Sunday, 28 February 2016

Ứng viên độc lập gặp khó từ khâu hồ sơ

Bà Đặng Bích Phượng, một trong các ứng cử viên tự do ở Hà Nội, thuật lại khó khăn “trời ơi đất hỡi” mà bà gặp phải khi làm hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa 14 này.

Câu chuyện rất đơn giản: việc đầu tiên của quá trình ứng cử là bà phải làm hồ sơ, gồm đơn ứng cử, sơ yếu lý lịch, tiểu sử tóm tắt, bản kê khai tài sản và thu nhập. Sau đó, bà phải đi xin dấu xác nhận lý lịch tại ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã, phường nơi bà đăng ký hộ khẩu thường trú.

Ngày 22/2/2016, UBND phường Thành Công đã xác nhận lý lịch cho bà Phượng. Tuy nhiên, ba hôm sau, khi bà Phượng đến nộp hồ sơ ứng cử, thì được cán bộ tiếp dân yêu cầu khai lại một số mục khai chưa đúng theo mẫu. Ví dụ, phải ghi trình độ văn hóa 10/10 phổ thông (bà Phượng chỉ khai 10/10 – thiếu chữ “phổ thông”).

Sau khi khai lại đầy đủ, bà Phượng đến UBND phường Thành Công để xin xác nhận lại lý lịch. Nhưng lần này thì đến lượt Chủ tịch UBND phường Thành Công, ông Nguyễn Huy Toản, nói chưa thể xác nhận lý lịch cho bà, lấy lý do bà khai “chưa trung thực” phần kỷ luật.

“Kỷ luật” vì biểu tình

Bà Đặng Bích Phượng đã không khai trong hồ sơ là bà từng một lần bị bắt giam 5 ngày ở Hỏa Lò (từ ngày 21 đến 25/8/2011) vì đi biểu tình chống Trung Quốc nhân sự kiện Trung Quốc cắt cáp dầu khí của Việt Nam, nhưng bị công an quy vào tội “gây rối trật tự công cộng”.

Lần khác, bà bị UBND phường Dịch Vọng ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại phường trong thời hạn 6 tháng (từ ngày 12/9/2012 đến ngày 12/3/2013) cũng vì nhiều lần bị bắt khi tham gia biểu tình chống Trung Quốc.

Tuy nhiên, tạm chưa bàn tới tính hợp pháp của các quyết định tạm giữ và áp dụng biện pháp giáo dục, thì những hình thức xử lý công dân nói trên chỉ là xử lý vi phạm hành chính và chỉ có giá trị 1 năm là hết hiệu lực, không cần ghi vào lý lịch.

Thêm nữa, chính phần hướng dẫn khai hồ sơ cũng nêu rõ:

Trường hợp bị kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính trong thời gian 01 năm tính đến ngày làm hồ sơ ứng cử thì ghi rõ tên cơ quan ra quyết định kỷ luật, thời gian bị kỷ luật, lý do bị kỷ luật, hình thức kỷ luật”, 

Nếu không có hoặc đã bị xử lý nhưng không thuộc các trường hợp kể trên thì ghi “Không bị kỷ luật, không có án tích””.

Do bà Đặng Bích Phượng bị xử lý vi phạm hành chính đã cách đây đến 4-5 năm, nên bà ghi “không bị kỷ luật, không có án tích” trong hồ sơ, đúng như hướng dẫn.

Điều bà không ngờ là ghi chính xác như hướng dẫn thì lại bị từ chối xác nhận hồ sơ.

Bà Đặng Bích Phượng tại Trụ sở Thường trực của Ủy ban Bầu cử Thành phố Hà Nội,
 cơ quan thuộc Hội đồng Bầu cử Quốc gia, ngày 25/2/2016.

Đá đi, đá lại

Bà Đặng Bích Phượng bèn quay lại nơi tiếp nhận hồ sơ ứng cử để đề nghị hướng dẫn lại. Tại đây, bà Phượng được ông Lưu Tiến Minh, cán bộ tiếp nhận hồ sơ, giải thích đúng như ghi chú trên mẫu hồ sơ: “Nếu bác có bị kỷ luật hành chính cách đây vượt quá một năm, mà bác vẫn khai vào đây, thì tôi phải nói là bác khai không đúng”.

Có nghĩa là, nếu bà Phượng ghi hai lần bị xử lý vi phạm của mình vào hồ sơ, thì chính khi đó, hồ sơ mới trở thành không hợp lệ (vì ghi sai yêu cầu).

Như vậy là bà Phượng bị kẹt giữa UBND phường Thành Công và Ủy ban Bầu cử Thành phố Hà Nội. Không khai thì UBND phường Thành Công không chịu xác minh lý lịch. Mà khai thì Ủy ban Bầu cử Thành phố Hà Nội lại cho là hồ sơ không hợp lệ. Vậy phải ghi như thế nào bây giờ?

Đó là chưa kể, đúng ra trách nhiệm của UBND phường chỉ là xác nhận chữ ký và hộ khẩu thường trú. Còn tất cả các phần khác trong lý lịch, cá nhân người khai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Bà Phượng có hộ khẩu thường trú tại phường Thành Công, nhưng bà sống tạm cư tại phường Dịch Vọng từ cách đây 8 năm.

Thời gian đi biểu tình phản đối Trung Quốc cắt cáp tàu dầu khí trong vùng biển của Việt Nam, bà bị công an quận Hoàn Kiếm bắt giữ, và UBND phường Dịch Vọng ra quyết định “giáo dục” bà tại địa phương.

Điều này hoàn toàn không nằm trong phạm vi quản lý của UBND phường Thành Công.

Phối hợp gây khó khăn?

Tuy nhiên, một nguồn tin cho bà Phượng hay, cơ quan an ninh đã cung cấp hồ sơ của bà cho UBND phường Thành Công, để gây khó dễ.

Bà Phượng cố gắng giải thích với chính quyền phường sở tại: “Nếu các hình thức kỷ luật diễn ra trong vòng 1 năm tính đến ngày làm hồ sơ, thì tôi mới phải kê khai. Nếu không nằm trong khung đó mà vẫn khai thì bên Ủy ban Bầu cử sẽ coi hồ sơ là không hợp lệ”.

Tuy nhiên, UBND phường vẫn dứt khoát bắt bà phải kê khai vụ bị bắt tạm giữ năm 2011 và bị ép giáo dục cải tạo năm 2013.

Cũng nguồn tin nọ cho biết, UBND phường đang bị “bên an ninh” nhắc nhở lưu ý về trường hợp bà Phượng.

Bà Phượng và những cử tri đi cùng thực sự ngạc nhiên và bức xúc trước việc an ninh can thiệp thông qua UBND phường và nhất là lại cứ cố ép bà phải khai hồ sơ không hợp lệ.

Phải chăng cơ quan an ninh đang gây khó khăn cho phường Thành Công, hay là họ đang phối hợp với phường gây khó khăn cho ứng cử viên tự do?

Bà Phượng quyết định sẽ làm đơn yêu cầu UBND phường xác nhận lý lịch cho bà và trả lời bằng văn bản, để bà còn kịp hoàn thành bộ hồ sơ ứng cử ĐBQH khóa 14.

'Cho xin một bộ'

Cũng trong những ngày vừa qua, công an khu vực ở một số nơi trên địa bàn Hà Nội đã đến “tiếp xúc, tìm hiểu thông tin” ở vài ứng cử viên tự do khác, chẳng hạn hỏi họ đã làm hồ sơ chưa, bao giờ xong thì cho xin một bộ...

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 (nhiệm kỳ 2016-2021) sẽ diễn ra vào ngày 22/5 tới.

Đây là lần đầu tiên, bầu cử Quốc hội có một số lượng đông đảo ứng cử viên tự do (15-20 người trên cả nước, nhất là Hà Nội), và phần lớn đều tích cực sử dụng mạng xã hội Facebook để vận động tranh cử.

Bà Đặng Bích Phượng, sinh năm 1960, là một trong số rất ít gương mặt nữ ứng cử độc lập. Chương trình hành động của bà xoay quanh vấn đề đất đai và sửa đổi luật đất đai theo hướng bảo đảm các quyền căn bản của người nông dân, như quyền có thông tin, quyền được tham vấn, hỏi ý kiến, và quyền được thương lượng, đàm phán theo giá thị trường.

http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2016/02/160228_doantrang_vn_elections_2016 

Ưu tiên số 1 là vận động, đấu tranh để bỏ cho được cái đuôi 'xã hội chủ nghĩa'

Nhiều người trông thấy ông, thường xì xào, chỉ trỏ, hoặc chạy lại chào hỏi, xin chữ ký vì tưởng ông là diễn viên Hán Văn Tình - vào vai "lão Quềnh" nổi tiếng trong series phim truyền hình "Đất và Người". Người khác lại nhầm ông với GS-TS. Đặng Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường.

