Thursday, 16 July 2015

Gửi những bạn trẻ đang muốn dấn thân

Ở Việt Nam, có nhiều lúc rất mệt mỏi, nhưng hoàn toàn không phải do chuyện gì xuất phát từ chính mình. Chẳng hạn, đó là khi chúng ta nhận được những tin nhắn FB từ một ai đó - thường là các bạn trẻ - than rằng họ bày tỏ chính kiến, rồi họ bị người thân, bạn bè xa lánh, cô lập, bị trường học / cơ quan nhắc nhở, và nặng nề nhất là bị công an địa phương hăm dọa, quấy rối.

Sự mệt mỏi chuyển thành lo sợ khi họ kêu muốn chết, muốn tự sát, vì không thể sống trong tình trạng cô đơn, tuyệt vọng vậy được, và cũng vì muốn thức tỉnh mọi người khác. 

Không phải là bác sĩ, không có kiến thức về tâm lý học, đã không ít lần chúng tôi phải hốt hoảng nhắn tin, gọi điện điên loạn để ngăn một bạn trẻ làm điều dại dột, hoặc phải hộc tốc phóng xe máy đến gặp họ, năn nỉ, dỗ dành, an ủi, rồi... tìm cách đưa họ vào bệnh viện.

* * *

Tôi đã xem Facebook của những bạn trẻ như thế, và thật sự thấy thương khi họ viết những status rất mạnh mẽ chỉ trích chính quyền (có nhiều chỗ còn viết sai chính tả), hoặc share lại status của các blogger hoạt động dân chủ, và ở dưới, thể nào cũng có comment. Tiếc là comment hưởng ứng họ thì ít, comment khuyên nhủ, trách móc, thậm chí chửi bới họ, thì nhiều. Nhẹ nhàng nhất cũng là những comment kiểu như “dạo này làm sao thế?”, “bình tĩnh lại đi”, “cẩn thận đấy”, “đi quá xa rồi đấy”...

Giữa một cộng đồng như thế, họ cô đơn, tuyệt vọng là phải. Chưa kể kè kè bên họ còn là trường học/ cơ quan, tổ dân phố, công an địa phương... những đối tượng thay vì khuyến khích thì lại vùi dập họ, chà đạp lên những điều mà họ tin tưởng là tốt đẹp nhất.

Nhưng vấn đề dường như cũng xuất phát một phần nhỏ từ họ, từ sự nôn nóng muốn “khai dân trí” của họ.

Tôi đã chứng kiến nhiều người như vậy. Thật sự họ đầy nhiệt tình và rất có thiện tâm. Họ muốn làm những người khác cũng hiểu về tự do-dân chủ, cũng biết đến “tội ác cộng sản”, đến sự tàn bạo của công an và sự tham nhũng, thối nát, độc tài của chính quyền. Ở đâu, gặp ai, vào bất kỳ lúc nào, họ cũng sẵn sàng nói cả tiếng đồng hồ, mạnh mẽ và sôi nổi, về những cái đó. Trên mạng cũng vậy, họ viết rất nhiều status chính trị, và khi nhận được các comment khuyên nhủ, răn dạy hay chửi bới, họ lại bỏ thời gian trả lời rất dài dòng, lằng nhằng. Nhiều khi cuộc tranh luận kéo dài tới vài chục comment chỉ để cả hai bên đều điên tiết vì đối phương.

Ở Việt Nam cũng như trong cộng đồng Việt Nam ở Mỹ, tôi đã từng chứng kiến nhiều người như thế. Họ nhiệt tình, tâm huyết. Nhưng khổ thay, cách “tuyên truyền” xấn xổ, ồ ạt, tranh thủ mọi lúc mọi nơi của họ, thay vì làm người xung quanh thay đổi, lại chỉ khiến các cử tọa bất đắc dĩ phản ứng ngược: Người ta sốt ruột, khó chịu, rồi thì bực bội, hoặc ít nhất cũng ngạc nhiên vì phải nghe một chủ đề chẳng liên quan gì.

Quá mong muốn “khai dân trí” và “tuyên truyền, vận động”, họ đã bỏ quên một trong các nguyên tắc căn bản khi muốn hùng biện: HÃY NÓI CÁI NGƯỜI TA THÍCH NGHE, ĐỪNG CHỈ NÓI CÁI MÌNH QUAN TÂM.

Bạn trẻ Hà Nội dán ruy-băng bảo vệ cây, 19/3/2015.

