Một ngày đầu tháng 5 ở Hà Nội, công an Việt Nam đột ngột ập
vào nhà, cũng là công ty, của một blogger nổi tiếng – Nguyễn Hữu Vinh, được biết
đến dưới cái tên Anh Ba Sàm. Vinh và trợ lý là cô Nguyễn Thị Minh Thúy –
một người mẹ của hai đứa con song sinh 7 tuổi – bị bắt ngay lập tức.
Vụ bắt khẩn cấp rõ ràng nhằm làm Vinh bất ngờ. Tuy nhiên, công an không kiểm soát được trang tin vốn đông người đọc Ba Sàm News, và trang
này vẫn tiếp tục hoạt động. Trên thực tế, chỉ 5 ngày sau khi Vinh và Thúy bị bắt,
hai cộng sự khác của ông đã ra một tuyên bố đầy thách thức: “Nguyễn Hữu Vinh bị bắt, nhưng Ba Sàm thì không”. Tuyên bố này hàm ý rằng một phong trào viết blog
mạnh mẽ hơn, viết vì sự thay đổi, sẽ tiếp tục nổi lên ở Việt Nam.
Vụ bắt bớ gây một làn sóng phẫn nộ lớn trong giới đấu
tranh. Phong trào Con Đường Việt Nam, một tổ chức xã hội dân sự hoạt động vì
quyền con người ở Việt Nam, cũng ra một tuyên bố vào ngày 7/5, nêu rõ: “Việc tiếp tục tước đoạt quyền tự do ngôn luận của các công dân trong nước như
ông Nguyễn Hữu Vinh, bà Nguyễn Thị Minh Thúy và những nhà hoạt động, blogger
khác chứng tỏ chính quyền Việt Nam không có thiện tâm hòa giải với chính người
dân mình và cương quyết khước từ mọi đóng góp của người dân vào tiến trình giữ
nước và dựng nước chung”.
Chính quyền phản công. Sử dụng hệ thống báo chí do công
an và quân đội kiểm soát, chính quyền buộc tội Vinh và Thúy “đăng tải các bài
viết có nội dung xấu, thông tin sai lệch, làm giảm uy tín, mất lòng tin trong
nhân dân về cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội lên mạng Internet”, vi phạm Điều
258 Bộ luật Hình sự.
Trong một bài viết đặc biệt hằn học, một trang mạng của
công an buộc tội Vinh: “Y chuyên viết về các vấn đề chính trị xã hội Việt Nam với
phong cách bình luận chống đối, luôn tìm cách làm cho mọi thứ của Việt Nam xấu
xa, tồi tệ giống với con người của y”.
Anh đã luôn có mặt ở những nơi đó. (Ảnh: No-U Hà Nội)
Người muốn thắp lửa
Nguyễn Hữu Vinh không phải luôn luôn là người được phong
trào dân chủ ưa thích. Bản thân vốn là một sĩ quan an ninh, ban đầu ông cũng bị
nghi ngờ. Sinh năm 1956 trong một gia đình cán bộ cao cấp, ông có đầy đủ điều
kiện để cũng trở thành một quan chức trong hệ thống cấp bậc của nhà nước cộng sản.
Ngay sau khi Vinh bị bắt, các blogger đã tìm lại tiểu sử
gia đình ông, để nhắc lại rằng cha của Vinh, cụ Nguyễn Hữu Khiếu, từng làm Đại
sứ Việt Nam tại Liên Xô hai nhiệm kỳ. Vào cái thời mà Liên Xô còn là “ông anh cả”
của Việt Nam trong Chiến tranh Lạnh, làm đại sứ là một đặc quyền, và như chính
Vinh từng viết trong một hồi ký ngắn vào năm 2012, ông và gia đình hồi đó sống
một cuộc sống mà toàn bộ phần còn lại của xã hội chỉ có thể mơ tưởng.
Ngôi nhà nơi ông sinh sống hồi nhỏ bây giờ là nhà của thủ
tướng đương nhiệm. “Khi người dân miền Bắc hầu như không biết đến hương vị bơ,
sữa, thì mỗi sáng hắn tản bộ vài bước qua số 2 Hoàng Diệu, kế bên dinh thự của
Tổng Bí thư Lê Duẩn, để mua những chai sữa tươi còn nóng hổi, những thỏi bơ,
pa-tê, ổ bánh mì thơm phức”.
