2014
2/1: Báo
Tuổi Trẻ khởi đăng loạt bài bốn kỳ “40 năm hải chiến Hoàng Sa”, tác giả Quốc Việt
và Trần Nhật Vy. Cả báo chính thống (Thanh Niên, Tuổi Trẻ) lẫn truyền thông độc
lập (Dân Làm Báo và các trang cộng đồng trên Facebook) đều mở chuyên đề tưởng
niệm 40 năm cuộc huyết chiến (18/1/1974).
7/1:
Tại
phiên xử Dương Chí Dũng (Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam
Vinalines), bị cáo Dương Chí Dũng khai đã được chính Thứ trưởng Công an Phạm
Quý Ngọ mật báo tin bị “Thủ tướng chấp thuận lệnh khởi tố bắt tạm giam”. Hơn một
tháng sau, tối 18/2, Phạm Quý Ngọ mất đột ngột vì ung thư gan, đặt dấu chấm hết
cho các hoạt động điều tra, khởi tố.
8/1:
Blogger
Hồ Đức Thanh (sinh ngày 17/1/1981) qua đời vì bạo bệnh. Tốt nghiệp Học viện
Quan hệ Quốc tế, anh là một trong số rất ít blogger hoạt động nhân quyền ở Hà Nội
sử dụng tiếng Anh và tham gia tích cực vào phong trào khai dân trí theo tinh thần
Phan Chu Trinh. Một lớp học của Thanh đã bị công an bố ráp vào tối 13/8/2013
(xem 2013), anh và các bạn trẻ bị cướp máy tính, điện thoại, bị đưa về đồn thẩm
vấn và đánh đập.
“Tôi và nhiều người khác đã được biết Thanh là một người rất hiền lành.
Dù nghĩ gì về chính trị, là thành viên của Ban Tuyên giáo hay là dân thường ở
ngoài bộ máy, chúng ta phải phấn đấu hướng tới một nước Việt Nam thực sự đảm bảo nhân quyền. Riêng tôi sẽ nhớ
Hồ Đức Thanh mãi” (TS. Jonathan London, giáo sư ĐH Thành thị Hong Kong, viết
bằng tiếng Việt).
12/1: Lần
đầu tiên, một phái đoàn gồm đại diện của sáu tổ chức xã hội dân sự độc lập ở Việt
Nam bắt đầu chiến dịch vận động cho nhân quyền Việt Nam tại Mỹ và châu Âu. Phái
đoàn gồm đại diện các tổ chức No-U Việt Nam, Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Dân
Làm Báo, Phật giáo Hòa Hảo Truyền thống, Con Đường Việt Nam, và VOICE.
19/1: Các
blogger ở Hà Nội tổ chức tưởng niệm 40 năm ngày mất Hoàng Sa tại tượng đài Lý
Thái Tổ ven Hồ Gươm. Buổi tưởng niệm bị phá bởi một nhóm thợ đá kéo đến ngồi
quanh tượng đài để cưa đá, tạo tiếng ồn và bụi bay mờ mịt, đồng thời dân phòng
cũng được bố trí để bảo vệ tốp thợ đá này.
22/1: Ông
Lê Hiếu Đằng, luật gia, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, mất
vì bệnh. Trước đó hơn một tháng, ngày 4/12/2013, ông đã tuyên bố ra khỏi đảng Cộng
sản Việt Nam. Tại đám tang ông (24/1), băng-rôn trên vòng hoa của Bauxite Việt
Nam, Diễn đàn Xã hội Dân sự, Ủy ban Công lý và Hòa bình, Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn
Văn Bình, đều bị một nhóm người lạ xông vào cướp giật công khai. Trong số kẻ cướp
băng-rôn, có người bị nhận diện là an ninh.
Việc bố trí lực lượng giật
băng-rôn sẽ còn được lặp lại tại đám tang thầy giáo Đinh Đăng Định và nhà văn
Bùi Ngọc Tấn.
