2015
13/1: Bản rap chính trị ĐMCS (Địt Mẹ Cộng Sản) được đăng tải trên Youtube. Tác giả là Nguyễn Vũ Sơn, tức rapper Nah, một du học sinh Việt Nam tại Mỹ. Bản nhạc rap ngay lập tức gây bão trên mạng xã hội, mở ra một phong trào phản kháng có tên ĐMCS.
Về sau, tiếp nối ĐMCS, một phong trào tự phát khác có tên Zombie ra đời, hướng vào người trẻ Việt Nam, với hình ảnh biểu tượng là cái đầu lâu không não của một con zombie, kèm slogan “Mở mắt ra, thông não đi”.
15/1: Trang Chân dung Quyền lực kỷ niệm một tháng ra đời (15/12/2014) với 24 triệu lượt truy cập (trung bình 800.000 lượt truy cập mỗi ngày), và những bài viết chấn động dư luận về “những gương mặt trong Bộ Chính trị khóa 11 và các gương mặt mới sẽ vào Bộ Chính trị khóa 12”: Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, cha con Phùng Quang Thanh-Phùng Thanh Hải, Nguyễn Xuân Phúc... Đặc biệt, Chân dung Quyền lực công bố một chuyện kinh hoàng về cái chết của Trưởng ban Nội chính TW Nguyễn Bá Thanh: “bị đầu độc”.
Trang này cũng dự báo chính xác ngày ông Nguyễn Bá Thanh được đưa từ Mỹ trở về nước. Gần một tháng sau, ngày 13/2, ông Thanh qua đời ở tuổi 62, sau hơn nửa năm vật lộn với căn bệnh rối loạn sinh tủy.
27/1: Ông Võ Văn Minh, 35 tuổi, một chủ quán bún tại Tiền Giang, bị công an bắt trong vụ “con ruồi Tân Hiệp Phát”. Theo cáo trạng, trước đó ông Minh đã phát hiện một chai nước Number One của Tân Hiệp Phát có con ruồi bên trong, ông gọi cho Tân Hiệp Phát yêu cầu họ trả tiền (1 tỉ đồng) để đổi lấy sự im lặng. Tân Hiệp Phát đồng ý giao tiền, đồng thời bí mật báo công an. Khi ông Võ Văn Minh đến lấy tiền thì bị bắt tại chỗ, ông bị giam từ đó và đối diện mức án 20 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
1/2: Ra đời trang Facebook Tẩy chay Tân Hiệp Phát, thu hút 26.000 thành viên chỉ trong một tuần, kịch liệt lên án cách xử lý khủng hoảng yếu kém và đạo đức kinh doanh tồi tệ của Tân Hiệp Phát: Gài bẫy, đẩy người tiêu dùng - khách hàng của mình - vào tù ngục. Trước khi bị đánh sập hoàn toàn vào ngày 8/8/2015, trong vòng sáu tháng tồn tại, nó đã có hàng chục nghìn độc giả; mỗi bài đăng được trung bình 200.000 like.
9/2: Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức họp báo đấu tố báo Người Cao Tuổi, tiến hành xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép của phiên bản điện tử của báo, thu hồi thẻ nhà báo của Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa, đề nghị cách chức ông Hoa, và chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an.
10/3: An ninh - có thể được sự tài trợ của Tân Hiệp Phát - dựng lên trang Sự thật Tân Hiệp Phát, cố gắng chính trị hóa vấn đề dân sự, gieo rắc thuyết âm mưu, dựng lên một âm mưu khủng khiếp về “bọn phản động phá hoại nền kinh tế nước nhà”. Tân Hiệp Phát phủ nhận liên quan.
14/3: Cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh – nơi từng được bình chọn là “Con đường đẹp nhất Việt Nam” – bị chặt hạ. Hà Nội bắt đầu bước vào những ngày tháng chính quyền và xã hội dân sự mâu thuẫn quyết liệt xung quanh chuyện chặt hạ cây hàng loạt, vô tội vạ. (Xem thêm
lịch sử phong trào cây xanh, ở
ĐÂY).
