Saturday 28 March 2015

"Cẩm nang" làm việc với Đoàn trường, ban Giám hiệu


Sau khi tham gia các hoạt động bảo vệ cây xanh, có thể một số bạn sẽ bị an ninh để ý và báo về cho nhà trường. Nhà trường, vì nhiều lý do khác nhau, có thể mời bạn lên nói chuyện với sự tham gia của một số thầy cô giáo, ban cán sự lớp, Đoàn trường, Hội Sinh viên và đôi khi có cả các anh chị an ninh biệt phái ở trường nữa.

Tuy nhiên, các bạn đừng quá lo lắng. Chúng tôi đã trao đổi với nhiều bạn từng gặp phải chuyện này và tổng kết lại những câu hỏi thông dụng nhất họ từng gặp. Từ đó, chúng tôi có một vài gợi ý nho nhỏ để các bạn có thể hình dung những gì mình sẽ đối diện và cách ứng phó với chúng. Hy vọng cẩm nang này sẽ giúp các bạn tự tin thêm phần nào trong khi làm những việc mà các bạn tin là đúng. 

Theo thiển ý của chúng tôi, các bạn không nên đặt mình vào thế đối đầu với giáo viên, ban cán sự lớp. Nếu thầy cô giáo và bè bạn chưa hiểu vấn đề thì các bạn nên tìm cách giải thích để họ hiểu ra và đứng về phía các bạn, nói đơn giản là “tìm kiếm đồng minh”. Trong hoàn cảnh Việt Nam, nhận thức chính trị của mọi người không phải ai cũng như ai, do đó nếu bạn có “lỡ” đi trước một bộ phận thầy cô giáo thì cũng nên bình tĩnh thuyết phục, hơn là làm cho thầy cô phải bẽ mặt. (Chú ý: Thuyết phục chứ không phải là nhận sai nhận lỗi, vì bạn không sai và bạn chẳng có lỗi gì cả).

* * *

1. Ngày hôm đó, em đã có mặt tại địa điểm abc xyz nào đó phải không? Em đến đó làm gì? Đi cùng với ai? Mục đích em đi để làm gì?

- Thưa thầy/cô, hôm đó có phải buổi học không ạ? Khi ở ngoài không gian trường học thì em cũng như thầy cô, đều là những công dân bình đẳng trước pháp luật, nên em rất tiếc phải từ chối trả lời những câu hỏi mang tính cá nhân như vậy. Mong thầy/cô thông cảm. Em cũng rất cảm ơn nếu thầy và cô chỉ có ý hỏi han.

2. Việc học của em như thế nào? Em xem lại bảng điểm của em đi. Lo học tập trung học hành, lo cho tương lai đi. Bố mẹ vất vả nuôi em ăn học, em thấy sao?

- Thưa thầy/cô, em đủ lớn để biết lo cho mình ạ. Em cảm ơn thầy/ cô vì đã lo lắng cho cả bố mẹ em, dù bố mẹ em là người cho em tiền ăn học ạ. 

3. Em là sinh viên ngành tự nhiên/ kiến trúc/ bách khoa..., tại sao em lại quan tâm các vấn đề xã hội thế nhỉ?

- Thưa thầy/cô, việc quan tâm đến cái gì thì tùy mỗi người. Tuy nhiên, muốn là công dân tốt của xã hội thì phải hiểu và tham gia vào công việc xã hội chứ ạ.

Em nghĩ đáng ra câu hỏi của thầy/cô nên là: “Là công dân của một xã hội mà không quan tâm đến nó và không góp phần làm cho nó tốt lên, thì liệu có chấp nhận được không?”.

4. Em có biết những việc như vậy là vi phạm pháp luật, gây rối trật tự công cộng, làm ảnh hưởng đến an ninh xã hội?

- Em thấy có sự nhầm lẫn tương đối nghiêm trọng ở đây. Nếu hành động của em với tư cách công dân có vi phạm pháp luật, nặng thì công an đã bắt và truy tố ra tòa, nhẹ thì cũng bị phạt hành chính. Trách nhiệm của việc xử lý này là của cơ quan công quyền chứ không phải đến từ các công dân khác như thầy/cô ạ.

