Tôi
yêu màu lá xanh mướt của mùa xuân. Nổi trong đám lá xà cừ xanh thẫm, đôi khi
lại có màu xanh nõn nà của lá bồ đề, lá sấu. Và khi xuân sang, buổi sáng sớm
bước ra đường, lẫn trong khói bụi ô nhiễm, vẫn thấy một mùi thơm mát mà tôi gọi
là mùi “hoa cỏ mùa xuân”.
Tôi
yêu sắc đỏ rực trời của hoa phượng. Đôi khi tình cờ nhớ đến những ngày ở nước
Mỹ, tôi nhớ xứ Cali cũng có hoa phượng, nhưng là phượng tím, jacaranda. Có
những đoạn đường, hai bên một màu tím ngát, hoa nhiều hơn lá. Phượng tím cũng
đẹp lắm. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn yêu cái màu cháy đỏ nao lòng của phượng
hồng Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… những thành phố của Việt Nam mà tôi đã đi
qua. Nhớ đến phượng là nhớ đến những câu hát
xao xuyến: “Phượng hay bâng khuâng, tưởng chừng như cô đơn”, “xuân qua hè tới ta
nhớ nhau luôn, phượng ơi”.
Tôi
yêu tiếng ve ngập tràn những con đường lớn, phố nhỏ, những ngõ vắng xôn xao ở
Hà Nội. Tôi nhớ những ngày đầu hè rực nắng, tháng 4-5, của một năm nào đó xa
xưa lắm rồi, tôi đi lang thang trong một vườn cây đầy nắng ở khu Quảng Bá, Hồ
Tây, chìm trong tiếng ve và mơ màng câu hát “rừng chiều nghe lao xao, tiếng lá
non gọi gió”.
Hà
Nội, trong tim tôi, luôn gắn với cây cỏ, trời mây và thời tiết. Dù có đi đến
nơi nào trên thế giới này – Los Angeles rực nắng, Stockholms cổ kính với những
mái nhà tròn màu hồng, Budapest và những bức tượng đồng xanh thẫm, v.v. – tôi vẫn
luôn nhớ đến Hà Nội và vô vàn hình ảnh thời thơ ấu: những nhà cửa xam xám với
cửa sổ xanh xanh, cũ kỹ, bờ tường sứt sẹo, những cây bàng đỏ ối, những ô vườn
rập rờn hoa bướm tím hồng, hoa mào gà tía… Tôi nhớ những cây xà cừ râm ran tiếng ve mỗi độ tháng 4, tháng 5 về, và đặc biệt, cứ vào mùa cuối xuân, xà cừ
lại rụng lá. Lá xà cừ vàng thắm, bay rợp trời, đẹp như mùa thu Tây phương vậy,
dù chẳng có rừng phong…
Chẳng
bao giờ tôi chịu nổi cái ý nghĩ một mai đây, Hà Nội sẽ “hiện đại hóa” thành một
đô thị như Bangkok hay Manila, toàn màu bê tông và xi măng trắng, nằm trần
trùng trục dưới cái nắng nhiệt đới oi ả của Đông Nam Á. Không. Không có bất kỳ
một đại dự án, một chủ trương, chính sách, một công trình nào, của bất kỳ kẻ
nào, có thể biện hộ cho việc chặt hạ cây xanh ở Hà Nội được. Năm 2009, Giáo sư
Mike Douglas (ĐH Hawaii, Mỹ), tại một hội thảo quốc tế ở Hà Nội về “thành phố
đáng sống”, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những không gian có giá trị trong
đời sống xã hội đô thị như quảng trường, công viên, chợ họp ngoài trời/chợ
truyền thống, đường phố và vỉa hè, v.v... những không gian mà ở đó con người
gặp gỡ nhau không phải chỉ để mua bán mà để chào hỏi và chuyện trò với nhau.
Ông
cho rằng: “Các thành phố hiện nay đang mất đi những không gian công cộng và
không gian dân sự, nơi người dân có thể đến và
sử dụng mà không cần dành toàn bộ thời gian của mình cho các quan hệ thương mại
hay trao đổi hàng hóa, và cũng không gặp trở ngại về những điều họ nói với nhau”.
Và
Hà Nội, trong đánh giá của ông Mike Douglas, là một thành phố may mắn còn giữ
được những không gian ấy. Chỉ ở Hà Nội, ta mới thấy có chợ cóc, có những hiệu cắt
tóc vỉa hè, những quán café dưới bóng cây xanh, nơi người ta ngồi chen chúc,
xúm xít, vai kề vai lưng kề lưng, để trò chuyện và “chém gió”. Nghĩa là vẫn còn
những không gian công cộng rất đặc thù. Chúng ta không bắt gặp những nơi như
thế ở các đô thị “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” như Bangkok hay Manila, thậm
chí Los Angeles, Washington DC. Ở đó, chỉ có các quán café máy lạnh, kiểu như
Starbucks, McDonalds’, người ta mua mang theo hoặc ghé vào uống một lát rồi đi,
chẳng thể nào có thứ văn hóa “trà đá café vỉa hè” như Việt Nam.
Không,
không thể để Hà Nội, Sài Gòn, hay bất cứ một thành phố nào ở Việt Nam trở thành
thành phố bê tông được, nhất là khi những chính sách phá hoại ấy chỉ do một
thiểu số dấm dúi làm ra với nhau, sau đó, khi bị công luận lên tiếng, lại tìm
cách câu giờ để bao che cho nhau, đợi đến lúc công luận dần lắng xuống rồi mọi
chuyện sẽ “cứt trâu hóa bùn”, như truyền thống lâu nay của lãnh đạo Việt Nam.
Truyền thống ấy tạo thành những công thức: “Cần một giải pháp đồng bộ”, dịch
sang tiếng Việt nghĩa là “không làm gì cả”. “Sẽ xử lý quyết liệt”, nghĩa là “chẳng
ai làm sao cả”, cùng lắm thì một thằng đánh máy nào đó bị xử lý, một đồng chí
trưởng/phó phòng nào đó bị kỷ luật Đảng mà thôi.
Hà
Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng… rất có thể sẽ chẳng bao giờ trở thành những thành phố
hoa lệ hàng đầu thế giới. Nhưng không được như thế thì càng phải biết quý, biết
giữ lấy cái gì mình có: hoa cỏ, cây xanh, hồ nước, không gian công cộng... Cũng như chính quyền Hà Nội phải biết yêu và giữ lấy những người dân đã có ý thức cộng đồng, đã xót xa từng cây xà cừ bị chặt bỏ, đã xuống đường giơ cao khẩu hiệu bảo vệ cây xanh, yêu cầu minh bạch, phản đối bạo lực... mà vẫn cố gắng ôn hòa, đi trên vỉa hè, nhặt rác, chịu đựng công an, và không giẫm lên cỏ. Không dễ có những người dân như thế trong một xã hội như Việt Nam đâu.
Và, có
lẽ nào chúng ta cứ để một thiểu số bất tài vô hạnh ra những quyết định mang
tính chất phá hoại – mà không chỉ phá chúng ta, còn gây hại cho nhiều thế hệ
sau này nữa? Điều đáng sợ nhất là, khi lầm lỗi, khi làm sai, khi phạm tội ác
mà không phải chịu trách nhiệm gì, kẻ sai, kẻ ác sẽ không có lý do gì để dừng
lại.
Một đường phố ở thủ đô Washington D.C.