Nhưng ông không phải "lão Quềnh" cũng không phải "ông Võ". Ông là Nguyễn Kim Môn, SN 1961, doanh nhân, và là một trong các ứng cử viên độc lập vào Quốc hội khóa 14 kỳ này.

Ở ngoài đời, trông ông Kim Môn cũng rất có "dáng lãnh đạo" như cách nói của người Việt Nam; ít ai biết ông còn là một người ủng hộ nhiệt tình phong trào dân chủ ở Việt Nam và nhiều khi còn tham gia tích cực như một nhà hoạt động thực sự. Ông có tính thẳng thắn, không ít lần có thể làm người nghe phật ý vì những phát ngôn mạnh, chẳng e dè gì, như gần đây ông phê ĐBQH Dương Trung Quốc không phải người đối lập mà chỉ là "cây cảnh".

Hoặc trước đó nữa, ông từng có nhiều phát ngôn "vỗ mặt" một số luật sư ở Hà Nội vì cái sự quá khôn ngoan, tính toán của họ, đủ để họ "không dại gì" đi theo phong trào dân chủ bảo vệ công lý-nhân quyền mà vẫn có danh có lợi. Ông Kim Môn chỉ trích họ gay gắt đến mức người ngoài có thể tưởng ông ghét bỏ gì giới luật sư.

Nhưng thật ra không phải. Ông Nguyễn Kim Môn có đòi hỏi khe khắt với giới luật sư hơn mọi người khác, bởi ông cũng gần như đồng nghiệp của họ. Ông tốt nghiệp ĐH Luật và có bằng cử nhân luật từ năm 1992. Sửa đổi luật pháp, thay đổi thể chế, vận động bỏ cái đuôi "xã hội chủ nghĩa" trong pháp chế cũng như trong nền kinh tế thị trường - là trọng tâm của chương trình hành động của ông, nếu trúng cử ĐBQH.

Hiện tại, ông Kim Môn là giám đốc một công ty thương mại - dịch vụ ở Hà Nội.


Saturday, 27 February 2016

Vài câu hỏi dành cho Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Mặt trận Tổ quốc VN

Đầu tuần qua, anh Lưu Văn Minh (người trong ảnh), 26 tuổi, ở Hà Nội, đã gửi thư đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Hội đồng Bầu cử (HĐBC) và Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, đề nghị giải thích, làm rõ giúp anh một vấn đề liên quan đến quyền ứng cử của công dân.

Theo đó, anh Minh có một số người bạn là công dân Việt Nam ở nước ngoài, tất cả đều rất yêu nước và quan tâm đến tình hình đất nước. Các bạn của anh có nguyện vọng ứng cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa 14 “để góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển” Tổ quốc.

Căn cứ luật pháp Việt Nam, cụ thể là Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Tổ chức QH, các bạn anh hoàn toàn đạt tiêu chuẩn. Còn với trình độ chuyên môn, kiến thức, các bạn của anh Minh thậm chí còn thừa tiêu chuẩn, do họ thừa hưởng nền giáo dục chất lượng cao và có kinh nghiệm, trải nghiệm về xã hội dân chủ, nhà nước pháp quyền cũng như cách vận hành của một thể chế tôn trọng quyền con người...

Tuy nhiên, tất cả cũng đều đang lúng túng vì không rõ sẽ phải thực hiện quy chế ứng cử hiện nay của Đảng và Nhà nước Việt Nam như thế nào. Trong luật pháp hiện hành, hoàn toàn không có quy định gì đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài muốn ứng cử và trở về nước làm ĐBQH nếu trúng cử.

Một vài thắc mắc đặt ra, chẳng hạn:

- Họ có cần phải được sự lựa chọn và giới thiệu của MTTQ không? Tại sao có/không? Tại sao MTTQ lại giữ quyền này?

- Nếu không được sự đề cử của MTTQ hay một cơ quan, đơn vị nào đó ở trong nước, thì chắc chắn họ trượt - như kinh nghiệm đối với hàng chục ứng cử viên tự do bấy lâu nay. Nhưng muốn được đề cử, thì phải làm thế nào? MTTQ ở đâu sẽ đề cử họ? Paris, London hay Budapest...? Nếu ở những địa phương đó không có MTTQ thì họ có thể xin MTTQ mở chi nhánh mới hoặc xin thành lập MTTQ ở đó không?

- Các hội nghị hiệp thương lấy ý kiến cử tri ở nơi công tác và nơi cư trú của họ sẽ được tổ chức như thế nào? Cơ quan, đơn vị nào tổ chức, ai tham dự, ai giám sát?

- v.v.

Các bạn của anh Lưu Văn Minh đem các thắc mắc đó hỏi anh và nhiều người Việt khác, nhưng tất cả đều chịu, không trả lời được.

Cuối cùng, anh Minh quyết định chuyển các thắc mắc này tới UBTVQH, HĐBC, và MTTQ để đề nghị làm rõ.

Chúng ta hãy cùng anh Minh chờ xem ba cơ quan nói trên có phản hồi công dân hay không và như thế nào.



Monday, 22 February 2016

Lần đầu tiên, các ứng cử viên ĐBQH tự giới thiệu trên mạng xã hội

... Nhưng đó không phải là các ứng viên do Mặt trận Tổ quốc (tổ chức ngoại vi đội lốt "xã hội dân sự" của đảng Cộng sản Việt Nam) đề cử. Mà họ là các ứng cử viên tự do vào Quốc hội hơn 95% thành viên là đảng viên cộng sản này.

Dưới đây là chương trình hành động mà các ứng cử viên tự do cam kết thực hiện nếu trúng cử:


Ông Nguyễn Quang A, tranh cử tại Hà Nội:

“Thứ nhất, tôi mong muốn QH sửa các điều luật của luật hiện hành, những điều vi phạm quyền con người và những điều vi hiến. Rất đáng tiếc, có nhiều điều như vậy trong luật hiện hành. Điểm thứ hai, QH làm những luật mới để tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền của mình. 

Và luật hay mà không thực thi thì cũng không có nghĩa gì, cho nên việc thực thi luật là rất quan trọng. Tôi mong QH và người dân giám sát các cơ quan nhà nước và các quan chức nhà nước thực hiện tốt luật”.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh (Hà Nội):

“Tôi tham gia ứng cử ĐBQH để thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân và để đóng góp được nhiều hơn cho xã hội. Nếu trúng cử làm ĐBQH, tôi sẽ tập trung vào vấn đề bảo vệ chủ quyền, thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc, và bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ”.

Ông Nguyễn Tường Thụy (Hà Nội): 

"Tôi quan tâm nhất đến những vấn đề sau đây trong QH: Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện và chất vấn ở QH. Và tôi đặc biệt quan tâm đến những người dân là nạn nhân của sự áp bức, bất công, chẳng hạn những người dân bị mất nhà, mất cửa, đi lang thang khiếu kiện. Tôi sẽ tìm mọi cách và bằng hết sức mình bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng cho họ”.


Bà Đặng Bích Phượng (Hà Nội):

“Tôi tham gia ứng cử ĐBQH khóa 14 là muốn thay đổi suy nghĩ của người dân - từ trước tới nay vốn thụ động, quen với việc Đảng cử, dân bầu mà họ không nghĩ rằng họ có quyền theo Hiến pháp là được tự ứng cử để tự nói lên những điều mình mong muốn cho đất nước này thay đổi theo hướng tốt hơn.

Nếu trở thành ĐBQH, điều mong muốn của tôi là sửa đổi Luật Đất đai, bởi vì theo như tôi biết, 90% các vụ khiếu kiện hiện nay liên quan đến vấn đề đất đai”.

* * *

Bạn hãy lắng nghe họ, và hãy thử so sánh cương lĩnh tranh cử của họ với chương trình hành động của các ĐBQH đương nhiệm, ví dụ như của một vị ĐBQH Khóa 13 dưới đây:

Kính thưa bà con cử tri.

