Monday, 28 September 2015

"Trận đánh đẹp" của công an nhằm vào ba "phản động viên"


Đây là câu chuyện của một người được tham gia và chứng kiến từ đầu sự kiện những nhà hoạt động nhân quyền ở Hà Nội đấu tranh tại đồn CA quận Hai Bà Trưng để buộc CA phải trả tự do cho sáu bạn trẻ của Lương Tâm TV bị bắt giữ tùy tiện, ngày 23/9.

Cùng nhiều anh em đấu tranh tại Hà Nội, chúng tôi có mặt tại đồn công an quận Hai Bà Trưng vào khoảng 18h30. Sau đó, luật sư Nguyễn Văn Đài, nhà báo Đoan Trang và bạn trẻ Lý Quang Sơn quyết định vào thẳng trong đồn để chất vấn. Song họ chỉ cho mình anh Đài vào. 40 phút sau, anh đi ra với câu trả lời rằng họ không biết gì cả, không giữ ai cả. Một vài nhân viên an ninh thường phục áp sát, đuổi anh về, cuối cùng thì chúng áp tải anh về tận nhà.

Những người còn lại rất nỗ lực để đối thoại với lực lượng công an tại đó, tuy vậy, thái độ bất hợp tác và bất lịch sự kiểu bề trên là tất cả những gì chúng tôi nhận lại. Chắc họ nghĩ “công an là bố dân”.

Khoảng hơn 20h, tin nhắn từ một người bạn bị bắt báo cho chúng tôi biết có người bị giữ trong đồn CA của quận Hai Bà Trưng. Mọi người quyết định tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ ngay tại cổng, với hai khẩu hiệu: “Yêu cầu thả người” và “Phản đối bắt giữ tùy tiện”.

Như những lần khác, bạo lực từ phía công an, lại nổ ra ngay lập tức. Chúng nhắm vào những người đi đầu đoàn biểu tình, lao vào giật băng rôn, xô đẩy và đánh mọi người túi bụi. Tôi chứng kiến toàn bộ cảnh chị Đoan Trang bị chúng giật băng rôn, nhưng chị giằng lại, do đó chị bị xô đẩy, bị đánh; cũng như cảnh chú Nguyễn Sơn bị đánh ngã ra đất, cảnh Lưu Văn Minh bị chúng xúm lại đấm như giã gạo vào đầu, bóp cổ. Khi Minh bị đánh, chị Đoan Trang lao vào cứu thì bị chúng đập đèn pin vào miệng khiến chị rách môi, chảy máu.

Sau khi chảy máu miệng, chị đứng tựa lưng vào cổng sắt của đồn CA, và đồng thời tuyên bố sẽ đứng tại đó cho đến khi nào sáu người bị bắt được thả. Trước tình cảnh đó, rất nhiều tên an ninh xúm xít vây quanh chị để gây sức ép, đuổi chị ra. Thái độ của chúng vô cùng hung hãn. Thấy vậy, bạn Lưu Văn Minh ra sức bảo vệ chị và dằn giọng: “Tôi sẽ không đi khỏi đây chừng nào chị ấy còn ở đây. Tôi không thể để chị tôi đứng một mình chỗ này”. Và tôi cũng có mặt tại đó để đồng hành cùng hai người họ.

Cả đám công an áo xanh, dân phòng, bảo vệ đeo băng đỏ, và côn đồ đều xúm lại, mặt mày cực kỳ hung ác. Biết rằng Minh là con trai, sẽ là tâm điểm để chúng ra đòn, nên chị Trang ghé tai bảo: “Em đi ra ngoài kia đi”. Nhưng Minh vẫn nhất định không đi: “Không. Em không để chị ở đây một mình được”.

Khung cảnh lúc đó cực kỳ bi tráng. Mọi người đã bị an ninh dùng dây rợ (chúng gọi là “dây quang”) xô đẩy, và chúng lấy số đông, dùng sức, đẩy tất cả ra đầu phố, cách khu vực cổng đồn độ 30 mét. Chỉ còn ba đứa ở lại, tựa lưng và ghì chặt tay vào song sắt của cổng. Anh Chí, chị Lan Lê, Gió Lang Thang và chị Thảo Teresa chạy lại đưa nước uống. Chúng tôi tranh thủ gửi lại điện thoại, nhờ Gió báo cho bạn cũng như gửi lời nhắn để xin phép sếp nghỉ làm vào ngày hôm sau.

Rồi Anh Chí, chị Lan Lê, Gió và chị Thảo Teresa cũng bị bọn chúng đẩy ra xa, và chúng giăng dây biến cổng đồn thành khu vực bảo vệ, chặn tất cả xe qua lại. Chỉ còn ba đứa - Lưu Văn Minh, chị Đoan Trang, và tôi - vẫn đứng đó. Một viên công an mặc đồ cảnh sát giao thông, mang lon trung tá, tên là Lê Văn Phiêu, trước khi chỉ đạo lính xô mọi người đi còn quay lại chỉ mặt chúng tôi: “Để xong bọn kia rồi tao sẽ xử lý bọn mày”.

