ENGLISH/ BẢN TIÊNG ANH
Bốn năm về trước, vào ngày chủ nhật 5/6/2011, tại Hà Nội và Sài Gòn, đã nổ ra một cuộc biểu tình lớn: Khoảng 300 người ở Hà Nội và 1000 người ở Sài Gòn đồng loạt xuống đường phản đối Trung Quốc lấn chiếm vùng biển Việt Nam. Đó là một ngày nắng rất đẹp, người rất đẹp, ai nấy dạt dào tình cảm yêu nước và trách nhiệm với đất nước, sôi sục căm ghét Trung Quốc bá quyền.
Bốn năm về trước, vào ngày chủ nhật 5/6/2011, tại Hà Nội và Sài Gòn, đã nổ ra một cuộc biểu tình lớn: Khoảng 300 người ở Hà Nội và 1000 người ở Sài Gòn đồng loạt xuống đường phản đối Trung Quốc lấn chiếm vùng biển Việt Nam. Đó là một ngày nắng rất đẹp, người rất đẹp, ai nấy dạt dào tình cảm yêu nước và trách nhiệm với đất nước, sôi sục căm ghét Trung Quốc bá quyền.
Nhưng những tình cảm cao đẹp đã bị chà đạp thô bạo: Biểu tình bị đàn áp, những người tham gia tích cực, nổi bật bị đánh đập và lăng mạ là “đi vì tiền”, “gây rối”... Ở Sài Gòn, biểu tình chỉ kéo dài được ba lần. Ở Hà Nội, 11 cuộc biểu tình diễn ra liên tiếp trong cả mùa hè cho đến khi gần 50 người bị bắt giữ tùy tiện, trong đó có gần chục người bị nhốt ở Hỏa Lò 5-6 ngày đêm chỉ vì một tội vu vơ do công an cố gán cho, là “gây rối trật tự công cộng”.
Sau trấn áp biểu tình là trấn áp hậu biểu tình: Những người tham gia tuần hành tiếp tục bị đe dọa, theo dõi, quấy nhiễu, bị gây sức ép lên gia đình và nơi làm việc. Hàng chục, hàng trăm người bị mất chỗ ở, mất việc làm. Đó là chưa kể, mọi người còn bị lăng nhục trên báo đài quốc doanh bởi những “dư luận viên” và “phóng viên bấm nút” ăn lương chế độ. Lời lẽ lăng mạ, qua thời gian, không có gì mới. Vẫn là những luận điệu “tham gia vì tiền của thế lực thù địch”, “gây rối”, “chống phá đất nước”, v.v.
Tóm lại, họ bị cô lập, ngược đãi, bị coi như một thành phần thấp kém trong xã hội, chỉ bởi vì họ là “phản động”, chỉ bởi vì họ đã dám thể hiện chính kiến và lòng yêu nước trong khi chính quyền muốn họ ngoan ngoãn, suy nghĩ theo chủ trương, sống theo đường lối, “mọi việc đã có Đảng và Nhà nước lo”.
Chính quyền đã áp đặt được ý muốn đó lên đa số người dân Việt Nam. Nhưng điều “Đảng và Nhà nước” không ngăn cản nổi, là kể từ cái mốc 5/6/2011 lịch sử đó, cả một phong trào rộng lớn, còn rộng lớn hơn biểu tình rất nhiều lần, đã nổ ra trên cả nước Việt Nam, không chỉ ở Hà Nội và Sài Gòn, mà khắp nơi: Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Bình Dương... Đó là phong trào đấu tranh bảo vệ quyền con người và đòi dân chủ hóa đất nước.
Phong trào ấy đã mở ra hàng chục tổ chức xã hội dân sự, nối kết hàng trăm người - những người khác nhau về tuổi tác, thành phần xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo... nhưng đều có điểm chung là tình yêu nước, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, và chung một mong muốn mãnh liệt: Việt Nam phải thay đổi theo hướng dân chủ hóa, bảo đảm nhân quyền và công lý.
Và ngày 5/6 năm nay, bốn năm sau cuộc biểu tình đầu tiên của mùa hè 2011 khơi mào cho phong trào đấu tranh vì dân chủ-nhân quyền, một sự kiện chưa từng có tiền lệ nữa lại diễn ra: Hàng chục người cùng ký tên vào một bản cam kết cùng “tương trợ và bảo vệ” nhau trước sự đàn áp, sách nhiễu của chính quyền, cũng gần như là một bản cam kết cùng dấn thân vì sự thay đổi, dân chủ hóa đất nước. Đó là bản Hiến chương 2015.
