Chiều thứ hai, 11/5, ông
Tom Malinowski, trưởng phái đoàn Mỹ tham gia Đối thoại Nhân quyền Mỹ-Việt lần
thứ 19 (diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 7-8/5) đã dành riêng cho giới báo chí
độc lập ở Việt Nam một cuộc phỏng vấn xoay quanh chủ đề “TPP, khả năng tham gia
của Việt Nam và những lợi ích, rủi ro đối với Việt Nam”.
Ông
Tom Malinowski là một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ, phụ trách vấn đề
dân chủ, nhân quyền và lao động. Báo chí Việt Nam vẫn thường dịch chức vụ của
ông, “Assistant Secretary of State”, sang tiếng Việt là “trợ lý Ngoại trưởng”,
nhưng thực ra, đó là một cương vị cao hơn nhiều so với “trợ lý”. Có thể coi như
ông mang hàm tương đương thứ trưởng ở Việt Nam.
Trọng tâm là cải cách tư
pháp
Đoan Trang: Câu hỏi đầu
tiên xin dành cho ông là: Ông có thể thuật lại nội dung cuộc đối thoại nhân quyền
giữa hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam không?
Tom
Malinowski: Về phía chúng tôi, đó là một phái đoàn rất lớn, gồm đại diện Bộ Ngoại
giao, Đại diện Thương mại Mỹ, USAIDS, và Nhà Trắng. Còn về phía Việt Nam, có Bộ
Ngoại giao và cả Bộ Công an tham dự.
Hai
bên đã bàn về nhiều vấn đề nghiêm trọng và quan trọng, bao gồm: cải cách tư
pháp, quyền tự do biểu đạt, quyền lao động, quyền của người khuyết tật, và tự
do tôn giáo ở Việt Nam.
Tôi
muốn nói rằng đó là một cuộc thảo luận rất cởi mở, chân thành và có hiệu quả.
Hai bên đã xác định rõ những gì mà phía Mỹ cho là thành tựu của Việt Nam trong
lĩnh vực nhân quyền, nhưng cũng chỉ ra các mặt cụ thể cần phải được cải thiện.
Có
lẽ chúng ta không có thời gian để đi vào từng khía cạnh cụ thể, vì chúng tôi đã
mất tới hai ngày làm việc với chính phủ Việt Nam để có thể đề cập đến mọi vấn đề.
Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng có lẽ, vấn đề quan trọng nổi bật trong cuộc đối
thoại là CẢI CÁCH TƯ PHÁP. Chính quyền Việt Nam đã cam kết sẽ sửa đổi luật pháp
cho phù hợp với Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế. Chính quyền đã thừa
nhận rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để đạt được mục tiêu đó, và mục tiêu đó là
vì lợi ích của Việt Nam.
Chúng
tôi dành nhiều thời gian nói về việc triển khai cải cách tư pháp trên thực tế.
Chẳng hạn, chúng tôi thảo luận rất nhiều về sửa đổi Bộ luật Hình sự và Bộ luật
Tố tụng Hình sự. Chúng tôi cũng bàn thảo rất nhiều về một số những điều khoản gọi
là “an ninh quốc gia” trong Bộ luật Hình sự - những điều khoản vốn được sử dụng
thường xuyên để truy tố người dân vì đã thực thi quyền tự do biểu đạt, chỉ
trích nhà nước trên mạng, vân vân. Chúng tôi bày tỏ hy vọng rằng kế hoạch sửa đổi
Bộ luật Hình sự sẽ đi thẳng vào những khía cạnh quan trọng của Bộ luật này, để
chính quyền có thể thực hiện được mục tiêu mà họ đã tuyên bố, là tuân thủ đầy đủ
Hiến pháp Việt Nam và các chuẩn mực về nhân quyền quốc tế.
Nguồn ảnh: Asharq Al-Awsat
Lộ trình cải cách vẫn mơ
hồ
Họ có đưa ra một lộ
trình cụ thể nào cho việc cải cách tư pháp không? Bao giờ thì họ tiến hành sửa
đổi Bộ luật Hình sự?