 Ảnh: Lê Anh Hùng

“Năm mươi đánh một, chẳng chột cũng què” 

Suốt cả tiếng đồng hồ chúng tôi đứng đó, chúng thay phiên nhau đến vận động, dọa dẫm chúng tôi, cả đàn ông lẫn đàn bà, cả lãnh đạo lẫn lính. Nhẹ nhàng đáp lại, chúng tôi nói chỉ muốn tìm bạn, chứ không muốn làm mọi chuyện ầm ĩ lên. Nhưng tất nhiên phía an ninh không hiểu những điều đơn giản đó. Có lẽ công an đã quá quen với việc người dân phải sợ họ dẫu họ có sai lè chăng nữa, nên khi có ai đó cả gan không sợ họ, không sợ bị bắt thì họ trở nên hung dữ hơn hẳn.

Biết chúng tôi đứng ép mình giữa các thanh inox của cổng (cổng là loại tự động đóng mở thông qua nút điều khiển của trực ban, mỗi lần mở ra khoảng cách giữa hai thanh inox hẹp lại) nên chúng liên tục ra vào để có cớ mở cổng, thậm chí là mở ra ba lần cho ôtô ra rồi lại vào.

Trong lần cuối mở cổng cho ôtô ra, chúng tranh thủ xô chúng tôi ngã và thế là cả bọn bâu vào khiêng chúng tôi ra đầu đường bên kia, tức là phía ngược lại với các nhà hoạt động khác. Một gã thanh niên mặc thường phục thò tay giật luôn cặp kính cận khỏi mắt tôi. Đã bị ngã lại bị cướp kính, tôi không còn nhìn rõ nữa, nhưng số lượng nhân sự dùng để “xử lý” ba đứa cũng vào khoảng 50 kẻ cao to, cả cảnh sát, an ninh, dân phòng, “quần chúng tự phát”…

Dơ đến nỗi chúng tập kịch ngay trước mặt chúng tôi, cho một tên an ninh quát sa sả vào mặt một “quần chúng tự phát” như thế này: “Ông ra ngoài kia ngay. Ông mà còn vào khu vực chăng dây này là chúng tôi bắt đấy, nghe chưa?”. Chắc hắn muốn thị phạm cho chúng tôi biết cách cư xử với an ninh. Đồng chí “quần chúng tự phát” cung cúc ra ngoài, nhưng lát sau, hắn đã là một trong những người tham gia vừa bẻ tay vừa đánh vừa đẩy chúng tôi ra xa.

Lần đầu cả bọn khiêng chúng tôi ra xa khỏi cổng đồn khoảng 30m, rồi quẳng ba đứa lại trên mặt đường, chăng dây và kéo cả hàng rào sắt ra chặn đường luôn. Một tay dân phòng vẫy tay rồi ghé mặt hắn sát vào tai tôi, nói qua sợi dây giăng giữa hai bên: “Đ. mẹ mày!”. Chị Đoan Trang trừng mắt nhìn hắn. Hắn vênh mặt nhìn lại, nhơn nhơn.

Cuối cùng, thấy chúng tôi vẫn đứng (ngoài khu vực bị chăng dây) và gào thét đòi trả kính, trả người, chúng nổi điên, tháo dây và hàng rào sắt ra, xông ra ngoài, tiếp tục đánh, lôi, rồi khiêng ba người đến tận cuối đường.

Nỗi buồn “hậu biểu tình”

Đau đớn, mệt mỏi, buồn bã do phải chứng kiến, thậm chí là tâm điểm của bạo lực, chúng tôi đành lếch thếch đi bộ qua vài tuyến phố, tìm về với anh em…

Bị cô lập gần như từ đầu, chúng tôi không biết tình hình phía xa thế nào. Nhưng tôi tin chắc tất cả anh chị em vẫn đang chờ chúng tôi ngoài đó. Gặp được mọi người, ai cũng mừng mừng tủi tủi.

Tôi khóc. Anh Lượng ôm vai tôi an ủi, và có lẽ nếu có ai nhìn thấy, cũng không hiểu vì sao ở giữa “trận địa”, tôi không khóc, mà lúc này tôi lại trào nước mắt. Vì tủi thân ư? Không phải. Chỉ vì tôi rất muốn nói về những trải nghiệm của mình, về những người chị, người anh, người bạn của mình. Họ là chỗ dựa tinh thần cho tôi trong lúc khó khăn nhất. Họ đã làm tất cả, vì tôi, vì nhau, vì những người khác.