19/3: Nhiều bạn trẻ là sinh viên các trường đại học ở Hà Nội đi dán slogan vận động bảo vệ cây và thắt ruy-băng xanh trên thân các cây xà cừ dọc đường Giảng Võ. Tiếp sau đó, một phong trào “thắt dải ruy-băng vàng lên cây” bắt đầu được phát động trên mạng xã hội Facebook.
Lực lượng an ninh ra tay kiểm soát, quyết không để “thế lực thù địch” lợi dụng “sơ hở, yếu kém” của chính quyền Hà Nội trong vấn đề quản lý đô thị. Bạn trẻ dán ruy-băng tới đâu, công an và dân phòng đi theo gỡ tới đó, đồng thời bắt nhiều bạn về đồn răn đe.
22/3: Thành viên của một số tổ chức phi chính phủ (NGO, có đăng ký) ở Hà Nội tổ chức sự kiện Tree Hugs (ôm cây) tại hồ Thiền Quang, nhằm vận động bảo vệ môi trường, bảo vệ cây xanh.
25/3: Đại học Lâm nghiệp ra thông báo số 373/TB-ĐHLN-HCTH “chấn chỉnh” việc phát ngôn liên quan đến dự án chặt cây xanh ở Hà Nội. Theo đó, trường yêu cầu tất cả cán bộ, viên chức, sinh viên v.v. của trường nghiêm chỉnh thực hiện quy chế phát ngôn, ngăn chặn việc phát ngôn “ngoài luồng”. Trường viện dẫn cơ quan CA TP Hà Nội (Phòng PA83), song cơ quan này sau đó đã bác bỏ mọi sự liên quan.
29/3: Một cuộc tuần hành mang tên Green Walk (Hành trình xanh) diễn ra tại khu vực Hồ Gươm, cũng do các nhân viên NGO tổ chức thông qua Facebook. Hàng trăm người đã đi bộ xung quanh bờ hồ, giương cao biểu ngữ phản đối chặt cây và yêu cầu minh bạch, công khai trong đề án “6700 cây xanh”.
An ninh bắt đầu kiểm soát các nhóm (group) tổ chức tuần hành, cài người vào từng nhóm, tìm cách giành quyền kiểm soát và/hoặc khống chế ban admin hiện hành.
30/3: Nhóm Facebook Vì Một Hà Nội Xanh (VMHNX) ra đời, tách từ nhóm 6700 cây xanh, và chính thức trở thành một phong trào xã hội trong lĩnh vực môi trường, chịu sự đàn áp của chính quyền.
Cũng từ đây, sự hy vọng - có thể là ảo tưởng - về việc nhà nước chấp nhận để xã hội dân sự góp phần xây dựng đất nước hoàn toàn chấm dứt. VMHNX đã cho thấy một thực tế: Cho dù người dân làm gì, ôn hòa tới mức nào, vì mục đích tốt đẹp tới đâu, nhưng một khi họ đã lên tiếng đòi chính quyền phải minh bạch và có trách nhiệm giải trình, thì họ trở thành “thế lực thù địch, chống đối”.
5/4: VMHNX tổ chức cuộc đạp xe vì cây xanh theo chặng từ Hồ Tây về Hồ Gươm. Cứ vài chục mét đường lại có một chốt công an-dân phòng đứng sẵn. Đoàn xe bị cản phá nhiều và buộc phải chia thành các nhóm nhỏ tập trung về điểm cuối ở Hồ Gươm, tại đây họ cũng bị dân phòng và an ninh thành phố gây sự, phá rối.
12/4: VMHNX tổ chức tuần hành quanh Hồ Gươm. Trong cuộc tuần hành này, 5 thanh niên mặc áo có biểu tượng cờ vàng đã bị bắt, trong đó có anh Nguyễn Viết Dũng (tức Dũng Phi Hổ). Sau đó, 4 người lần lượt được thả, riêng anh Dũng bị truy tố và xét xử về tội “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 Bộ luật Hình sự.
