hoa Kỳ ngay lập tức công nhận chính quyền mới này.
----------
Bài liên quan:
Một học giả Trung Quốc tiết lộ thêm về Công hàm Phạm Văn Đồng
Công hàm Phạm Văn Đông làm lung lay yêu sách chủ quyền của Việt Nam