Tôi được sinh ra, lớn lên và trưởng thành từ thực tiễn làm công tác thanh niên trên quê hương mang tên Bác; tôi vô cùng vinh dự và hạnh phúc khi được Trung ương giới thiệu về ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII tại chính thành phố thân yêu của mình. Nếu được bà con cử tri tín nhiệm bầu tôi làm đại biểu Quốc hội khóa XIII, tôi sẽ nỗ lực tập trung làm tốt những công việc sau:

- Tích cực tham gia đóng góp xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, ra sức nghiên cứu, nắm chắc tình hình kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân trên địa bàn...

- Từ những kiến nghị của cử tri, các tầng lớp thanh niên, tôi sẽ cùng với các tổ chức thành viên tập thể của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam như Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, các Hội: Sinh viên Việt Nam, Doanh nhân trẻ Việt Nam, Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Trí thức khoa học công nghệ trẻ Việt Nam nghiên cứu, phát động thành phong trào quần chúng để kết nối nguồn lực xã hội, thực hiện các nguyện vọng chính đáng của cử tri và thanh niên.

- Tham gia đầy đủ các phiên họp toàn thể của Quốc hội, của Đoàn đại biểu Quốc hội; tích cực tham gia vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội; đồng thời không ngừng học tập, nâng cao trình độ, năng lực để thực hiện tốt nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội, không phụ lòng tin và sự ủng hộ của cử tri thành phố.


Bạn thích cách thể hiện của ai hơn - ứng viên tự do hay ứng viên "Đảng cử dân bầu"?

Hai ứng cử viên nữ vào Quốc hội khóa 14

Bà Đặng Bích Phượng (người đứng bên trái trong ảnh dưới) và bà Nguyễn Thúy Hạnh (phải) là hai người phụ nữ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa 14 này. 


Cả hai đều là những người phụ nữ thông minh, nhân hậu, yêu nước, tham gia rất tích cực vào các hoạt động xã hội như làm từ thiện, bảo vệ những nạn nhân của oan sai và bất công ở Việt Nam, và tuần hành bảo vệ môi trường, biểu tình chống chính sách bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông...

Về chương trình hành động nếu trúng cử ĐBQH, bà Đặng Bích Phượng (SN 1960) có mối quan tâm đặc biệt đến chính sách đất đai, đến việc chuyển giao và cưỡng chế đất đai rất bất cập (đang là nguồn gốc của 90% đơn thư khiếu kiện). Với thâm niên gần 20 năm tham gia các dự án phát triển liên quan đến làm đường, giải phóng mặt bằng, với kiến thức về luật đất đai, và nhiều kinh nghiệm trong tiếp xúc và làm việc với dân oan, bà mong muốn có thể thúc đẩy việc sửa đổi luật pháp về đất đai, góp phần chống tham nhũng trong lĩnh vực này và giải quyết những vấn nạn, những hệ quả còn tồn đọng - như oan sai, đền bù không thỏa đáng, bất mãn và bạo lực...

Bà Nguyễn Thúy Hạnh (SN 1963) vốn là doanh nhân, phụ trách mảng đối ngoại của một công ty lớn. Chương trình hành động của bà gồm hai mảng chính: bảo vệ chủ quyền đất nước và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Về vấn đề chủ quyền, bà mong muốn quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông mà lâu nay vẫn bị Trung Quốc ép làm chuyện “song phương” với Việt Nam; công khai hóa và phi nhạy cảm hóa câu chuyện chủ quyền để mỗi người dân đều có thông tin và từ đó có sự tham gia bảo vệ đất nước... Về vấn đề bình đẳng giới, bà dự định thúc đẩy lập ra những điều luật nghiêm khắc ngăn chặn nạn bạo hành trong gia đình và ngoài xã hội mà phụ nữ là nạn nhân.

Hiện nay, tỷ lệ nữ ĐBQH là 24,4%. Tỷ lệ này còn xa mới đạt “mức phấn đấu” 35% mà Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đưa ra.

Do vậy, việc bà Đặng Bích Phượng và bà Nguyễn Thúy Hạnh tham gia ứng cử ĐBQH cần phải được khuyến khích, thay vì bị những công dân mạng hung hãn, phò Đảng ra sức xỉa xói, kiểu như “đ... không quá ngọn cỏ mà cũng tranh cử”, “với cái suy nghĩ này mà trúng cử ĐBQH thì đúng là thất bại”.

Thảm hại nhất trong các phát ngôn của trẻ trâu là những lời kêu gọi “Cẩn thận nha mọi người, nhìn người cho kỹ kẻo bị lợi dụng sự tự do để âm mưu diễn biến hòa bình chống phá Đảng và Nhà nước đó”...

Sunday, 14 February 2016

ABC về bầu cử Quốc hội – dành cho các ứng viên tự do

Kỳ bầu cử Quốc hội (QH) năm nay hứa hẹn một điểm rất mới, khi lần đầu tiên trong lịch sử QH Việt Nam, có sự xuất hiện của mạng xã hội Facebook với vai trò đáng kể định hình công luận, và trên Facebook đã có những lời kêu gọi cho một chiến dịch người dân “đồng loạt tự ứng cử”. Giữa lúc đó thì báo chí trích lời đương kim Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết đã xác định được số lượng ứng cử đại biểu (ĐB) khóa 14 là 896 người. Một loạt thắc mắc có thể nảy sinh: Thế là thế nào? 896 người kia ở đâu ra, tôi đã ứng cử đâu?

Nhằm giúp các ứng viên tự do bớt lúng túng và quá tải, bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số kiến thức căn bản liên quan đến quy trình ứng cử và bầu cử Quốc hội ở Việt Nam.

* * *

Vấn đề “cơ cấu” của QH

Ông Nguyễn Sinh Hùng phát biểu như vậy vào ngày 16/1 vừa qua, tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) nhằm cho ý kiến về nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Bầu cử, trong đó có việc tổ chức hội nghị cử tri.

UBTVQH cũng đã ra nghị quyết về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa 14. Theo đó, ngày bầu cử QH là chủ nhật, 22/5/2016. Khóa 14 sắp tới sẽ có 500 ĐBQH, được bầu từ con số dự kiến 896 người ứng cử. (Luật Tổ chức QH cũng ấn định, tổng số ĐBQH không quá 500).

Trong 500 ĐBQH của khóa 14, số người không phải là đảng viên đảng Cộng sản, theo dự kiến của UBTVQH, chỉ khoảng 25-50.

Mặc dù QH và báo chí dùng từ “dự kiến”, nhưng thực chất, cần hiểu đúng bản chất của nó là “xác định cơ cấu”, và đây là bước đầu tiên trong quy trình bầu cử QH ở Việt Nam.

LS. Lê Quốc Quân tự ứng cử ĐBQH năm 2011.
Ảnh: JB Nguyễn Hữu Vinh
Trong bước đầu tiên này, UBTVQH ấn định và công bố ngày bầu cử, thành lập Hội đồng Bầu cử Trung ương, đồng thời, đưa ra “dự kiến” về cơ cấu, số lượng ĐBQH được bầu, ví dụ như kỳ này, QH phải có ít nhất 35% ĐB là nữ. Số lượng đại biểu của Bộ Quốc phòng là 15 người, Bộ Công an 3 người. Số đại biểu đến từ khối doanh nghiệp, hiệp hội, nghiệp đoàn sản xuất kinh doanh: 7 người…

Việc ấn định cơ cấu được giải thích là nhằm đảm bảo cân bằng lợi ích, cân bằng sự đại diện của tất cả các tầng lớp trong xã hội (phụ nữ, thanh niên, nông dân, trí thức, người dân tộc thiểu số v.v.). Mặt trái của nó, ai cũng có thể nhận thấy, là nó hợp lý hóa sự sắp xếp nhân sự từ trước và can thiệp vào trong quá trình ứng cử để bảo đảm cơ cấu. Một vị cựu ĐBQH kể, thời ông, chưa đến ngày bầu cử ông đã biết trước mình chắc chắn vào QH, bởi cơ cấu khi ấy đang cần thêm một trí thức khoa học xã hội ở Hà Nội, mà xung quanh ông thì toàn trí thức thuộc khối khoa học tự nhiên.

Vậy là cơ cấu của QH đã được ấn định trước, tiếp theo sẽ là quá trình thực hiện, với một loạt bước, gồm: hiệp thương, hội nghị tiếp xúc cử tri. Trong đó, hiệp thương là giai đoạn quan trọng nhất để thực hiện cơ cấu đã vạch sẵn.

