Sunday, 24 May 2015

Bộ luật Hình sự VN vẫn còn nhiều khe hở để chính quyền lợi dụng

Khi nghe Bộ Công an (một bên tham gia trong Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ) hứa hẹn với phía Mỹ rằng Việt Nam sẽ sửa đổi Bộ luật Hình sự với ba điều luật lâu nay vẫn gây chú ý là 79, 88 và 258, nhiều người có thể mừng rỡ, cộng đồng quốc tế có thể phấn khởi, tin tưởng...

Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng ngoài Điều 79, 88 và 258, Bộ luật Hình sự Việt Nam còn nhiều điều khoản mơ hồ và hà khắc khác vẫn được chính quyền công an trị lợi dụng, lạm dụng để tiêu diệt xã hội dân sự và ngăn chặn các hoạt động dân chủ, nhân quyền. Ví dụ:

- Điều 80 (tội gián điệp), trong đó có “cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Bí mật nhà nước là gì thì... lại do Bộ Công an quy định. Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, nhà báo Nguyễn Vũ Bình đi tù vì tội này.

- Điều 87 (tội phá hoại chính sách đoàn kết) thường được sử dụng để trấn áp các nhóm dân tộc thiểu số, nhất là các nhóm có tôn giáo - như người H’Mong ở phía bắc, người Thượng ở Tây Nguyên.

- Điều 89 (tội phá rối an ninh) dùng để chống lại các nhà hoạt động công đoàn. Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng bị tù chính vì tội này.

- Điều 91 (tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân). Cái này mấy bạn đi học ở ngoài phải cẩn thận, bởi như thế nào là "trốn" thì cũng do công an định nghĩa, công an diễn giải cả. Ngay như những người mà an ninh "phát hiện là người thuộc diện cấm xuất nhập cảnh, nay nhập cảnh" (như tác giả bài này) có khi cũng bị coi là "trốn".

- Điều 245 (tội gây rối trật tự công cộng). Không có lấy một dòng định nghĩa thế nào là "trật tự công cộng", song điều luật này gần đây được công an, viện kiểm sát và tòa án của công an lợi dụng thật lực để xử lý những nhân vật "khó bảo", có vẻ nổi bật trong phong trào biểu tình đang dâng lên vài năm qua: Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Nguyễn Văn Minh, và mới đây nhất là Nguyễn Viết Dũng.

- v.v.

Suy cho cùng, mặc dù Trưởng phái đoàn Mỹ tham gia Đối thoại Nhân quyền 2015, ông Tom Malinowski, khẳng định rằng Chính phủ Việt Nam đã hứa hẹn, và "cam kết và hứa hẹn mới chỉ là sự khởi đầu", song dư luận tỉnh táo nên nghi ngờ những lời hứa đó, cũng như không nên kỳ vọng Mỹ sẽ giúp Việt Nam thay đổi thế nọ thế kia... Bởi vì chúng không có nội dung gì cụ thể, không đi kèm những lộ trình cụ thể và chi tiết, và đương nhiên, trong quan hệ quốc tế vốn ít tính ràng buộc về pháp lý, sẽ không có chế tài nào xử lý một quốc gia thất hứa. 

Trong khi đó, Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam vẫn còn rất nhiều khiếm khuyết, nhiều khe hở để chính quyền lợi dụng nhằm hạn chế nhân quyền và do đó kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Tóm lại là các nhà hoạt động đừng vội mừng. Lực lượng bảo vệ Đảng vẫn còn rất nhiều bảo bối trong túi.