Trong chiến dịch bảo vệ cây xanh ở Hà Nội những ngày qua,
chúng tôi được biết là đã có một vài bạn sinh viên bị công an cản trở, sách nhiễu,
hoặc lôi về đồn làm việc.
Số trường hợp sinh viên bị làm việc kiểu này chắc sẽ tăng
lên trong những ngày tới. Do đó, chúng tôi xin cung cấp cho các bạn bài viết
mang tính chất hướng dẫn pháp lý sau đây. Nó chắc chắn chưa đầy đủ để có thể trở thành một cuốn cẩm nang, tuy nhiên, chúng tôi hy vọng nó sẽ giúp các bạn có thêm hiểu
biết về pháp luật và cách sử dụng pháp luật để bảo vệ mình.
Bài viết được trình
bày dưới dạng câu hỏi và trả lời, dựa trên các nguyên tắc luật pháp phổ quát và
“đặc thù” pháp luật Việt Nam.
* * *
1.
Công an có thể “mời” bọn mình về đồn không?
Thực ra, hành động cậy số đông, cậy sức mạnh thể chất và
cậy thế công vụ để đưa những sinh viên lẻ loi, không mang vũ khí và không có dấu
hiệu tội phạm, vào đồn, là “bắt” chứ không phải “mời”, bất kể công an và/hoặc
dân phòng gọi đó là gì.
Cho nên, đề nghị các bạn hãy gọi sự vật hiện tượng bằng
đúng tên của nó, thay vì tìm cách bóp méo từ ngữ như thói quen lâu nay của
tuyên giáo. Đó là bắt, không phải là mời. Còn nếu là mời thì bạn có quyền từ chối.
2.
OK, thì gọi là “bắt”. Vậy công an có thể bắt bọn mình về đồn không?
Bắt người là một trong những biện pháp ngăn chặn do cơ
quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án áp dụng đối với bị can, bị
cáo, hoặc người chưa bị khởi tố nhưng bị bắt khẩn cấp. Mà các bạn thì chẳng
ở dạng nào trong số này cả, đúng chưa?
3.
Đúng rồi... nhưng “bắt khẩn cấp” là gì, nghe sợ thế? Như kiểu bắt Trang Trần ấy
hả?
Ừm, đúng là nếu không hiểu luật pháp thì nghe cụm từ “bắt
khẩn cấp” sợ thật. Theo Điều 81 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì có 3 trường hợp
công an được phép bắt người khẩn cấp, các bạn thử xem các bạn, hay là o Trang
Trần, có thuộc diện nào không nhé?
- Trường hợp thứ nhất: Khi có căn cứ để cho rằng
người đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội
phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Thắt ruy-băng lên cây hoặc đi biểu tình mà là tội rất
nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng hử? Bạn có tự tin về độ nguy hiểm của
mình quá không đấy?
- Trường hợp thứ hai: Khi người bị hại hoặc người
có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận
đúng là người đó đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn
ngay việc người đó trốn.
Ờ, nếu bạn cho là bằng hành động thắt ruy-băng lên cây hoặc
đi biểu tình, bạn đã hại một ai đó, thì có nghĩa là bạn tự cho rằng mình phạm tội.
Nhưng kể cả như thế đi nữa thì bạn có định trốn không?
Tuy nhiên, dù sao thì cụm từ “xét thấy cần ngăn chặn”
cũng khá mơ hồ. Có khi chúng ta chẳng hề định chạy trốn, nhưng mà cả lô công an
vẫn ụp vào bắt, vì họ “xét thấy cần ngăn chặn” chúng ta trốn. Nhưng bạn yên
tâm, chỉ có thắt nơ lên cây và đi biểu tình thì bạn chưa đủ độ nguy hiểm để lọt
vào diện này đâu.
- Trường hợp thứ ba: Khi thấy có dấu vết của tội
phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm
và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy
chứng cớ.
Bạn rõ ràng không thuộc trường hợp này rồi nhé.
4.
Ôi phức tạp, phức tạp… Thế bắt khẩn cấp thì khác gì bắt thường?
Thì vừa nói đấy: Bắt là biện pháp ngăn chặn, áp dụng đối
với bị can, bị cáo, hoặc người chưa bị khởi tố nhưng bị bắt khẩn cấp.