Ba lần hiệp thương

“Hiệp thương” có lẽ là một khái niệm nghe khá khó hiểu với nhiều người Việt Nam. Nhưng thật ra thì nó đơn giản. Hiệp thương, tiếng Anh là “negotiation”, có nghĩa là đàm phán, thương lượng với nhau.

Quy trình bầu cử QH ở Việt Nam có ba (03) vòng hiệp thương. Lần thứ nhất để xác định cơ cấu. Lần thứ hai, để thống nhất danh sách ứng cử viên sơ bộ. Lần thứ ba, chốt danh sách cuối cùng của các ứng cử viên, để đưa đến việc “toàn dân đi bầu”.

Hiệp thương lần 1 diễn ra sau khi UBTVQH đã đưa ra “dự kiến”, tức là đã ấn định cơ cấu, thành phần, số lượng ĐBQH được bầu, và đem trình nó cho Mặt trận Tổ quốc (MTTQ).

Dựa trên dự kiến đó, MTTQ cấp trung ương, và cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, sẽ tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở cấp tương ứng, để thoả thuận (tức là “hiệp thương”) về cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu mà các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương hay địa phương giới thiệu, tiến cử.

Còn các ứng viên tự do, không được cơ quan, tổ chức, đơn vị nào tiến cử, thì đương nhiên không có tên trong danh sách cơ cấu. Tuy nhiên, họ vẫn có thể nộp hồ sơ cá nhân cho ủy ban bầu cử; vòng hồ sơ này không quá khó khăn. Thử thách lớn nhất với ứng viên tự do là ở lần hiệp thương sau đó.

Hiệp thương lần 2: “cửa tử” đối với ứng viên tự do

TS. Nguyễn Quang A trong một chuyến vận động quốc tế.
Ông A sẽ ứng cử độc lập trong dịp bầu QH này.
Hiệp thương lần thứ hai thương lượng, thống nhất danh sách ứng cử viên sơ bộ, gồm cả các ứng viên tự do, và danh sách này sẽ được đưa ra lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú và nơi công tác.

Các hội nghị cử tri lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú chính là nơi diễn ra cuộc thử thách nặng nề nhất với bản lĩnh và sức chịu đựng của ứng cử viên ĐBQH. Theo truyền thống lâu nay, đó là nơi cử tri nơi cư trú tiến hành cuộc “đấu tố” ứng cử viên, đặc biệt là ứng viên tự do, không được cơ quan, tổ chức, đơn vị nào tiến cử. Nhiều người được sự ủng hộ lớn của cử tri nơi công tác, nhưng ra hội nghị ở nơi cư trú, vẫn bị “đấu” tơi bời và nhận tỷ lệ tín nhiệm rất thấp.

Thực tế các kỳ bầu cử nhiều năm qua cho thấy ứng cử viên thường bị cử tri đánh giá, phê phán vì những lý do rất… không liên quan đến năng lực, chẳng hạn như “ra đường gặp hàng xóm không chào, chứng tỏ kiêu ngạo”, “lười đi họp tổ dân phố”, “xấu trai, ngoại hình không đủ để làm ĐBQH”, v.v.

Càng là ứng viên tự do, không được cơ quan, tổ chức nào giới thiệu ứng cử, nguy cơ bị đấu tố càng lớn. Điều đó có thể vì nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn, do có sự chỉ đạo, tác động, can thiệp để cử tri loại bỏ ứng cử viên; do có sự sắp xếp, điều thêm cử tri của các địa bàn lân cận đến dự “đấu tố”; và cũng do chất lượng của chính cử tri còn thấp, khiến họ thiếu ý thức tham gia nghiêm túc vào hoạt động chính trị.

Hội nghị cử tri có sự tham dự của ứng cử viên ĐBQH, đại diện của tổ chức/ cơ quan có người ứng cử, lãnh đạo địa phương (tức nơi cư trú của ứng viên), tổ dân phố, MTTQ địa phương, và các cử tri… Trên thực tế, nhiều khi ứng viên tự do phải đứng trước một cử tọa gồm phần lớn là những người họ chẳng biết là ai, đấu tố họ một cách thô bạo. Đây là câu chuyện đã từng xảy ra với nhiều người ứng cử tự do, như ông Nguyễn Hữu Vinh (blogger Ba Sàm, năm 2002), nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải (năm 2011), luật sư Lê Quốc Quân (năm 2011)…

Hiệp thương lần 3: “đấu tố vắng mặt” ứng viên tự do

Với kết quả đánh giá ý kiến và tín nhiệm của cử tri tại hiệp thương lần hai, UBTVQH sẽ điều chỉnh lần hai về cơ cấu, thành phần và số lượng ĐBQH được giới thiệu ứng cử từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tiếp theo, sẽ đến hiệp thương lần thứ ba. Khác với các hội nghị cử tri ở nơi cư trú diễn ra trong vòng hiệp thương trước, ở hiệp thương lần ba, các hội nghị diễn ra không có mặt của ứng cử viên ĐBQH.

LS. Võ An Đôn
Chỉ có đại diện MTTQ, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, UBTVQH, Chính phủ (đối với việc bầu cử ĐBQH ở cấp trung ương); MTTQ và ủy ban bầu cử tỉnh, thường trực hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân tỉnh (đối với việc bầu cử ĐBQH ở cấp địa phương), là được tham dự và “hiệp thương” với nhau để lựa chọn và chốt danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH.

Năm 2011, luật sư Võ An Đôn đã qua được vòng hiệp thương thứ hai. Trên Facebook cá nhân, ông cho biết, khi lấy tín nhiệm tại nơi cư trú và nơi công tác, ông đều được 100% cử tri (tức người dân địa phương và đồng nghiệp) ủng hộ, tín nhiệm. Nhưng đến vòng hiệp thương lần ba, khi bị “đấu tố vắng mặt” tại hội nghị của MTTQ tỉnh, thì ông bị loại, không được vào danh sách cuối cùng, gồm những người được ứng cử ĐBQH.

Ông Đôn phản ánh: “Khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại nơi cư trú và tại Đoàn luật sư thì tôi được mời tham dự, nhưng khi tổ chức hiệp thương tại MTTQ thì tôi không được mời tham dự, nghe những người tham dự kể lại là họ đấu tố và nói xấu tôi dữ lắm”.

Đây cũng là một cửa ải lớn đối với ứng cử viên tự do. Nếu họ vượt qua được (xưa nay rất hiếm), thì họ mới có thể cùng các ứng viên được giới thiệu ứng cử tiến vào giai đoạn tiếp theo: vận động tranh cử và trình bày chương trình hành động.

Vận động tranh cử

Ở khâu này, MTTQ địa phương (tức là MTTQ ở các điểm bầu cử) sẽ tổ chức những hội nghị tiếp xúc cử tri tại địa phương để người ứng cử tiến hành vận động bầu cử, dưới sự giám sát của MTTQ. Tại đây, họ sẽ trình bày trước cử tri chương trình hành động của mình.

Ngoài ra, những người có tên trong danh sách ứng cử cuối cùng còn có cơ hội làm việc với báo chí để giới thiệu bản thân và chương trình hành động, vận động tranh cử…

Một cựu ĐBQH cho biết, đến giai đoạn này, trên nguyên tắc cử tri vẫn có thể quan sát, xem xét ứng cử viên ĐBQH, để bỏ phiếu bầu hoặc không bầu cho ông/bà ta. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng chẳng mấy khi cử tri quan tâm đến chương trình hành động của ứng cử viên, còn báo chí thì càng không có chuyện tìm hiểu, moi móc hồ sơ nhân thân hay phản biện ứng cử viên, mà chỉ đưa tin, viết bài phản ánh theo hướng ca ngợi.

Như vậy, vào được danh sách chính thức, được tổ chức cho đi “vận động tranh cử” chính thức, đã có thể coi như thắng lợi cực kỳ lớn của ứng cử viên ĐBQH rồi.

Lời kết

Bước cuối cùng là giai đoạn cử tri bỏ phiếu chính thức (với QH khóa 14 thì đó là ngày 22/5 tới). Việc kiểm phiếu sau đó – không đảm bảo độc lập – cũng là một khâu mà chính quyền có thể tác động để đảm bảo cơ cấu, thành phần QH như đã chủ trương từ đầu.

Ứng cử ĐBQH là sự thực thi một quyền chính trị căn bản của người dân: quyền được tham gia một cách có ý nghĩa vào chính trị. Trong hoàn cảnh Việt Nam, với hệ thống chính trị một đảng, quyền này chịu rất nhiều hạn chế, cản trở – bằng các cơ chế như đã chỉ ra ở trên.

