- Bài và ảnh: Facebook Vì Một Hà Nội Xanh
Một tháng rưỡi sau ngày nhóm Vì Một Hà Nội Xanh (VMHNX) đưa văn bản yêu cầu giải trình đến Phòng Tiếp Công dân UBND TP Hà Nội lần thứ nhất, vào 15h chiều thứ ba, 23/6, cơ quan này đã mời đại diện của nhóm đến làm việc về nội dung liên quan đến vụ chặt hạ, thay thế hàng loạt cây xanh trên địa bàn Hà Nội.
Tiếp nhóm
VMHNX là các ông Phạm Chí Công (Phó Chánh VP UBND TP, Trưởng ban Tiếp Công dân
TP), ông Nguyễn An Huy (Phó Chánh Thanh tra TP), ông Lê Hồng Oanh Ngọc (Phó Trưởng
ban Tiếp Công dân TP), ông Bá Văn Thắng (Phó phòng chuyên môn, VP UBND TP), bà
Lại Thị Tuyết Nhung (Trưởng phòng Tổng hợp, Ban Tiếp Công dân TP), cùng hàng chục
công an sắc phục, an ninh thường phục và dân phòng đứng bên ngoài để “canh” và
quay phim các thành viên của VMHNX.
Tuy nhiên,
ngược với số lượng đông đảo của đoàn tiếp dân, phía VMHNX chỉ có hai người được
phép vào là anh Nguyễn Anh Tuấn và chị Cao Vĩnh Thịnh, mặc dù trong hai lần gặp
trước, đều có 5 thành viên tham gia thảo luận.
“Dân không có quyền yêu cầu Nhà nước
giải trình”
Ngay từ đầu
cuộc gặp, Phó Chánh VP UBND TP Phạm Chí Công đã “phủ đầu” bằng cách khẳng định:
“Tôi phải nói rằng các anh chị dùng từ “văn bản yêu cầu giải trình” trên đơn là
không đúng quy định của pháp luật. Ta phải thống nhất với nhau là không dùng mấy
từ này. Chỉ có một là kiến nghị, hai là đề nghị, ba là tố cáo, chứ mình là công
dân thì không có quyền “yêu cầu giải trình”. Theo luật là không có”.
Ông Công giải
thích: “Theo Điều 6, Nghị định 90 (tức là Nghị định 90/2013/NĐ-CP ngày
17/7/2013, quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực
hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao – VMHNX), điều kiện để cơ quan nhà nước giải
trình là vấn đề phải trực tiếp xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ
quan, tổ chức, cá nhân có đề nghị. Cho nên với cái nội dung này, chúng tôi
không giải trình”.
Ông Công lặp
đi lặp lại ý này và còn nói: “Đề nghị các anh chị nghiên cứu kỹ các quy định của
pháp luật để có kiến nghị, phản ánh đúng quy định”.
Đại diện của
VMHNX, anh Nguyễn Anh Tuấn, nói: “Chúng ta làm việc trên tinh thần tôn trọng lẫn
nhau và trân trọng tình cảm của người dân đối với thủ đô. Chính vì thế nên việc
tranh cãi xem văn bản này phải mang tên là “kiến nghị” hay “yêu cầu giải trình”
là không cần thiết. Tuy nhiên, một khi anh cứ nhấn mạnh mãi rằng chúng tôi vận
dụng sai luật thì phải nói thẳng: Chúng tôi không sai. Bản thân chúng tôi là những
người chịu thiệt hại trực tiếp từ hành vi chặt phá cây xanh trên các tuyến phố.
Chúng tôi có bị ảnh hưởng từ sự chặt phá cây, và đó là hành vi chặt hạ chứ
không phải tỉa cành”.
Anh Tuấn cũng
khẳng định bản báo cáo kết luận thanh tra (ngày 8/5/2015) chỉ là nhằm báo cáo cấp
trên (UBND TP và Thanh tra CP) chứ không mang ý nghĩa giải trình đối với người
dân để họ xác định cụ thể sai phạm ở đâu. “Về mặt logic, các anh làm và các anh
tự thanh tra mình và báo cáo lẫn nhau, là không đúng. Về nội dung, chúng tôi
cũng không hài lòng với kết quả thanh tra, vì nó không khách quan, không cụ thể,
không chỉ rõ các sai phạm”.