Vinh thậm chí còn được gặp Hồ Chí Minh một lần khi mới
lên 5 tuổi – đó được coi là đặc ân đối với người dân miền Bắc Việt Nam hồi ấy.
Quan trọng nhất, nhờ thành phần gia đình, ông được tiếp cận
với những cuốn sách mà dân thường hoàn toàn không thể động đến. Một trong số
đó, gọi là “tài liệu tham khảo đặc biệt”, gồm những bài viết được Thông Tấn Xã
Việt Nam dịch chọn lọc từ báo chí nước ngoài sang tiếng Việt.
“Những năm 1960’, loại này có chữ “Mật-Không phổ biến”,
chỉ cấp bộ thứ trưởng trở lên được cung cấp, sau này thêm cấp vụ, cục. Rồi khoảng
cuối 1990’ thì bán tự do. Dù thế nào thì những tài liệu này cũng đã giúp hắn “tự
diễn biến” kha khá trong bao nhiêu năm “theo đảng”” – Vinh viết. Từ những tài
liệu này mà ông biết đến sự tàn bạo của chế độ cộng sản Mao Trạch Đông, mà tiếc
thay đó lại là lý tưởng mà chính quyền miền Bắc Việt Nam thời ấy cố vươn tới.
Chiến tranh leo thang, Vinh sơ tán về quê, nơi ông chứng
kiến cuộc sống nghèo đói của những người dân ở dưới trong bậc thang xã hội.
Nhưng niềm tin của ông vào lý tưởng cộng sản chỉ thật sự đảo lộn khi chiến
tranh kết thúc vào năm 1975, và ông có có cơ hội nhìn thấy khoảng cách phân
chia sâu sắc giữa “miền Nam tư bản” và “miền Bắc cộng sản”. Ông không mất nhiều
thời gian để đi đến kết luận rằng đời sống dưới chế độ tư bản, bất chấp những hạn
chế của nó, vẫn thịnh vượng hơn và khác hẳn cái cuộc sống được mô tả trong các
tài liệu tuyên truyền của người cộng sản.
“Hắn được “mở mắt” thêm nhiều nữa” – Vinh viết. “Rồi thêm
một thứ “diễn biến” khác là hắn đã liều bỏ không biết bao thời gian và tiền túi
để lọ mọ học tiếng Anh và vi tính từ lúc mọi người còn coi là thứ xa lạ”.
Để nhóm lên ngọn lửa
“Luôn quyết liệt, đam mê, và can đảm” – Phạm Xuân Cần, bạn
học cũ của Vinh ở Học viện An ninh, viết, hòa thêm vào cơn phẫn nộ của cộng đồng
blogger sau vụ bắt giữ Vinh. Ông Cần nhớ lại Vinh đã là một sinh viên của Học
viện như thế nào, sau đó trở thành một sĩ quan an ninh, rồi làm việc ở Ban Việt
kiều. Kinh nghiệm làm việc của Vinh với các trí thức Việt Nam ở nước ngoài – một
số trong đó đã lưu vong từ năm 1975 – bổ sung thêm vào những hiểu biết của ông
về “miền Nam tư bản”, khiến ông bị ám ảnh bởi cái ý nghĩ: “Bao nhiêu con người
với những bộ óc tài ba đã bị phung phí”.
Năm 1999, gần như ngay sau khi Việt Nam thông qua Luật
Doanh nghiệp, Vinh ra khỏi biên chế Nhà nước và thành lập công ty riêng, VPI,
công ty thám tử tư đầu tiên ở Việt Nam. Công việc làm ăn của Vinh tiến triển tốt,
và lợi nhuận của nó đủ làm Vinh nghĩ đến chuyện theo đuổi những sự nghiệp khác.
Năm 2005, khi mạng xã hội 360 (mà giờ đây đã sập) của
Yahoo! xuất hiện, Vinh cũng tham gia làm blog như bất kỳ thanh thiếu niên Việt
Nam nào. Ông tạo ra trang blog Anh Ba Sàm trên nền Yahoo, ban đầu chỉ đăng tải
các bài mà ông viết cho báo chí nhà nước, cho đến khi ông nhận ra nhu cầu của
những người dân Việt Nam, muốn biết “thế giới nghĩ gì về chúng ta”.