Tuesday, 9 February 2016

Không thể bỏ mặc thế giới này cho những kẻ mà ta khinh bỉ

Kể từ khi cầm quyền đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm đủ trò để biến chính trị thành một thứ xấu xa, gớm ghiếc, đáng khinh, đáng sợ, trong suy nghĩ của người dân. Người nào thanh cao, trong sạch thì phải biết tránh xa chính trị, lo làm tốt bổn phận của mình, còn các vấn đề vĩ mô thì đã có Đảng và Nhà nước lo - Đảng dạy dân như thế.

Mà đúng là chính trị của Đảng xấu xa, gớm ghiếc thật. Đảng có một cơ chế nhân sự kỳ lạ sao đó, sàng lọc rất giỏi: Phàm người nào vừa tài giỏi vừa nhân hậu và trung thực, tóm lại vừa có tài vừa có đức, chắc chắn sẽ không bao giờ lên cao trong hệ thống của Đảng và Nhà nước được. Càng làm to, mức độ tài đức của quan chức cộng sản càng giảm. Cứ thế, cho đến đỉnh cao là Bộ Chính trị và Tứ trụ thì tài đức còn bao nhiêu, chúng ta tự hiểu.

Chính trị của Đảng là thứ chính trị ưu tiên sự xảo trá, giảo quyệt... nôm na là lưu manh.

Chính trị của Đảng là thượng đội hạ đạp, là nịnh trên nạt dưới.

Chính trị của Đảng là phá rất giỏi, nhưng xây thì tồi tệ, be bét. Bất kỳ cái gì có chữ “phá”, người cộng sản đều làm tốt cả: phá tư sản, phá kinh tế, phá rừng phá núi, phá cầu phá đường, phá đình phá chùa, phá làng phá xóm, phá thương hiệu, phá uy tín, đương nhiên là cả “phá án” luôn, trong đó có phần “phá phản động”.

Vì chính trị của Đảng như thế, nên cũng có phần sự thực là, nếu là người lương thiện, chẳng mấy ai muốn dây vào nó.

Nhưng cũng chính vì thế, những người tài, người tốt cứ để Đảng phè phỡn trong quyền lực, muốn làm gì thì làm, muốn ra chính sách gì thì ra, muốn phá gì thì phá, cứ thoải mái ghìm chặt đất nước, không cho phát triển suốt hàng chục năm nay.

* * *

Cuộc bầu cử Quốc hội 2016 lần này, đứng trên mặt Đảng mà xét, sẽ chẳng có thay đổi gì, vì cơ chế là do Đảng đề ra, luật là do Đảng đề ra, nhân sự, quần chúng cũng là do Đảng chỉ định, thuê mướn để diễn trò.

Nhưng về phía những người tiến bộ, mong muốn đất nước thay đổi, thì có một cái khác: Đây là dịp (duy nhất trong vòng 5 năm tới) để chúng ta tham gia vào nền chính trị của Đảng, không phải để hy vọng sẽ thay thế được Đảng, mà đơn giản là để lột trần cái màn kịch dân chủ của Đảng.

Chúng ta hãy tranh cử vào Quốc hội - cho đến nay vẫn đã và đang luôn luôn là của Đảng Cộng sản Việt Nam với 95% đại biểu là đảng viên cộng sản. Hãy tranh cử để thay đổi tỷ lệ này dù ít dù nhiều.

Hãy tranh cử để ít nhất là làm cho Đảng phải mệt sức, tốn tiền đối phó. (Tiền thì tất nhiên cũng là của ngân sách nhà nước thôi, chứ Đảng ngoài lừa và cướp ra thì có bao giờ gây được quỹ. Nhưng ngân sách hay nguồn lực nào mà chẳng có hạn).

Hãy tranh cử, bởi vì một sự thực này:

TA KHÔNG THỂ BỎ MẶC THẾ GIỚI NÀY CHO NHỮNG KẺ MÀ TA KHINH BỈ (*).

---------

(*) Ayn Rand (tác giả Suối Nguồn), tháng 5/1968

Bài liên quan:

Saturday, 6 February 2016

Đêm hiệp thương

Nhân vật

Nhà khoa học N. P. G. Hải, 77 tuổi, người tự ứng cử đại biểu Quốc hội
Nữ chủ tịch phường - Chủ tọa hội nghị
Cử tri 1
Cử tri 2
Cử tri 3
Cử tri 4
Phóng viên A
Phóng viên B
Khoảng ba, bốn chục rễ, chuỗi khác.

Kịch một hồi một cảnh, dựa trên một câu chuyện có thật, xảy ra ở Hà Nội, Việt Nam, tháng 4/2011


Sân khấu bày cảnh trong nhà, giản dị, quê mùa. Nhiều hàng ghế gỗ xếp song song hai bên, chừa một lối đi hẹp, dài khoảng ba mét, dẫn tới bức tường phía trước. Tường treo ảnh một ông cụ già râu tóc bạc phơ, dưới là băng-rôn đỏ chói: “Hội nghị lấy ý kiến tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người tự ứng cử đại biểu Quốc hội”. Dưới nữa là một cái bàn gỗ, trên có micro, lòng thòng dây dợ. Đó là bàn của chủ tọa hội nghị. Cạnh đó, cách ba bước chân, là một bàn gỗ khác, đặt gần cử tọa hơn, dành cho nhà khoa học già. Khoảng ba, bốn chục rễ, chuỗi ngồi các hàng ghế đối diện.

Bên ngoài, trời mưa như trút nên phải căng thêm bạt làm mái hiên che mưa. Rễ, chuỗi ngồi tràn cả ra vỉa hè, dưới mái hiên này. Cách đó vài bước chân là chỗ gửi xe máy, xe đạp. 

Mở màn

Hai phóng viên A và B trùm áo mưa, phi xe máy tới chỗ gửi xe. Cả hai cởi áo mưa, rút chìa khóa xe, lấy vé, đưa tay lau nước trên mặt. Nước mưa rỏ từ tóc xuống cổ, xuống vai, ướt lướt thướt. 

Phóng viên B (cáu kỉnh): Ướt sạch cả rồi. Có cái địa chỉ mà cũng nhầm. 

Phóng viên A (vẻ nhu mì, hòa hoãn): Chẳng biết thế nào, mình thấy ghi rõ là địa điểm ở đây mà. Vừa nãy gọi, bác ấy bảo đến ngay nhé, bắt đầu rồi. 

Phóng viên B: Thôi, vào nhanh kẻo muộn.

Hai phóng viên hối hả đi vào, nhưng phòng đã chật ních, đành đứng ngoài vỉa hè, dưới mái hiên bạt, nhìn vào. Bên trong, không khí đang ồn ào, sôi nổi. Hai phóng viên đảo mắt nhìn. 

Phóng viên B (lẩm bẩm): Mẹ, sao toàn đầu bạc với tóc hoa râm thế này? Người trẻ đi đâu cả?

Phóng viên A: Giời ạ. Nói khẽ chứ. Người trẻ đang đứng trông xe ngoài kia chứ đi đâu.

Phóng viên B: À ừ nhỉ. Thế ra cử tri phường này toàn người về hưu à?

Phóng viên A: Đã bảo nói khẽ thôi. Ờ, kể ra hôm nay ở đây già thật. Hôm trước tớ dự phiên ở phường bên kia, thấy nhiều người trẻ hơn. Nhưng mà thôi, im đi, còn nghe.

Hai phóng viên đứng khoanh tay chặt trước ngực, nhìn vào trong phòng hội nghị. Phía trong, người ngồi lố nhố. Nhà khoa học đeo kính trắng co ro. Nữ chủ tọa ngồi bàn có micro, mặt trang điểm đậm, môi mím lại rất cương nghị.

Nữ chủ tọa: Mời các bác các cụ tiếp tục cho ý kiến.

Rễ, chuỗi (lao xao): Ý kiến đi, bà con ý kiến đi.

Nữ chủ tọa: Vầng, xin mời bác Cử tri 1 cho ý kiến ạ.

Một rễ chuyển micro cho Cử tri 1. 