Tôi sẽ bao giờ quên được cảnh Minh nắm chặt tay chị Trang: “Không. Em không để chị ở đây một mình được”. Minh nói như thế trong khi một tên du đãng, tay cầm điếu thuốc, vẫn dí sát mồm hắn vào mặt Minh mà nghiến răng “đ. mẹ mày, mày thích gì...”. Và lúc xô kéo chúng tôi đi, bọn chúng vẫn đánh cậu ấy thùm thụp.

Vừa mới thôi, trong inbox của tôi, Minh viết: “Tao mệt quá Gạo ạ”.

Còn hôm qua tôi gặp chị Đoan Trang thì chị chỉ cười: "Đúng là nhừ tử em ạ". Rồi chị trầm xuống, buồn rầu: “Chẳng bao giờ chị nghĩ trong đời lại có lúc chị nhảy ra giữa phố đánh nhau với an ninh như thế này. Từ bé tới giờ, đến con chó con mèo chị còn không đánh, nữa là con người”.Chị ấy nói thế trong lúc khắp cả hai cánh tay vẫn còn đầy vết bầm tím. Và, các bạn còn nhớ chứ, chân chị ấy vẫn còn đau nhiều lắm, cũng vì một cuộc xô xát tương tự với an ninh vào ngày 26/4, trong buổi tuần hành cuối cùng của nhóm Vì Một Hà Nội Xanh...

Bất chấp ai nói gì, không ai có thể ngăn tôi ngưỡng mộ những người bạn của tôi!

 CA đột ngột huy động xe vệ sinh phun nước để đuổi người biểu tình.
Ảnh: Lê Anh Hùng.
Vào tối 23/9 ở Hà Nội, có một nhóm khoảng ba chục người đã đến trước cổng đồn CA quận Hai Bà Trưng để yêu cầu CA trả tự do cho sáu bạn trẻ, chấm dứt nạn bắt giữ tùy tiện.
40 năm về trước (tức là khoảng sau năm 1975), những người làm như họ có thể bị CA bắn chết ngay tại chỗ.

30 năm về trước, những người làm như họ có thể bị CA bắt, sau đó vài tháng bị tuyên án tử hình. 

20 năm về trước, những người làm như họ có thể bị CA bắt, bị tuyên án chung thân hoặc vài chục năm tù.

10 năm về trước, những người làm như họ có thể bị CA bắt, bị dí án vài năm tù.

Năm nay, những người làm như họ chỉ bị CA nện cho một trận, đẩy ra khỏi khu vực cổng đồn rồi bố trí xe vệ sinh chạy qua chạy lại phun nước cho sạch đường.

Như thế rõ ràng là có sự thay đổi theo hướng bớt rừng rú hơn.

Cố gắng lên, Bộ Công an Việt Nam. Chúng tôi luôn khuyến khích các bạn cư xử văn minh!

Sunday, 20 September 2015

Mánh tuyên truyền của chính quyền trong vụ 6700 cây xanh (kỳ 2)

Tất cả những người dân Hà Nội, nếu đã tham gia hoạt động của nhóm Vì Một Hà Nội và/hoặc gặp gỡ, tiếp xúc với các thành viên chủ chốt, đều biết rằng VMHNX chưa bao giờ nhận tiền của đảng phái nào, từ Việt Tân cho đến Cộng sản, và trong mọi trường hợp cần đến tài chính, luôn luôn chỉ có admin và một vài thành viên của nhóm bỏ tiền túi ra tự lo. Ấy thế nhưng các dư luận viên vẫn phải dằng dai như chão rách bài ca “VMHNX nhận tiền nước ngoài/ Việt Tân”, vì sao? Đó là bởi vì bọn họ đang thực hiện triệt để các kỹ thuật tuyên truyền mà cộng sản Liên Xô, Trung Quốc và phát xít Đức để lại.

Nói dối trắng trợn (big lie)

Ngoài việc dùng kỹ thuật framing để định hình dư luận vào hướng mình mong muốn thông qua ngôn ngữ, và lặp đi lặp lại, bộ máy tuyên truyền còn sử dụng kỹ thuật “nói dối trắng trợn”. Nhiệm vụ này thì do đội ngũ truyền thông phi chính thống (tức là không phải báo chí) đảm nhiệm. Trong thời buổi Internet, báo chí cho dù là quốc doanh đi nữa cũng vẫn phải cố gắng hướng tới chuyên nghiệp, khó có thể nói dối, dựng chuyện quá trơ trẽn; cho nên để việc đó lại cho dư luận viên và các trang mạng “phản lề trái” thì thích hợp hơn.

