Vụ Hội Nhà Báo Độc Lập đặt ra mấy vấn đề đáng suy nghĩ:
Về sự minh bạch
Tác giả Trịnh Hữu Long |
Một số người đòi hỏi Ban lãnh đạo Hội phải công khai những
ai đã biểu quyết thông qua Thông báo số 5 về Facebook VNTB và ông Ngô Nhật
Đăng. Lập luận của họ là hoạt động của Hội phải minh bạch. Điều này chỉ hợp lý
nếu những người đòi hỏi là thành viên của Hội và Hội có quy chế minh bạch trong
những vấn đề như thế này. Nếu là người ngoài thì việc đòi hỏi Hội phải minh bạch
là không hợp lý.
Một số người khác đòi hỏi tờ Việt Nam Thời báo phải công
khai tác giả Liên Sơn là ai, cũng vẫn với lý do "cần sự minh bạch",
"phê phán người khác thì phải công khai tên tuổi". Đòi hỏi này là dễ
hiểu, nhưng không hợp lý. Danh tính của tác giả bài báo là việc của tòa báo với
tác giả chứ không phải là của độc giả. Tòa báo có quyền giữ bí mật danh tính
tác giả, đôi khi còn để bảo vệ tác giả khỏi sự tấn công từ chính quyền và từ
chính độc giả. Tác giả cũng có quyền thỏa thuận với tòa báo về việc giữ bí mật
danh tính thì họ mới gửi bài.
Giới hạn của sự minh bạch dừng lại ở cái gọi là "sự
liên quan". Nếu anh không liên quan đến vụ việc thì anh không có quyền đòi
hỏi người khác phải minh bạch.
Có sự khác nhau giữa sự minh bạch của nhà nước và sự minh
bạch của một tổ chức dân sự hay doanh nghiệp tư nhân. Lấy tiêu chí minh bạch của
nhà nước để đòi hỏi tổ chức dân sự, doanh nghiệp tư nhân phải thực hiện thì
không hợp lý.
Về sự độc lập
Khi lập các các hội đoàn lấy tên có đuôi là "độc lập",
có lẽ những người sáng lập muốn nói rằng chúng tôi tự lập ra hội đoàn này, chứ
không phải nhà nước lập ra như các hội đoàn "quốc doanh" khác. Hàm ý
thực sự của họ là "phi nhà nước", chứ không phải "độc lập".
Từ "độc lập" có nhiều lớp nghĩa. Ngay cả khi
anh là "phi nhà nước", anh vẫn có thể độc lập hoặc không độc lập. Ví
dụ khi anh tự đặt mình dưới sự quản lý của một cái hội nào đó lớn hơn, anh đã từ
bỏ bớt sự độc lập của mình, mặc dù anh vẫn không liên quan gì đến nhà nước.
Việc sử dụng cái đuôi "độc lập" tạo ra những cuộc
tranh cãi không đáng có. Một số người cho rằng độc lập là không được liên quan
đến nhà nước, đảng phái hay nhóm lợi ích nào. Điều này vô hình chung hạn chế hoạt
động của các hội đoàn, vì về bản chất hoạt động của xã hội dân sự là sự hợp tác
tự nguyện dựa trên phương pháp chính là thuyết phục thông qua đối thoại để đạt
được sứ mệnh mà nó đặt ra mà không có sự hạn chế nào về đối tác.
Tự gọi mình là độc lập thực ra là tự hạn chế mình, vì làm
gì có ai độc lập trên đời. Khi nói đến sự độc lập, người ta phải đặt nó vào một
mối quan hệ cụ thể, tức là độc lập với cái gì.
Tổ chức Human Rights Watch có thể độc lập về tài chính với
chính phủ Mỹ, nhưng nó không độc lập với tỷ phú George Soros, vì họ đã nhận 100
triệu đô tiền tài trợ của ông này và đương nhiên trong hợp đồng tài trợ của họ
có những sự ràng buộc nhất định.
Freedom House có thể độc lập về tài chính với rất nhiều
chính phủ nhưng nó vẫn nhận tiền tài trợ từ chính phủ Mỹ. Sự độc lập của
Freedom House là ở chỗ, tuy nhận tiền từ chính phủ Mỹ, nó vẫn là một trong những
kẻ phê phán chính phủ Mỹ một cách rất quyết liệt.
Nếu ai cũng giữ sự độc lập tuyệt đối thì đã không sinh ra
cái gọi là xã hội dân sự, là cái xã hội mà người ta phải hợp tác với nhau để giải
quyết các vấn đề xã hội. Vậy nên hãy cứ là một tổ chức dân sự bình thường, làm
việc cần làm, hợp tác với đối tác có thể hợp tác, đạt được cái mình muốn và bỏ
qua một bên mối bận tâm về sự độc lập.
Mai sau sẽ có những hội đoàn dân sự từng có cái đuôi
"độc lập" nhận tiền tài trợ từ chính phủ Việt Nam, ngồi họp với chính
phủ Việt Nam. Đó là việc bình thường và là tương lai có thể biết trước.
------
Bài liên quan: XHDS ở Việt Nam: Đang nổi lên nhưng cần... gần dân hơn