Friday, 3 October 2014

Sơ lược diễn biến phong trào biểu tình ở Hong Kong

2012

1/7: Leung Chun-ying (Lương Chấn Anh) tuyên thệ nhậm chức Trưởng khu Hành chính của Hong Kong với một bài diễn văn gây tranh cãi lớn, khi mà ông sử dụng tiếng Quan thoại (Mandrin) của Đại lục thay vì tiếng Quảng Đông (Cantonese) vốn là thứ phương ngữ chính thức của Hong Kong.

Leung Chun-ying trong buổi tuyên thệ nhậm chức. (Ảnh: AP)

2013

16/1: Tạp chí Kinh tế Hong Kong đăng bài của GS. Luật Benny Tai (Đại học Thành thị Hong Kong – cùng trường với GS-TS. Jonathan London – ND), “Vũ khí nguy hiểm nhất của bất tuân dân sự”, đề xuất ý tưởng chiếm khu trung tâm của Hong Kong để làm tê liệt cả thành phố.

24/3: Qiao Xiaoyang (Kiều Hiểu Dương), quyền chủ tịch Ủy ban Luật pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân Trung Quốc, tuyên bố: Bất kỳ ứng viên nào cho chức vụ Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong cũng đều phải “yêu nước và yêu Hong Kong”.

27/3: Những người tổ chức phong trào Occupy Central thông báo họ sẽ bắt đầu xúc tiến biểu tình nếu chính quyền không chấp nhận phổ thông đầu phiếu theo các tiêu chuẩn quốc tế.

2014

10/6: Vài ngày sau khi dân Hong Kong tổ chức một buổi lễ cầu nguyện để tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn, Trung Quốc thẳng thừng nhắc nhở Hong Kong rằng Trung Quốc đang cai quản thành phố này, và sẽ gạt bỏ hết mọi sự can thiệp từ “thế lực ngoại bang”.

Sinh viên Hong Kong tưởng niệm vụ Thiên An Môn. (Ảnh: Getty Images)

22/6: Cuối tháng 6, một cuộc bỏ phiếu có tính biểu tượng được tổ chức trên mạng nhằm thăm dò ý kiến của công luận Hong Kong về bầu cử. Theo ban tổ chức, trang web tiến hành cuộc bỏ phiếu liên tục bị tấn công rất nặng nề ngay trong ngày khai trương. Tuy nhiên, các cuộc tấn công đó không ngăn cản được hàng trăm nghìn người tham gia bỏ phiếu vào cuối tuần.

1/7: Khoảng nửa triệu người tuần hành trên đường phố Hong Kong để tưởng niệm ngày Hong Kong được trả về cho Trung Quốc. Số lượng đông đảo này được xem như một dấu hiệu cho thấy sự giận dữ nhằm vào Bắc Kinh đang dâng lên. Buổi tuần hành kết thúc với việc sinh viên tổ chức một cuộc biểu tình ngồi ở khu phố kinh doanh trung tâm của thành phố. Đây là tín hiệu báo trước những cuộc biểu tình trong tương lai.

1/7/2014: Nửa triệu người tuần hành từ vịnh Causeway (Đồng La) về khu trung tâm.
(Ảnh: Getty Images)

31/8: Bắc Kinh bác bỏ bầu cử công khai ở Hong Kong: Chính quyền Trung Hoa lục địa ra tuyên bố quyết định rằng các ứng cử viên cho chức vụ lãnh đạo cao nhất ở Hong Kong phải được phê chuẩn bởi một hội đồng thật trung thành với Bắc Kinh. Điều đó cho thấy cái giới hạn rõ ràng mà Trung Quốc không thể vượt quá trong việc cho phép lãnh thổ Hong Kong được dân chủ.

1/9: Phán quyết về bầu cử ở Hong Kong gây lo ngại về vị thế “trung tâm tài chính thế giới” của thành phố. Một số thương gia và chính trị gia nói rằng quyết định của Bắc Kinh có nguy cơ phá hoại những cột trụ vốn làm nên thành công về thương mại của Hong Kong – nơi có vị thế như ngưỡng cửa để bước chân vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (Trung Quốc).

9/9: Người lãnh đạo phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ cho Hong Kong tuyên bố: “Chúng tôi đang muốn bị bắt đây!”.

Ông Benny Tai, người lãnh đạo phong trào Occupy Central của thành phố cùng hai nhà hoạt động khác, tuyên bố: Các kế hoạch biểu tình ngồi, nhằm làm ngừng trệ hoạt động của khu vực kinh doanh trung tâm thành phố, đang được triển khai.

12/9: Người biểu tình ở Hong Kong đối diện khoảnh khắc được biết sự thật: Phong trào Occupy Central chuẩn bị phát động chiến dịch bất tuân dân sự, khi mà nhu cầu hành động tiếp sau đối thoại đang đưa đến việc phải có một phong trào biểu tình phản đối theo hướng được cân nhắc kỹ càng.

“Chúng tôi đã không ngây thơ mà tin rằng Bắc Kinh sẽ chấp nhận yêu cầu có bầu cử đúng nghĩa của chúng tôi” – Chan Kin-man, đồng sáng lập Occupy Central, phát biểu. “Nhưng chúng tôi cũng đã không nghĩ rằng quyết định của Bắc Kinh lại cứng rắn đến thế”.

Chủ nhật, 28/9, gần trụ sở của chính quyền Hong Kong. (Ảnh: AFP/ Getty Images)

28/9: Biểu tình ủng hộ dân chủ làm rung chuyển Hong Kong. Cảnh sát dùng bình xịt hơi cay để giải tán những người biểu tình ủng hộ dân chủ, trong những cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất giữa cảnh sát và người biểu tình ở Hong Kong suốt gần một thập niên qua.

30/9: Biểu tình thu hút thêm người. Sau khi đọc/xem những post (bài đăng tải) trên mạng xã hội về việc người biểu tình bị phun hơi cay và bị cảnh sát truy tố, dân cư Hong Kong đã tham gia cùng với sinh viên, tạo ra một dòng người biểu tình dài tới 2 mile (hơn 3km) kéo suốt từ trung tâm Hong Kong đến vịnh Causeway (vịnh Đồng La).

(Wall Street Journal. Nguồn: http://graphics.wsj.com/timelines/occupyhk)


2/10: Leung Chun-ying (Lương Chấn Anh) tổ chức họp báo, tuyên bố không từ chức.