Chúng
tôi chưa làm rõ hoàn toàn việc đó. Chúng tôi có đề nghị chính quyền Việt Nam định
ra một lộ trình, và cả một kế hoạch soạn thảo luật về lập hội. Chúng tôi hỏi
chính quyền dự tính khi nào làm tất cả những việc này. Cuối cùng thì Chính phủ
và Quốc hội Việt Nam sẽ là nơi quyết định lộ trình, chứ đó không phải là vấn đề mà Hoa Kỳ
có thể lên tiếng, bởi như thế không thích hợp. Nhưng chúng tôi nghĩ, điều quan trọng
là chính quyền phải tham vấn đầy đủ khối xã hội dân sự ở Việt Nam, phải quan
tâm đến những băn khoăn của họ, và đảm bảo rằng những phần quan trọng của Bộ luật
Hình sự - những gì không tuân thủ triệt để chuẩn mực quốc tế - phải được sửa đổi.
“Tham vấn đầy đủ khối xã
hội dân sự”. Ông nghĩ nhà nước có tính đến những tổ chức dân sự độc lập, không
đăng ký, ở Việt Nam không?
Tôi
nghĩ chính quyền phải lưu tâm đến các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam, bất kể
địa vị pháp lý của họ là gì.
Tại cuộc đối thoại nhân
quyền vừa rồi, phái đoàn Mỹ có gắn những đòi hỏi về nhân quyền với việc Việt
Nam và TPP không?
Việc
gia nhập TPP, đối với bất kỳ quốc gia nào, đều được gắn chặt với một yêu cầu là
phải tuân thủ các tiêu chuẩn đã được quốc tế công nhận về quyền lao động. Và, một
trong những điều quan trọng nhất, là tiêu chuẩn về lao động và quyền tự do lập
hội. Đó là một đòi hỏi bắt buộc đối với tất cả các nước muốn tham gia TPP, và
cũng là một phần trong cuộc thương thảo của chúng tôi với chính phủ Việt Nam.
Một
trong những điểm chúng tôi nêu rõ với chính quyền Việt Nam là: Nhiều công nhân ở
Việt Nam thật ra đã lập hội rồi. Họ thực sự đang thực thi sáng kiến thành lập
các công đoàn lao động ở địa phương để bảo vệ quyền của mình. Có điều họ đang
làm như vậy mà không được pháp luật công nhận. Họ không được pháp luật bảo vệ.
Cụ thể hơn, tất cả những gì chúng tôi đề nghị Việt Nam làm chỉ là công nhận những
thực tế đã và đang diễn ra ở Việt Nam rồi. Công nhân Việt Nam cần được pháp luật
bảo vệ. Chúng tôi nghĩ điều đó rất, rất có lợi cho nhà nước, vì nó củng cố quan
hệ ổn định giữa công nhân và giới chủ, đồng thời cũng giúp Việt Nam vào TPP.
Ngoài
vấn đề quyền lao động, Quốc hội Mỹ cũng rất quan ngại về các vấn đề nhân quyền
khác ở Việt Nam. Triển vọng Việt Nam vào TPP là có thật nếu nhà nước tiếp tục
có các biện pháp cải thiện nhân quyền, như trả tự do cho tù nhân lương tâm và
tiến hành cải cách tư pháp.
Việt Nam sẽ gia nhập TPP
sớm chứ?
Tôi
không biết chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng tôi lạc quan. Bởi vì tôi nghĩ rằng các lợi
ích kinh tế, lợi ích chiến lược của việc Việt Nam tham gia TPP là lớn hơn rất,
rất nhiều so với bất kỳ rủi ro nào mà nhà nước Việt Nam có thể phải đối mặt nếu
họ chấp nhận các yêu cầu của TPP.
Ông Tom Malinowski trong buổi gặp các đại diện khối XHDS
"không được thừa nhận" ở Việt Nam, 6/5/2015
"không được thừa nhận" ở Việt Nam, 6/5/2015
Để giảm nguy cơ “nhà nước
thất hứa”…
Ông biết đấy, trong quá
khứ, chính quyền Việt Nam có xu hướng nuốt lời hứa. Tôi không nói đó là truyền
thống, nhưng nhà nước Việt Nam đã nhiều lần hứa hẹn rồi không thực hiện, mà ta
có thể kể một vài trường hợp điển hình như Hiệp định Geneva 1954, Hiệp định Hòa
bình Paris 1973, và gần đây nhất là hồi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế
giới (WTO) năm 2007. Ông có nghĩ lịch sử rồi sẽ lặp lại với TPP? Có khả năng
nào nhà nước Việt Nam lại thất hứa không?