30/1:
Phái đoàn dân sự độc lập tổ chức Ngày Việt Nam tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở
Geneva.
5/2:
Phái
đoàn dân sự độc lập tham dự buổi điều trần của Việt Nam trước Hội đồng Nhân quyền
Liên Hợp Quốc, theo cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR), chứng kiến cảnh
phái đoàn của Việt Nam tảng lờ những câu hỏi chất vấn về nhân quyền theo phong
cách “hỏi một đằng, trả lời một nẻo”.
11/2: Bà
Bùi Thị Minh Hằng – một gương mặt nổi bật trong phong trào biểu tình chống
Trung Quốc và đấu tranh cho dân oan – bị bắt tại Đồng Tháp cùng hai tín đồ Phật
giáo Hòa Hảo Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh. Hơn một tuần sau, thông
tin về vụ bắt mới được công bố chính thức, nhưng cũng không dập tắt được dư luận
về một màn kịch được dựng lên để bắt người.
17/2:
No-U Hà Nội và nhiều blogger tổ chức tưởng niệm 35 năm chiến tranh biên giới Việt-Trung,
dưới trời mưa lạnh. Từ sáng sớm, công an, dân phòng, thanh niên tình nguyện phường
Lý Thái Tổ đã giăng băng-rôn lấn chiếm địa bàn. Tới cao trào, “quần chúng tự
phát” được huy động đến nhảy điệu “Con bướm xinh” dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ.
18/2: Xử
phúc thẩm luật sư Lê Quốc Quân với tội danh “trốn thuế”. Ông Quân bị tuyên y án
hai năm sáu tháng tù, công ty của ông bị phạt hơn 1,29 tỷ đồng để sung quỹ nhà
nước.
28/2: Sài
Gòn Tiếp Thị, tờ báo chính thống gắn bó rất nhiều với các blogger từ thời Yahoo
360, ra số cuối cùng trước khi đình bản theo quyết định của Bộ Thông tin-Truyền
thông. Bộ này cũng ký cho phép Thời báo Kinh tế Sài Gòn xuất bản một ấn phẩm có
cái tên khó hiểu là “Sài Gòn Tiếp Thị bộ mới”, với đa số nhân sự mới và nội
dung cũng không còn tính “chiến đấu” như trước.
1/3: Khủng
hoảng bán đảo Crimea dẫn đến xung đột Nga-Ukraine: Quốc hội Nga ra lệnh can thiệp
quân sự vào Ukraine để bảo vệ các lợi ích của Nga và những người nói tiếng Nga.
22/3:
“Người tù thế kỷ” Nguyễn Hữu Cầu được trả tự do sau hai lần ngồi tù với tổng thời
gian sau song sắt lên tới 37 năm, vì tội chống chính quyền XHCN.
22/3-3/4:
Xét
xử sơ thẩm 5 viên công an đánh chết anh Ngô Thanh Kiều vào tháng 3/2012. Cả 5 bị
cáo đều chỉ bị buộc tội “dùng nhục hình”, mặc dù luật sư Võ An Đôn – đại diện
cho gia đình nạn nhân – khẳng định đó phải là tội giết người. Kết quả, hai
trong số 5 thủ phạm hưởng án treo, người nặng nhất 5 năm tù giam, hai người còn
lại 2 năm và 1,5 năm tù.
Tại phiên phúc thẩm ngày
9/7, TAND tỉnh Phú Yên tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Kể từ khi nhận bảo vệ cho
gia đình nạn nhân, luật sư Võ An Đôn bắt đầu phải đối diện với sự thù ghét và
hành động trả đũa của phía công an, công tố viên và tòa án địa phương.
3/4: Thầy
giáo Đinh Đăng Định, một tù nhân lương tâm, mất vì ung thư dạ dày sau không đầy
một tháng được “đặc xá”. Ước tính có tới hàng nghìn người tham dự đám tang của
ông (7/4).
