Tuesday, 7 April 2015

9 điều bạn trẻ nên làm để thuyết phục cha mẹ khi tham gia hoạt động xã hội


Vấn đề lớn nhất mà tất cả các bạn trẻ luôn gặp phải khi công khai bày tỏ quan điểm, chính là thuyết phục bạn bè, người thân xung quanh chấp nhận lý tưởng của bạn, thậm chí sẵn lòng giúp đỡ khi bạn tham gia đấu tranh về các vấn đề xã hội. Vậy phải làm thế nào để vận động được sự ủng hộ của gia đình, bè bạn? Sẽ rất khó, nhưng lại cũng dễ dàng nếu bạn biết khéo léo áp dụng những cách sau đây.

1. Trấn an cha mẹ

Khi nhận thông báo từ công an hay nhà trường, tất nhiên bậc cha mẹ nào cũng hoang mang, lo lắng và giận dữ. Họ không biết con mình có làm gì nguy hiểm đến bản thân hay không, có vi phạm pháp luật hay không. Trong mắt cha mẹ, chúng ta vẫn luôn là đứa trẻ nhỏ cho dù bạn đã lớn, bạn nhận thức rõ ràng những việc bạn đang làm là hoàn toàn đúng đắn. Vì vậy, hãy xoa dịu nỗi lo âu của cha mẹ bằng mọi cách, không nên cãi lại hoặc tạo thêm áp lực cho cha mẹ.

Bậc sinh thành nào cũng thương con cái, sự giận dữ, ngăn cấm của họ cũng bắt nguồn từ tình yêu thương. Nên xin lỗi vì đã làm cha mẹ lo lắng quá, sau đó tìm cách giải thích cho họ biết rằng không có gì đáng lo, bạn không làm gì sai và mọi thứ đang trong tầm kiểm soát.

2. Tâm sự, bày tỏ quan điểm bản thân

Sau bước đầu trấn an là bước chọn lựa thời gian phù hợp để nói chuyện với cha mẹ (lúc hai bác đang vui chẳng hạn). Bạn nên ngồi tâm sự với cha mẹ nhiều hơn về quan điểm của mình. Hãy nêu lý do hợp lý vì sao bạn lại hành động và chọn lựa con đường này. Lý do càng hợp lý, cha mẹ càng bị thuyết phục.

Không nên tỏ vẻ đối đầu với quan điểm của cha mẹ, mà nên tâm sự nhẹ nhàng, tránh tạo áp lực căng thẳng. Người ta thường nói “mưa dầm thấm lâu”, thường xuyên tâm sự sẽ khiến cha mẹ sẽ hiểu bạn hơn.

3. Thường xuyên chia sẻ, trao đổi thông tin về các vấn đề xã hội với cha mẹ

Nên trao đổi thông tin xã hội nhiều hơn với hai bác. Đa số người lớn tuổi không cập nhật thông tin nhạy bằng giới trẻ, vì vậy hãy chia sẻ cho cha mẹ những thông tin xã hội hữu ích mà bạn biết. Những vấn đề nhức nhối trong xã hội mà khiến ai xem cũng thấy bức xúc thì đưa cho cha mẹ đọc luôn, xem luôn. Đó là những chứng cứ vô cùng thuyết phục khiến cha mẹ đứng về phía bạn.

Giới thiệu những người bạn cùng tham gia các vấn đề xã hội với cha mẹ để họ yên tâm rằng bạn không cô đơn, có nhiều bạn trẻ khác cũng có cùng quan điểm đối với bạn. Nên chia sẻ thêm với cha mẹ kinh nghiệm làm việc với an ninh, công an khi lực lượng này tiếp cận gia đình để gây áp lực đối với bạn.

4. Trở thành con người gương mẫu, đứa con ngoan trong gia đình

Không cần biết trước đây bạn là người như thế nào, nhưng một khi bạn đã bắt đầu tham gia đấu tranh về các vấn đề xã hội thì bạn phải bắt buộc trở thành con người gương mẫu.

Yêu thương, quan tâm đến nhà cửa và chăm sóc cha mẹ nhiều hơn là những tuyêt chiêu thuyết phục hai bác hiệu quả nhất. Cha mẹ sẽ nhận thấy rằng khi bạn tham gia các hoạt động xã hội, bạn trở thành con người tốt hữu ích cho xã hội. Và tất nhiên, không cha mẹ nào lại nỡ la mắng đứa con của mình khi nó ngày càng ngoan ngoãn, giỏi giang và biết thương yêu cha mẹ nhiều hơn.

Ảnh: Bạn trẻ tham gia Hành trình Vì Màu Xanh, sáng chủ nhật 5/4/2015 tại Hà Nội.

5. Tự lập, tự nuôi sống được bản thân

Đi làm thêm, tự cung tự cấp cũng là cách hiệu quả nhất cho cha mẹ thấy bạn có thể tự lo cho bản thân, không cần hai bác phải lo lắng nữa. Chủ động được tiền bạc nghĩa là bạn có thể làm những gì bạn thích mà không bị kiểm soát nhiều từ cha mẹ.