Vậy là đội ngũ dư luận viên chỉ phải làm mỗi một việc: bịa ra chuyện “VMHNX nhận tiền của nước ngoài/ thế lực thù địch/ phản động/ Việt Tân”, rồi cứ thế lặp đi lặp lại thật nhiều, liên tục. Không quan tâm “bọn nó” nghĩ gì. Không cần bằng chứng. Không cần tranh cãi với ai. Không cần trả lời chất vấn của ai. Cứ nói dối trắng trợn (big lie) cộng với lặp đi lặp lại (ad nauseam) là được rồi, sẽ định hướng (frame) được công luận.

Cho dù các bạn trẻ có tham gia trong sáng, vô vụ lợi, tự nguyện và độc lập đến đâu, 
họ vẫn bị dư luận viên gắn nhãn "bị giật dây, dụ dỗ".

Một ví dụ về màn tuyên truyền này trong lịch sử là sau Thế chiến I, khi phe hữu ở Đức làm rộ lên giai thoại rằng Đức không hề bại trận, mà là họ bị hậu phương phản bội, “đâm sau lưng”. Giai thoại ấy, dù là hão huyền 100%, vẫn trở thành một lý lẽ để sau này phe phát xít tận dụng, kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan và trả thù cả thế giới để rửa nhục.

Ở Việt Nam, dư luận viên học rất thuộc bài, khi không ngại dựng đứng đủ thứ chuyện. Thậm chí đến cả việc hai blogger Gió Lang Thang và Anh Chí (thành viên của VMHNX) bị hành hung, chúng cũng đổ luôn cho ba thành viên khác của nhóm là Bạch Hồng Quyền, Nguyễn Lân Thắng và J. B. Nguyễn Hữu Vinh làm.

Bản chất của tuyên truyền là dối trá và ngụy biện. Cho nên bên cạnh nói dối trắng trợn, trong vụ chống nhóm VMHNX, lực lượng bảo vệ chế độ còn dùng thêm hàng loạt phép ngụy biện: tấn công cá nhân, kích động thành kiến, phạm tội tập thể...

Gắn nhãn “phản động”, “gây rối”, “chống phá” lên đối phương

Ngay từ khi nhóm VMHNX được thành lập (30/3/2015), dư luận viên hay những kẻ thù địch với các giá trị dân chủ-nhân quyền đã lập tức gắn nhãn “phản động” lên nhóm Facebook này, coi họ là một tổ chức mà thành viên chỉ gồm hai loại: 1. Loại phản động, chuyên đi giật dây; và 2. Loại bị phản động giật dây.

Kỹ thuật tuyên truyền ấy có tên là “gắn nhãn” (labelling), trong đó, kẻ tuyên truyền dán những cái nhãn tồi tệ lên đối thủ của mình và kích động thành kiến sẵn có ở dư luận, khiến dư luận càng coi họ như cái gì đó đáng sợ, đáng ghét hoặc đáng khinh. Nói đơn giản hơn, đó là việc định nghĩa đối thủ bằng những từ xấu xa, tất nhiên không cần đúng sự thật. Kỹ thuật labelling được sử dụng khá nhiều trong tranh ảnh cổ động, chẳng hạn như trong các poster chiến tranh, họa sĩ thường khắc họa hình ảnh kẻ thù với những đặc điểm về nhân chủng sai lệch.

Lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam từng được mô tả như quái vật lông lá, mũi khoằm, mắt trợn trắng, móng tay dài sắc nhọn. Thời chiến tranh biên giới, khi Trung Quốc còn bị xác định là kẻ thù không đội trời chung của Việt Nam (Hiến pháp 1980) chứ chưa được nâng lên thành “bạn vàng bốn tốt” như bây giờ, hình ảnh “tên xâm lược bành trướng Bắc Kinh” béo lùn, răng to và thưa, áo cài nút kín cổ kiểu Tôn Trung Sơn, đầu đội mũ kepi sùm sụp, cũng rất phổ biến trong biếm họa, tranh cổ động.

Ảnh tư liệu. Nguồn: blog Bùi Văn Bồng

Chịu sự định hướng của đảng Cộng sản, từ lâu nay, đa số dân Việt Nam vốn vẫn giữ thành kiến với những người “việc của mình không lo, đi lo chuyện thiên hạ”, nhất là nếu “chuyện thiên hạ” đó lại là chống phá nhà nước, gây rối trật tự xã hội, thì thật không thể chấp nhận nổi. Hiểu tâm lý đó lắm, nên đám dư luận viên phải ra sức gắn mác “phản động”, “gây rối”, “chống phá” lên những người biểu tình, bất kể họ ôn hòa, lịch thiệp đến đâu.