* * *

Tôi viết những điều này, rất giống như đang dạy đời, nhưng tôi vẫn đành phải viết vì biết đâu, nếu may mắn mà những gì tôi nói đủ thuyết phục thì chúng tôi sẽ ít phải mệt mỏi và lo sợ vì những bạn trẻ đang tuyệt vọng và muốn làm điều dại dột.

Các bạn trẻ thân mến ơi!

1. Cuộc sống là quý giá, đừng bao giờ nghĩ tới chuyện tử tự. Nếu bạn muốn cộng đồng/ xã hội/ đất nước thay đổi, thì càng phải sống để góp phần làm cho nó thay đổi. Nhất là đừng bao giờ ảo tưởng rằng cái chết của bạn sẽ thức tỉnh mọi người.

2. “Dục tốc bất đạt”, Hà Nội không vội được đâu (và cả Việt Nam đều thế). Khai dân trí, truyền bá các kiến thức về dân chủ, nhân quyền, khoa học chính trị... lĩnh vực gì cũng tốt, nhưng bạn đừng làm việc đó một cách mạnh mẽ, hăng hái, xấn xổ quá, người ta sợ.

Muốn truyền bá kiến thức, bạn phải nắm rất vững nó và nhất là bạn phải thực hành nó trước. Nếu bạn tin chắc dân chủ-tự do là các giá trị tốt cần phổ cập, bạn hãy “thị phạm” nó cho mọi người xem. Hãy để mọi người thấy rằng từ khi quan tâm đến chính trị, bạn bỗng trở nên tốt hơn, lương thiện hơn và giỏi hơn, tóm lại là tích cực hơn, chứ bạn không phải là một kẻ gàn dở, bất mãn, tệ hơn nữa là hằn học, thù hận.

3. Bạn không nhất thiết phải bày tỏ chính kiến mạnh mẽ trên mạng hay share những nội dung do các blogger chính trị viết (tất nhiên, nếu bạn share status này thì tôi rất cảm ơn, nhưng nếu không cũng không sao). Đừng lo mọi người xung quanh chậm tiến; chắc chắn họ sẽ chịu ảnh hưởng của bạn và sẽ thay đổi theo hướng tích cực, nếu bạn đủ tích cực.

4. Và cuối cùng, dù sao đi nữa, khi bạn đi trước cộng đồng và/hoặc nghĩ khác số đông thì cảm giác đơn độc là không tránh khỏi, nhưng đó là cái giá phải trả cho sự “khác với đa số”. Đa số dân Việt Nam không quan tâm đến chính trị, triết học, di truyền học, nhạc giao hưởng, v.v. cho nên hãy tin là chẳng riêng bạn, các triết gia/ nhà khoa học/ nghệ sĩ... cũng cô đơn cả. Chỉ có cái khác giữa họ và bạn là họ không bị an ninh sách nhiễu, nhưng suy cho cùng thì ngay cả việc đó cũng chỉ là một chuyện nhỏ trong cuộc đời này.

Đi phát tờ rơi hướng dẫn chống say nắng, chiều 2/7/2015.

Monday, 13 July 2015

Thảm sát Bình Phước: sức ép đối với báo chí

Khi tờ báo điện tử thuộc hàng chuyên nghiệp đầu tiên ra đời ở Việt Nam - VnExpress, bắt đầu vận hành từ đầu năm 2001 - đội ngũ những phóng viên, biên tập viên của nó đã phải vật lộn rất lâu với chính mình, chính những thói quen đọc và làm báo cũ của mình, để tập những bước đi đầu tiên gọi là hướng tới báo chí hiện đại theo chuẩn Tây phương. Có những điều mà đến giờ, có thể chẳng nhà báo nào còn thấy mới nhưng với thế hệ đầu tiên ở VnExpress thời đó, chúng là cả một cuộc cách mạng về ngôn từ và phong cách làm báo:

- Không dùng những đại từ quá khích như y, thị, hắn, bọn chúng... Trong trường hợp phải đề cập đến nhân vật tiêu cực, chỉ nên dùng các đại từ như “anh/chị ta”, “ông/bà ta”, “bọn họ”.