19/4: VMHNX tổ chức tuần hành buổi thứ hai quanh Hồ Gươm.
22/4: Blogger Gió Lang Thang, một trong những người tổ chức tuần hành, bị “côn đồ” đánh đổ máu. Đáng chú ý là các “côn đồ” này thường lảng vảng ở cổng nhà anh và/hoặc đi theo anh nhiều ngày trước đó.
26/4: Buổi tuần hành thứ ba do VMHNX tổ chức bị trấn áp. 22 người bị bắt lên xe buýt, đưa về đồn CA quận Long Biên. Nhiều người trong số họ bị nhục mạ (thẩm vấn, chụp ảnh, lăn tay, ép phải ký biên bản xử phạt vi phạm hành chính vì tội “gây rối trật tự công cộng”).
6/5: Các bạn trẻ đại diện của nhóm VMHNX tới trụ sở UBND TP. Hà Nội đưa một thư ngỏ yêu cầu chính quyền Hà Nội giải trình những câu hỏi còn bỏ ngỏ trong vụ chặt hạ hàng loạt cây xanh.
8/5: VMHNX đến trụ sở UBND-HĐND quận Hoàn Kiếm nhằm chuyển tới các đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội văn bản đề nghị giám sát chủ trương và quá trình chặt hạ cây xanh ở thủ đô. Thay vì tiếp cử tri, đại biểu Quốc hội ở lì bên trong hội trường điều hòa. Hàng chục cảnh sát, an ninh thường phục và dân phòng được huy động để ngăn không cho các cử tri vào trong.
11/5: Anh Nguyễn Chí Tuyến (blogger Anh Chí), một gương mặt nổi bật trong các cuộc tuần hành vì cây xanh, bị côn đồ dùng gậy sắt đánh trọng thương.
19/5: Blogger Đinh Quang Tuyến bị côn đồ đấm gãy mũi ở Sài Gòn, không rõ lý do.
13/6: Một trận lốc xoáy bất ngờ xảy ra ở Hà Nội, làm hàng chục cây đổ. 5 người chết, trong đó có 1 người bị cây đè. Nhân cơ hội đó, một làn sóng dư luận nổi lên công kích nhóm VMHNX và những người phản đối chủ trương chặt phá cây hàng loạt của Thành phố.
8/7: Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La ra Nghị quyết số 127/NQ-HĐND thông qua Đề án “xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường tại thành phố Sơn La”, tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng, nguồn vốn là “từ ngân sách nhà nước, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác”.
10/7: Trong lúc cắm cờ, dựng chốt ngăn cưỡng chế đất và thi công, bà Lê Thị Châm (54 tuổi, nông dân, độc thân, người xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) đã bị máy xúc đè lên người. Bà may mắn thoát chết vì bị đè vào chỗ đất mềm lún, nhưng phải đi cấp cứu và trải qua hàng chục ca phẫu thuật. Clip và hình ảnh bà Châm bị đè dưới bánh xe máy xúc lan tràn trên mạng.
Tuy nhiên, ngay chiều 10/7, Trung tá Nguyễn Trọng Hiển - Phó trưởng Công an huyện Cẩm Giàng - đã khẳng định thông tin bà Châm không bị máy xúc cán qua người.
Báo cáo sau đó của UBND tỉnh Hải Dương cũng tuyên bố như vậy, mặc dù ngày 14/7, chính nhà đầu tư dự án là công ty TNHH VSIP Hải Dương (Singapore) đã xác nhận vụ việc.
11/7: Các bạn trẻ trong phong trào zombie tổ chức một cuộc đi dạo, gặp gỡ công khai, mặc áo zombie ở đường Nguyễn Huệ (Sài Gòn). Gần 100 người đã bị bắt giữ tùy tiện (không lệnh bắt). Nguyễn Thanh Phước (tức Phi), 23 tuổi, bị bắt giam gần hai tuần.
