Wednesday, 8 October 2014

6 chiến lược của Bắc Kinh nhằm vô hiệu hóa OCLP

Dưới đây là bản dịch bài viết của GS. Luật Benny Tai (Đại học Hong Kong), người sáng lập phong trào Occupy Central. Ông Benny Tai viết bài này bằng tiếng Trung vào ngày 12/8/2014 trên Apple Daily – tờ báo bán chạy thứ hai ở Hong Kong. Nó được dịch sang tiếng Anh vào ngày 15/8/2014, đăng trên trang blog tiếng Anh của phong trào Occupy Central.

Chúng ta hãy thử xem Benny Tai nhận định những gì và điều nào trong số những điều ông viết đã trở thành sự thật hoặc trật lất.

Xin bạn đọc lưu ý một điểm khác biệt rất lớn giữa Hong Kong và Việt Nam, đó là: Hong Kong có một thể chế pháp trị, còn Việt Nam chỉ có nhà nước công an trị. Tuy nhiên, cách hành xử của Hà Nội thì chắc không khác Bắc Kinh nhiều.

* * *

SÁU CHIẾN LƯỢC CỦA BẮC KINH NHẰM VÔ HIỆU HÓA OCCUPY CENTRAL


Kể từ khi phong trào Occupy Central with Love and Peace (Chiếm khu trung tâm bằng tình yêu và hòa bình, viết tắt OCLP – ND) được đề xuất vào năm ngoái (tháng 1/2013 – ND), Bắc Kinh đã và đang tiến hành các chiến lược để đương đầu với phong trào dân chủ này ở Hong Kong.

1

Chiến lược thứ nhất là kìm hãm. Ngay từ đầu, tôi đã là người duy nhất đề xuất Occupy Central. Mặc dù ý tưởng cũng được khá nhiều người nhắc lại, nhưng về cơ bản nó vẫn chỉ là đề xuất của một học giả trên mây. Phong trào chỉ bắt đầu hình thành sau khi GS. Chan Kin-man và Mục sư Chu Yiu-ming cùng tôi chính thức phát động chiến dịch OCLP vào tháng ba năm ngoái, tiếp sau một loạt diễn đàn thảo luận. Tuy phong trào tập hợp được những lực lượng xã hội ủng hộ phổ thông đầu phiếu, trong đó có liên đảng dân chủ, các tổ chức xã hội dân sự và dân thường, nhưng nó vẫn chưa phải là một lực lượng chính trị thực sự. Ở giai đoạn này, chiến lược chính của Bắc Kinh là kìm hãm sự phát triển của OCLP bằng cách dựng nên những tổ chức chống OCLP và huy động các phần tử thân Bắc Kinh – gồm các phòng thương mại, các tổ chức, các cơ quan truyền thông đại chúng và cá nhân – vào việc phê phán và bôi nhọ OCLP với những bài phát biểu công khai, bài vở trên báo chí, và quảng cáo.

Nhưng tất cả các hoạt động đó có vẻ đều vô hiệu. 800.000 người đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6; trong số đó, 700.000 người thể hiện rõ ràng quan điểm không chấp nhận một hình thức bầu trưởng đặc khu hành chính trong đó cử tri không được quyền lựa chọn thực chất. Kết quả này đưa đến một mệnh lệnh rõ ràng, buộc những người ủng hộ dân chủ ở Hội đồng Lập pháp phải phủ quyết tất cả những đề nghị không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế [về bầu cử].

Sau sự kiện 510.000 công dân tham gia vào cuộc tuần hành ngày 1/7 đòi phổ thông đầu phiếu thực chất, và sau cuộc biểu tình ngồi của sinh viên vào ngày 2/7, thể hiện một cách hoàn hảo hành động đấu tranh phi bạo lực (non-violent, có người dịch là “bất bạo động”), OCLP cuối cùng đã phát triển thành một phong trào lớn mạnh.

