Wednesday 5 November 2014

"Luật học như cơm bình dân"

(Tựa đề trên mượn ý của tạp chí e-Chip trong một slogan từ năm 2003, “Tin học như cơm bình dân”)

Ngày này cách đây 14 năm với tôi là một ngày rất đặc biệt trong đời. Đó là ngày tôi xuất hiện lần đầu tiên ở một tòa soạn báo, với tư cách… thử việc. Và đó là tờ báo điện tử chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam, VnExpress. Nói “đầu tiên”, bởi vì từ khi Việt Nam nối mạng Internet (năm 1997) cho tới trước khi VnExpress ra đời, cũng đã có một số trang mạng tiếng Việt hoạt động gần giống như báo điện tử rồi, trong đó có trang web của FPT, của VASC, v.v.; nhưng không có site nào được vận hành quy củ, bài bản, đúng nghĩa một tòa soạn báo cả - thời gian đó, nhìn chung các site ấy vẫn giống diễn đàn, hay trang tin nội bộ hơn.

Tôi rất nhớ mùa đông năm 2000 ấy và những ngày tháng đầu tiên làm quen với nghề báo của mình. Đôi khi nhớ lại, tôi vẫn hình dung mình giống như một đứa trẻ, ngây ngô, ngơ ngác, cái gì cũng sợ, gặp ai cũng sợ. Sợ nhiều thứ, nhưng nỗi sợ lớn nhất là viết sai. Phải nói thành thực là nỗi sợ ấy bám theo tôi suốt từ đó đến tận bây giờ, qua cả cái thời kỳ dịch những dòng đầu tiên về khoa học, tới thời viết về cộng đồng giới tính thứ ba, tới những ngày viết về nợ công, kinh tế học và chính sách công, những lần vừa viết về Biển Đông-Hoàng Sa-Trường Sa vừa run lẩy bẩy (nghĩa đen)…

Ngày 5/11 năm nay, đứa trẻ nhát như cáy của 14 năm về trước lại lọ mọ với một tờ báo mới mở khác, ở trong một lĩnh vực mà người ta rất dễ viết sai, rất dễ phạm sai lầm, và cái sai có thể gây di họa rất lớn: Luật Khoa tạp chí. Đó là một tạp chí bình dân về luật pháp và luật học, nhằm vào việc “cung cấp thông tin và kiến thức pháp lý cho cộng đồng”, “thúc đẩy việc học tập và nghiên cứu pháp luật ở Việt Nam”…


Địa chỉ trang Luật Khoa: http://luatkhoa.org
Facebook: http://facebook.com/luatkhoa.org

Tôi không học ngành luật (cũng như chưa từng được đào tạo về báo chí), không phải luật sư, thẩm phán, càng không phải nhà nghiên cứu luật học. Nhưng nhược điểm rất lớn đó lại cũng có thể là một thuận lợi: Tôi hiểu rõ tâm lý, suy nghĩ của những người chưa có kiến thức về luật pháp, tức là những “dân thường”. Tôi ý thức được nỗi sợ của người không biết gì về luật, mà lại không hiểu phải bắt đầu từ đâu để vượt qua cánh rừng rậm mênh mông đó. Tôi nhìn thấy cảm giác choáng ngợp của họ. Cũng như tôi hiểu (phần nào) thân phận của những công dân có việc dính tới “cửa quan” mà lại thấp cổ bé họng, chẳng biết tin vào ai, chẳng biết phải làm gì, nói chi tới việc sử dụng luật pháp để bảo vệ mình…

Tôi hiểu những cái đó, và tôi muốn cùng mọi người học để biết, học để xóa bỏ nỗi sợ hãi của sự không hiểu biết. Nhà báo thì rõ ràng chẳng phải thánh tướng gì, và những điều nhà báo viết rất có thể sai. Nhưng điều quan trọng (mà có lẽ ít người để ý) là quá trình một nhà báo viết và độc giả đọc, cũng là quá trình tất cả họ cùng học với nhau.

Và nói rộng ra, quá trình chúng ta cùng tìm hiểu về luật pháp và luật học chính là quá trình chúng ta đi những bước đầu tiên trên con đường xây dựng nhà nước pháp quyền.