7/4: TS.
luật Cù Huy Hà Vũ được trả tự do và sang Mỹ cùng vợ.
12/4:
Thêm hai tù nhân chính trị – Vi Đức Hồi và Nguyễn Tiến Trung – được trả tự do.
3/5:
Trung
Quốc triển khai giàn khoan dầu khổng lồ Haiyang Shiyou 981 ra Biển Đông, vào
vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa.
Cảnh sát biển Việt Nam đang quay phim
cảnh tàu hải giám Trung Quốc tiến đến gần tàu Việt Nam.. (CNN)
5/5:
Anh
Ba Sàm – blogger nổi tiếng, chủ của trang web “Thông Tấn Xã Vỉa Hè” – bị bắt
cùng với người trợ lý là cô Nguyễn Thị Minh Thúy. Cả hai cùng bị khởi tố theo
Điều 258 Bộ luật Hình sự, “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm hại lợi ích nhà
nước, quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, công dân”.
7/5:
Tòa
phúc thẩm giữ nguyên án tử hình đối với Dương Chí Dũng (Chủ tịch HĐQT) và Mai
Văn Phúc (TGĐ VinaLines) về tội tham ô.
11/5: Lần
đầu tiên, 20 tổ chức dân sự độc lập ở Việt Nam cùng kêu gọi biểu tình chống
Trung Quốc, trả tự do cho những người yêu nước chống Tàu, như Ba Sàm, Điếu Cày,
Bùi Thị Minh Hằng… Hưởng ứng lời kêu gọi, nhiều blogger ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng
và Nha Trang đã xuống đường. Đồng thời, một số gương mặt “biểu tình viên” quen
thuộc, vốn là các nhà hoạt động nhân quyền, đã bị sách nhiễu, chặn đường không
cho đi đến nơi biểu tình, thậm chí bị nhốt luôn trong nhà như blogger Nguyễn
Văn Thạnh (Đà Nẵng).
12-14/5:
Bạo
loạn bùng nổ ở khu công nghiệp Bình Dương, nhân danh “chống Trung Quốc”. Thống
kê không chính thức cho biết có tới 169 nhà máy bị đập phá, 14 công ty bị đốt.
Hơn 400 người bị bắt.
Chiều 14/5, bạo loạn tiếp tục
xảy ra ở khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) và có xô xát giữa công nhân địa phương
với công nhân Trung Quốc.
18/5: Các
tổ chức xã hội dân sự tổ chức biểu tình chống Trung Quốc lần thứ hai. Công an
đàn áp, đánh đập tàn tệ một blogger trẻ người Khmer tên là Vanda Lâm.
Trong những tuần tiếp theo,
cộng đồng người Việt tại nhiều nước trên thế giới cũng tổ chức biểu tình “tiếp
lửa” cho trong nước: Mỹ, Canada, Pháp, Hà Lan, Ba Lan, Australia, Philippines.
21/6: Đỗ
Thị Minh Hạnh – một trong những người đi đầu đấu tranh bảo vệ quyền lao động –
được trả tự do sau hơn 4 năm tù. (Mức án tòa tuyên cho Minh Hạnh là 7 năm tù,
vì tội “phá rối an ninh” theo Điều 89 Bộ luật Hình sự).
24/6: Một
phái đoàn đại diện cho 10 tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước, tham gia phiên
họp lần thứ 26 của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva. Luật gia Trịnh Hữu Long
trình bày báo cáo phản ánh tình trạng vi phạm nhân quyền gia tăng trong nước.
Nửa cuối tháng 6, lực lượng
chống dân chủ ở Việt Nam bắt đầu sử dụng một chiêu thức mới để đánh phá trên mạng:
Lợi dụng chính sách “báo cáo vi phạm” (report abuse) của Facebook, họ tập trung
đánh phá cho đến khi Facebook phải đóng trang cá nhân của các nhà hoạt động
nhân quyền.
