Sunday, 16 August 2015

"Bộ trưởng Giáo dục" tương lai, đừng sợ!

Đôi khi, phản ứng của “một bộ phận dư luận” thật đáng ngạc nhiên.

Khi nhà báo Mỹ Thomas A. Bass viết một loạt bài dài về tình trạng kiểm duyệt ở Việt Nam (năm 2014), ông cứ hí hửng tưởng đâu các bài viết của mình sẽ gây một làn sóng dư luận về vấn nạn kiểm duyệt văn hóa, xuất bản tại đất nước này. Điều khiến ông bất ngờ là khi các bản dịch của loạt bài được công bố, quả thật đã có một làn sóng, nhưng nói chung đó là sự phẫn nộ dành cho một tên “nhà báo-chỉ điểm” đã không bảo vệ nguồn tin, đã lôi tuột hết danh tính các nạn nhân của kiểm duyệt lên truyền thông, khiến cho họ có nguy cơ gặp rầy rà, phiền nhiễu với chính quyền sau đó.

Ông nhà báo Mỹ kêu trời: “Nhưng tại sao tôi phải chịu trách nhiệm về những gì chính quyền Việt Nam làm? Họ mới là kẻ kiểm duyệt. Họ mới là kẻ sẽ xử lý người này, trừng phạt người kia vì đã tiết lộ thông tin về kiểm duyệt ở Việt Nam”.

* * *

Ngày 12/8 vừa qua, tại một hội thảo giới thiệu sách của nhóm Cánh Buồm ở Hà Nội, em Vũ Thạch Tường Minh, học sinh trường Hà Nội-Amsterdam, phát biểu: “... Con không có tính từ nào khác nên con phải dùng tính từ này, là giáo dục Việt Nam bây giờ con thấy là quá ‘thối nát’ rồi. Mà suốt bao năm qua các vị cải đi, cải lại, cải tiến, cải lùi mà nó vẫn không thay đổi được kết quả gì cả.... Giáo dục Việt Nam không cần cải cách gì nữa, giáo dục Việt Nam cần được cách mạng. Đó mới là điều các vị trong Bộ Giáo dục nên làm. Còn nếu bây giờ các vị không làm thì đến khi nào con thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục con sẽ làm”.

Phát biểu của em Minh tạo nên không chỉ một mà nhiều làn sóng dư luận: Một bên hoan hỉ, khen ngợi cậu bé “hậu sinh khả úy”, tranh thủ đả kích thêm một nền giáo dục thối nát tới mức “thằng bé 14 tuổi nó cũng phải chửi”.

Một bên khác, đáng kinh ngạc thay, lại ném đá - nhưng không phải vào nền giáo dục nước nhà, vì chắc họ cũng thấy không thể tình trạng giáo dục Việt Nam hiện giờ là không thể đỡ nổi nữa.

Họ ném đá vào em Minh, vì cho rằng phát biểu như thế chỉ là thỏa mãn cái bức xúc cá nhân, tức thời, chứ chẳng mang lại điều gì tốt đẹp.

Họ cũng ném đá em, vì họ khẳng định một thằng bé 14 tuổi thì không thể phát biểu như thế được. Từ đây họ gợi ý rằng hẳn đã phải có những kẻ xấu, những người lớn xấu xa, cơ hội, phản động, thù địch “gài” cho em Minh có những phát ngôn “lạ”, không đúng lứa tuổi của em.

* * *

Họ đã suy đoán và gợi ý như vậy, thì chúng ta cũng có thể suy đoán và gợi ý như sau:

Phần tiếp theo hội thảo này, sẽ có những người lớn đến gặp gia đình em Tường Minh và khuyên nhủ:

“Anh chị ạ, vừa rồi chắc anh chị cũng biết là trên mạng, người ta có phản ánh chuyện cháu Minh nhà mình đi dự một cái hội thảo giáo dục gì đấy của nhóm Cánh Buồm... Rồi ở đấy cháu nó có phát biểu mấy câu, được hoan nghênh lắm. Thật ra nội dung thì cũng không có gì đâu, nhưng khổ cái là nó lại bị đưa lên mạng anh chị à. Rồi thì mạng người ta làm dữ quá, thế là ầm ĩ cả lên, bây giờ cái video đó phải tới hơn 200.000 lượt người xem.

Chúng tôi thì cũng không dám có ý kiến gì đâu, nhưng mà anh chị cũng biết rồi đấy, bây giờ tình hình xã hội nó phức tạp lắm. Tệ nạn thì nhiều, game online, chat sex, lừa đảo trên mạng... xểnh ra một cái là có chuyện. Nhiều vị cứ thương con, chiều con, cho nó giao du, cho nó lên mạng, đi chơi v.v. nhiều rồi tới ngày xảy ra chuyện xấu, công an đến nhà hỏi, mới ngớ người “Chúng tôi có biết đâu, thường ngày cháu nó ngoan lắm mà”.