Nghĩa là, bắt khẩn cấp là dành cho người chưa bị khởi tố
(không phải bị can, bị cáo), càng chưa bị kết án. Việc bắt khẩn cấp cho phép
công an tiến hành bắt ngay lập tức một người nào đó mà chưa cần làm thủ tục bắt
người theo trình tự thủ tục do luật định, tức là không cần phải có lệnh bắt do
viện kiểm sát phê chuẩn.
Nói vậy chứ bắt khẩn cấp là cần thiết chứ các bạn, trong
trường hợp bắt đối tượng bị truy nã hoặc bắt quả tang tội phạm. Lúc ấy, tình thế
khẩn cấp như vậy mà đòi hỏi công an phải có lệnh bắt, xin viện kiểm sát phê chuẩn,
thì sao mà kịp. Nhưng các bạn (và, nhân tiện, cả Trang Trần) đều không ở diện đó.
5.
Công an có thể ép bọn mình phải làm việc với công an không? Nếu bọn mình từ chối,
họ lại bảo “chỉ là làm việc bình thường thôi mà, có gì đâu”.
Trong Bộ luật Tố tụng Hình sự (quy định trình tự, thủ tục
tiến hành các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử án hình sự), chẳng
có hoạt động nào của công an được gọi là “làm việc” cả. Đấy là họ cứ nói thế để
tỏ ra nguy hiểm, để dọa bạn đấy thôi.
Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự thì hoạt động của cơ quan điều
tra là khởi tố vụ án và điều tra. Mà bạn chỉ đi buộc nơ lên cây hoặc biểu
tình thì làm gì có vụ án nào được khởi tố cơ chứ.
Đó là chưa kể điểm này rất quan trọng: Công an phường, an
ninh thường phục không có thẩm quyền khởi tố vụ án và điều tra, chỉ an ninh điều tra, cảnh sát điều tra mới có quyền đó.
Tóm lại, mấy chú công an phường và dân phòng chẳng có cơ sở pháp lý nào để “làm việc”
với bạn cả.
Ảnh chụp tại sự kiện Tree Hugs, sáng 22/3, Hà Nội.
Nguồn ảnh: FB 6,700 người vì 6,700 cây xanh.
6.
Họ hỏi bọn mình về tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp, gia đình, họ tên cha, họ
tên mẹ, địa chỉ và hộ khẩu… Bọn mình có quyền từ chối trả lời không?
Công an hỏi thế là vi phạm nhân quyền quá lắm. Như đã nói
ở trên, họ không có cơ sở pháp lý nào để “làm việc” với bạn, cho nên thẩm vấn bạn
đã là sai phạm rồi, nói gì đến chuyện hỏi thông tin cá nhân, thông tin đời tư của
bạn.
Chưa kể, khi hỏi như thế, công an cũng vi phạm một nguyên
tắc căn bản của pháp luật: Ai làm thì người đó tự chịu trách nhiệm, không liên
quan đến gia đình. Chỉ có thời phong kiến mới có kiểu một người bị tội thì cả
nhà vạ lây thôi. Đấy, bạn cứ nói vậy với công an. Mà này, bạn có thấy khó chịu
không, khi “biên bản làm việc”, “biên bản lời khai” lại nêu cả tên bố, mẹ, anh,
chị của bạn như thế?
Quên mất một điều nữa: Theo các chuẩn mực quốc tế về nhân
quyền, thì mọi công dân đều có quyền im lặng nữa cơ. Bạn chẳng có nghĩa vụ gì với
công an trong quá trình làm việc” của các chú ấy cả, nhất là khi chính công an
làm sai.
Quyền im lặng được thể hiện bằng nhiều cách: Bạn có thể
chẳng nói gì cả, hoặc đơn giản nói: “Tôi không biết”, “Tôi không có ý kiến”, “Tôi
không có câu trả lời cho câu hỏi này”, “Tôi không có quan điểm gì”, v.v. Bạn chỉ
cười cũng là một cách thực thi quyền im lặng rồi đấy.
7.
Dán khẩu hiệu, thắt ruy-băng lên cây có vi phạm luật gì không?
Không. Các bạn hãy yên tâm: Việc làm đó của các bạn không
vi phạm pháp luật về quản lý hành chính, mà càng không vi phạm pháp luật hình sự.