- Không dùng từ “đồng chí” cho các lãnh đạo. Có lẽ VnExpress là tờ báo đầu tiên trong nước mở đường cho việc báo chí không gọi các lãnh đạo là đồng chí mà chỉ gọi họ bằng chức danh và ngôi nhân xưng. Ví dụ, không viết “đồng chí Nông Đức Mạnh”, “đồng chí Tổng Bí thư”... mà viết là “Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh”, “ông”); và đặc biệt

- Không kết án trước khi có phán quyết của tòa (*). Thời gian trước đó, người đọc báo hẳn là đã quá quen thuộc với các mẫu câu kiểu như sau đây: “Nguyễn Văn X, con thú đội lốt người, nhất định sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng”, “Phạm Thị Y., hãy mau chóng ra đầu thú. Nên nhớ: Lưới trời lồng lộng, những kẻ phạm tội ác không bao giờ có thể nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Chạy đi đâu? Trốn đâu cho thoát”.

Khi báo chí đưa tin về một phiên tòa thì câu kết luận bản tin thường sẽ là: “Đông đảo nhân dân tham dự phiên tòa đều phẫn nộ, yêu cầu tòa xử bị cáo với mức án cao nhất”, “Bản án đã xử đúng người, đúng tội. Đông đảo nhân dân tham dự phiên tòa đều đồng tình với kết quả xử án”.

Đó là phong cách điển hình của báo chí cách mạng, và nền báo chí ấy đã tạo ra hàng thế hệ độc giả/ khán giả/ thính giả bị hạn chế về năng lực phản biện và mất hoàn toàn ý thức về nhân quyền hay nhà nước pháp quyền (thật ra phải nói là, đã bao giờ có đâu mà mất).

Không rõ trải qua bao lâu thì báo chí Việt Nam bỏ bớt được những đại từ quá khích như y, thị, hắn. Lối gọi “đồng chí Nguyễn Phú Trọng”, “đồng chí Trương Tấn Sang”... bây giờ cũng chỉ còn ở một số ít báo lề đảng rõ rệt như Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân.

Nhưng chuyện “kết án trước khi có phán quyết của tòa” thì vẫn còn, điển hình là trong vụ thảm sát Bình Phước này. Tuy nhiên, so với thời trước năm 2001, độc giả bây giờ đã khác nhiều lắm. Một số (tuy không đông) đã phản ứng với cách báo chí đưa tin, viết bài theo hướng khẳng định hai nghi can là “hung thủ”, “kẻ thủ ác”.

Dù vậy, để thay đổi tư duy, thay đổi não trạng, vẫn khó vô cùng, và cũng khó mà chỉ trích báo chí trong bối cảnh xã hội Việt Nam, với nền tảng văn hóa chính trị như hiện nay. Khi tất cả độc giả đang sôi sục “Bình Phước”, “Bình Phước”, nhà báo làm sao có thể lội ngược dòng. Chắc chắn không tòa soạn nào cưỡng nổi cơn khát view. Chắc chắn không nhà báo nào dám công khai tuyên bố “tôi không muốn bị cuốn vào chuyện này, tôi không muốn đưa tin theo cách kết án nghi can, tôi từ chối tác nghiệp”.

Đó là chưa kể, nhà báo đưa tin kiểu khác làm sao được, khi mà toàn bộ thông tin đầu vào của họ về vụ án đều do công an cung cấp, còn bản thân họ không có khả năng điều tra độc lập.

Liệu có nhà báo nào dám chống lại yêu cầu của tòa soạn, được che đỡ bởi cái khiên “nhu cầu của độc giả”? Không, vì rất khó có thể làm báo kiểu Tây trên đất Việt Nam lúc này.

--------

(*) Đây là một nguyên tắc trong luật pháp và tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền, nó được phát biểu đầy đủ là: "Mọi người bị buộc tội hình sự đều có quyền được giả định là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội, căn cứ theo luật", "Các cơ quan công quyền và quan chức phải tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội. Tất cả các cơ quan công quyền đều có nghĩa vụ tự kiềm chế, không được kết án trước khi xét xử, chẳng hạn, bằng việc không đưa ra những phát biểu công khai khẳng định tội của bị cáo. Các cơ quan công quyền và quan chức, kể cả công tố viên, có thể thông tin cho công chúng biết về quá trình điều tra hình sự hay cáo trạng, nhưng không được thể hiện quan điểm về tội của bất cứ bị cáo nào". 

(xem General Comment số 22 của Ủy ban Nhân quyền LHQ (UN Human Rights Committee).

Friday, 10 July 2015

Thảm sát Bình Phước: sức ép và rủi ro cho cơ quan điều tra

Công an Bình Phước đã kêu gọi người dân cung cấp thông tin lên quan đến vụ thảm sát ở Bình Phước rạng sáng 7/7 qua số điện thoại: 0651.3879.434 (tiếp nhận 24/24h) hoặc website http://conganbinhphuoc.gov.vn); email: conganbinhphuoc@gmail.com.