15/7: Cao trào của chiến dịch We Are One (Chúng ta là một): Blogger Việt Nam và những người ủng hộ dân chủ-nhân quyền cho Việt Nam trên toàn thế giới (cộng đồng người Việt ở Mỹ, Úc, châu Âu) tổ chức ngày Tổng Tuyệt thực toàn cầu đòi trả tự do cho các tù nhân lương tâm.
5/8: Bắt nguồn từ các thông tin trên báo chí chính thống, cộng đồng mạng trong cả nước xôn xao về dự án “tượng đài Bác Hồ 1400 tỷ đồng” ở Sơn La. Buổi chiều 5/8, lãnh đạo tỉnh Sơn La họp báo giải trình về đề án và trách móc báo chí đưa tin sai. Nhưng sự thực là Nghị quyết 127/NQ-HĐND ngày 8/7/2015 đã nêu rõ rằng đề án xây công trình tượng 1400 tỷ đồng này đã được thông qua.
23/8: Kết thúc một mùa thi ĐH nhiều cải cách và lắm hoang mang, blogger Hoàng Thành (25 tuổi, cựu sinh viên ngành tiếng Nhật) đứng trước cổng Bộ Giáo dục-Đào tạo, giơ cao biển có dòng chữ: “Học sinh-sinh viên không phải là chuột bạch”. Bức ảnh được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng mạng, một số trang mạng và blogger kêu gọi học sinh-sinh viên đến trước cổng Bộ Giáo dục-Đào tạo để cùng nhau bày tỏ quan điểm này vào sáng 27/8.
26/8: Hoàng Thành bị công an bắt để thẩm vấn. Khi các bạn của Hoàng Thành kéo đến chất vấn, công an đã phải tự do cho anh vào cuối ngày. Tuy nhiên, sáng hôm sau, công an lại đến nhà anh để ép anh lên đồn lần thứ hai. Buổi làm việc lại kết thúc khi các bạn anh đến đồn. Sau đó, Hoàng Thành chính thức bắt đầu cuộc sống của “phản động” với việc bị công an gây sức ép, truy đuổi triền miên, có lần phải dọn nhà tới hai lần chỉ trong một tháng, trong tình trạng sức khỏe yếu vì đau tim.
1/9: TS. Nguyễn Quang A bị câu lưu ở sân bay sau chuyến công tác nước ngoài dài ngày. Vợ con ông cùng các nhà hoạt động ở Hà Nội đã phải lên sân bay đấu tranh yêu cầu an ninh trả tự do cho ông, thậm chí có lúc phải “trình báo thân nhân mất tích”. Tới nửa đêm, ông Nguyễn Quang A mới được thả.
2/9: Nhà báo Đỗ Hùng (FB Mít Tờ Đỗ) - Phó Tổng Thư ký tòa soạn báo Thanh Niên, phụ trách nội dung online - đăng tải một status “toàn dấu sắc”, nhan đề “Quốc khánh”, chơi chữ và có tính chất trào phúng. Thứ trưởng Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn ngay lập tức cho người liên hệ với báo Thanh Niên trách phạt. Ngày 3/9, tòa soạn báo Thanh Niên họp khẩn cấp, quyết định cách chức nhà báo Đỗ Hùng. Với sự việc này, các blogger mệnh danh ông Tuấn là “chú Tuấn ghét dấu sắc”.
Hai anh em Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý - những “người nông dân nổi dậy” trong vụ cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng (Hải Phòng) - được ân xá, ra tù trước thời hạn, sau 3 năm, 7 tháng, 3 tuần ngồi tù.
10/9: Ông Đoàn Hữu Long, một blogger ở Vũng Tàu, cho biết ông bị Thanh tra Sở Thông tin-Truyền thông địa phương phạt 5 triệu đồng vì vi phạm quy định về quản lý thông tin điện tử trên mạng đối với các trang thông tin điện tử không phải xin phép (điểm đ, khoản 1 Điều 64 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013).