2

Chiến lược thứ hai Bắc Kinh có thể đã sử dụng là tiêu diệt phong trào khi nó còn trong trứng nước. Họ có thể chỉ làm một việc đơn giản là bắt ba nhà sáng lập OCLP, khiến cho chúng tôi không còn xúc tiến và tổ chức hoạt động nào của OCLP được nữa. Tôi vẫn nói rằng tôi đã có thể biến mất ngay sau khi bài báo của tôi được đăng, nếu như tôi đang dạy ở Đại học Bắc Kinh thay vì Đại học Hong Kong [như hiên nay]. Tôi đã có thể không còn cơ hội nào để thúc đẩy phong trào OCLP, để nó phát triển trên nền tảng xã hội dân sự ở Hong Kong. 

May thay, Hong Kong không phải Đại lục, và Đại học Hong Kong không phải là Đại học Bắc Kinh. Chúng tôi vẫn được bảo vệ bởi nhà nước pháp quyền: Trước khi tiến hành bất kỳ hành động bất tuân dân sự cụ thể nào, chúng tôi đều không vi phạm luật pháp Hong Kong, và quyền tự do cá nhân cũng như tự do ngôn luận của chúng tôi đều vẫn được luật pháp bảo vệ. Nhờ đó, chiến lược “bóp chết từ trong trứng nước” của Bắc Kinh không áp dụng được ở Hong Kong, chứ chưa nói tới áp dụng khi phong trào đã thành hình. Bây giờ mà bắt ba người chúng tôi thì cũng không dừng được phong trào Occupy Central, mà lại còn đưa tới một tình huống không thể đoán trước và không thể kiểm soát được.

3

Chiến lược thứ ba mà Bắc Kinh có thể sử dụng, khi OCLP đã thành hình, là phá hoại phong trào. Phá hoại cũng có vẻ tương tự như chiến lược thứ nhất là kìm hãm, chỉ khác một điều là nó được thực hiện trên quy mô lớn hơn và có sức mạnh tổ chức hơn. Cũng như OCLP, Bắc Kinh đã cố thu thập ý kiến dư luận, và có vẻ cũng kiếm được kha khá ủng hộ. Tuy nhiên, những ý kiến họ thu nhận, cho dù nhiều đến đâu, cũng chỉ có tác dụng đập lại các quan điểm ủng hộ Occupy Central, chứ không làm cho những người ủng hộ mục tiêu của OCLP – đấu tranh đòi phổ thông đầu phiếu thực chất – chuyển hẳn sang phe kia. Và cũng không triệt tiêu được phía ủng hộ OCLP.

Khi chính quyền đưa ra đề nghị cải cách bầu cử không theo hướng đáp ứng nguyện vọng của công chúng về phổ thông đầu phiếu, hay là xâm phạm vào ý nguyện của 700.000 người dân trước đó đã từng bỏ phiếu đòi bầu cử ở Hong Kong phải theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, thì tiếng nói của phe đối lập sẽ trở nên mạnh mẽ và cứng rắn. Sẽ có đủ người tham gia phong trào bất tuân dân sự Occupy Central. Không có cách nào phá OCLP một khi phong trào đã thành hình. Sẽ rất ngây thơ, thậm chí ngu ngốc, nếu Bắc Kinh nghĩ rằng chỉ cần có đủ người chống Occupy Central là sẽ đủ để chấm dứt phong trào.

4

Chiến lược thứ tư, mà Bắc Kinh vẫn đang sử dụng, là đe dọa những người ủng hộ OCLP. Chiến lược này có lẽ đã được vận dụng từ trước khi OCLP hình thành, và thậm chí nó đã trở nên ngày càng cực đoan và lan rộng hơn. Hành động đe dọa một người ủng hộ OCLP có thể diễn ra trực tiếp, hoặc gián tiếp, nhằm vào thân nhân, bạn bè để buộc họ phải gây sức ép lên người đó. Chiến lược này thực sự đã và đang được tiến hành và tạo ra một dạng khủng bố trắng, khiến nhiều ủng hộ viên của OCLP phải rút lui khỏi phong trào hoặc phải hoạt động kín tiếng hơn.