6. Hạn chế nói dối, hãy nói thật

Trong công việc hoạt động xã hội, đôi khi có những việc bạn không thể chia sẻ vì sợ cha mẹ lo lắng hơn. Nhưng ngoài những tin quan trọng cần được bảo mật, thì với những việc có thể chia sẻ được, bạn nên thành thật chia sẻ cho cha mẹ biết và hiểu hơn những gì mà bạn đang làm.

7. Định hướng tương lai, chứng minh bạn đang đi đúng hướng

Con đường tương lai do chính bản thân chúng ta tự lựa chọn. Xác định mục tiêu, vạch ra kế hoạch tương lai là một trong những việc cần thiết để lấy uy tín với cha mẹ. Nếu xác định bản thân sẽ đi theo hướng hoạt động xã hội thì bạn phải trau dồi các kiến thức, kỹ năng liên quan. Nếu xác định vừa tham gia các hoạt động xã hội vừa theo đuổi một công việc nào đó khác thì bạn nên cân bằng giữa cả hai.

8. Đừng bất cần bỏ mặc những người quan tâm bạn

Có đôi lúc, sau những cố gắng thuyết phục những người xung quanh (bạn bè, gia đình v.v...) không hiệu quả, bạn rất dễ bị áp lực, chán nản, tìm cách né tránh, cắt đứt liên lạc, thậm chí bỏ nhà ra đi. Hãy bình tĩnh và suy nghĩ thấu đáo. Bởi vì không ai yêu thương chúng ta bằng chính người thân cả. Nếu bạn không hòa hợp nổi với những người thân yêu bên cạnh bạn thì cũng khó mà hy vọng ai bên ngoài có thể giúp đỡ được bạn. Nhiều khi chỉ có người thân, gia đình, mới có thể yêu thương bạn nhất, sẵn sàng bảo vệ khi bạn gặp nạn.

9. Và cuối cùng... bơ đi mà sống!

Sau tất cả những cố gắng nhưng vẫn bị họ hàng gièm pha, bị hàng xóm dòm ngó, bị mấy đứa bạn không hiểu chuyện cô lập, nói xấu v.v... Khi ấy thì hãy mặc kệ họ. Bạn không thể làm vừa lòng tất cả mọi người, đừng buồn phiền vì những người dưng không hiểu bạn, nó không đáng.

Còn với cha mẹ, bạn đừng quá thất vọng khi đã cố gắng giải bày, tâm sự làm tất cả mọi thứ mà hai bác vẫn chưa hiểu bạn. Hãy kiên trì, nhẫn nại, bởi vì đây là một quá trình cần phải có thời gian. Biết đâu sau những nỗ lực hoàn thiện bản thân của bạn, cha mẹ ngoài mặt tỏ vẻ không ủng hộ nhưng trong lòng lại tấm tắc khen con mình làm đúng đấy.

Xin hãy nhớ rằng, tất cả cha mẹ trên đời này đều có mong muốn lớn nhất là nuôi con lớn lên sẽ thành nhân, trở thành người tốt chứ không phải kiếm được nhiều tiền. Vì vậy, hãy thể hiện rằng bạn đang trở thành con người có ích cho xã hội. Một xã hội mà con người ngày càng yêu thương nhau, không vô cảm, biết quan tâm đến những vấn đề nhức nhối, thì đó mới là một xã hội đáng sống, đúng không nào các bạn?

Bài viết trên đây là những kinh nghiệm mà tác giả đúc kết được trong quá trình tham gia các vấn đề xã hội cộng thêm những lời khuyên chân thành từ các anh chị đi trước. Tất nhiên hoàn cảnh cuộc sống của mỗi người hoàn toàn khác nhau, không ai giống ai, không gia đình nào giống gia đình nào. Nhưng những điều trên đây có thể được xem là những chìa khóa quan trọng để thay đổi thành kiến của những người thân xung quanh bạn. Chúc các bạn thành công và vững bước trên con đường đã chọn.

Trước việc nhiều trường học, từ cấp III đến đại học, đã, đang và sẽ tiếp tục có những công văn hoặc nhắc nhở kín để ngăn cản học sinh, sinh viên tham gia phong trào bảo vệ cây xanh ở Hà Nội, xin trân trọng thông báo: Bất kỳ bạn nào gặp rắc rối, phiền phức do đã “trót” hoặc đang có ý định tham gia phong trào, có thể nhắn tin riêng cho (chúng) tôi qua http://facebook.com/pham.doan.trang. Chúng tôi sẽ tư vấn giúp bạn cách xử lý.
Chúng tôi hứa sẽ đảm bảo bí mật danh tính và các thông tin do bạn cung cấp, nếu bạn ngại bị làm phiền, trả đũa… mặc dù, bạn biết đấy, những kẻ bắt nạt chúng ta không thích gì hơn là thấy chúng ta cứ im lặng để bọn họ tiếp tục bắt nạt.