19/9: Bà Tạ Phong Tần, tù nhân lương tâm, thành viên CLB Nhà báo Tự do, được trả tự do và đưa sang Mỹ sau hơn 4 năm ngồi tù theo Điều 88 (tuyên truyền chống nhà nước).
23/9: Lương Tâm TV, kênh truyền hình online chuyên về tình hình nhân quyền và đấu tranh dân chủ ở Việt Nam, bị tấn công: Công an bắt ê-kíp biên tập viên và tịch thu (trái phép, có thể coi như cướp) toàn bộ trang thiết bị của kênh. Lương Tâm TV mới thành lập và chỉ vừa phát chương trình đầu tiên vào ngày 19/8.
Khoảng 30 blogger bạn của các biên tập viên bị bắt đã kéo đến đồn CA quận Hai Bà Trưng đòi trả tự do cho bạn. Xô xát xảy ra khi lực lượng công an chống trả quyết liệt, huy động cả xe phun nước, xe rác, loa tuyên truyền... đến đuổi mọi người.
12/10: Đỗ Đăng Dư, 17 tuổi, chết lúc 7h tối tại bệnh viện Bạch Mai sau hai tháng bị công an huyện Chương Mỹ tạm giam ở Trại tạm giam số 3 (Công an TP. Hà Nội) để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản. Trước đó, ngày 11/10, Cơ quan Cảnh sát Điều tra cho biết, Đỗ Đăng Dư bị bạn tù là Vũ Văn Bình đánh vì rửa bát bẩn.
Đêm 12/10 sau khi Dư chết và thi thể được đưa vào nhà xác, hàng chục nhà hoạt động nhân quyền ở Hà Nội đã đến bệnh viện Bạch Mai an ủi, giúp đỡ gia đình và lên án công an bạo hành dân.
13/10: Facebooker Nguyễn Lân Thắng đăng tải trên Facebook cá nhân một bức hình chụp ông cầm chiếc đĩa sứ có in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, kèm bình luận: “Ngày xưa ông ấy rửa bát bẩn trên tàu thì Việt Nam đâu đến nỗi”. Bức hình được gần 5000 người “like” và hơn 300 người chia sẻ.
16/10: Chánh án Phạm Quốc Bảo, TAND tỉnh Thanh Hóa, gửi thông báo về việc thi hành án tử hình cho gia đình tử tù Lê Văn Mạnh: “... để làm đơn xin nhận tử thi của người chấp hành án tử hình... Đơn xin nhận tử thi... phải cam kết bảo đảm về an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, tự chịu chi phí và có xác nhận của UBND cấp xã”. Hạn cuối nộp đơn là ngày 26/10.
Nhận thông báo này vào ngày 17/10, gia đình Lê Văn Mạnh lập tức chạy về Hà Nội trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm cứu mạng con mình.
17/10: Ông Trần Nhật Quang, 58 tuổi, một nhân vật trong đội ngũ dư luận viên đặc sản của Hà Nội, tuyên bố thành lập “nhóm phản ứng nhanh” để “săn lùng” và “hỏi tội” “những tên phản động” mà trước mắt là Facebooker Nguyễn Lân Thắng vì tội “xúc phạm Bác Hồ”.
21/10: Trần Nhật Quang và Đỗ Anh Minh kéo thêm một số nhân vật cực đoan trong lực lượng ủng hộ chế độ ở Hà Nội đến nhà Nguyễn Lân Thắng quấy nhiễu: bấm chuông, gọi loa, phát truyền đơn thóa mạ ông Thắng.
24/10: Gia đình tử tù Lê Văn Mạnh và một số nhà hoạt động nhân quyền ở Hà Nội biểu tình tại vườn hoa Lý Thái Tổ để yêu cầu hoãn thi hành án tử hình đối với Mạnh, bởi đây là một vụ án có quá nhiều vi phạm tố tụng, dẫn đến khả năng oan sai cao. Công an, dân phòng đánh cả mẹ và em trai Mạnh.