Hiến chương 2015 là tuyên bố đoàn kết của những người yêu nước, những người đấu tranh vì dân chủ-nhân quyền ở Việt Nam. Hiến chương cũng là lời thách thức và tuyên bố không cúi đầu gửi đến chính quyền công an trị với lực lượng “còn Đảng còn mình” - vốn vẫn bất chấp cả công lý, nhân quyền lẫn luật pháp để bảo vệ chế độ.
Bốn năm trước, phong trào đấu tranh nhen nhóm ra đời, còn đầy tự phát và sợ hãi.
Bốn năm sau, phong trào ấy đã lớn mạnh thành nhiều cá nhân và tổ chức, với một bản Hiến chương đánh dấu sự trưởng thành, thoát khỏi tự phát và sợ hãi.
Đó là bản Hiến chương 2015.
Toàn văn HIẾN CHƯƠNG 2015
Chúng tôi, những người ký tên trong Hiến chương này, nhận thấy:
Hiện nay, phong trào đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực và nhanh chóng. Trong bối cảnh đó, những lực lượng cản trở sự tiến bộ trong chính quyền đã và đang tăng cường các hình thức kiểm soát và trấn áp nhằm phá hoại phong trào: từ theo dõi, giám sát, đến vu khống, bôi nhọ, hành hung và bắt bớ tùy tiện, thậm chí bỏ tù các nhà hoạt động.
Do vậy, với tất cả danh dự và trách nhiệm, chúng tôi, những người ký tên trong Hiến chương này, cùng đồng thuận rằng tất cả chúng tôi có nghĩa vụ tương trợ và bảo vệ lẫn nhau. Cụ thể:
1. Nếu bất kỳ ai trong chúng tôi bị câu lưu, tạm giữ, tạm giam, thì tất cả những người còn lại, nếu ở cùng địa phương đó tại thời điểm xảy ra hành động bắt giữ, phải hợp lực đấu tranh, đòi trả tự do ngay lập tức cho người đó; không ai được thoái thác. (Đòi người tại đồn công an nơi người đó bị giữ; trong trường hợp không biết người đó bị giữ ở đâu thì có thể tổ chức biểu tình tại Bộ Công an).
2. Nếu bất kỳ ai trong chúng tôi bị hành hung, bị khủng bố tinh thần hoặc thể chất, thì những người còn lại phải chăm sóc, hỗ trợ về tài chính và pháp lý cho người đó.
3. Nếu bất kỳ ai trong chúng tôi bị gây sức ép về kinh tế, chỗ ở, học tập, ảnh hưởng tới cuộc sống, thì những người còn lại, trong điều kiện của mình, phải trợ giúp khôi phục khả năng ổn định cuộc sống, đòi lại quyền lợi chính đáng cho người đó.
4. Nếu bất kỳ ai trong chúng tôi bị gây khó khăn về thủ tục hành chính liên quan đến chính quyền, thì những người còn lại phải hỗ trợ về truyền thông và pháp lý cho người đó, buộc chính quyền phải thực hiện đúng trách nhiệm của họ.
5. Nếu bất kỳ ai trong chúng tôi bị kết án tù hoặc cải tạo giam giữ, thì những người còn lại phải thăm nuôi người đó và chu cấp, bảo vệ, chăm sóc thân nhân (bố mẹ, vợ/chồng, con cái) của người đó.
Chúng tôi thực hiện các nghĩa vụ này trong tinh thần đoàn kết, tương trợ và phi bạo lực.
Các nghĩa vụ này chỉ áp dụng đối với những người ký tên trong Hiến chương và bị trấn áp vì các hoạt động chính trị-xã hội ôn hòa và đúng mục đích dân chủ, nhân quyền.
Bất kỳ ai đã ký tên vào Hiến chương đều phải thực hiện các nghĩa vụ nêu trên. Nếu thoái thác, vì bất kỳ lý do gì, người đó sẽ bị nêu tên trên các phương tiện truyền thông và chịu sự phán xét của công luận. Vi phạm 03 lần sẽ bị khai trừ khỏi Hiến chương.
Hiến chương có hiệu lực đối với từng cá nhân kể từ thời điểm ký.
Hà Nội, ngày 5 tháng 6 năm 2015