Tuesday, 18 August 2015

Một luận điểm sai lầm trong vụ "cậu bé 14 tuổi phê phán Bộ Giáo dục"

Một số đông dư luận đặt vấn đề, tại sao lại để một đứa bé 14 tuổi đứng lên chỉ trích Bộ Giáo dục như vậy, rồi cả đám người lớn hùa vào reo hò, tung hô nó, tiện thể “chửi” Bộ Giáo dục thêm? Như vậy, lũ người lớn kia đúng là bọn hèn nhát và cơ hội. Lẽ ra chúng phải thấy xấu hổ, nhục nhã mới phải.

Trước hết phải khẳng định rằng, việc một số người nêu vấn đề như vậy là quyền tự do ngôn luận của họ, không ai có thể cấm cản.

Tuy nhiên, thừa nhận như vậy rồi, ta vẫn phải nhận xét rằng họ nêu vấn đề sai; hay nói đúng hơn, họ không hiểu lắm về truyền thông (là chuyện bình thường). Hoặc, họ hiểu, nhưng cố tình lờ những nguyên tắc căn bản của truyền thông đi, để “lội ngược dòng” dư luận, thể hiện một chính kiến độc lập, khác biệt (cũng là chuyện bình thường).

Trong truyền thông, một trong các tiêu chí để đánh giá một sự kiện hay một vấn đề nào đó có xứng đáng được đưa lên mặt báo, có thu hút độc giả, gây sự chú ý của dư luận v.v. hay không, là: Sự kiện hay vấn đề đó có lạ, có mới không?

Sự kiện lạ, tức là sự kiện hiếm xảy ra. Ở đây, nếu người phát biểu những câu như “Suốt bao năm qua, các vị cải đi cải lại, cải tiến cải lùi mà nó vẫn không thay đổi được kết quả gì cả” là một công chức về hưu, một cô giáo cấp II, hay một nhà báo chuyên viết về giáo dục... Thì chúng ta có thể thấy ngay là những lời đó sẽ rơi tõm vào thinh không. Sẽ không ai chú ý.

Và sự thực là những phát biểu chê trách Bộ Giáo dục đã xuất hiện quá nhiều, nhan nhản khắp nơi trong nhiều năm qua. Chúng có thể phát ra từ miệng các giáo sư đại học đầu bạc hay hói, từ các quan chức về hưu đang mon men “phản tỉnh”, từ các thầy cô giáo sống đời công chức tương tự như “giáo Thứ” năm nào...

Chúng chẳng gây được ấn tượng gì cả. Càng nói càng nhàm.

Vậy nên, dễ hiểu tại sao những câu nói thẳng thắn, không lập luận, không lý lẽ, của một cậu bé 14 tuổi, lại gây “bão” dư luận. Video clip ghi âm cậu bé được gần nửa triệu lượt người xem chỉ sau 4 ngày.

Đơn giản vì sự kiện này quá lạ, quá hiếm khi xảy ra. Đã bao giờ có một đứa trẻ lên tiếng công khai chỉ trích Bộ Giáo dục chưa?

Và khi nó lạ, nó hiếm, thì nó khiến dư luận sôi lên là điều dễ hiểu, dễ thông cảm. Chẳng việc gì mà ai đó phải trách móc, đay nghiến đám đông: Tại sao các vị không phát biểu, lại để thằng bé đứng ra nói hộ rồi các vị vỗ tay? Chẳng có “đám đông ngu ngốc”, chẳng có “hiệu ứng bầy đàn” nào ở đây cả. Tất cả đều chỉ tuân theo những quy luật tâm lý và những nguyên tắc rất căn bản trong truyền thông.

Còn những ý kiến mạ lị vô căn cứ theo kiểu thuyết âm mưu “chắc chắn thằng bé có người giật dây” thì chúng ta khỏi cần bàn sâu ở đây. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm cá nhân, người viết bài này tin chắc rằng phần lớn học sinh trường Hà Nội-Amsterdam, đặc biệt là khối chuyên ngữ (nơi vốn được tiếng là năng động, hướng ngoại và... vọng ngoại), có thể phát biểu được như em Vũ Thạch Tường Minh. 

Và rồi sẽ tới lúc, dù có thể là rất lâu nữa, một tỷ lệ cao hơn học sinh Việt Nam có thể công khai, lớn tiếng chỉ trích Bộ Giáo dục và bất kỳ cơ quan nhà nước nào làm ăn tồi tệ... cũng như cả cái chính quyền bất tài thất đức hiện nay.