“Anh là dân, và cơ quan nhà nước không
giải trình với anh”
Vị Phó Chánh
VP UBND TP to tiếng: “Thành phố Hà Nội đã hết sức nghiêm túc, đã chỉ đạo thanh
tra và có kết luận thanh tra. Kết luận thanh tra đã làm rõ mọi việc rồi, các
anh chị về mà đọc, mà nghiên cứu cho kỹ. Còn các đề nghị khác của các anh chị,
chúng tôi trả lời luôn, là không có cơ sở cung cấp. Thành phố chính thức trả lời
là tất cả nội dung đã được đề cập trong kết luận của Thanh tra rồi và Thành phố
cũng đang thực hiện hết sức nghiêm túc. Anh chị không thấy khách quan chứ đa phần
người ta thấy khách quan rồi”.
Anh Nguyễn
Anh Tuấn một lần nữa nhắc lại: “Bản kết luận không thể hiện được các văn bản mà
chúng tôi yêu cầu. Là người dân, chúng tôi có quyền giám sát và chúng tôi cần
những văn bản đó để tiếp tục thực hiện công việc giám sát độc lập và phản ánh
tiếp”.
Các quan chức
tiếp tục yêu cầu đại diện nhóm VMHNX “về đọc kết luận thanh tra”. Họ không đưa
ra được một thông tin nào mới cũng như không giải trình thêm được một lời nào.
Với các câu hỏi
mang tính chất vấn của anh Nguyễn Anh Tuấn và chị Cao Vĩnh Thịnh về bản kết luận
thanh tra (ví dụ, văn bản của Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến đường sắt đô
thị Cát Linh-Hà Đông có nói đến việc lập phương án bảo vệ, không rõ phương án
đó có bao gồm việc chặt cây không và chặt bao nhiêu?), các quan chức đồng loạt:
“Anh chị chỉ có quyền phản ánh đề nghị của các anh chị thôi chứ không có quyền
chất vấn”. Ông Phó Chánh Thanh tra Nguyễn An Huy còn tuyên bố: “Anh là người
dân. Tôi sẽ không giải trình với anh các nội dung đó. Anh không có quyền yêu cầu
tôi trả lời và tôi không có trách nhiệm trả lời. Anh lấy điều nào của luật mà
đòi hỏi cơ quan nhà nước phải trả lời anh?”.
Các bạn trẻ chờ đợi kết quả buổi làm việc.
Thái độ thiếu tôn trọng dân
Cuộc làm việc
kết thúc sau hơn một tiếng, với biên bản do Ban Tiếp Công dân lập. Anh Nguyễn
Anh Tuấn ghi rõ: “Biên bản này chỉ phản ánh được một phần nội dung buổi làm việc.
Buổi làm việc không làm rõ được các nội dung yêu cầu giải trình – mục 1 và 2.
Chúng tôi bảo lưu việc đề nghị UBND TP Hà Nội làm rõ thêm các nội dung của bản
kết luận thanh tra bằng việc cung cấp bản sao các văn bản như đã nêu trong “văn
bản yêu cầu giải trình” đã gửi ngày 28/5/2015”.
Phía ngoài
phòng, các nhân viên an ninh Thành phố, quận Hoàn Kiếm, và công an, cũng ngăn cản
ba thành viên của nhóm VMHNX vào bên trong để cùng tham gia thảo luận.
Nhìn chung,
cuộc gặp và thảo luận của Ban Tiếp Công dân với những thành viên đại diện của
VMHNX chiều 23/6 một lần nữa cho thấy chính quyền vẫn chưa thực sự cầu thị và
coi trọng ý kiến cũng như yêu cầu của người dân, đồng thời cũng thể hiện rằng một
cơ chế để chính quyền phải thực sự minh bạch là chưa thể có ở Việt Nam.
Điều này mở
ra nhiều vấn đề mới trong công cuộc vận động bảo vệ môi trường, thúc đẩy minh bạch,
của nhóm VMHNX. Trước mắt, sẽ
là việc tiếp tục yêu cầu Hà Nội phải có lời giải trình và trả lời bằng được những
câu hỏi còn bỏ ngỏ. Bên cạnh đó, thái độ và cung cách cư xử với người dân là điều
mà chính quyền phải khẩn trương cải thiện.
Nhóm VMHNX sẽ
tiếp tục các yêu cầu, kiến nghị, nhằm làm rõ các sai phạm, để bảo vệ môi trường
và cây xanh một cách triệt để.