8.
Bên công an và dân phòng bảo bọn mình “làm mất mỹ quan đô thị”…
Luyên thuyên, đáng vả cho mấy cái vào mồm! Chẳng có văn bản
pháp luật nào quy định thắt nơ lên cây là phạm pháp hay “làm mất mỹ quan đô thị”
cả. Có một số nghị định hơi hơi liên quan đến trật tự đô thị, nhưng chỉ toàn
nói về chuyện bán hàng rong, xây nhà trái phép, kinh doanh dịch vụ lấn chiếm
lòng đường và hè phố.
Chưa kể, trong văn bản luật, cụm từ “mỹ quan đô thị” cũng cần được định nghĩa, được đánh giá bằng các tiêu chuẩn cụ thể. Các chú công an dân phòng nhìn cái gì cũng thấy xấu, còn bọn cháu thấy thắt ruy-băng vàng, xanh, tím, hồng... lên cây là đẹp thì sao? Biết ai có khiếu thẩm mỹ hơn ai, hơ hơ...
Chưa kể, trong văn bản luật, cụm từ “mỹ quan đô thị” cũng cần được định nghĩa, được đánh giá bằng các tiêu chuẩn cụ thể. Các chú công an dân phòng nhìn cái gì cũng thấy xấu, còn bọn cháu thấy thắt ruy-băng vàng, xanh, tím, hồng... lên cây là đẹp thì sao? Biết ai có khiếu thẩm mỹ hơn ai, hơ hơ...
Mà cứ giả sử là việc thắt ruy-băng lên cây là làm mất mỹ
quan đô thị thật, thì công an hay dân phòng đều không có thẩm quyền xử lý. Thẩm
quyền thuộc về cơ quan quản lý đô thị cơ, các chú ạ.
9.
Đi tuần hành, biểu tình có vi phạm luật gì không?
Có thể công an sẽ quy kết các bạn “tụ tập đông người trái
phép”, vi phạm Nghị định 36/CP. Tuy nhiên, các bạn chú ý này: Nghị định 36/CP
vi hiến, vì nó xâm hại quyền tự do hội họp và quyền biểu tình của các bạn, mà
quyền ấy đã được quy định tại Điều 25 Hiến pháp Việt Nam sửa đổi năm 2013.
Hoặc cũng có thể, họ buộc tội bạn “gây rối trật tự công cộng”.
Thực ra, họ cố đánh đồng hành động biểu tình với hành vi gây rối trật tự công cộng
đó thôi, chứ giữa biểu tình và gây rối, có sự khác biệt chứ. Theo nguyên tắc
chung, gây rối trật tự được hiểu là sự phá vỡ một trật tự hợp lý ở không gian
công cộng, ví dụ bật nhạc nhảy ở nơi đang yên tĩnh như đền, chùa… Nhưng bạn đi tuần hành ôn hòa chứ đâu
có hò hét, mở nhạc lớn ở đền, chùa, phải không?
Công an có muốn đè các bạn ra mà xử phạt hành chính, thì
cũng phải cung cấp cho bạn biên bản sự việc hay biên bản vi phạm lập tại hiện
trường.
Nếu đủ cứng, bạn cứ nói thẳng vào mặt các chú công an: “Cáo
buộc mơ hồ, vô căn cứ, muốn bắt lỗi phải có bằng chứng. Tại sao các chú dám nói
cháu gây rối trật tự công cộng? Bằng chứng đâu? Biên bản tại hiện trường đâu?”. (Các bạn chú ý
là, biên bản lập ngoài hiện trường không có giá trị, bởi lẽ nó không còn tính
trung thực, khách quan và trực tiếp nữa).
10.
Công an thường bảo bọn mình là “Ai cho phép biểu tình mà biểu tình? Làm gì đã
có luật biểu tình?”.
Các bạn đừng quên: Hiến pháp là luật nguồn, là gốc của mọi
loại luật khác. Hiến pháp Việt Nam quy định công dân có quyền biểu tình, thì
công dân đương nhiên có quyền biểu tình. Các đạo luật được làm ra phải nhằm
giúp dân chúng thực hiện quyền biểu tình, phải cụ thể hóa, hiện thực hóa quyền ấy,
chứ không phải để ngăn cấm dân dưới chiêu bài “quản lý”.