Buổi tối, một nhà hoạt động trẻ ở Hà Nội, Lý Quang Sơn, bị côn đồ dùng kiếm truy sát, chém vào tay.
25/10: Gia đình Lê Văn Mạnh tiếp tục biểu tình và tiếp tục bị đánh đập, quẳng lên xe đưa về đồn. Giáo xứ Thái Hà tổ chức cầu nguyện, hiệp thông cùng gia đình. Đêm 25/10, báo Tuổi Trẻ đưa tin hoãn tử hình Lê Văn Mạnh.
30/10: No-U kỷ niệm sinh nhật lần thứ tư. Buổi tiệc sinh nhật bất thình lình bị cắt điện và bị côn đồ ập vào, tấn công chớp nhoáng bằng chân ghế gỗ và vỏ chai bia.
1/11: Tin về chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc Tập Cận Bình làm những người chủ trương yêu nước chống Tàu phẫn nộ. Phong trào “biểu tình mini” bắt đầu ở Hà Nội, với việc nhiều nhóm thanh niên xuất hiện bất ngờ ở các nơi công cộng, giơ cao biểu ngữ “Phản đối lệ thuộc Trung Quốc”, “Tập Cận Bình cút đi”.
3/11: Vụ “bụi đường Chương Mỹ”: Hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Luân bị côn đồ xã hành hung gây thương tích khi hai ông đến huyện Chương Mỹ gặp mẹ của Đỗ Đăng Dư để làm rõ thêm về vụ việc. Trong đám côn đồ, luật sư Lê Luân nhận diện được một người là công an xã, tên là Cửu (tức Nguyễn Văn Cửu, SN 1982, công an xã Đông Phương Yên).
9h sáng, khoảng 30 blogger Hà Nội bất ngờ tổ chức biểu tình phản đối Tập Cận Bình. Buổi chiều, biểu tình tiếp tục diễn ra ở Sài Gòn.
4/11: Blogger Hà Nội biểu tình trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc, dưới trời mưa.
5/11: Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam. Biểu tình nổ ra ở cả Hà Nội và Sài Gòn. Ít nhất 23 người bị bắt ở Hà Nội, khi được trả tự do vào chiều tối, họ lại tiếp tục biểu tình ngay khi rời đồn. 9h tối, biểu tình mini diễn ra trong khu phố cổ.
Tại Sài Gòn, ông Trần Bang, một cựu chiến binh chống Tàu hồi chiến tranh biên giới, bị đánh toác đầu, đổ máu. Hàng chục người bị bắt và đưa về các đồn công an khác nhau trong khắp thành phố, thậm chí bị giam giữ qua đêm. Cuộc đấu tranh đòi người của các blogger Sài Gòn kéo dài đến tận trưa hôm sau, 6/11.
10/11: Nghệ sĩ đường phố Tạ Trí Hải bị côn đồ đánh gãy ngón tay, cây đàn violin bị quẳng xuống hồ Hoàn Kiếm. Ngay sau đó, các blogger đã đến ứng cứu, vớt đàn cho ông và kêu gọi cộng đồng ủng hộ. Nhiều người trong và ngoài gửi tiền hỗ trợ, trong những ngày sau, ông Hải đã nhận được 5 cây đàn mới thay thế cây đàn bị đập vỡ.
Buổi chiều, Cơ quan Cảnh sát Điều tra tổ chức họp báo ở Hà Nội, nêu rõ rằng hai luật sư Lê Luân và Trần Thu Nam bị côn đồ đánh là do đi xe gây bụi, và không có công an xã tham gia vụ hành hung. Về việc các luật sư bị giật mất điện thoại di động, cơ quan CSĐT cũng cho là không hề có chuyện đó. “Bụi đường Chương Mỹ” trở thành một “điển tích” về cách hành xử của công an Việt Nam.