Cử tri 1: Tôi là tôi xin có ý kiến như thế này. Trước hết là hôm nay, Mặt trận Tổ quốc với Ủy ban Nhân dân phường tổ chức cái hội nghị lấy ý kiến cử tri như thế này, tôi thấy rất là dân chủ, rất đúng tinh thần của Quốc hội ta là phát huy dân chủ, để người dân chọn ra người ưu tú nhất, người có tài có đức, đại diện cho nhân dân. Bầu cử như thế này phải nói là rất dân chủ và cởi mở, tôi rất mừng. Cũng mong là Quốc hội khóa tới tiếp tục phát huy không khí dân chủ và cởi mở của khóa trước. Mong là cử tri chúng ta sẽ sáng suốt chọn ra những người ưu tú nhất, người có tài có đức, đại diện cho nhân dân…

Rễ, chuỗi (lao xao): Nói ngắn thôi, còn về. 

Phóng viên B (thì thào với phóng viên A): Trông mặt tay này ác nhỉ?

Nữ chủ tọa: Vâng được rồi ạ, do thời gian có hạn, mời bác Cử tri 1 đi thẳng vào vấn đề cho.

Cử tri 1: Vầng. Trước hết tôi khẳng định là hôm nay, Mặt trận Tổ quốc với Ủy ban Nhân dân phường tổ chức cái hội nghị lấy ý kiến cử tri như thế này, tôi thấy rất là dân chủ, rất đúng nguyên tắc, đúng tinh thần là tạo điều kiện cho mọi người có tài có đức được ra ứng cử để phục vụ đất nước…

Rễ, chuỗi (ồ lên): Ngắn thôi ông ơiiiii!

Cử tri 1: Thế cho nên tôi mới nói là phải là người có tài có đức lắm thì mới ra ứng cử để phục vụ đất nước. Bác Hải là nhà khoa học, bác tự ra ứng cử, tôi đánh giá rất là cao tấm lòng của bác. Nhưng mà, bác ạ, tôi cứ là phải nói thẳng. Bác là nhà khoa học, nghiên cứu đông nghiên cứu tây ở đâu chả biết chứ tôi chả thấy bác nghiên cứu gì chuyện xung quanh bác, chuyện phường ta cả.

Phóng viên B (khoái trá): Chếtttt rồiiiiii!

Phóng viên A: Khẽ thôi! 

Nhà khoa học cười gượng, gật gật đầu.


Cử tri 1: Tôi nói bác ấy, nhá, là bác không chịu nghiên cứu gì về phường ta cả. Tôi để ý, theo dõi nhiều rồi, tôi biết. Năm nay là năm 2011, bác về ở phường ta, sống giữa bà con lao động, từ năm 2006 tới giờ. 5 năm rồi, tôi chưa lần nào thấy bác đi họp tổ dân phố cả. 

Rễ, chuỗi (ồ lên): Đúng rồi, đúng rồi. Có thấy ông này đi họp bao giờ đâu.

Phóng viên B: Chết thật. 5 năm giời không họp tổ dân phố thật à? Để tôi hỏi… (với Cử tri 2 đứng cạnh) Này anh, bác này lười đi họp tổ dân phố lắm à?

Cử tri 2 (nhìn sang phóng viên B, nghiêm khắc): Cô ở đâu đấy?

Phóng viên B (giật mình, cuống): Em… em ở bên báo…

Một số rễ, chuỗi nãy giờ đứng, ngồi xung quanh cũng quay cả lại.

Cử tri 2 (to tiếng): Báo gì? Báo nào?

Phóng viên A (đỡ lời): Báo Trung ương ạ. Chúng em xuống đây đưa tin về bầu cử Quốc hội.

Cử tri 2 (dịu giọng): À, phóng viên à?

Cử tri 2 và các rễ, chuỗi không nói gì nữa, quay đi.

Phóng viên A (với phóng viên B): Thấy chưa? Tớ đã bảo rồi. Đừng có vớ vẩn. 

Cử tri 1 (tiếp tục sôi nổi): Đại biểu Quốc hội là phải gần dân, sát dân. Thế mới mong hiểu được nguyện vọng của dân. Tôi chả thấy bác Hải gần dân tí nào. Bao nhiêu năm qua bác chả thèm đi họp tổ dân phố lấy một lần. Chúng tôi kẻ cái băng rôn, viết cái bảng thông báo treo ngay phường, bác cũng chả buồn nhìn. Tôi làm thơ đưa bác, bác cũng chả đọc. Tôi chả tin bác làm đại biểu Quốc hội được đâu. Bác khinh thường dân lắm. Xa dân lắm. Mà đấy là tôi còn chưa nói cái này nữa. Đại biểu Quốc hội, các cụ các bác đây cũng biết rồi đấy ạ, là phải tài phải đức. Bác Hải đây gần 80 tuổi rồi. Tuổi ấy thì, tôi cứ suy từ tôi ra là thấy, bác ạ, chúng mình chỉ nên vui vầy con cháu, chăm sóc gia đình, an hưởng tuổi già thôi, ham hố làm gì. Thôi, tôi cứ xin thành thực nói thế này: Bác Hải ạ, bác nghỉ đi cho rảnh.

Rễ, chuỗi (vỗ tay ầm lên): Đúng rồi. Đúng rồi. Nghỉ đi cho khỏe.

Nhà khoa học: Cho tôi nói một lời…

Nữ chủ tọa: Chưa đến lúc bác nói. Bây giờ là lắng nghe ý kiến cử tri đã.

Nhà khoa học: Cho tôi nói một câu thôi. Tôi muốn nói với bà con đôi lời tâm sự.

Nữ chủ tọa (miễn cưỡng): Thôi được rồi, bác nói đi. Bác nói ngắn thôi đấy nhá.

Một rễ chuyển micro cho nhà khoa học.

Nhà khoa học: Thưa bà con, trước hết cho tôi được bày tỏ lời tri ân, lời cảm ơn chân thành của tôi đến bà con, đã không quản ngại mưa gió một tối như tối nay mà đến đây họp mặt. Điều ấy thể hiện tấm lòng, sự quan tâm to lớn của bà con đến việc tôi đứng ra ứng cử. Tôi cảm động lắm. Thứ hai nữa, tôi xin thành thật nhận khuyết điểm với bà con, nếu có, là trong nhiều năm qua, tôi có những lúc bận bịu việc cơ quan, việc nghiên cứu, mà có thể có gì đó sơ sảy trong quan hệ hàng xóm láng giềng. Nhưng bảo tôi khinh thường, tôi xa dân thì không. Tôi ở đây với bà con, giữa khu lao động này, đã bao nhiêu năm nay. (đặt tay lên ngực, nghẹn giọng) Tôi hiểu bà con, hiểu hoàn cảnh, hiểu đời sống cơ cực của nhiều gia đình. Tôi tha thiết muốn được đứng ra gánh vác nhiệm vụ làm đại biểu Quốc hội, làm người đại diện cho bà con… 


Nữ chủ tọa: Này, bác Hải ơi, hết thời gian.

Nhà khoa học: … Tôi sẽ cất lên tiếng nói của bà con, sẽ nói lên những điều bà con mong muốn. Tôi tin là tôi được nhiều hàng xóm láng giềng ủng hộ…

Nữ chủ tọa: Hết giờ rồi bác Hải ơi, bác thôi đi.

Nhà khoa học: Đồng chí để tôi nói hết ý đã. Tôi tin là tôi được nhiều hàng xóm láng giềng ủng hộ… Tôi có nhận được, và mang đến đây một loạt bức thư của những hộ liền kề gia đình tôi, xin được đọc ở đây để các bác các cụ nghe…

Nữ chủ tọa: Bác Hải! Thôi đi.

Nhà khoa học: Đây, thư của anh Hàng xóm 1, anh ấy viết như thế này: “Gia đình tôi ở kế bên nhà bác Hải đã nhiều năm nay. Tôi thấy bác Hải là người rất tốt, ăn ở với gia đình và hàng xóm đều rất mẫu mực. Trong gia đình, bác là người chồng, người cha tốt. Với hàng xóm láng giềng, bác cư xử hòa thuận…”.

Nữ chủ tọa (đập bàn): Bác Hải! Bác có thôi đi không? Bác có để yên cho chúng tôi làm việc không hả?

Rễ giằng lấy micro từ tay nhà khoa học. Nhà khoa học giữ lại.

Rễ, chuỗi (ồn ào): Thôi, nghỉ đi. Trả micro cho người ta. Nói mãi.