Thế là Vinh bắt đầu dịch các tin bài trên báo chí nước
ngoài về Việt Nam sang tiếng Việt, và lượng độc giả tăng dần. Blog Anh Ba Sàm
cũng cung cấp cả những tài liệu về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, mà cho đến
tận bây giờ vẫn còn là một vấn đề chính trị nhạy cảm.
Mặc dù trang Anh Ba Sàm thu hút được một số lượng độc giả
khá lớn (đối với một website chính trị), nhưng Vinh không dừng lại ở đó. Ông đi
xa hơn trong sự nghiệp “khai dân trí” với sáng kiến xuất bản một bản tổng hợp
những tin tức quan trọng nhất mỗi ngày. Vinh cũng thêm vào đó các comment (lời
bình luận) – kết hợp giữa những suy nghĩ sâu sắc của một trí thức với văn phong
dí dỏm, sắc sảo. Và các comment đã nhanh chóng trở thành đặc thù của trang Anh
Ba Sàm, thu hút sự quan tâm của hàng trăm nghìn người đọc tiếng Việt trên khắp
thế giới. Đó là một con số khá cao, đặc biệt khi mà lượng phát hành của tờ báo
lớn Tuổi Trẻ chỉ đạt trung bình khoảng 200.000 bản.
“Tin tức được cập nhật 24/7. Đúng như kỳ vọng của độc giả,
blog dành sự chú ý đặc biệt cho những câu chuyện mà nền báo chí quốc doanh của
Việt Nam không được phép đưa tin. Món điểm tin hàng ngày này đã thu hút tới
100.000 độc giả thường xuyên” – David Brown, một nhà cựu ngoại giao người Mỹ
thường có các bài viết được dịch đăng trên Anh Ba Sàm, đã viết như thế về trang
mạng này vào tháng 3/2013, khi nó chịu một đợt tấn công nặng nề của các hacker
“ủng hộ chính quyền”.
“Luôn đúng giờ, tuân thủ đạo đức báo chí, tức là chính
xác, trung lập và bảo vệ nguồn tin, tôn trọng bản quyền. Đó là những nguyên tắc
mà chúng tôi tuân theo trong suốt những năm qua” – Đinh Ngọc Thu, hiện là biên
tập viên chính của trang Anh Ba Sàm, nói. Thu tham gia “điểm tin” cùng Vinh vào
năm 2009, và lý do duy nhất khiến cô không bị bắt cùng Vinh và Thúy là vì cô
đang sống ở California.
Quan hệ của Vinh với một số người trong bộ máy Nhà nước,
xuất phát từ cương vị trước đây của ông trong các cơ quan nhà nước, cũng là những
nguồn tin hữu ích. Tuy nhiên, đồng thời, chúng cũng gây nghi ngờ rằng ông là
“an ninh trá hình”. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là tại sao Nguyễn Hữu Vinh
mãi không bị bắt? Làm sao ông có thể “sống sót” qua rất nhiều đợt công an đàn
áp blogger?
Bây giờ thì câu trả lời đã rõ ràng: Đó chỉ là vấn đề thời
gian.
Hà Nội mùa xuân năm 2014. Ảnh: No-U Hà Nội
Công an vào cuộc
Chính quyền Việt Nam, với phần lớn là những gương mặt già
nua, có lẽ không để ý nhiều đến sức mạnh của Internet, nhưng bộ máy an ninh của
họ thì đã lưu tâm rất nhanh chóng. Bất kỳ người nào viết blog về các vấn đề
chính trị sớm muộn cũng thấy có vấn đề với mạng lưới công an dày đặc ở Việt
Nam. Vì thế, thật dễ hiểu khi Anh Ba Sàm được công an chú ý rất sớm, coi như một
điểm tập kết của các lực lượng “phản động”.