12/11: LS. Trần Vũ Hải bị bắt cóc lên đồn CA phường. Trước đó, giới luật sư ở Hà Nội có xì xào về tin “200 luật sư sẽ tuần hành đến Bộ Tư pháp, VKS ND Tối cao và Công an TP. Hà Nội” để nộp văn bản yêu cầu bỏ quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa trong tố tụng và đề nghị Công an Hà Nội khởi tố vụ hai luật sư bị hành hung tại Chương Mỹ. Trước tin đồn này, một số luật sư đã khẩn trương lên Facebook thanh minh là không hề có chuyện họ tuần hành.
Từ buổi trưa, khoảng 300 dân oan kéo đến đồn Xuân La, gây sức ép buộc công an phải thả ông Hải. Cuối cùng, LS. Trần Vũ Hải đã được ra khỏi đồn vào 9h tối.
14/11: Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh An Giang ra quyết định xử phạt bà Lê Thị Thùy Trang, giáo viên Trường THPT Long Xuyên (An Giang), 5 triệu đồng, do trước đó bà Trang đã chia sẻ trên Facebook bài “Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm Chủ tịch tỉnh UBND tỉnh An Giang” kèm lời bình luận: “Hồi nào vậy tèn! Mà vậy đi cho đẹp lòng dân”. Phía dưới, bà comment ông Chủ tịch “nhìn cái mặt kênh kiệu”.
Một người tham gia comment là ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc cũng bị phạt 5 triệu đồng. Vợ ông Phúc dùng tài khoản facebook của chồng nên may mắn thoát phạt.
Nối gót Sở Thông tin-Truyền thông, trường THPT Long Xuyên lập tức tiến hành kỷ luật cảnh cáo, khiển trách cô giáo Lê Thị Thùy Trang.
22/11: Hai nhà hoạt động về quyền lao động, Đỗ Thị Minh Hạnh và Trương Minh Đức, bị công an bắt đưa về đồn ở Biên Hòa, Đồng Nai. Tận đêm khuya, họ mới được thả trong tình trạng thương tích nặng nề vì bị đánh đập.
24/11: Nguyễn Mai Trung Tuấn, 15 tuổi, ở Long An, bị áp mức án 4 năm 6 tháng tù vì tội “cố ý gây thương tích”. Đại gia đình em có đến 12 người (bố, mẹ, ông ngoại...) đều đang trong tù. Tội chung của họ là chống cưỡng chế đất đai.
6/12: Luật sư Nguyễn Văn Đài cùng ba bạn trẻ Lý Quang Sơn, Vũ Đức Minh, Lê Mạnh Thắng, bị công an Nghệ An cải trang làm côn đồ (hoặc phối hợp với côn đồ) hành hung gây thương tích, khi họ đang trên đường từ Vinh trở về Hà Nội.
14/12: Xét xử sơ thẩm Dũng Phi Hổ, người thanh niên tham gia tuần hành vì cây xanh hôm 12/4 trong màu áo của “quân lực VNCH”. 16 thành viên của nhóm VMHNX tình nguyện đứng ra làm nhân chứng xác nhận Dũng không hề có hành vi gây rối trật tự công cộng, trong đó có hai người nhận vai trò tổ chức. Tuy nhiên, lời chứng của họ không được tòa đếm xỉa. Các luật sư bỏ ra ngoài. Dù vậy, phiên tòa vẫn tiếp tục, kết án Dũng 15 tháng tù.
16/12: Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an bắt giam luật sư Nguyễn Văn Đài (SN 1969) và chị Lê Thu Hà (SN 1982), với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước”, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự.
18/12: Tòa án Nhân dân tỉnh Tiền Giang xét xử sơ thẩm vụ “con ruồi trong chai Dr. Thanh của Tân Hiệp Phát”, tuyên phạt ông Võ Văn Minh 7 năm tù vì tội “cưỡng đoạt tài sản”.