Khi các thành viên chủ chốt của VMHNX, gồm Nguyễn Anh Tuấn, Cao Vĩnh Thịnh, và một số người khác, có mặt tại cơ quan tiếp dân của UBND TP Hà Nội, đám cán bộ ở đó rất ưa cái lối thỉnh thoảng làm như vô tình buông ra vài câu hỏi với vẻ khiêu khích, châm chọc, tuy chúng chẳng liên quan gì đến nội dung đang được trao đổi: “Ơ này, thế Tuấn với Thịnh đang công tác ở đâu thế nhỉ?”, “Thu nhập khá không?”, “Mấy cháu rồi?”...

Không khó để nhận ra họ chỉ muốn củng cố định kiến, rằng VMHNX là một bọn rảnh việc, hoặc tệ hơn nữa, một lũ những kẻ thất nghiệp, bất mãn, đang tìm đủ cách gây rối, chống phá chính quyền.

Và chính quyền không ngừng củng cố định kiến ấy, bằng kỹ thuật lặp đi lặp lại, bằng sử dụng bài vở, tranh ảnh, clip... đầy chất hằn học mà thiếu hẳn sự có học.

Đây là cách mà cỗ máy tuyên truyền của Đ&NN đối xử với 
những người yêu cây xanh, bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự minh bạch.

Phạm tội tập thể

Những lý luận kiểu như “cả phong trào dân chủ là một đám đồi bại, dâm loạn”, “bọn yêu cây là bọn gây rối”... ngoài mắc lỗi ngụy biện “khái quát hóa vội vã”, còn là sự thể hiện kỹ thuật tuyên truyền có tên “phạm tội tập thể” (guilt by association).

Với kỹ thuật này, các tuyên truyền viên muốn thuyết phục dư luận rằng một quan điểm hay hành động nào đó là của một (hoặc một số) nhóm/ tập thể xấu, và vì thế, nó sai, cho nên làm người tốt thì không thể ủng hộ nó. Nếu chủ trương bảo vệ cây xanh, yêu cầu chính quyền minh bạch, lại là của một nhóm những kẻ xấu, đáng sợ, đáng ghét hay đáng khinh, thì nó sai, và dư luận tiến bộ phải lên án, tẩy chay nó.

Và thông qua hoạt động tuyên truyền do đội ngũ dư luận viên thực hiện dưới sự giật dây của an ninh và tuyên giáo, các giá trị dân chủ, nhân quyền, lòng yêu nước, tinh thần cộng đồng... tất cả đều trở thành sai trái, cũng như toàn bộ phong trào dân chủ và các quan điểm ủng hộ dân chủ đều sai trái, bởi vì chúng do những người bị gắn nhãn “dân chủ cuội”, “dâm chủ”, “bệnh hoạn”, “độc tài tương lai” tiến hành.

* * *

Trở lại với bản kết luận của Thanh tra Hà Nội, cơ quan thanh tra cho rằng Đề án 6700 cây xanh về cơ bản là chủ trương đúng, “nhược điểm, thiếu sót lớn... là công tác thông tin tuyên truyền... trước và trong quá trình thực hiện chưa tốt”.

Nhưng điều này cần được hiểu cho đúng, là: Những gì gọi là truyền thông chính trị, là minh bạch, công khai, thì Đảng và Nhà nước mới làm kém. Còn tuyên truyền, nhào nặn dân chúng, định hướng dư luận theo hướng tà trị, thì họ luôn xuất sắc.

KỲ 1

Tuesday, 15 September 2015

Mánh tuyên truyền của chính quyền trong vụ 6700 cây xanh (kỳ 1)

Chủ trương và việc thực hiện chủ trương chặt hạ 6700 cây xanh ở Hà Nội lâu nay vẫn được/bị coi như biểu hiện của sự yếu kém về năng lực quản trị của chính quyền, bao gồm cả năng lực truyền thông. Thanh tra Thành phố đã kết luận, “nhược điểm, thiếu sót lớn... là công tác thông tin tuyên truyền... trước và trong quá trình thực hiện chưa tốt”. Tuy nhiên, ít ai để ý rằng với “vụ cây xanh”, thực chất, chính quyền của công an và tuyên giáo này đã một lần nữa tỏ ra là bậc thầy trong hoạt động tuyên truyền, với những kỹ thuật từ thời phát xít Đức và cộng sản Liên Xô để lại, được họ áp dụng xuất sắc.

Gần nửa năm đã trôi qua kể từ những cuộc tuần hành đầu tiên của người dân thủ đô (cuối tháng 3/2015), nhìn lại những mánh tuyên truyền của Hà Nội là một dịp tốt để các nhà hoạt động xã hội-chính trị và những người quan tâm có thể tìm hiểu thêm về “nghệ thuật tuyên truyền thời cộng sản”.

