Công an Bình Phước đã kêu gọi người dân cung cấp thông tin lên quan đến vụ thảm sát ở Bình Phước rạng sáng 7/7 qua số điện thoại: 0651.3879.434 (tiếp nhận 24/24h) hoặc website http://conganbinhphuoc.gov.vn); email: conganbinhphuoc@gmail.com.
Vụ thảm sát cả một gia đình ở Bình Phước đang khiến cho dư luận kinh sợ và phẫn nộ, báo chí đưa tin dồn dập, ai cũng mong muốn phải tìm ra các hung thủ càng sớm càng tốt.
Mong muốn đó tất nhiên là rất chính đáng, nhưng nó cũng đang gây sức ép lớn cho cơ quan điều tra. Mà điều này, theo mình, có rủi ro đưa đến hai hậu quả đáng lo ngại:
1, Nếu không tìm ra kẻ thủ ác thì sao? Thực tế là không phải vụ án giết người nào, công an cũng xác định được thủ phạm, hoặc cũng có vụ xác định được nhưng không bắt được (ví dụ như vụ sát hại Giáo sư Phạm Huy Thông, năm 1988, gây xôn xao cả làng “báo miệng”, “báo vỉa hè” ở Hà Nội. Không rõ hung thủ cuối cùng có bị bắt, bị xét xử không - hy vọng là có, chỉ là mình không biết thôi).
Nếu không tìm ra thủ phạm, ngành công an sẽ cực kỳ mất uy tín. Thảm sát ở Bình Phước rõ ràng là một vụ trọng án, đích thân Bộ trưởng Trần Đại Quang đã phải đến hiện trường để thăm hỏi thân nhân và chỉ đạo điều tra, cũng có nghĩa là nếu điều tra không có kết quả, sẽ khiến công an rất mất uy tín. Cùng với đó, người dân tiếp tục mất lòng tin vào công lý xã hội (cứ ngỡ người tốt được tưởng thưởng, kẻ xấu bị trừng trị, nay thì cả một gia đình hiền lành, không điều tiếng gì, bị chết thảm, còn kẻ thủ ác thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật...).
2, Nhưng cũng chính vì ý chí phải điều tra cho được, không để xảy ra hậu quả nói trên, nên công an chịu sức ép rất lớn, và điều đó có thể dẫn đến những sai lầm vô tình hoặc cố ý trong tiến trình điều tra, tố tụng. Kinh nghiệm làm việc với an ninh điều tra cho mình thấy, công an Việt Nam thực sự vẫn phải dựa chủ yếu vào “cung” hơn là “chứng”, hay nói cách khác, căn cứ buộc tội chính vẫn là các lời khai. Mà ngay trong chuyện lấy lời khai - lẽ ra phải là một cuộc đấu trí giữa điều tra viên và “đối tượng” - an ninh cũng không chứng tỏ được nghiệp vụ gì cao lắm; thường họ vẫn thể hiện sự suy diễn, gán ghép, quy chụp, nói cách khác là một kiểu ép cung rất thấp.
Đấy là bên an ninh điều tra. Mình không rõ bên cảnh sát điều tra thì thế nào, hy vọng lực lượng này khá hơn. Nhưng cũng đã có những vụ án cho thấy những vấn đề đáng lo ngại trong công tác điều tra. Vụ Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải, quá trình điều tra, truy tố, xét xử hầu như chỉ dựa vào lời khai của chính các bị can, mà lời khai ấy có được là do... ép cung, trong đó có cả tra tấn. Riêng vụ Nguyễn Văn Chưởng thì ngay cả đến nhân chứng (anh Trần Quang Tuất) cũng bị tra tấn, nên buộc phải thay đổi lời khai theo hướng bất lợi cho bị cáo.
Vì thế, mình rất sợ và chỉ sợ là trong vụ Bình Phước này, dưới sức ép của công luận và cấp trên, cơ quan điều tra sẽ phải duy ý chí mà bắt cho được một vài cá nhân, rồi sau đó sẽ gán bằng được tội cho họ - cùng với sự phối hợp của một công luận đang nôn nóng và báo chí đang cần tăng view. Tâm lý “giết nhầm hơn bỏ sót”, “nhất định phải tìm ra hung thủ”, thậm chí “cứ xử cái đã, có gì điều tra lại sau” sẽ khiến công lý bị biến thành nền dân chủ của số đông hung hãn.
Tất nhiên đấy là kịch bản tồi tệ nhất (người bị giết đã chết rồi, mà lại có thêm người vô tội bị khép tội và phải chết oan). Tất nhiên trong dư luận biết suy nghĩ, không ai muốn kịch bản ấy xảy ra mà ai cũng chỉ muốn công an tìm ra được thủ phạm thực sự của vụ thảm sát.