Nhà khoa học (với nữ chủ tọa): Ít ra chị phải để cho tôi nói hết ý đã chứ. Còn đây nữa, thưa bà con, đây là thư của chị Hàng xóm 2, chị ấy viết…

Micro bị cắt. Nhà khoa học nói to, hoa tay múa chân nhưng không ai nghe thấy ông nói gì nữa. Mấy rễ, chuỗi ở hàng ghế đầu tràn lên, giằng micro, vỗ vai nhà khoa học bảo ngồi xuống. Nhà khoa học tức uất, định đứng dậy nhưng bị giữ lại.

Nhà khoa học: Tôi phản đối. Các vị lên án tôi mà không cho tôi cơ hội được trả lời. Như thế là mất dân chủ. 

Nữ chủ tọa: Bác Hải, bác phải hiểu đây là Hội nghị lấy ý kiến cử tri. Cho nên việc của bác là phải lắng nghe cử tri chứ không phải tranh cãi với cử tri. LẮNG---NGHE---CỬ---TRI. Bác hiểu không? LẮNG---NGHE. Bác cứ làm thế là mất điểm với cử tri đấy. Bác hiểu không? Bác lắng nghe đi.

Nhà khoa học (ngồi xuống ghế): Mất dân chủ. Tôi sẽ báo cáo lên Quốc hội.

Rễ, chuỗi: Thôi, thôi, tiếp tục đi, mất thì giờ quá.

Nữ chủ tọa (với cử tọa): Yêu cầu bác Hải bình tĩnh. Bác phải hiểu là bác càng phản ứng thì chỉ càng mất điểm thôi đấy. Mời các cụ các bác cho ý kiến tiếp. Mời bác Cử tri 3. 

Cử tri 3: Tôi xin cứ nói ngắn gọn thế này. Bác Hải tự xưng là nhà nghiên cứu. Tôi chả thấy ở đâu có cái chức danh này cả. Nhà nghiên cứu là nghiên cứu cái gì? Làm gì có cái chức danh nào như thế? Mà bác Hải, tôi phải nói là bác Hải rất kiêu ngạo, tự cao tự đại. Bác lại còn định đặt lại tên nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Bác có biết đặt tên nước là việc thiêng liêng thế nào không? Tên nước hàng nghìn đời nay, có muốn đặt lại cũng phải Đảng và Nhà nước mới quyết được, việc trọng đại lắm chứ đùa à mà bác định đặt lại?

Nhà khoa học (đứng phắt dậy, thét lên): Tôi phản đối. Như thế là vu khống!

Nữ chủ tọa (đập bàn): Bác Hải, bác ngồi yên đi. Bác để người dân lên tiếng chứ.

Nhà khoa học: Nhưng bà con không hiểu. Tôi chưa bao giờ đặt lại tên nước cả. Ở đây có sự hiểu lầm…

Nữ chủ tọa: Tôi bảo bác ngồi yên cơ mà?

Nhà khoa học: Những người này là ai? Tôi không biết. Không biết ai trong số họ cả.

Nữ chủ tọa: Cử tri người ta sáng suốt lắm bác ạ. Bác để cho người ta lên tiếng đi. Mời bác Cử tri 3 tiếp tục.

Cử tri 3: Vâng, thì đấy. Tôi chỉ xin nói ngắn gọn là bác Hải rất kiêu ngạo, tự cao tự đại, không gần dân, lại còn cao tuổi nữa thì làm đại biểu Quốc hội làm cái gì?

Rễ, chuỗi (vỗ tay): Đúng rồi, đúng quá đi rồi. Ông Hải nghỉ đi. Già rồi còn đại biểu đại biếc gì.

Phóng viên B (lẩm bẩm): Cái đ. con mẹ, bầu cử hay là đấu tố thế này! (hất mạnh tóc, quệt mũi định tìm cách len về phía bàn chủ tọa) Tớ muốn chửi quá.

Phóng viên A (níu áo phóng viên B): Kiềm chế đi. Đừng nóng.

Phóng viên B: Khác chó gì cải cách ruộng đất ở châu Á thế kỷ 20. Đúng là Việt Nam.

Phóng viên A: Cậu còn nói nữa là lần sau ở nhà đấy nhé.

Nữ chủ tọa: Thưa các bác các cụ, vừa rồi là phần lấy ý kiến cử tri. Sơ bộ cử tri chúng ta đánh giá bác Hải là người nhiệt tình, có tâm huyết. Nhược điểm là bác không gần dân, kiêu ngạo, tự cao tự đại và quá tuổi. Để đảm bảo tính dân chủ của hội nghị, tôi đề nghị chúng ta bỏ phiếu tín nhiệm đối với bác Hải. Các cụ các bác cho ý kiến là ta bỏ phiếu kín hay giơ tay ạ?

Rễ, chuỗi: Giơ tay đi. Giơ tay cho nhanh, còn về.

Nữ chủ tọa: Thôi, để đảm bảo tính khách quan thì tôi xin đề nghị là chúng ta bỏ phiếu kín ạ. Các bác các cụ có nhất trí không ạ? Nếu nhất trí bỏ phiếu kín thì xin giơ tay.

Rễ, chuỗi: Nhất trí.

Nữ chủ tọa: Vầng, thế là nhất trí bỏ phiếu kín. Chúng tôi xin đề cử ba người ở hội đồng kiểm phiếu: Anh H là tổ trưởng, anh I là thư ký, anh K là ủy viên. Ba anh sẽ phát phiếu. Ai không đồng ý bác Hải làm đại biểu Quốc hội thì gạch, ai đồng ý thì không ghi gì cả. Các bác các cụ có nhất trí với thành phần ban kiểm phiếu này không ạ?

Rễ, chuỗi: Nhất trí.

Màn bỏ phiếu kín bắt đầu. Ba người H, I, K phát giấy cho các cử tri, rễ, chuỗi. Hai phóng viên A và B cũng tranh thủ xin hai lá phiếu. Sau chừng 5 phút, ban kiểm phiếu thu lại các phiếu, cho vào thùng mang lên bàn chủ tọa.

Nữ chủ tọa: Bây giờ mời Hội đồng kiểm phiếu sang nhà bên làm việc ạ.

Cử tri 3: Tôi phản đối. Nhỡ mang sang đấy, khuất mắt trông coi, ba thằng chúng nó thay đổi kết quả thì sao?

Nữ chủ tọa: Bác Cử tri 3 bình tĩnh. Vừa nãy lúc tôi hỏi các bác có nhất trí với thành phần Ban kiểm phiếu không, hội nghị đều nhất trí cả cơ mà. Chúng tôi không có quyền can thiệp vào khâu kiểm phiếu.

Rễ, chuỗi: Thôi, vẽ. Nhanh lên còn về. Mấy ông kia mang phiếu sang bên kia kiểm tra đi.

Cử tri 3 (vùng vằng ngồi xuống ghế): Sai nguyên tắc!

Ban kiểm phiếu bê hòm ra ngoài, vừa đi vừa tủm tỉm cười.

Cử tri 4: Tôi xin phép hội nghị, xin phép các cụ các bác cho tôi được có cái ý kiến. Mặt trận Tổ quốc với Ủy ban Nhân dân phường Chương Dương tổ chức cái hội nghị lấy ý kiến cử tri như thế này, tôi thấy rất là dân chủ, cởi mở. Tôi có viết bài thơ gọi là mừng Quốc hội, mừng bầu cử. Trong lúc chờ ban kiểm phiếu làm việc, xin được đọc để các cụ các bác thưởng thức ạ.

Nữ chủ tọa: Vầng, mời bác.

Cử tri 4 (rút trong túi ra một tờ giấy, đọc):

Khóa này mở hội đăng khoa
Toàn quốc phấn khởi cờ hoa tưng bừng
Ta làm nghĩa vụ công dân
Đi bầu chọn lựa, chớ đừng bàng quan.
Nhân dân hồ hởi hân hoan
Thành công các cấp, ta càng mừng vui
Đi bầu các cụ ta ơi!
Vận động con cháu mọi người cùng đi
Chúc cho tất cả cử tri
Đi bầu đúng hạn, đúng kỳ thành công. 
Vần thơ tỏ rõ tấm lòng
Chúng ta xứng đáng con rồng cháu tiên
Dân giàu nước mạnh đi lên
Sánh vai cường quốc, vượt lên hàng đầu.

Xin hết ạ.