Nắm lấy ngọn cờ ngôn ngữ

Trong tuyên truyền, có khái niệm framing, tạm dịch sang tiếng Việt là “đóng khung”, “định hình”, “tạo khuôn”, là việc sử dụng từ ngữ một cách có chủ ý để gán bằng được một điều gì đó vào đầu người dân (vốn là đối tượng của sự tuyên truyền), tác động lên nhận thức của họ, làm thay đổi cách họ nhìn nhận vấn đề.

Lịch sử tuyên truyền trên thế giới có đầy rẫy ví dụ về kỹ thuật framing này. Một ví dụ gần đây do một giáo sư ngôn ngữ học và là người ủng hộ nhiệt thành đảng Dân chủ ở Mỹ, ông George Lakoff, đưa ra, là việc tổng thống Mỹ George Bush và đảng Cộng hòa đã khôn khéo dùng từ “tax relief” thật nhiều lần để nói về chương trình ưu đãi thuế của chính quyền Bush. Từ “relief” nghĩa là “giải cứu”, dùng từ này là hàm ý phải có một tai họa, nạn nhân, và một anh hùng giải cứu các nạn nhân. Kẻ nào cản trở người anh hùng này, ắt kẻ đó là nhân vật phản diện. 

Ông Lakoff diễn giải tiếp: Thêm từ “tax” (thuế) vào, sẽ tạo ra hàm ý rằng thuế má là một tai họa, người dẹp được tai họa ấy là anh hùng, ai phản đối sẽ là kẻ phản diện. Từ “tax relief” được dùng rất rộng rãi, trong mọi thông cáo báo chí, trên các đài phát thanh, các kênh truyền hình từ CNN đến NBC, các tờ báo từ New York Times đến Fox, và rồi đảng Dân chủ - đối thủ của đảng Cộng hòa và ông Bush - cũng dùng từ này. Thế là xong: Họ đã chấp nhận cái khung mà phe Cộng hòa tạo ra. 

Giáo sư Lakoff nhấn mạnh bài học rút ra từ đó: Để framing và chống bị framing thì “không được sử dụng ngôn ngữ của đối phương. Ngôn ngữ của họ xác lập nên cái khung, và đó không phải cái khung bạn muốn”. [*]

Ở Việt Nam, tuyên giáo và lực lượng bảo vệ chế độ đã biết đến kỹ thuật framing từ lâu lắm, nên họ luôn nắm lấy ngọn cờ ngôn ngữ, ngay từ đầu. Khi những người cộng sản thống nhất đất nước và nắm quyền lãnh đạo “toàn diện, tuyệt đối” vào năm 1975, kho ngôn ngữ của miền Nam lập tức được bổ sung rất nhiều “từ vựng”: hộ khẩu, đề xuất, quyết sách, bồi dưỡng, kiểm thảo, và một từ “đặc sệt cộng sản” là quán triệt... Trong khi đó, nhiều từ ngữ của Sài Gòn trước 1975 dần biến mất: sổ gia đình, bằng khoán nhà, gá nghĩa, giáo học... Thứ tiếng Việt của Sài Gòn cũ bị quên lãng và chết dần trong nước (hiện vẫn còn được dùng phổ biến ở cộng đồng người Việt hải ngoại). 

Viết những điều này không nhằm mục đích bàn xem tiếng Việt nào hay hơn, đẹp hơn mà chỉ để nhắc lại một trong vô số kỹ thuật tuyên truyền đã được áp dụng bài bản: framing - bắt người dân phải sử dụng ngôn ngữ do mình tạo nên và định hình tư duy của họ.

Từ “chặt hạ” thành “cải tạo, thay thế”

Nếu để ý, chúng ta có thể thấy cách chính quyền Hà Nội nhào nặn dư luận, sử dụng kỹ thuật framing. Trong mọi văn bản chính thức, trong mọi lần lên tiếng hiếm hoi - từ phát biểu tại họp báo đến trả lời chất vấn của nhóm Vì Một Hà Nội Xanh, từ sử dụng truyền thông chính thống đến huy động lực lượng dư luận viên cao cấp, trung cấp hay hạ cấp - họ đều thống nhất dùng từ “cải tạo, thay thế” thay vì “chặt hạ”, “chặt bỏ”, “đốn bỏ” cây xanh. 

Đó chính là kỹ thuật tuyên truyền có tên gọi framing: dùng mọi cách để nhồi vào đầu người dân ý niệm “cải tạo, thay thế”, chứ không phải “chặt hạ” cây xanh.