Tuy nhiên, chiến lược ấy không thể ngăn được OCLP, một khi thời điểm thích hợp đã đến. Nó chỉ có thể kìm hãm sự phát triển của phong trào. Nguyên nhân là:

(1) Bắc Kinh không thể có được thông tin cá nhân của tất cả những người có ý định tham gia phong trào bất tuân dân sự. Họ chỉ có thể nhằm vào các thành viên nổi bật nhất.

(2) Như tôi đã viết ở trên, người dân Hong Kong vẫn được luật pháp bảo vệ, điều đó hạn chế mức độ đe dọa. Với rất nhiều người không có quan hệ thân thiết với bên Đại lục, thì hình thức đe dọa chỉ ở mức vẫn chịu đựng được.

(3) Cho đến giờ phút này, nhiều người ủng hộ việc phổ thông đầu phiếu đã sẵn sàng mạo hiểm tất cả để có được dân chủ ở Hong Kong. Nói như vậy, nhưng không có nghĩa là họ phải hy sinh tính mạng, trong bối cảnh Hong Kong vẫn có nhà nước pháp quyền.

Tháng 6/2014: Người dân bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý 
về cải cách chính trị ở Hong Kong. (Ảnh: AP)

5

Chiến lược thứ năm mà Bắc Kinh đang cân nhắc một cách nghiêm túc là chia rẽ khối ủng hộ dân chủ. Sau đợt cải cách chính trị năm 2010, Bắc Kinh đã thành công trong việc chia lực lượng ủng hộ dân chủ ra thành các phe nhóm khác nhau. Trước khi OCLP nổi lên, những người theo đường lối cứng rắn và những người theo đường lối ôn hòa vốn mâu thuẫn nhau và không chắc là đã có thể hợp tác cùng nhau thực thi quyền phủ quyết. Do quyền phủ quyết là một trong những vũ khí mạnh nhất của những người ủng hộ dân chủ trong cải cách chính trị, cho nên, chia rẽ lực lượng ủng hộ dân chủ sẽ làm suy yếu đáng kể khả năng phủ quyết.

Đây cũng là chiến lược cơ bản mà Bắc Kinh dự định sử dụng khi đối phó với việc cải cách cơ chế bầu cử trưởng đặc khu vào năm 2017. Nhìn vào số ghế của những người ủng hộ dân chủ trong Hội đồng Lập pháp, có thể thấy chỉ cần sự tán thành từ 4 đến 5 người của phe ủng hộ dân chủ là đủ để thông qua một dự thảo của chính quyền. Từ góc nhìn của Bắc Kinh thì, chia và trị là cách hiệu quả nhất để làm cho dự thảo được thông qua. 

Tuy nhiên, sau khi OCLP đã thành hình, và đặc biệt sau khi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý lại ngả theo hướng phủ quyết mọi đề xuất không theo tiêu chuẩn quốc tế, thì phe ủng hộ dân chủ ít nhiều đã gắn kết hơn. Song họ vẫn còn là một liên minh yếu, bởi lẽ những người cứng rắn và những người ôn hòa đều rất khác nhau về mặt chiến lược, tiến độ, và khác nhau về các điểm cụ thể trong những đề nghị mà họ đưa ra.

Mặc dù vậy, thực tế chính trị là, một khi dự thảo chính sách của chính quyền không đem đến cho cử tri quyền lựa chọn thực sự, thì tất cả những người ủng hộ dân chủ trong Hội đồng Lập pháp sẽ phải phủ quyết nó. Bằng không thì sẽ chẳng khác nào một hành động tự sát chính trị. Có lẽ trong vài tháng tới, Bắc Kinh sẽ làm tất cả những gì có thể để gây chia rẽ và thù ghét giữa những người cứng rắn và những người ôn hòa. Tuy nhiên, chỉ cần những ai ủng hộ dân chủ đều hiểu rằng đoàn kết là sức mạnh và nguyện vọng được có phổ thông đầu phiếu thực chất là điều quan trọng hơn sự khác biệt về chính trị, thì sẽ chẳng còn mấy cơ hội cho Bắc Kinh gây chia rẽ.