Hơn 50 trang Facebook của
các blogger ủng hộ dân chủ-nhân quyền ở Việt Nam và người Việt ở nước ngoài đã
bị đánh sập. Phía blogger phản ứng lại bằng cách lập các nhóm “báo cáo ngược lại”,
và cuộc chiến tranh mạng bắt đầu leo thang. Sự việc chỉ chấm dứt sau khi một số
blogger người Việt ở nước ngoài tổ chức được những cuộc tiếp xúc kín với đại diện
tập đoàn Facebook để đề nghị được ủng hộ.
4/7:
Việt
Nam Thời Báo, tờ báo của Hội Nhà báo Độc lập, ra đời.
20/8: Nhà
văn – nhà báo Trần Đĩnh công bố tác phẩm “Đèn Cù”, phần I. Phần II phát hành
ngày 21/11. Cuốn sách tiết lộ nhiều bí mật cung đình của chính quyền và được
xem như một sự giải thiêng hình tượng Hồ Chí Minh cũng như nhiều chính khách cộng
sản khác.
26/8:
Phiên xét xử sơ thẩm ba blogger Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Thị
Thúy Quỳnh diễn ra tại Đồng Tháp. Tất cả các blogger đến dự đều bị ngăn chặn,
không thể vào được phòng xử án. Tòa xử bà Hằng 3 năm, ông Minh 2 năm 6 tháng, và
cô Quỳnh 2 năm tù vì tội “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 Bộ luật Hình
sự.
2/9:
Mạng
Lưới Blogger Việt Nam phát động phong trào “Tôi muốn biết”, đòi hỏi quyền được
biết những thỏa thuận, ký kết có liên quan đến chủ quyền quốc gia, bắt đầu bằng
Hiệp ước Thành Đô tháng 9/1990.
8/9:
Một
triển lãm đầu tiên về cải cách ruộng đất được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Quốc
gia, Hà Nội. Tranh cãi nổ ra giữa những người cho rằng triển lãm vẫn không
trung thực với lịch sử, và những người ủng hộ một nỗ lực phục dựng lịch sử, dù
nhỏ nhoi. Một số nông dân kéo tới triển lãm phản đối. Ngày 12/9, triển lãm đóng
cửa sớm (theo kế hoạch là kéo dài tới cuối năm).
19/9: Vợ
chồng ông bà Trịnh Bá Khiêm – Cấn Thị Thêu, nông dân Dương Nội, bị xử lần lượt
18 và 15 tháng tù vì tội “chống người thi hành công vụ” (Điều 257 Bộ luật Hình
sự). Một người khác là Lê Văn Thanh bị án 1 năm tù. Cả ba đều bị bắt sau khi phản
kháng một vụ cưỡng chế đất đai diễn ra ngày 25/4 tại Dương Nội.
Hàng chục nông dân Dương Nội
kéo đến phiên tòa nhưng không được tiếp cận phòng xử án. Ngay cả hai con của
ông bà Khiêm-Thêu là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư cũng phải đứng ngoài, hòa
vào đám đông dân oan đòi công lý.
28/9: Biểu
tình ủng hộ dân chủ làm rung chuyển Hong Kong. Phong trào Occupy Central thu
hút hàng trăm nghìn người tham gia, trong đó sinh viên đóng một vai trò nổi bật.
Bất chấp việc cảnh sát dùng hơi cay giải tán, đám đông vẫn giữ tinh thần phi bạo
lực. Biểu tình kéo dài ngay cả sau khi Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh tuyên bố
không từ chức (2/10).
20/10
- 28/11: Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII. Các quan chức tiếp tục
để lại những câu nói để đời, làm trò cười cho cộng đồng mạng, như: “Không phong
tướng, anh em tâm tư”. Với phát biểu này, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang
Thanh được các blogger phong là “Đại tướng Phùng Tâm Tư”.
21/10:
Blogger
Điếu Cày được trả tự do và bị đưa sang Mỹ ngay lập tức, củng cố thêm dư luận về việc nhà nước “đem tù nhân lương tâm
ra đổi chác với Mỹ”.