Nhưng hành động chặt cây là có thật và đã quá rõ ràng, nên ngay từ đầu, báo chí và nhiều người dân vẫn dùng từ “chặt hạ”. Và thế là nổ ra một cuộc chiến truyền thông ngấm ngầm giữa một bên là dư luận viên và những người quan niệm “nhà nước làm gì cũng đúng”, một bên là những người lên án chủ trương chặt cây và công khai chỉ trích chính quyền. Trên nhiều diễn đàn, cứ khi nào có người dùng từ “chặt hạ cây xanh” là sẽ có ngay vài anh dư luận viên lấy giọng ôn tồn, đầy tinh thần “khách quan, khoa học, duy lý” vào sửa sai: “Phải viết/ nói là ‘cải tạo, thay thế’ cây xanh mới chuẩn, mới đúng chứ”.

Vâng, họ "cải tạo" những cây như thế này...  
(Ảnh: Lê Hiếu)

Bản kết luận của Thanh tra Hà Nội (đề ngày 8/5) là nguồn cơ sở lý luận duy nhất mà cho đến nay, các quan chức, cán bộ của Thành phố cùng đội ngũ an ninh đều bám chặt vào để “đấu” với nhóm Vì Một Hà Nội Xanh. Trong văn bản này, cụm từ “cải tạo, thay thế cây xanh đô thị” được dùng nhất quán từ đầu chí cuối. Báo chí và một phần dư luận đọc bản kết luận, có thể cảm thấy gờn gợn, nhưng khi cụm từ ấy được lặp đi lặp lại nhiều lần thì rồi họ cũng bị thuyết phục dần bởi “cái khung” đã định sẵn. 

Trong khi đó, cách dùng từ “cải tạo, thay thế” rõ ràng không phản ánh đúng bản chất vụ việc. Sự thực là hàng trăm cây xanh đã bị chặt hạ kể từ năm 2014 đến nay, vượt xa số lượng cây trồng thay thế. (Có thể ước lượng những con số này dựa vào chính Kết luận Thanh tra của Hà Nội). Sở Xây dựng Hà Nội có dùng từ “dịch chuyển” cây, nhưng nếu dịch chuyển mà không có phương án thay cây mới vào vị trí cây cũ, thì cũng coi như cây cũ bị chặt bỏ. 

Bằng kỹ thuật framing, Hà Nội đã khéo léo “đóng khung” dư luận vào cách hiểu sai, rằng về cơ bản dự án 6708 cây xanh là một chủ trương đúng đắn: Đây là cải tạo và thay cây cơ mà, có phải chặt phá hàng loạt đâu! 

Bên cạnh framing, họ dùng cả lối nói khéo, nói giảm (uyển ngữ), chẳng hạn: cải tạo, thay thế từng bước.

Sử dụng uyển ngữ (euphemism) và lặp đi lặp lại (ad nauseam) cũng là hai kỹ thuật tuyên truyền mà tất cả các nhà nước độc tài trên toàn thế giới rất ưa dùng.

... để "thay thế" bằng những cây như thế này. 
(Nguồn ảnh: Người Đưa Tin)

Chỉ cần lặp lại nhiều lần, sai cũng thành đúng

Kỹ thuật tuyên truyền này (lặp đi lặp lại, Ad Nauseam) đòi hỏi phải nhắc đi nhắc lại không ngừng một quan điểm, một ý kiến nào đó. Bất kỳ quan điểm hay ý tưởng nào, đặc biệt là một khẩu hiệu đơn giản, nếu được lặp đi lặp lại đủ nhiều lần, có thể sẽ bắt đầu được coi là đúng, là sự thật. 

Mánh này có hiệu quả nhất khi hệ thống báo chí nằm trong tay chính quyền. Cơ quan tuyên truyền chỉ việc “huy động” (uyển ngữ của “ép”) các báo, đài vào việc nhắc đi nhắc lại một số ý đã vạch sẵn. Chẳng hạn như để chống biểu tình, tuần hành ở Việt Nam, báo chí phải tập trung “nêu bật”, “làm rõ” (uyển ngữ của “nhồi sọ”) các ý sau:

  • Yêu nước là tốt, nhưng phải đúng cách. Đừng để lòng yêu nước bị lợi dụng.
  • Chuyện biển đảo đã có Đảng và Nhà nước lo.
  • Bảo vệ môi trường là đúng, nhưng có một số cá nhân, tổ chức phản động lợi dụng giật dây, lôi kéo người dân chống phá chế độ.
  • Tuần hành, biểu tình mà không xin phép là gây rối trật tự công cộng.
  • Đề án 6700 cây xanh về mặt chủ trương là tốt, nhưng thực hiện chưa tốt. Tuy nhiên, chính quyền đã tiếp thu ý kiến công luận và Thành phố đã dừng chặt cây rồi. 

Cứ thế, cách diễn đạt có thể khác đi nhưng nội dung, thông điệp thống nhất là như vậy và phải được lặp đi lặp lại thật nhiều lần, trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh truyền thông, giao tiếp. Người dân nghe những nội dung sai lệch, xuyên tạc ấy mãi, rồi sẽ tin rằng chúng đúng.