Ngoài ra, những việc như vậy có vi phạm pháp luật hay không thì mong thầy/cô dành thời gian tìm hiểu thêm, trên mạng có rất nhiều bài viết phân tích pháp luật có liên quan rồi đấy ạ.

5. Em có biết em chỉ là người bị lợi dụng cho các mục đích đen tối không? Việc làm của em dù tốt nhưng nó sẽ bị các thế lực thù địch xuyên tạc, lợi dụng. Em sẽ gặp nguy hiểm nếu không dừng lại.

- Thưa thầy/cô, em đủ nhận thức để biết mình đang làm việc gì, đúng hay sai. Cảm ơn vì thầy/cô đã lo lắng cho em. Nhưng em nghe Chủ tịch nước nói, “ Tham nhũng ảnh hưởng tới chế độ”. Em nghĩ chả có thể lực thù địch nào ngoài những quan chức, công chức tham nhũng, lạm quyền. Mà thầy/ cô chắc cũng biết đây, bây giờ họ nhiều đến mức nào.

6. Nếu em muốn tham gia hoạt động xã hội, em có thể làm với Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên cơ mà, sao lại tham gia với đám người xấu kia?

- Em nghĩ thầy/cô không nên tự cho mình phán xét người khác là xấu hay tốt. Còn trường mình có quy định sinh viên chỉ được tham gia các phong trào do Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên tổ chức mà không được tham gia hoạt động nào bên ngoài không ạ? Em thấy trong nội quy thì không có.

Vả lại, em nghĩ mình nên tham gia nhiều hoạt động xã hội khác ngoài Đoàn trưởng, Hội Sinh viên, để tích lũy thêm vốn sống và rèn luyện thêm các kỹ năng. “Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm”.

7. Những việc em quan tâm (cây xanh, biển đảo, v.v), đã có Đảng và Nhà nước lo, các vị lãnh đạo quan tâm. Em phải tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước chứ?

- Mỗi người từ vai trò, vị trí của mình sẽ có những cách lo khác nhau. Nhà nước có cách lo của nhà nước, thầy cô và em cũng có quyền và có cách lo riêng ạ.

Với lại, em nghĩ có vấn đề về logic ở đây. Chuyện Đảng và Nhà nước lo, và chuyện công dân đi biểu tình hay tuần hành để thể hiện chính kiến là hai chuyện khác nhau, không mâu thuẫn với nhau và không triệt tiêu lẫn nhau. Đảng và Nhà nước lo không có nghĩa là thanh niên không được lo, không được tham gia biểu tình, tuần hành hay làm các công việc khác có liên quan.

Ảnh: Nguyễn Lân Thắng
* * *

Còn rất nhiều câu hỏi về gia đình, bạn bè, các mối quan hệ ngoài xã hội nữa. Tuy nhiên, các bạn hãy nhớ: Các bạn có quyền tự do cá nhân, quyền bảo vệ đời tư của mình. Đó là chưa kể, các bạn có có một thứ quyền công dân rất, rất quan trọng, mà lâu nay vẫn bị tảng lờ đi: Quyền tham gia vào chính trị (right to political participation).
Cấm đi bộ trên vỉa hè ư, văn bản luật nào quy định thế? Cấm tham gia các hoạt động bên ngoài nhà trường ư, chắc chả có trường nào ra văn bản như thế cả. Và các bạn nên nhớ thật kỹ nguyên tắc này: Mỗi người dân đều được làm bất cứ việc gì mà pháp luật không cấm, như chính Thủ tướng của các bạn đã nói trong Thông điệp đầu năm 2014.
Câu nói ấy của Thủ tướng thật ra xuất phát từ một nguyên tắc kinh điển của pháp luật về chính quyền - nhà nước: Một người dân có thể làm bất cứ điều gì, trừ phi cái đó bị luật pháp cấm. Một quan chức không được làm bất cứ điều gì trừ phi cái đó được luật pháp cho phép.