Tôi
muốn nói thế này: Chúng ta đều biết rằng cam kết và hứa hẹn, tất cả những cái
đó chỉ là sự khởi đầu. Điều quan trọng hơn cả là thực hiện cam kết, và tôi
nghĩ, mọi người đều tin tưởng rằng một khi TPP được thông qua thì sẽ có rất nhiều
cơ chế để khuyến khích một nhà nước thực thi và tuân thủ các cam kết của họ.
Chúng
ta không mong mọi việc sẽ dễ dàng. Thay đổi bao giờ cũng khó khăn và luôn luôn
có những thế lực chống lại sự thay đổi. Nhưng chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng
TPP là một cơ hội để nâng cao năng lực và hỗ trợ cho những người đã và đang nỗ
lực tạo ra sự thay đổi, cải cách.
Ngoài hứa hẹn và cam kết
ra thì, trong thời gian trước mắt, chính quyền Việt Nam sẽ có hành động gì cụ
thể để chứng tỏ thiện ý của mình? Ví dụ, họ sẽ thả tù nhân lương tâm nào, hay
là sẽ giảm án cho người nào, sẽ chấp nhận tổ chức công đoàn độc lập nào?
Bạn
đang nói là “trong thời gian trước mắt”. Nhưng chúng tôi mới chỉ nói về TPP, về
hiện tại, về những gì đang diễn ra thôi. Trong quá trình đối thoại, chúng tôi
đã nói rất rõ, về những gì mà chúng tôi cho là luôn luôn đúng, đúng trong mọi
trường hợp. Đó là: Bất kỳ hành động tích cực nào của chính quyền Việt Nam đều sẽ
vô cùng có lợi cho triển vọng vào TPP, và bất kỳ hành động tiêu cực nào đều sẽ
có hại.
Giới đấu tranh dân chủ,
nhân quyền ở Việt Nam nên làm gì để đảm bảo rằng chính quyền sẽ thực thi các
cam kết TPP của họ?
Nếu
Việt Nam được chấp thuận vào TPP thì sẽ có một hiệp định, với những cam kết cụ
thể, đặc biệt về vấn đề quyền lao động và quyền lập hội. Tôi nghĩ, nhờ đó, người
dân Việt Nam và xã hội dân sự ở Việt Nam sẽ có thể nhìn vào từng cam kết cụ thể
và tuyên bố rõ rằng họ muốn chính quyền phải tuân thủ cam kết nào.
Tôi
có thể khẳng định là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tham vấn rất, rất chặt chẽ khối xã hội
dân sự Việt Nam trong quá trình chúng tôi giám sát việc Việt Nam thực thi các
cam kết sau khi vào TPP, nếu hiệp định kia được ký kết. Do đó, tiếng nói của những
người đang đấu tranh vì nhân quyền và nhà nước pháp quyền ở Việt Nam là một tiếng
nói vô cùng mạnh mẽ. Nó đã vươn xa ra ngoài Việt Nam, được cả thế giới lắng
nghe, và sẽ tiếp tục được lắng nghe.
Hành hung blogger Anh
Chí là “vô cùng ngu dốt”
Nhìn trở lại cuộc đối
thoại, ông nói rằng hai bên đều xác định rõ những thành tựu Việt Nam đạt được
trong lĩnh vực nhân quyền. Ông có thể cho biết cụ thể các thành tựu đó là gì
không? Và cả những điều Việt Nam đã vi phạm?
Về
mặt thành tựu, từ cuộc đối thoại năm ngoái tới nay, chính quyền Việt Nam đã phê
chuẩn hai điều ước quan trọng về nhân quyền, đó là Công ước chống tra tấn và
Công ước về quyền của người khuyết tật. Họ cũng đã trả tự do cho một số tù nhân
lương tâm. Không nhiều như lẽ ra họ phải thả, nhưng cũng là đã thả một vài người
rồi. Tổng số tù nhân lương tâm đang theo xu hướng giảm dần trong ba năm qua.