Chưa có luật biểu tình thì chúng ta cứ theo luật nguồn, luật
gốc mà làm, tức là tuân theo Hiến pháp. Bất cứ sự cản phá, bắt bớ nào cũng đều là
vi hiến và vi phạm luật hình sự (phạm tội bắt giữ người trái phép).
Ngay cả khi có luật biểu tình rồi, nhưng luật ấy không
giúp dân chúng thực hiện quyền biểu tình mà chỉ nhằm hạn chế quyền này của dân,
thì tức là luật đã vi hiến và phải bị bác bỏ.
Ảnh: Nguyễn Lân Thắng
11.
Khi bị hỏi là ai tổ chức, nếu là mình tổ chức thì có nên nói thật không? Nếu là
người khác tổ chức thì có nên nêu tên người đó ra không?
Như đã nói ở trên, về nguyên tắc, các bạn có quyền im lặng,
có quyền nói: “Cháu chẳng biết”. Riêng việc công an bắt các bạn về đồn để làm
việc đã là sai ngay từ đầu rồi, nên các bạn càng chẳng cần phải hợp tác, cung cấp
thông tin gì cho họ. Tốt nhất, nên cương quyết phản đối việc ép cung, mớm cung, dụ dỗ và khiêu khích để bạn phải buột miệng trả lời (kiểu như “thằng cu này hèn thế, dám làm dám nhận chứ, hay là cháu cũng nghĩ việc cháu làm là sai?”).
12. Khi bị hỏi là ai xúi giục, ai cho tiền để làm việc này, mình nên trả lời sao?
Mắng thẳng vào mặt mấy chú công an, nếu bạn cảm thấy họ đang xúc phạm nhân cách và khả năng tư duy độc lập của bạn.
Cương quyết phản đối việc ép cung, mớm cung, dụ dỗ và khiêu khích: “Các chú bỏ cái trò ấy đi nhé, người lớn cả rồi, không phải chơi cái kiểu khích bác ấy”.
13.
Công an đưa ra một loạt giấy tờ bắt bọn mình ký la liệt, sợ lắm. Phải làm thế
nào?
Các bạn nhớ này: Khi công an đưa cho bạn loại giấy tờ có
tên “biên bản lấy lời khai”, bạn từ chối thẳng thừng, không ký. Bạn chẳng phải
nghi can, bị can, bị cáo gì mà phải khai báo cả – riêng cái tiêu đề đã thấy xúc
phạm rồi.
Chưa kể, “biên bản lấy lời khai” là loại văn bản được sử
dụng theo Bộ Luật Tố tụng Hình sự, dùng cho việc điều tra các vụ án hình sự.
Trong khi đó, gây rối trật tự công cộng chỉ là lỗi hành chính mà thôi. Chính
công an mới đang phạm luật, chứ không phải bạn! Họ thường lôi loại giấy này ra
để hăm dọa bạn, khiến bạn lo sợ vướng vòng lao lý mà thành thật khai nhận hết cả.
Nếu công an lập “biên bản làm việc”, bạn cũng có quyền
không ký (bên cạnh những quyền như giữ im lặng, hoặc nêu quan điểm phản đối, hoặc
thể hiện lập trường rằng bạn không sai, họ mới sai). Bạn còn có quyền buộc họ
phải lập thành hai bản, bạn phải được giữ một bản. Nếu công an không đồng ý, bạn
từ chối ký.
14.
Công an bắt mình viết cam kết đủ thứ, đại loại “tập trung học tập, không đi gây
rối nữa”…
Và trước đó, các chú còn tặng cho bạn cả một bài giáo huấn,
rao giảng đạo đức dài phải không, haha…
Nhưng sau tất cả những gì được trình bày ở trên thì các bạn
đã thấy ai mới là người làm sai pháp luật, rất thiếu hiểu biết về nhân quyền, và cần được giáo huấn rồi chứ?
Bài liên quan:
Hãy biết quyền của mình (1): Chụp ảnh công an
Hãy biết quyền của mình (2): Chống bắt giữ tùy tiện
Bài liên quan:
Hãy biết quyền của mình (1): Chụp ảnh công an
Hãy biết quyền của mình (2): Chống bắt giữ tùy tiện