6

Chiến lược thứ sáu là đàn áp. Bắc Kinh hẳn phải biết rằng các biện pháp trên đây nhằm chống lại công luận và đe dọa người ủng hộ sẽ không ngăn được OCLP. Nhiều nhất thì chúng chỉ có thể làm giảm hiệu quả của bất tuân dân sự. Có lẽ Bắc Kinh đã sẵn sàng cho việc đối đầu – mà rốt cuộc sẽ xảy ra – và những gì họ đang làm lúc này chỉ là công đoạn chuẩn bị. Tất nhiên Bắc Kinh không ngại phải đàn áp – sử dụng vũ lực giải tán đám đông, thậm chí trấn áp bằng bạo lực nếu cần – và họ sẵn sàng trả bất kỳ cái giá nào về mặt chính trị. Nhưng, có cần thiết không?

Một khi chuyện đó xảy ra, các hậu quả chính trị sẽ rất khó dự đoán. Có thể sẽ chỉ có khoảng một, hai nghìn người ngồi ở khu Trung tâm bị bắt và bị truy tố. Công luận có thể coi những người đó là phần tử gây rối trật tự. Occupy Central có thể kết thúc rất bi thảm. Một vài dân biểu ủng hộ dân chủ sẽ nhảy sang phía ủng hộ dự thảo của chính phủ. Phổ thông đầu phiếu theo kiểu Trung Quốc cuối cùng sẽ được áp dụng thành công ở Hong Kong và mang đến một nền quản trị tốt hơn. Do đó, nhân dân Hong Kong sẽ yêu nước, yêu Hong Kong, và sống hạnh phúc mãi mãi.

Nhưng một điều có nhiều khả năng xảy ra hơn, là Occupy Central, ngay cả khi bị đàn áp, vẫn để lại một vết thương không thể hàn gắn cho nền quản trị ở Hong Kong. Bất tuân dân sự và chống đối sẽ tăng lên trong xã hội và khiến Hong Kong trở thành không thể cai quản được nữa. Điều đó sẽ làm hại Hong Kong không chỉ về mặt chính trị và kinh tế mà còn trên phương diện xã hội và văn hóa. Chứng tỏ “một nước, hai chế độ” là thất bại. Trung Quốc có thể hùng mạnh đủ để chịu đựng mọi cái giá phải trả, thậm chí chẳng buồn quan tâm đến những cái giá đó, nhưng vấn đề quản lý Hong Kong vẫn gây khó khăn cho Bắc Kinh trong nhiều năm tới. Bắc Kinh sẽ kiệt sức vì các xung đột, mâu thuẫn chính trị ngày càng gia tăng. 

Không phải là Bắc Kinh không thể giải quyết các vấn đề đó, nhưng tại sao lại phải đặt Hong Kong vào hoàn cảnh ấy? Không có phổ thông đầu phiếu thực chất, mâu thuẫn bên trong Hong Kong sẽ không bao giờ được xử lý và có thể sẽ bị các thế lực ngoại bang lợi dụng để chống lại Bắc Kinh. Điều đó còn gây nguy hại lớn hơn cho an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Tôi hy vọng Bắc Kinh, sau khi đã có những tính toán cẩn thận mà vẫn không thể tìm ra giải pháp nào tốt hơn là đàn áp OCLP, sẽ giải quyết một cách tích cực đòi hỏi của phong trào, là phải có phổ thông đầu phiếu ở Hong Kong.

12/8/2014

GS. luật Benny Tai, ĐH Thành thị Hong Kong.
(Ảnh: Jenny W. Hsu/ Wall Street Journal)