Và dù sao thì đấy cũng là một niềm tin có cơ sở. Trang
web đối kháng nào ở Việt Nam, hay nói đúng hơn là bằng tiếng Việt, cũng có lượng
độc giả trung thành riêng của nó. Bạn đọc của Ba Sàm, như ông mô tả, có rất nhiều
trí thức và đảng viên Đảng Cộng sản. Một tỷ lệ lớn trong số họ có thể vẫn còn
trung thành với ý thức hệ cộng sản đã lạc hậu, và cái mà họ cần là “sự thật như
nó vốn có” – trung lập và chính xác, không có sự kiểm duyệt của nhà nước.
Độc giả quả thật đã tạo thành một cộng đồng gắn kết, và bản
thân độc giả cũng có người đọc của chính họ – có nhiều người vào Anh Ba Sàm chủ
yếu để đọc các comment của Vinh và các blogger (“còm sĩ”) khác dưới mỗi bài. Rất
nhiều còm sĩ đã trở nên nổi tiếng trong “đại gia đình bạn đọc Anh Ba Sàm”.
Chỉ có một đội ngũ rất ít người vừa lo nội dung vừa lo bảo
mật, nên trang mạng thường xuyên bị tấn công. Ông Brown, nhà cựu ngoại giao, viết:
“… ngày 9/3, blog Ba Sàm bị tấn công triệt để. Bài vở,
comment của mấy năm trời mất sạch. Tài khoản email của đội ngũ biên tập viên
cũng mất. Nhóm Ba Sàm cho đến giờ vẫn chưa lấy lại được quyền kiểm soát trang
anhbasam.wordpress.com. Tuy nhiên, đó vẫn còn là một bi kịch có thể xử lý được.
Một ít nội dung đã được sao lưu dự phòng trên các máy chủ đặt ở nước ngoài”.
“… Một độc giả ngây thơ có thể kết luận rằng nhóm Anh Ba
Sàm là một lũ phản động bất mãn, sống ở Mỹ, mưu lật đổ chính quyền Hà Nội”.
Sự thật là Vinh và cộng sự của ông chẳng nhận khoản trợ
giúp tài chính nào từ bất cứ ai. Trên thực tế, khi nền kinh tế sa sút, công ty
thám tử tư của Vinh cũng gặp khó khăn và đã gần trên bờ vực phá sản khi Vinh và
Thúy bị bắt.
Một bạn đọc từng có đôi lần gặp Vinh kể lại một cuộc trò
chuyện của chị với Vinh. Một cách nghi ngờ, bạn đọc đó hỏi: “Tại sao anh làm tất
cả những việc này?”.
Ông đáp: “Bởi vì tôi ở vị thế tốt hơn bất cứ ai để làm việc
này, cho nên nếu không làm, tôi sẽ cảm thấy có tội”.
Và ông bảo: “Bởi vì tôi đáp ứng đủ ba điều kiện. Thứ nhất,
điều kiện kinh tế của tôi đủ tốt. Tôi có VPI, tôi không đến nỗi nghèo đói. Thứ
hai, tôi có kiến thức về mạng. Và thứ ba, quan trọng nhất, là tôi hiểu họ –
công an. Tôi đã từng ở trong họ, tôi hiểu họ”.
Tuy nhiên, có vẻ như cuối cùng ông đã thua. Người cựu sĩ
quan an ninh đã không nghĩ rằng những đồng nghiệp cũ của ông có thể bắt ông, và
ông bị bắt vào lúc không ngờ nhất.
Bản án đối với ông được dự đoán là sẽ nặng nề, bởi vì các
tòa án của công an luôn xử nghiêm những người bị coi là “phản bội” nguồn gốc cộng
sản của họ. Như Cù Huy Hà Vũ, con của một quan chức cộng sản cấp cao khác, cũng
đã bị kết án 7 năm tù vào năm 2011.
Nhưng nói một cách lạc quan, chẳng phải đây là lúc để
Vinh nghỉ ngơi hay sao? Ông đã làm việc quá nhiều, đấu tranh quá kiên trì trong
suốt 7 năm qua, làm kiệt quệ cả bản thân ông lẫn các cộng sự. Và mặc dù ông có
rất nhiều độc giả, cuối cùng, về cơ bản đó vẫn là một cuộc chiến đấu trong cô
đơn.
Nhưng ông vẫn cứ blog.
California, 4/7/2014
California, 4/7/2014