Vậy thì, Thanh tra Hà Nội nói “nhược điểm, thiếu sót lớn... là công tác thông tin tuyên truyền... trước và trong quá trình thực hiện chưa tốt” nghĩa là sao, trong khi bài viết này lại chỉ nhấn mạnh rằng chính quyền hiện nay là bậc thầy tuyên truyền.

Sự thật là: Những gì gọi là truyền thông chính trị, là minh bạch, công khai, thì Đảng và Nhà nước mới làm kém. Còn tuyên truyền, nhào nặn dân chúng, định hướng dư luận theo hướng tà trị, thì họ luôn xuất sắc.

Ở kỳ sau, chúng ta sẽ tiếp tục với một số kỹ thuật tuyên truyền khác, được chính quyền áp dụng thành thục trong vụ cây xanh. 

Kỳ 2: Kích động thành kiến, gắn nhãn lên đối phương 

-----------

[1] "Don't Think of an Elephant: Know Your Values and Frame the Debate", George Lakoff, 2004

Wednesday, 9 September 2015

Nói sao công an hiểu

(Nhân chuyện TS. Nguyễn Quang A từ Mỹ trở về Việt Nam và bị A67 câu lưu 15 tiếng đồng hồ, ngày 1/9/2015)

Ở đâu ra cái lệ công dân đi nước ngoài về thì Bộ Công an chặn lại ở sân bay, không cho làm thủ tục nhập cảnh, rồi đưa vào phòng kín lục đồ (lưu ý rằng công dân đó không hề có dấu hiệu vi phạm hành chính), hỏi vặn vẹo “đi đâu về, gặp ai, làm việc với ai, để làm gì...”?

Đã thế, khi người nhà và bạn bè của công dân đó đến sân bay chất vấn, làm rõ tình hình, thì chối quanh, kêu “không biết, không nghe thông tin gì”. Đỉnh cao của sự dối trá, trơ trẽn là Bộ còn giật dây, chỉ đạo công an cửa khẩu làm thủ tục xác nhận việc công dân “mất tích”.

Mặt khác, Bộ bố trí cho lính lác ra đánh trộm hành khách trên sân bay. Được sự bảo kê của an ninh sân bay, đám lính thường phục thò tay bấm huyệt, véo đùi, đấm vào bụng và sườn, đạp chân... nói chung đều là “đánh dưới thắt lưng” để tránh bị mọi người phát hiện, nhất là tránh bị ghi hình.

Tôi đã chứng kiến tất cả những cái đó. Cũng như mọi người khác, tôi chẳng lạ, chẳng ngán gì những trò bần tiện của “quý Bộ”. Nhưng điều làm tôi kinh sợ, là với não trạng ấy, với cung cách làm việc ấy của lực lượng bảo vệ chế độ, thì bạo lực là không tránh khỏi trong xã hội này và không có dấu hiệu chấm dứt.

Và khi nhìn vào những gương mặt như trong nhân viên CA trong bức hình này, ngồi đối diện với những người như thế, tôi lại càng thấy lo ngại, vì một ý nghĩ rất tiêu cực: Hình như ở Việt Nam, có những người mà thật sự, bạo lực là ngôn ngữ duy nhất mà họ hiểu được.

Họ sẽ không bao giờ hiểu và tiếp nhận nổi những điều bình thường như “nhân quyền”, “thượng tôn pháp luật”, “tinh thần khoan dung”, “bác ái”, “tình người”, v.v. Nếu ta nói với họ về dân chủ, tự do, đạo của người quân tử... họ sẽ chẳng hiểu gì.

Nhưng nếu ta bảo họ “yêu nước là yêu Đảng, yêu CNXH; bọn chống đảng, kêu gào dân chủ là bọn phản động, phải tiêu diệt”, thì họ hiểu ngay, vì đấy là thứ ngôn ngữ duy nhất lọt vào tai, thấm vào đầu họ hàng ngày.

Tương tự, nếu ta bảo họ “mày là thằng mặt l.”, thì họ hiểu ngay lập tức.

Thế này thì hỏi làm sao ở Việt Nam, bạo lực lại phổ biến đến như thế, và sẽ còn phổ biến.


Ảnh: Gương mặt của nhân viên an ninh đã vặn tay và tát trộm Thảo Gạo khi cô cùng các bạn lên sân bay đón TS. Nguyễn Quang A. Khi mọi người truy hỏi vì sao đánh con gái, hắn cười nụ cười này và bảo: "Chúng mày im mồm đi. Chúng mày để tao yên" rồi hầm hừ trong cổ cái gì đó không rõ. Mọi người mời uống nước, hắn tỏ vẻ "trung kiên" như đảng viên: "Tao không uống nước phản động".