Rễ, chuỗi (vỗ tay): Hoan hô, hoan hô…

Nữ chủ tọa: Cảm ơn bác Cử tri 4 đã làm một bài thơ rất xúc động, rất chân thành mừng đón bầu cử Quốc hội. Ban kiểm phiếu vào rồi đây ạ, chúng ta sẽ có kết quả bây giờ…

(dõng dạc đọc) Ủy ban MTTQ phường Chương Dương, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Biên bản kiểm phiếu. Hồi 21h30 ngày… tháng… năm 2011. Địa điểm: Trụ sở phường Chương Dương. Hội nghị cử tri nơi cư trú đã tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm của cử tri đối với ông T, nhà nghiên cứu. Hội nghị đã thống nhất bầu tổ kiểm phiếu gồm các ông H tổ trưởng, ông I thư ký, ông K ủy viên. Hội nghị tiến hành bỏ phiếu kín. Số phiếu phát ra: 100. Số phiếu thu về: 100. Số phiếu hợp lệ: 100. Số phiếu không hợp lệ: 0. Kết quả kiểm phiếu: Ông Hải đã được hội nghị cử tri ở nơi cư trú tín nhiệm với số phiếu 10, tỷ lệ là 10%. Chúng ta nhiệt liệt hoan nghênh kết quả hội nghị.

Rễ, chuỗi (vỗ tay): 10% à. Ối giời ôi, thế thì có mà… Mất mặt quá ông Hải ơi là ông Hải.

Rễ, chuỗi lục tục đứng dậy đi về. Ngoài trời vẫn mưa to. Hai phóng viên A và B đứng ngơ ngẩn. 


Phóng viên A (kéo tay phóng viên B): Đi về đi. Về ngay.

Phóng viên B: Ừ, về thôi.

Phóng viên A: Không còn gì để nói.

Phóng viên B: Ừ, đứng đây thêm một lúc nữa là mình sẽ văng tục mất. Thôi bọn ta về ăn phở đêm. Tớ biết hàng phở này ngon lắm.

Hai phóng viên đi lấy xe máy. Mọi người cũng tản mát về cả. 

Màn hạ

Friday, 5 February 2016

No sign of Hanoi Spring as Vietnam feels the chill

As the party apparatchiks hunkered down in their suits in chilly Hanoi for their great political showdown, I was fleeing terrified in the night in the tropical south of the country.

I leapt onto my motorcycle and sped down small roads between paddy fields as the police closed in on my hotel in a small town near Ho Chi Minh City.

I had gone south to escape mounting repression in Hanoi where the police were tightening their grip in the run up to the big Communist Party congress, the most tense political confrontation that any of us could remember.

I have been accused of no crime, but I’m closely watched by police perhaps because of the independent blog I write, and because of my contacts with human rights and pro-democracy campaigners.

Panic and chaos

Tension had been building for months when, in mid- December, just as the political season got under way, the police swooped on one of Vietnam’s best known government critics, the human rights lawyer Nguyen Van Dai.

He had been badly beaten up by unidentified masked men the week before. Now he and an assistant were taken into custody and charged with employing propaganda against the state.

The arrest caused chaos and panic in the dissident community and the mood continued to darken. The police gathered outside the apartments of some activists, they disrupted meetings of environmental campaigners and staged a massive exercise to display their riot control capabilities.

                                        On the way out – the ambitious premier takes the final salute. Photo courtesy Reuters

One organiser escaped on her bike to her home in the northern mountains, spooked by the more aggressive manner of the police that occasionally tail her.

Other activists, across the country, were attacked in the street by thinly disguised police agents.

Of course, none of this gets mentioned in state controlled media, and most people will barely have noticed the change in atmosphere.

The majority seemed far more interested in discussing the great Hindu epic, Balika Vadhu, currently being shown on TV, than following the ins and outs of Communist Party wrangling – let alone the covert crackdown on bloggers, party critics and civil society activists.

We are marginalised and barely visible in a political system that mobilises great resources to isolate us and deny us space to operate.

For all the bunting, many people remained indifferent to the wrangling in the party.

Some people, of course, did take an interest in the congress, thanks to independent blogs and leaks from rival factions. Many got their first ever glimpse of the battles raging at the highest levels of the party.

I recalled the previous party congresses when I was small. Days before a congress, the national television, VTV, would feed us up every week night with dozens of “revolutionary” movies and documentaries “in celebration of the great political event of our party and country” as they put it.

Nobody buys into it like that any more, and even the party doesn’t bother to make the effort. There were token programmes of stultifying propaganda on tv but somehow the Hindu epic seemed more relevant.

Loud knock on the door

I was expecting to get a break from the oppressive atmosphere of Hanoi in the freewheeling south, where communist party plenums, congresses and central committee meetings feel like they’re taking place on a different planet.

But I was wrong.

There was a loud knock on my hotel door and the hotel manager looked at me with a drawn face and anxious expression.

“You’d better get out quick,” he said, “the police have been badgering all the hotels in the area since you came. They have been showing everyone two photos of you and a written notification that they are searching for you.”

He said that I didn’t look like a criminal to him so he had denied I was there. But he warned they would be back soon to search the rooms and I had to leave immediately.

I packed quickly, thanked the manager – somewhat amazed at his display of southern insouciance – and hit the road.

It was 10 pm. I came off my bike and cut my leg in my panic, but I drove for 20 km or so and somehow found another place to stay.

I heard through friends the next day that I’d better get back to Hanoi quick. The police could keep an eye on me there and would probably ease of. They seemed not to want me “at large” in the country during the congress, even if I was taking a bit of a holiday in the sun.

Hanoi locked down

I was not the only one of course. The apparatus of repression in Vietnam is huge and plays cat and mouse with dissidents to keep them off balance and fearful. Five days before the congress began more than a dozen activists in Ho Chi Minh City were suddenly put under de facto house arrest.

Some others complained about sudden searches of their homes at night to “check the home registration” – a procedure often used by the police to find out whether there is any “stranger”, or guest, staying in a house without previous registration at the local police station.

In Hanoi, the police seemed more confident that they had things locked down, and they relied more on hi-tech devices: Cell phones were heavily tapped and signals were jammed.

Barred from going out, Hoang Dung, a member of the Vietnam Path Movement in Saigon, stayed at home and obsessively monitored Facebook – a platform the government somehow failed to ban and now serves as the prime conduit of information for its 35 million users.

As a political blogger, he was giving his support to the embattled prime minister, Nguyen Tan Dung, whom he thought to be a powerful man committed to reform, even if he is accused of widespread corruption.

Bitter rival

But Hoang Dung, and many others, had backed the wrong horse.

Dung’s last stand at the congress came to nothing and he lost his position not only on the politburo, but the central committee as well.

Quite a fall for a man tipped until recently as the next general-secretary of the party.

His bitter rival, Nguyen Phu Trong, held on to his post as party boss for another term in what many saw as a remarkable comeback for the 72-year-old Marxist-Leninist scholar.

Conflict between different factions of the party can hardly be something new. There have always been rumours. But this congress looked like a particularly fierce competition between the party and state, represented by the incumbent party boss, Nguyen Phu Trong and the premier, Nguyen Tan Dung.

With his cabinet of technocrats, Dung was viewed by many as a “pro-reform” communist. His daughter was married to the son of a former official under the South Vietnamese regime, which added to his reputation as a pro-western politician.

People saw him as good looking and eloquent, able to speak in an impromptu manner without trudging through a prepared script like the other party hacks.

Bloggers arrested

But he also presided over the actions of a police state. During his two terms, the police enjoyed huge power. Many famous bloggers or democracy activists were imprisoned.

Some assumed they were targeted for their resistance to China’s aggression in the South China Sea, but Huy Duc, a well known journalist in the south, told me that they had all stood up against the prime minister and angered him.

Certainly, Dung’s ambition to consolidate his power was an open secret.

After surviving a scandal over economic mismanagement a few years ago he appeared to have turned the tables on the grey party dogmatist, Nguyen Phu Trong. As Dung gained influence more and more bloggers were arrested.

Trong’s comprehensive victory took most people completely by surprise. He had been silent and impassive in the background, not reacting to attacks on him by bloggers and his political opponents. He just ignored all the insults and abuse.

Welcome surprise?

Few seemed to notice that behind the scenes he was carefully calculating his move and knew exactly when and how to strike – essential characteristics for the successful communist leader.

Or was he just lucky? For all the leaks and the speculation, party politics is obscure and byzantine.

Trong may well be wise, but who can believe that such an old style adherent to Marxist-Leninist doctrine will turn out to be a reformer and advocate of more democracy?

So there’s not much hope of a sudden opening up.

But who knows? Nguyen Phu Trong stayed silent for so long and bided his time before surprising us all. Maybe he will surprise again now that he has consolidated power.

It’s a surprise that would be very welcome indeed.