25/11:
Tòa
án Nhân dân tỉnh Long An thông báo với gia đình Hồ Duy Hải rằng Hải sẽ bị tử
hình vào ngày 5/12/2014, bất chấp việc tiến trình điều tra, tố tụng đã có nhiều
sai phạm, vi phạm hoàn toàn nguyên tắc “pháp trình chính đáng” hay “thủ tục tố
tụng đúng chuẩn” (due process) trong luật pháp. Làn sóng phản đối, kêu oan cho
Hồ Duy Hải lan truyền trên mạng xã hội và báo chí chính thống. Ngày 4/12, khi
chỉ còn khoảng 10-12 tiếng trước giờ hành quyết, Phó Chánh án TAND Lê Quang
Hùng viết bút phê xác nhận với gia đình Hồ Duy Hải về việc tạm dừng thi hành
án.
29/11:
Blogger
Người Lót Gạch, tên thật là Hồng Lê Thọ, vốn là một giáo sư Việt kiều, bị bắt
và khởi tố theo Điều 258 Bộ luật Hình sự.
4/12:
Liên
ngành Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) gửi công văn
yêu cầu Sở Tư pháp Phú Yên thu hồi chứng chỉ hành nghề của luật sư Võ An Đôn –
người bảo vệ gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều. Công văn nại lý do là luật sư
Đôn đã “lợi dụng việc hành nghề, có lời lẽ thiếu văn hóa, xúc phạm đến người
tham gia tố tụng trong vụ án và nhiều đồng chí lãnh đạo đương nhiệm khác trong
các ngành nội chính”, “tạo thành điểm nóng không tốt trong dư luận xã hội, gây ảnh
hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương”.
158 blogger trong nước và nước
ngoài đã gửi thư cho liên ngành nói trên, tuyên bố ủng hộ luật sư Võ An Đôn và
yêu cầu chính quyền địa phương chấm dứt sách nhiễu, trả thù ông Đôn.
6/12: Nhà
văn Nguyễn Quang Lập, tức blogger Bọ Lập, chủ trang web Quê Choa, bị bắt, cũng
theo Điều 258 Bộ luật Hình sự, sau đó bị chuyển đổi tội danh thành Điều 88, tội
“tuyên truyền chống Nhà nước”.
15/12:
Phiên phúc thẩm vụ án bầu Kiên kết thúc sau hơn nửa tháng xét xử (phiên sơ thẩm
kéo dài từ ngày 20/5 đến đến 9/6/2014). Đại gia một thời, Nguyễn Đức Kiên, bị y
án 30 năm tù.
16/12: Cha
mẹ của một tử tù khác – Nguyễn Văn Chưởng – đeo biển đứng trước cổng Tòa án
Nhân dân ở Hà Nội, tuyệt vọng kêu oan cho con.
Hàng chục nông dân Dương Nội
hưởng ứng, biểu tình kéo dài đòi công lý cho Nguyễn Văn Chưởng tại Tòa án và
khu vực tượng đài Lý Thái Tổ. Sáng 25/12, No-U Hà Nội tổ chức tuần hành ủng hộ
gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng: “Dù có thể bị bắt vì biểu tình, vì gây rối,
vì rải truyền đơn hay vì bất cứ lí do nào khác nhưng chúng tôi chấp nhận vì đây
là cách duy nhất chúng tôi có thể làm để cứu một người sắp chết oan trước sự
quan liêu và thờ ơ vô cảm của các cấp chính quyền”.
18/12: Nhà
văn Bùi Ngọc Tấn, tác giả của Chuyện kể năm 2000 – cuốn sách có thể coi là xuất
sắc của văn học Việt Nam bốn thập niên trở lại đây, một “quần đảo Gulag” của Việt
Nam – qua đời vì bệnh ung thư phổi, hưởng thọ 81 tuổi.