Vụ thảm sát cả một gia đình ở Bình Phước đang khiến cho dư luận kinh sợ và phẫn nộ, báo chí đưa tin dồn dập, ai cũng mong muốn phải tìm ra các hung thủ càng sớm càng tốt.

Mong muốn đó tất nhiên là rất chính đáng, nhưng nó cũng đang gây sức ép lớn cho cơ quan điều tra. Mà điều này, theo mình, có rủi ro đưa đến hai hậu quả đáng lo ngại:

1, Nếu không tìm ra kẻ thủ ác thì sao? Thực tế là không phải vụ án giết người nào, công an cũng xác định được thủ phạm, hoặc cũng có vụ xác định được nhưng không bắt được (ví dụ như vụ sát hại Giáo sư Phạm Huy Thông, năm 1988, gây xôn xao cả làng “báo miệng”, “báo vỉa hè” ở Hà Nội. Không rõ hung thủ cuối cùng có bị bắt, bị xét xử không - hy vọng là có, chỉ là mình không biết thôi).

Nếu không tìm ra thủ phạm, ngành công an sẽ cực kỳ mất uy tín. Thảm sát ở Bình Phước rõ ràng là một vụ trọng án, đích thân Bộ trưởng Trần Đại Quang đã phải đến hiện trường để thăm hỏi thân nhân và chỉ đạo điều tra, cũng có nghĩa là nếu điều tra không có kết quả, sẽ khiến công an rất mất uy tín. Cùng với đó, người dân tiếp tục mất lòng tin vào công lý xã hội (cứ ngỡ người tốt được tưởng thưởng, kẻ xấu bị trừng trị, nay thì cả một gia đình hiền lành, không điều tiếng gì, bị chết thảm, còn kẻ thủ ác thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật...).

2, Nhưng cũng chính vì ý chí phải điều tra cho được, không để xảy ra hậu quả nói trên, nên công an chịu sức ép rất lớn, và điều đó có thể dẫn đến những sai lầm vô tình hoặc cố ý trong tiến trình điều tra, tố tụng. Kinh nghiệm làm việc với an ninh điều tra cho mình thấy, công an Việt Nam thực sự vẫn phải dựa chủ yếu vào “cung” hơn là “chứng”, hay nói cách khác, căn cứ buộc tội chính vẫn là các lời khai. Mà ngay trong chuyện lấy lời khai - lẽ ra phải là một cuộc đấu trí giữa điều tra viên và “đối tượng” - an ninh cũng không chứng tỏ được nghiệp vụ gì cao lắm; thường họ vẫn thể hiện sự suy diễn, gán ghép, quy chụp, nói cách khác là một kiểu ép cung rất thấp.

Đấy là bên an ninh điều tra. Mình không rõ bên cảnh sát điều tra thì thế nào, hy vọng lực lượng này khá hơn. Nhưng cũng đã có những vụ án cho thấy những vấn đề đáng lo ngại trong công tác điều tra. Vụ Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải, quá trình điều tra, truy tố, xét xử hầu như chỉ dựa vào lời khai của chính các bị can, mà lời khai ấy có được là do... ép cung, trong đó có cả tra tấn. Riêng vụ Nguyễn Văn Chưởng thì ngay cả đến nhân chứng (anh Trần Quang Tuất) cũng bị tra tấn, nên buộc phải thay đổi lời khai theo hướng bất lợi cho bị cáo.

Vì thế, mình rất sợ và chỉ sợ là trong vụ Bình Phước này, dưới sức ép của công luận và cấp trên, cơ quan điều tra sẽ phải duy ý chí mà bắt cho được một vài cá nhân, rồi sau đó sẽ gán bằng được tội cho họ - cùng với sự phối hợp của một công luận đang nôn nóng và báo chí đang cần tăng view. Tâm lý “giết nhầm hơn bỏ sót”, “nhất định phải tìm ra hung thủ”, thậm chí “cứ xử cái đã, có gì điều tra lại sau” sẽ khiến công lý bị biến thành nền dân chủ của số đông hung hãn.

Tất nhiên đấy là kịch bản tồi tệ nhất (người bị giết đã chết rồi, mà lại có thêm người vô tội bị khép tội và phải chết oan). Tất nhiên trong dư luận biết suy nghĩ, không ai muốn kịch bản ấy xảy ra mà ai cũng chỉ muốn công an tìm ra được thủ phạm thực sự của vụ thảm sát.