Trong vài tháng đầu năm 2015, chúng ta gần như không thấy vụ khởi tố mới nào nhằm
vào những người thực thi quyền tự do biểu đạt hay những nhà hoạt động chính trị
ôn hòa. Chính quyền cũng đã cam kết sẽ sửa đổi Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng
Hình sự, cũng như các luật khác, cho nhất quán với tiêu chuẩn quốc tế. Đó là một
số thành tựu đạt được.
Còn
các vấn đề tồn đọng? Chúng tôi biết là vẫn còn rất nhiều nhà hoạt động bị sách
nhiễu trên diện rộng. Hiện nay, vẫn còn rất nhiều người bị đàn áp, bị đe dọa,
thậm chí bị tấn công bằng vũ lực, như chúng tôi vừa thấy sáng nay là trường hợp
blogger Anh Chí. (Blogger Nguyễn Chí Tuyến, tức Anh Chí, ở Hà Nội, bị côn đồ
hành hung gây thương tích, sáng 11/5 – PV).
Tôi
muốn nói vụ việc của Anh Chí là một vấn đề cả từ giác độ nhân quyền lẫn chính
trị: Thật là một việc làm vô cùng ngu dốt khi mà nó xảy ra đúng vào thời điểm
quốc tế đang rất chú ý đến nhân quyền ở Việt Nam.
Ông nói rằng gia nhập
TPP mang lại cả lợi ích và rủi ro cho Việt Nam, tuy rằng lợi ích lớn hơn nhưng
vẫn là có rủi ro. Đó là các lợi ích và rủi ro gì vậy?
Lợi
ích thì rõ ràng rồi. Người dân Việt Nam sẽ được hưởng lợi ích kinh tế, nếu đất
nước này là một thành viên của TPP. Tôi nghĩ có cả những lợi ích chiến lược khi
Việt Nam là thành viên trong một cộng đồng các quốc gia mà ở đó có mặt Mỹ. Việt
Nam sẽ được an toàn hơn, sẽ được công nhận tầm quan trọng cao hơn trong khu vực.
Đấy là lợi ích lớn cho cả chính quyền nữa.
Về
rủi ro thì, bạn biết đấy, muốn làm thành viên của TPP, đòi hỏi chính quyền phải
thực hiện một số cải cách. Và có những nhân vật trong chính quyền Việt Nam cho
rằng cải cách sẽ đưa đến rủi ro lớn cho đất nước, sẽ làm nhà nước mất dần khả
năng kiểm soát. Nhưng như tôi đã nói, tôi tin rằng lợi ích – không chỉ cho đất
nước mà cho cả chính quyền Việt Nam nữa – sẽ vượt xa rủi ro. Tôi tin những cải
cách mà Việt Nam đang được yêu cầu tiến hành theo đòi hỏi của TPP sẽ giúp Việt
Nam mạnh hơn, ổn định hơn, an toàn hơn, và thịnh vượng hơn. Từ giác độ lợi ích
quốc gia mà nói, sẽ chỉ có lợi ích chứ không phải là một sự cân bằng giữa rủi
ro và lợi ích. Thế nhưng có một số người trong chính quyền lại chỉ trông thấy rủi
ro.
Theo ông, trong quá
trình đối thoại và đàm phán, điều gì là điều mà chính quyền Việt Nam khó nhượng
bộ nhất?
Tôi
không muốn nói nhiều về quá trình đàm phán. Tôi chỉ muốn nói rằng, các yêu cầu
đều đã rất rõ ràng: Tất cả các thành viên của TPP đều phải đáp ứng những đòi hỏi
nhất định, trong đó, có việc tôn trọng các quyền lao động theo chuẩn quốc tế.
Do
đó, mỗi thành viên TPP đều phải tự quyết định xem họ có chấp nhận các đòi hỏi
đó không. Còn tôi thì tôi nghĩ những đòi hỏi ấy chỉ có ích cho chính quyền và
người dân Việt Nam mà thôi. Cho nên, cuối cùng thì chắc chắn chúng ta sẽ đạt được
một thỏa thuận cho Việt Nam vào TPP.