Chuyện dạy con thì nhà ta đây là gia đình trí thức, có ăn học có hiểu biết cả, chúng tôi không dám can thiệp. Nhưng chỉ xin nhắc để anh chị lưu ý, anh chị bảo ban cháu Minh, là lần sau tránh những hội thảo kiểu như vậy, mà nếu có đi dự thì nên hạn chế phát biểu linh tinh... Ấy, ý chúng tôi là nên hạn chế phát biểu tiêu cực, dễ bị bọn xấu nó lợi dụng, nó tung lên mạng, rồi thiên hạ lại ầm ĩ lên, phức tạp lắm mà chả giải quyết được việc gì cả... Anh chị công nhận không ạ?”.

Những người lớn đó cũng có thể sẽ đến gặp Ban Giám hiệu trường Hà Nội-Amsterdam nữa, để nhắc nhở, lưu ý các thầy cô về một trường hợp học sinh “có thể nói là cá biệt, dễ bị bọn xấu lợi dụng”.

Và sau đó Ban Giám hiệu nhà trường sẽ phải có biện pháp phối hợp giữa gia đình và nhà trường để tăng cường quản lý học sinh, nhất là về tư tưởng, tránh để các em bị thế lực thù địch tác động, lôi kéo, lợi dụng...

“Bộ trưởng Giáo dục”” tương lai ơi, đừng sợ. Và các thầy cô, Ban Giám hiệu trường Hà Nội-Amsterdam (trường cũ của tác giả bài này) cũng đừng e ngại điều gì từ những “người lớn” đầy tinh thần cảnh giác kia, nếu họ xuất hiện.

Một đứa trẻ trung thực và thông minh lớn lên sẽ là một công dân tốt. 

Em Vũ Thạch Tường Minh tại hội thảo giáo dục của nhóm Cánh Buồm, 
chiều tối 12/8/2015 tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đình Hà

* * *

Những suy đoán và gợi ý trên chắc chắn là có cơ sở thực tế hơn nhiều so với suy đoán và gợi ý rằng em Tường Minh đã bị người lớn nào đó gài bài.

Còn chuyện một cậu bé 14 tuổi có thể phát ngôn như em Minh hay không, thì có một câu chuyện có thật thế này:

Tháng 11/1989, nhân một kỳ bầu cử Quốc hội nào đó, toàn bộ khối học sinh lớp 6-7-8 của một trường cấp II tại Hà Nội được huy động ra ngoài đường diễu hành. Các em phải đi bộ khoảng 2km từ cổng trường, vòng vèo qua khu Chợ Giời, ra phố Huế, rồi quay lại trường; vừa đi vừa đánh trống và hô khẩu hiệu: “Toàn dân bầu cử”, “Bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân”...

Có một em học sinh lớp sáu, 11 tuổi, đã không hô mà còn cằn nhằn suốt buổi: “Bầu cử là gì? Trẻ con biết bầu cử là cái đếch gì mà các cô bắt bọn em đi thế này?”. Được cái em ấy không bị ai để ý. Bạn bè của em thì chỉ thấy được đi cùng nhau trên phố và gõ trống là vui rồi.

Em học sinh ấy còn viết thư gửi cô chủ nhiệm, có ghi một câu là “Em không thích tham gia các hoạt động phù phiếm, vô bổ”. Sau đó, em cũng quên bẵng lá thư ấy đi, cho đến một buổi họp phụ huynh cuối năm, cô chủ nhiệm mới gặp riêng mẹ em và khuyên nên chú ý đến trường hợp này. Cô nói: “Nó mới 11 tuổi, mà nó dùng từ lạ lắm chị ạ, nó bảo làm như thế là “phù phiếm, vô bổ”, nó không thích”. Cũng may, mẹ em chỉ kể lại chuyện đó cho em, và cả cô và mẹ đều không nhắc nhở gì em.

Nhưng đúng là em học sinh 11 tuổi đó đã dùng từ ấy thật, để nói về việc học sinh phải đi vận động bầu cử, cấp II thì phải làm “phụ trách Đội” cho cấp I, mùa hè thì không được nghỉ mà sáng nào cũng phải dậy từ 5h để ra tập thể dục tập thể cạnh bãi rác của khu phố..., và nhiều chuyện khác.

Em học sinh 11 tuổi ấy là người bây giờ ngồi viết những dòng này.